Viêm phế quản cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bích Ngọc

11-02-2025

goole news
16

Viêm phế quản cấp ở trẻ em là một bệnh lý về đường hô hấp khá thường gặp, khó phân biệt với viêm tiểu phế quản và viêm phế quản phổi, đặc biệt là dễ gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Vậy bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em là gì? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết sau. 

Viêm phế quản cấp ở trẻ em là gì?

Viêm phế quản cấp ở trẻ em là tình trạng phế quản bị viêm nhiễm cấp tính. Thông thường, ở lớp niêm mạc của phế quản sẽ có chất nhầy bao phủ, có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan và mô liên quan đến hô hấp. Tuy nhiên, khi bị viêm phế quản cấp, phế quản sẽ bị sưng đỏ và tích tụ nhiều dịch nhầy khiến không khí khó lưu thông. 

Bệnh viêm phế quản cấp sẽ xuất hiện những triệu chứng như ho, khó thở và có cả sốt nhẹ. Khi trẻ mắc bệnh, bệnh sẽ phát triển nhanh chóng, các biểu hiện thường ở mức độ nhẹ và không kéo dài. 

Viêm phế quản cấp ở trẻ khiến phế quản bị sưng tấyViêm phế quản cấp ở trẻ khiến phế quản bị sưng tấy

Vì sao bé bị viêm phế quản cấp?

Hầu hết trẻ khi bị viêm phế quản cấp đều do virus gây ra, ngoài ra có một số tác nhân khác như ký sinh trùng, nấm mốc,... Do là bệnh có khả năng lây nhiễm nên có thể diễn ra quanh năm, khó phòng ngừa tuyệt đối. 

Virus sẽ tấn công từ mũi, di chuyển vào xoang và cổ họng, sau đó lan rộng ở niêm mạc của ống phế quản, từ đó gây ra tình trạng sưng viêm và tăng tiết dịch nhầy. Trẻ dễ mắc bệnh hơn khi vừa khỏi bệnh cảm lạnh hoặc các bệnh viêm nhiễm khác ở các cơ quan thuộc đường hô hấp trên như mũi, miệng, cổ họng. 

Các chủng virus gây bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ có thể kể đến như: 

  • Virus hợp bào hô hấp (RSV). 
  • Virus cúm. 
  • Rhinovirus. 
  • Adenovirus. 

Trong đó, Rhinovirus và Adenovirus là chủng virus gây bệnh thường gặp nhất. Vào các tháng mùa đông, virus cúm, RVS,... có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Còn Rhinovirus dễ mắc vào mùa xuân và và mùa thu. Khi vào hè, trẻ sẽ dễ bị viêm phế quản cấp do Enterovirus gây ra hơn. 

Ngoài ra, trẻ có thể bị viêm phế quản cấp do vi khuẩn gây ra, các loại vi khuẩn có thể gây bệnh như: Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Bordetella pertussis,...

Hầu hết trẻ khi bị viêm phế quản cấp đều do virus gây raHầu hết trẻ khi bị viêm phế quản cấp đều do virus gây ra

Các triệu chứng viêm phế quản cấp ở trẻ em

Viêm phế quản cấp ở trẻ em thường khởi phát đột ngột các triệu chứng nhẹ, sau đó trở nặng nếu không được điều trị đúng cách. Các triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc bệnh như: 

  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi. 
  • Sốt nhẹ, 
  • Đau họng, ho khan, ho có đờm. 
  • Có cảm giác ớn lạnh.
  • Đau mỏi các cơ và toàn thân. 
  • Buồn nôn. 

Các triệu chứng này sẽ giảm dần và biến mất sau 1-2 tuần khi được điều trị đúng cách. Ngoài ra, triệu chứng ho thường diễn ra trong thời gian dài hơn, khoảng 3-4 tuần để khỏi hẳn.

Bệnh viêm phế quản cấp có lây không?

Do bệnh do virus, vi khuẩn gây ra nên có thể dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác, có thể lây trực tiếp hoặc gián tiếp. 

Hầu hết các ca bệnh đều do lây nhiễm trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh. Trẻ khỏe mạnh có thể nhiễm bệnh khi hít phải giọt bắn chứa mầm bệnh khi được phát tán qua ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc dịch đường hô hấp của người bệnh. Do đó, bệnh có thể dễ bùng phát tại các khu vực đông người như trường học, nhà trẻ,...

Một số loại virus và vi khuẩn có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài khá lâu, chúng bám dính vào các bề mặt của đồ vật như mặt bàn, tay nắm cửa, các đồ dùng cá nhân,... Khi trẻ chạm tay vào đồ vật có mầm bệnh sau đó đưa lên mặt thì có thấy gây bệnh viêm phế quản cấp gián tiếp. 

Bệnh có thể dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khácBệnh có thể dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác

Phương pháp chẩn đoán viêm phế quản cấp ở trẻ em

Chẩn đoán viêm phế quản cấp ở trẻ gồm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Qua kết quả khám lâm sàng, bác sĩ nắm được tiền sử bệnh lý và tình trạng sức khỏe của trẻ, sau đó tiến hành chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp. 

