Trẻ bị viêm phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh

Nguyễn Mai Phương

09-03-2022

goole news
16

Viêm phế quản là một trong những bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch non nớt. Ngoài các triệu chứng sổ mũi, ho, sốt hay khó thở, bệnh còn có thể gây ra biến chứng khiến trẻ suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Viêm phế quản là bệnh gì? 

Viêm phế quản (Sưng cuống phổi) là tình trạng nhiễm trùng các đường dẫn không khí tới phổi - được gọi chung là phế quản.

Hậu quả phế quản sưng nề, tăng tiết nhiều dịch nhầy khiến quá trình lưu thông không khí trong cơ thể bị cản trở. Gây ra hiện tượng khó thở, thở rít, ho.

Hình ảnh so sánh phế quản của trẻ khi khỏe mạnh bình thường và khi bị viêm nhiễm

Hình ảnh so sánh phế quản của trẻ khi khỏe mạnh bình thường và khi bị viêm nhiễm.

Trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Thường khi trẻ bị cảm lạnh, đau họng, cảm cúm hay nhiễm trùng xoang mũi thì virus gây bệnh có thể xâm nhập vào phế quản. Bệnh chia thành 2 dạng chính: Cấp tínhmạn tính. Đa số trường hợp trẻ viêm phế quản cấp tính sẽ tự khỏi bệnh sau khoảng 3 tuần mà không cần điều trị. Còn nếu trẻ bị viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài từ vài tháng tới nhiều năm.  

Nguyên nhân viêm phế quản ở trẻ em 

Cũng giống như nhiều bệnh viêm đường hô hấp khác. Trẻ bị viêm phế quản thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng chủ yếu thường do virus. 

Viêm phế quản do virus gây ra 

Những năm đầu đời, khi hệ miễn dịch của trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển hoàn thiện thì rất dễ bị virus xâm nhập. Theo thống kê, các ca bệnh được phát hiện nhiều nhất là trẻ em 1 tuổi. Với nguyên nhân phổ biến là do virus influenza. Một số virus gây bệnh khác cũng hay được nhắc đến như: 

- Virus hợp bào hô hấp RSV.

- Virus parainfluenza (gây viêm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới).

- Sởi. 

- Adenovirus (có thể gây co thắt phế quản và phổi, dẫn đến hoại tử phổi). 

- Virus cúm. 

Đây là virus influenza - nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm phế quản.

Đây là virus influenza - nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm phế quản.

Bên cạnh virus thì bệnh viêm phế quản ở trẻ cũng không ngoại trừ nguyên nhân bị nhiễm khuẩn. Các vi khuẩn chính gây bệnh gồm: Liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn,... Chúng hoạt động mạnh trong môi trường ô nhiễm, thời tiết lạnh và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể trẻ qua tiếp xúc hoặc không khí.  

Do dị ứng 

Niêm mạc phế quản ở trẻ nhỏ tương đối nhạy cảm với tình trạng dị ứng. Chỉ cần một vài kích thích nhỏ ở đường hô hấp trên; niêm mạc phế quản sẽ phải đáp ứng quá mức dẫn tới viêm nhiễm. Viêm phế quản loại này biểu hiện thường gặp là ho, khò khè giống hen và có thể tái phát.

Do yếu tố môi trường sống tác động 

Trẻ bị viêm phế quản khó thở cũng có thể là hậu quả của việc sống trong môi trường ô nhiễm không khí; thường xuyên hít phải bụi bẩn, thuốc lá, hơi độc khác. Khi đó, các vi sinh vật, mầm bệnh có cơ hội sinh sôi và xâm nhập vào hệ hô hấp của trẻ gây bệnh. Sống trong môi trường này lâu dài. Bệnh viêm phế quản rất dễ trở thành mạn tính.  

Yếu tố cơ địa 

Cùng với hệ miễn dịch đang hoàn thiện. Thì một số yếu tố cơ địa dưới đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản ở trẻ: 

- Trẻ có cơ địa dị ứng (dị ứng đạm sữa bò, dị ứng nhụy hoa, thức ăn,...).

- Có bố mẹ bị hen suyễn. 

- Cơ địa thừa cân, béo phì.

Biến chứng của các bệnh lý 

Viêm phế quản đôi khi cũng xảy ra do biến chứng của các bệnh lý khác. Hay gặp nhất là trường hợp trẻ bị viêm tai giữa, viêm họng hạt, cảm cúm, cảm lạnh,... Bệnh kéo dài hoặc thấy con ốm bố mẹ lo lắng cho con dùng kháng sinh; khiến sức đề kháng của trẻ suy giảm, virus càng dễ dàng tấn công, gây bệnh.  

Triệu chứng viêm phế quản ở trẻ 

Thực tế cho thấy sau khoảng 24 - 72 giờ tiếp xúc với mầm bệnh viêm phế quản. Trẻ mới xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Dấu hiệu nhận biết bệnh thường không rõ ràng mà rất giống với những bệnh lý đường hô hấp khác, nhất là ở trẻ sơ sinh. Vậy trẻ bị viêm phế quản có biểu hiện gì?

Ho dai dẳng 

Cơn ho bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn khởi phát bệnh và kéo dài từ 2 - 3 tuần. Ngay sau đó, trẻ sẽ có cảm giác đau rát tại cổ họng. Xuất hiện nhiều đờm màu xanh hoặc xanh hơi vàng. Những cơn ho hay xuất hiện vào đêm và sáng sớm. Kèm theo đó là trẻ bị sốt nhẹ, sổ mũi, hắt hơi, đau ngực, mệt mỏi.  

Ho dai dẳng là dấu hiệu đặc trưng nhận biết bệnh viêm phế quản ở trẻ.

Ho dai dẳng là dấu hiệu đặc trưng nhận biết bệnh viêm phế quản ở trẻ.

Sốt cao  

Hầu hết trẻ bị viêm phế quản đều xuất hiện sốt. Trong giai đoạn khởi phát thì trẻ chỉ sốt nhẹ. Nhưng ở giai đoạn toàn phát sẽ chuyển sang sốt cao; có trường hợp sốt rất cao lên đến 40 độ C kèm theo thở khò khè, khó thở. Bố mẹ cần theo dõi sát sao, hạ sốt cho trẻ. Tránh trường hợp trẻ sốt li bì, co giật, thậm chí là hôn mê nếu không được hạ sốt kịp thời.  

Các triệu chứng khác có thể gặp phải 

Ngoài triệu chứng ho dai dẳng và sốt thường gặp. Trẻ bị mắc bệnh viêm phế quản có thể kèm theo dấu hiệu sau: Giọng khàn, bị chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, sưng hạch bạch huyết; mắt đỏ, phát ban, thở khó co thắt lồng ngực, rối loạn tiêu hóa, nôn trớ,...  Các triệu chứng này khiến trẻ thêm mệt mỏi và biếng ăn. Người lớn cần chú ý bổ sung dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ tăng đề kháng mau khỏi bệnh. 

Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm phế quản ở trẻ em 

Tuy nói bệnh viêm phế quản có thể tự khỏi. Nhưng nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường không được phát hiện kịp thời, điều trị dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Viêm phế quản bít tắc, hen phế quản, viêm phổi, xẹp phổi,...  

Viêm phế quản mạn tính

Như đã nói ở trên, viêm phế quản có hai dạng là viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn tính (biến chứng của viêm phế quản cấp). Nếu trẻ chỉ  bị viêm phế quản cấp thì không gây ra các vấn đề về hô hấp lâu dài. Nhưng ngay lúc đó, niêm mạc đường hô hấp vẫn có thể đang bị tổn thương, kéo dài khoảng 3 - 4 tháng. Dẫn tới trẻ bị viêm phế quản mạn tính, tái phát thường xuyên và việc điều trị càng trở nên khó khăn. Thêm nữa, tình trạng viêm phế quản mạn tính cũng ảnh hưởng nặng nề hơn tới sự phát triển thể chất tương lai của trẻ.  

Bệnh viêm phổi

Viêm phổi ở trẻ nhỏ được xếp vào nhóm bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Nó khiến trẻ nhanh chóng chuyển vào trạng thái suy hô hấp; khó thở kèm sốt cao khó hạ. Trẻ bị viêm phổi sớm cũng khiến hệ miễn dịch suy giảm nhanh chóng. Và trong tương lai đường hô hấp cũng kém hơn các trẻ bình thường khác. Vì thế, bố mẹ đừng chủ quan nghĩ rằng viêm phế quản có thể tự khỏi mà không chú ý điều trị tích cực triệt để cho con dẫn tới biến chứng viêm phổi.

Bệnh áp xe phổi

Một số phụ huynh vẫn tự hỏi trẻ bị viêm phế quản có nguy hiểm không thì đây chính là câu trả lời. Nếu bố mẹ không biết cách chăm sóc và điều trị kịp thời, bệnh tiến triển thành áp xe phổi (nhiễm trùng phổi) khiến phổi sưng tấy, có mủ cực kỳ nguy hiểm. Có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị với phác đồ phù hợp.  

Xẹp phổi, suy hô hấp

Trẻ bị viêm phế quản lâu ngày có thể dẫn tới biến chứng xẹp phổi. Do đường hô hấp của trẻ bị bít tắc. Kèm theo đó là tình trạng suy hô hấp xuất phát từ việc niêm mạc phế quản phù nề; đường thở tắc nghẽn khiến trẻ bị thiếu oxy, tăng CO2 trong máu. Khi bị suy hô hấp trẻ sẽ có các biểu hiện như: Thở gấp, rút lõm lồng ngực, tím tái. Bố mẹ nên nhớ suy hô hấp ở trẻ thường diễn tiến xấu rất nhanh và gây ra tử vong. Nên cần theo dõi sát sao và đưa con đi cấp cứu kịp thời. 

Tình trạng suy hô hấp do viêm phế quản rất nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Tình trạng suy hô hấp do viêm phế quản rất nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Hen phế quản

Trẻ bị viêm phế quản dạng hen hay còn gọi là hen phế quản cũng là một biến chứng của viêm phế quản cấp. Gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc biệt ở những trẻ bị viêm phế quản tái phát nhiều lần. Có nguy cơ phát triển thành bệnh hen suyễn về sau.  

Suy nhược cơ thể

Việc trẻ bị khó thở, sốt, nôn trớ, nghẹt mũi,... khi viêm phế quản sẽ kèm theo vấn đề sụt cân, suy nhược cơ thể do trẻ ăn kém, ăn được lại nôn. Bởi vậy để tránh biến chứng này, bố mẹ cần chú ý đến các loại thức ăn cho trẻ khi ốm cũng như cách cho trẻ ăn. Với trẻ còn bú mẹ hãy cho trẻ bú bất cứ lúc nào có thể, không bú quá no. Với trẻ đã ăn dặm, trẻ lớn thì nên chia thành các bữa ăn nhỏ. Và cho trẻ ăn các đồ mềm lỏng dễ tiêu hóa, chọn thực phẩm phù hợp sở thích giúp trẻ ăn tốt hơn. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay cả khi trẻ mới khỏi bệnh. Sẽ giúp trẻ mau hồi phục và hệ miễn dịch được củng cố.  

Cách điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ 

Trẻ bị viêm phế quản bao lâu thì khỏi, điều trị viêm phế quản như thế nào? - Có lẽ là thắc mắc của nhiều phụ huynh đang chăm con nhỏ. Nhất là khi con bị bệnh. Thực ra, bệnh viêm phế quản cấp thông thường thì sẽ tự cải thiện trong vòng 1 - 3 tuần mà không cần uống thuốc gì. Nếu bố mẹ biết cách hỗ trợ, chăm sóc con. Còn quá trình điều trị bệnh cụ thể như thế nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm phế quản: Do virus, vi khuẩn hay thời tiết,... 

Với trường hợp khác thì việc điều trị chủ yếu vẫn là tập trung giảm triệu chứng, phòng tránh biến chứng; tăng cường miễn dịch cho trẻ tự phục hồi. Riêng trường hợp trẻ bị viêm phế quản do vi khuẩn thì cần dùng kháng sinh điều trị. Lúc này, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh cho trẻ. Việc bố mẹ cần làm là cho con uống thuốc đầy đủ, đúng liều. Không tự ý bỏ thuốc ngay khi vừa thấy triệu chứng của con đã giảm. 

Việc điều trị bệnh viêm phế quản chủ yếu tập trung làm giảm các triệu chứng. Ví dụ, trẻ sốt cao cần hạ sốt.

Việc điều trị bệnh viêm phế quản chủ yếu tập trung làm giảm các triệu chứng, ví dụ, trẻ sốt cao cần hạ sốt.

Khi trẻ sốt cao thường bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc hiệu quả trong giảm đau hạ sốt như: Acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Motrin, Advil) với liều lượng phù hợp theo độ tuổi, cân nặng của trẻ. Chuyên gia Y tế khuyến nghị, bố mẹ không nên cho con uống thuốc aspirin bởi khiến trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Reye nguy hiểm. Nếu trẻ bị viêm phế quản nặng, bác sĩ có thể kê thuốc uống cortisone (dexamethasone) hoặc trẻ hen suyễn sẽ được kê thuốc giãn phế quản, thuốc corticosteroid giảm viêm.

*Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu viêm phế quản phổi ở trẻ em và cách điều trị khỏi dứt điểm

Trẻ bị viêm phế quản trong bao lâu thì khỏi? 

Mỗi trẻ bị viêm phế quản sẽ có thời gian khỏi bệnh không giống nhau bởi khác về nguyên nhân mắc bệnh, sức đề kháng, sự chăm sóc của bố mẹ,... Đa số các trường hợp trẻ thường tự khỏi sau 1-2 tuần, cũng có những trường hợp trẻ khỏi sau 3 tuần được chăm sóc chu đáo. Các triệu chứng ho, sổ mũi biến mất nhanh hơn, còn tình trạng thở khò khè có thể kéo dài hơn. Nên bố mẹ vẫn cần để ý con thật kỹ ngay cả khi cảm giác thấy sức khỏe trẻ đã ổn hơn nhiều. 

Ở những trẻ có sức đề kháng kém hơn như sinh non, có bệnh lý nền, tim bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể,... thì cần hết sức lưu tâm khi trẻ bị viêm phế quản cấp. Bởi hệ miễn dịch kém nên nhóm đối tượng này dễ bị bội nhiễm với các vi khuẩn khác dẫn đến phổi bị tổn thương. Trẻ bị chuyển sang dạng bệnh mạn tính nguy hiểm.  

Chăm sóc bé bị viêm phế quản đúng cách

Có thể thấy rằng trong quá trình điều trị bệnh viêm phế quản hay nhiều bệnh về hô hấp do virus khác ở trẻ nhỏ; sự chăm sóc của bố mẹ đóng một vai trò quan trọng. Ngay từ khi con xuất hiện vài tiếng ho, chơi ít hay bú kém hơn đến lúc con bị các triệu chứng tăng nặng (giai đoạn bệnh toàn phát) rồi khỏe bình thường. Bố mẹ cần chăm sóc, theo dõi sát sao. Với sự bình tĩnh, kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ của bố mẹ chắc chắn con mau khỏi bệnh hoàn toàn hơn. Theo đó, bố mẹ hãy tham khảo một vài gợi ý dưới đây để chăm sóc con bị viêm phế quản đúng cách.  

Cho trẻ uống nhiều nước giúp loãng đờm, trẻ dễ đẩy đờm bên ngoài.

Cho trẻ uống nhiều nước giúp loãng đờm, trẻ dễ đẩy đờm bên ngoài.

- Duy trì hàng ngày việc vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý. Giúp trẻ thông thoáng đường thở, đỡ nghẹt mũi, chảy mũi. Trẻ bị nhiều mũi thì nên hút sạch cho con bằng dụng cụ hút mũi an toàn. Nếu nhà có sẵn máy khí dung, bố mẹ có thể dùng nước muối sinh lý xông mũi họng để đường thở sạch sẽ, con dễ thở hơn. Đây là bước quan trọng khi chăm sóc trẻ viêm phế quản, giúp trẻ mau khỏi bệnh.

- Trẻ bị sốt cần được chườm ấm tại các vị trí trán, nách, bẹn sẽ giúp trẻ hạ sốt. Hoặc cho trẻ uống hạ sốt ngay khi thấy con sốt cao trên 38.5 độ C (Liều lượng theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ hoặc mẹ đọc và cho con dùng theo đúng hướng dẫn sử dụng trên bao bì thuốc). 

- Cho trẻ uống nước thường xuyên, nên uống nước ấm. Việc này nhằm giúp đờm nhớt đang gây bít tắc trong cổ họng, đường thở loãng ra và dễ dàng bị tống ra ngoài khi trẻ ho. Đồng thời, uống nước nhiều khi bị viêm phế quản cũng giúp phòng tránh hiện tượng mất nước do trẻ sốt, nôn trớ.  

- Nếu bố mẹ biết cách vỗ rung đờm nên thực hiện để giúp con tống được nhiều đờm ra ngoài hơn, nhanh chóng cảm thấy dễ chịu. Trường hợp không biết cách, không nên miễn cưỡng làm có thể khiến con đau và sợ. 

- Tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh cho con dùng. Bởi đa số các trường hợp viêm phế quản là do virus gây ra, kháng sinh không có tác dụng. Thậm chí khiến trẻ gặp thêm các vấn đề khác. Hơn thế nữa, việc dùng kháng sinh ở trẻ nhỏ cần hết sức thận trọng. Dùng tùy tiện không theo chỉ định của bác sĩ đều có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.  

- Về chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị viêm phế quản: Bố mẹ cần hiểu rõ trẻ bị viêm phế quản nên ăn gì. Bởi yếu tố này cũng tác động không ít đến hiệu quả điều trị. Khi này, bố mẹ nên chọn các loại thực phẩm con yêu thích. Chế biến thành các món lỏng, mềm (súp, cháo, các món ăn cơm nấu kỹ hơn). Nên nêm nếm nhạt hơn bình thường. Bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng ăn quá nhiều muối có thể khiến triệu chứng viêm tăng nặng. Bên cạnh đó, cho con ăn nhiều trái cây, rau xanh để bổ sung vitamin, khoáng chất. Củng cố hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh, trẻ mau khỏe hơn.  

Xịt, hút mũi bằng dụng cụ an toàn cũng là cách giúp trẻ mau khỏi bệnh hơn.

Xịt, hút mũi bằng dụng cụ an toàn cũng là cách giúp trẻ mau khỏi bệnh hơn.

Cách phòng tránh viêm phế quản cho trẻ 

Cùng con xây dựng các thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Vận động thường xuyên tăng đề kháng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để phòng tránh ốm bệnh nói chung, không chỉ riêng bệnh viêm phế quản. Ngay cả trong trường hợp trẻ bị bệnh thì sức đề kháng tốt cũng sẽ mau khỏi hơn. Bên cạnh đó, thực hiện theo vài gợi ý dưới đây cũng giúp con phòng viêm phế quản hiệu quả:

- Nên xịt/nhỏ nước muối vệ sinh đường thở cho trẻ ngay khi vừa đi chơi ở ngoài về.

- Luôn giữ ấm cho trẻ trong những ngày thời tiết lạnh.

- Thường xuyên vệ sinh phòng, đồ chơi của trẻ.

- Không để trẻ ở trong môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc. 

- Tiêm phòng vắc xin cho trẻ theo đúng lịch và đủ loại, trong đó, vắc xin cúm có thể tiêm khi trẻ được 6 tháng tuổi trở đi và nhắc lại hàng năm giúp tránh được một số virus gây bệnh viêm phế quản.

Khi nào cần đưa trẻ bị viêm phế quản đến gặp bác sĩ?

Với trẻ nhỏ, bệnh tình thường chuyển biến xấu rất nhanh nếu không được chăm sóc đúng cách. Đa số phụ huynh sẽ đưa con đi khám ngay khi có hiện tượng ho, sốt, nôn trớ. Nhưng cũng có những bố mẹ cho con ở nhà tự theo dõi và chăm sóc. Để hạn chế hậu quả khó lường cho sức khỏe của trẻ. Bố mẹ hãy lưu ý bắt buộc đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi có một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây:

- Trẻ sốt cao liên tục: Với trẻ sốt cao từ 39 độ trở lên, uống thuốc hạ sốt vẫn không hạ. Hoặc hạ rồi tiếp tục sốt cao, sốt có co giật nên được đi thăm khám ngay. 

- Trẻ bị khó thở, tím tái: Để đánh giá thế nào là khó thở. Bố mẹ hãy đếm nhịp thở của trẻ khi nằm ngủ trong khoảng 1 phút. Hãy thực hiện đếm khoảng 2-3 lần để tăng độ chính xác. Mức độ thở nhanh của trẻ được tính như sau (Theo Tổ chức Y tế thế giới): Trẻ dưới 2 tuổi có nhịp thở từ 60 lần/phút; trẻ từ 2-12 tháng tuổi có nhịp thở từ 50 lần/phút; trẻ từ 1-5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần/phút.  

- Trẻ bị ho nhiều, bỏ bú hoặc không ăn kèm theo ngủ li bì.  

Cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Trẻ bị viêm phế quản có thể chăm sóc và điều trị ngay tại nhà mà không cần đi viện. Tuy nhiên, bố mẹ cần theo dõi con sát sao để phản ứng kịp thời. Khi thấy những biểu hiện trở nặng hoặc kéo dài. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì hay muốn đặt lịch khám với chuyên gia Nhi khoa giàu kinh nghiệm vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

2,216

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám