Viêm thanh khí phế quản là một trong những bệnh lý về đường hô hấp thường gặp, đặc biệt là trẻ em. Bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của bé tuy nhiên bệnh có thể tái phát nhiều lần nếu không được điều trị hợp lý. Vì vậy, cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cùng tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết sau
1. Viêm thanh khí phế quản là gì?
Viêm thanh khí phế quản là bệnh do virus gây ra làm cho thanh quản và khí quản bị phù nề, thu hẹp và tắc nghẽn đường hô hấp. Đây chính là lý do vì sao khi mắc bệnh, người bệnh thường khó thở, thở khò khè.
Vì là bệnh do siêu virus gây ra nên khá dễ dàng lây lan. Tuy nhiên, bệnh này không quá nguy hiểm, các triệu chứng của bệnh nhẹ nên nguy cơ xảy ra biến chứng và tử vong thấp. Khi mắc bệnh, trẻ có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà, chưa tới 10% số ca mắc phải nhập viện để điều trị.
Hầu hết, người mắc bệnh là trẻ em, chủ yếu trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt là trẻ khoảng 2 tuổi. Khi trẻ càng lớn, nguy cơ mắc bệnh càng thấp vì lúc này khí quản đã phát triển nên không thể gây tắc nghẽn đường hô hấp do phù nề. Bệnh có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên phổ biến nhất là vào mùa thu và mùa đông.
Mặc dù là bệnh lý lành tính nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời cũng có thể chuyển nặng, tái phát và tiến triển thành bệnh mãn tính. Lúc này, sẽ khó điều trị hơn do mức độ bệnh khá nặng.
Viêm thanh khí phế quản là bệnh do virus gây ra khiến trẻ bị ho
2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm thanh khí phế quản
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng bệnh thường là do virus gây ra. Thông thường, virus Parainfluenza chiếm tới 70% tổng số ca bệnh. Bên cạnh đó, một số loại virus khác như Adenovirus, RSV, enterovirus, các loại virus cúm,... cũng có thể gây ra các bệnh lý trên. Ngoài virus, vi khuẩn cũng là một trong số nguyên nhân gây ra bệnh nhưng ít khi gặp.
Bệnh này có thể tái phát nhiều lần do không được điều trị đúng cách và dứt điểm. Đồng thời, các yếu tố dị ứng cũng có khả năng làm tăng nguy cơ khiến bệnh tái phát. Ngoài ra, nếu bị trào ngược dạ dày thì nguy cơ tái phát bệnh cũng khá cao.
3. Phân loại bệnh viêm thanh khí phế quản
Viêm thanh khí phế quản có thể chia thành hai loại
Viêm thanh khí phế quản do virus
Viêm thanh khí phế quản do virus khá phổ biến, chúng có triệu chứng giống với cảm lạnh, xuất hiện tình trạng ho khan, gằn tiếng, thở rít.
Ở mức độ nhẹ, trẻ xuất hiện triệu chứng thở rít, nhất là khi khóc hoặc vận động. Nếu tình trạng thở rít ngay cả khi nghỉ ngơi thì đó có thể là dấu hiệu nặng của bệnh. Bé có thể không ho nhưng vẫn nghe thấy nhiều tiếng rít khi thở.
Đa phần trẻ mắc viêm thanh khí phế quản do virus sẽ sốt nhẹ.
Đa phần các ca mắc viêm thanh phế khí quản là do virus gây ra (khoảng 70% tổng số ca mắc bệnh)
Viêm thanh khí phế quản do co thắt
Co thắt đường hô hấp có thể xảy ra khi bị dị ứng hoặc trào ngược dạ dày. Thường tình trạng này diễn ra đột ngột và vào giữa đêm, ban đầu trẻ ngủ bình thường và sau vài giờ có biểu hiện thở hổn hển.
Hầu hết các trường hợp viêm thanh khí phế quản do co thắt sẽ không có tình trạng sốt mà bệnh tương tự như hen và được điều trị bằng thuốc dị ứng hoặc trào ngược. Bệnh này có khả năng tái phát.
4. Các triệu chứng của bệnh viêm thanh khí phế quản
Ban đầu, khi mới mắc bệnh, trẻ sẽ có những triệu chứng khá giống cảm cúm, sau đó sẽ cảm thấy khó thở và thường nặng dần về ban đêm. Một số triệu chứng của bệnh:
- Ho, hắt xì, có tình trạng sổ mũi và sốt nhẹ ở giai đoạn mức độ nhẹ.
- Tiếng ho sẽ dần trở thành tiếng ho khan.
- Giọng nói dần trở nên khàn khàn.
- Khi hít thở sẽ tạo ra những tiếng rít
- Khi bệnh trở nặng, ngực sẽ lõm vào khi hít thở và trẻ hít thở khó khăn.
Bệnh viêm thanh khí phế quản thường xuất hiện vào ban đêm. Đặc biệt vào đêm thứ 2 hoặc thứ 3, tình trạng bệnh sẽ nhận biết rõ rệt với dấu hiệu thở gấp, co rút lồng ngực,... Nếu nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị tím người và thở nông.
Tình trạng ho, hắt xì xuất hiện ở giai đoạn nhẹ của bệnh
5. Các phương pháp điều trị bệnh
Chăm sóc trẻ bị viêm thanh khí phế quản tại nhà
Để làm giảm các triệu chứng khi mắc bệnh, cha mẹ có thể lưu ý một số cách chăm sóc trẻ tại như như:
- Làm ẩm không khí trong phòng: Trẻ có thể ho nhiều và bệnh trở nặng khi không khí quá khô. Nên sử dụng máy tạo độ ẩm để cho không khí được ẩm, đặc biệt vào mùa đông.
- Cho trẻ uống nhiều nước: Khi đường hô hấp chứa nhiều chất nhầy sẽ làm trẻ ho. Hãy cho bé uống nước ấm để pha loãng dịch nhầy, giảm co thắt và cải thiện tình trạng ho của bé. Có thể thay thế bằng nước hoa quả hoặc sữa.
- Chuẩn bị thuốc ho: Có thể cho bé uống thuốc ho thảo dược để hỗ trợ giảm cơn ho.
- Theo dõi tính trạng bệnh: Nên ngủ chung với trẻ để theo dõi khi trẻ bị mắc bệnh. Không có trẻ tiếp xúc với các tác nhân như: Khói bụi, khói thuốc lá,...
- Hạn chế lây lan: Vì là truyền nhiễm nên viêm thanh khí phế quản có thể lây lan khi tiếp xúc như: Ho, hắt hơi, nói chuyện,...
- Giữ vệ sinh cho trẻ: Nên rửa tay, khử khuẩn cho bé trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
Hình thành thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cho trẻ
Khi nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Bệnh viêm thanh khí phế quản được xem là một bệnh khá lành tính, tuy nhiên nếu trẻ xuất hiện một số biểu hiện sau, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay lập tức:
- Cơ thể trẻ tím tái, trẻ khó thở, khó nuốt.
- Tình trạng thở rít không cải thiện sau khi điều trị và theo dõi tại nhà.
- Tình trạng sốt kéo dài hơn 3 ngày, các triệu chứng của bệnh kéo dài hơn 10 ngày.
Lúc này, bác sĩ sẽ thăm khám và kê đơn thuốc kháng viêm bằng đường uống hoặc tiêm để giảm tình trạng viêm, phù nề trong đường thở, nhờ đó mà trẻ thở dễ dàng hơn.
6. Những biện pháp phòng ngừa bệnh
Phần đa bệnh viêm thanh phế quản đều ở mức độ nhẹ và không gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhưng việc phòng tránh vẫn rất cần thiết. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ mà cha mẹ biết biết như:
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá, nấm mốc độc hại,...
- Tránh cho bé trong không gian độ ẩm quá thấp hoặc quá khô.
- Thường xuyên vệ sinh đường mũi miệng bằng nước muối sinh lý.
- Nên cho bé thường xuyên uống nước để tăng cường độ ẩm cho họng.
- Bổ sung các loại vitamin vào bữa ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh.
- Xây dựng thói quen rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Đưa trẻ đi tiêm vaccine ngừa cúm định kỳ hàng năm.
Bổ sung các loại vitamin vào bữa ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Viêm thanh khí phế quản là một bệnh lý về đường hô hấp thường gặp ở trẻ em, chúng thường sẽ khỏi sau vài ngày hoặc một tuần. Mặc dù vậy, cha mẹ cũng nên chú ý và theo dõi tình trạng bệnh để tránh bệnh trở nặng, tái phát nhiều lần dẫn đến tình trạng mãn tính. Lúc này, bệnh nặng và khó điều trị hơn. Không chỉ vậy, điều này còn ảnh hưởng đến sự phát triển của bé trong tương lai.
Chính vì thế, hy vọng qua bài viết này đã cung cấp các thông tin về bệnh hữu ích cho các bậc phụ huynh. Từ đó, nếu nghi ngờ bé nhà mình mắc viêm thanh khí phế quản hãy đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín, chất lượng để kiểm tra. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một trong những địa chỉ y tế được nhiều cha mẹ lựa chọn để thăm khám và điều trị cho trẻ. Tại đây, trẻ sẽ được các bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hô hấp trực tiếp thăm khám và đưa ra hướng điều trị cụ thể, hiệu quả.