Một số phương pháp giúp chẩn đoán bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ thường được áp dụng, bao gồm: 

  • Chụp X-quang ngực: Xác định tình trạng tổn thương do viêm phế quản gây ra và phân biệt bệnh với bệnh viêm phổi. 
  • Đo oxy: Sử dụng thiết bị cảm biến nhỏ để kẹp vào ngón tay hoặc ngón chân của trẻ để đo nồng độ oxy trong máu. 
  • Xét nghiệm sinh học phân tử PCR: Là phương pháp xác định mầm bệnh nhanh chóng qua mẫu bệnh phẩm (dịch tiết đường hô hấp). 
  • Đo chức năng hô hấp: Phương pháp này giúp kiểm tra trẻ có mắc hen phế quản hay không. Một số trẻ mắc nhiều đợt viêm phế quản, kèm ho, khó thở và thở khò khè thì đó có thể mắc hen phế quản. 

Xem thêm:

Phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em

Tùy vào triệu chứng, mức độ bệnh, độ tuổi, tiền sử và sức khỏe của trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nguyên tắc chung trong điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ là giảm triệu chứng:

  • Thuốc kháng sinh: Không dùng trong hầu hết các trường hợp vì bệnh thường do virus gây ra, chỉ sử dụng khi có bội nhiễm vi khuẩn hoặc nguyên nhân do vi khuẩn.
  • Hạ sốt, giảm đau: Dùng acetaminophen hoặc ibuprofen đúng liều bác sĩ hướng dẫn. Không sử dụng Aspirin vì nguy cơ hội chứng Reye ảnh hưởng gan và não.
  • Thuốc trị ho: Không tự ý dùng, đặc biệt với trẻ dưới 4 tuổi. Chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, do thuốc ho, cảm lạnh không kê đơn có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Thuốc kháng histamin: Hạn chế dùng vì có thể làm khô dịch tiết, khiến tình trạng ho nặng hơn.

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dựa vào tình trạng của bệnhBác sĩ sẽ kê đơn thuốc dựa vào tình trạng của bệnh

Một số biến chứng của viêm phế quản cấp ở trẻ

Hầu hết trẻ bị viêm phế quản cấp tính sẽ hồi phục mà không gặp phải biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể tiến triển thành viêm phổi ở trẻ em. Bên cạnh đó, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, trẻ có thể gặp phải các biến chứng tiềm ẩn như: 

  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính
  • Tràn khí màng phổi
  • Tràn khí trung thất
  • Các triệu chứng kéo dài

Cách phòng ngừa viêm phế quản cấp ở trẻ

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là cách tốt nhất để xây dựng một nền tảng sức khỏe vững chắc, vì sữa mẹ không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng lý tưởng mà còn bổ sung nhiều kháng thể quan trọng.

Bên cạnh đó, việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách và tạo thói quen tốt như:

  • Cho trẻ ăn uống đủ chất và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo từng lứa tuổi.
  • Giữ ấm cho trẻ đúng cách, đặc biệt khi thời tiết thay đổi.
  • Tập cho trẻ vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối thường xuyên.
  • Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng khử khuẩn đúng cách, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi và trước khi ăn.
  • Tránh để trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng, hoặc đưa đồ chơi vào miệng.
  • Không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.
  • Rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày để tăng cường sức đề kháng.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng; tránh khói bụi và khói thuốc lá.
  • Khi ra ngoài, cho trẻ đeo khẩu trang và tránh những nơi có dịch bệnh bùng phát hoặc tiếp xúc với người có dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp.
  • Tiêm đầy đủ và tiêm nhắc lại các mũi vắc xin như vắc xin cúm để bảo vệ trẻ khỏi bệnh.

Tiêm phòng vaccine giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh các bệnh về đường hô hấpTiêm phòng vaccine giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh các bệnh về đường hô hấp

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản cấp tính

Ngoài việc tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, chăm sóc đúng cách sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian khỏi viêm phế quản cấp ở trẻ. Một số lưu ý chăm sóc trẻ:

  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, ưu tiên thức ăn mềm, giàu vitamin như rau xanh, trái cây.
  • Trẻ cần nghỉ ngơi đủ, ngủ ngon giúp cơ thể hồi phục nhanh.
  • Giữ ấm đúng cách, điều chỉnh nhiệt độ phòng vừa phải.
  • Sử dụng máy phun sương để tăng độ ẩm trong phòng, tránh ẩm mốc.
  • Khuyến khích trẻ uống đủ nước để bù nước mất đi.
  • Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác.
  • Đưa trẻ đến bệnh viện nếu có triệu chứng nặng như sốt cao, khó thở, mất nước.

Giữ ấm trẻ đúng cách, đặc biệt trong thời tiết lạnh hoặc giao mùaGiữ ấm trẻ đúng cách, đặc biệt trong thời tiết lạnh hoặc giao mùa

Viêm phế quản cấp ở trẻ em là bệnh thường gặp, chủ yếu do virus gây ra, gây viêm nhiễm đường hô hấp. Dù phần lớn trường hợp nhẹ và tự khỏi, nhưng việc chăm sóc đúng cách giúp trẻ hồi phục nhanh chóng và tránh biến chứng nguy hiểm. 

Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em. Cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Nếu Quý khách còn thắc mắc về bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được nhân viên hỗ trợ nhanh chóng.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

190

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám