Viêm tiểu phế quản cấp: Mẹo chăm sóc trẻ tại nhà, khi nào cần đi viện?

Phạm Thị Lương

26-07-2023

goole news
16

Viêm tiểu phế quản cấp là bệnh do virus gây ra và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Với các triệu chứng ban đầu giống với cảm cúm, bệnh có thể thoáng qua hoặc nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm.

Viêm tiểu phế quản cấp là gì?

Viêm tiểu phế quản cấp là tình trạng viêm đường hô hấp dưới gây ra bởi virus tác động tới các đường dẫn khí nhỏ ở trong phổi gọi là tiểu phế quản. Các phế quản nhỏ này thường có kích thước dưới 2mm và làm nhiệm vụ kiểm soát luồng không khí trong phổi. Nếu bị virus tấn công, lớp tế bào biểu mô niêm mạc ở tiểu phế quản có thể bị sưng, phù nề, thoái hóa. Đồng thời, tăng tiết dịch nhầy trong các tiểu phế quản gây tắc nghẽn không khí lưu thông, người bệnh cảm thấy khó thở.

Trẻ em dưới 2 tuổi dễ bị viêm tiểu phế quản cấp.Trẻ em dưới 2 tuổi dễ bị viêm tiểu phế quản cấp.

Trẻ em (nhất là trẻ dưới 2 tuổi) là đối tượng dễ bị viêm tiểu phế quản cấp tính nhất, tuy nhiên người lớn vẫn có thể mắc bệnh.

Bệnh viêm tiểu phế quản được chia thành 2 dạng chính:

  • Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh: Chủ yếu do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây nên, ngoài ra còn do virus adeno. Bệnh nặng nếu rơi vào trường hợp bé sinh non tháng, mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc phổi mạn tính, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng,... Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh thường có triệu chứng giống như hen suyễn, trẻ thở khò khè kéo dài khoảng 1 tuần, nếu chăm sóc tốt sẽ giảm dần sau 14 ngày rồi khỏi hẳn. Vì trẻ sơ sinh hệ miễn dịch còn yếu do đó ba mẹ cần lưu tâm và cho trẻ đi khám để được điều trị đúng cách.
  • Viêm tiểu phế quản do tắc nghẽn: Đây là dạng hiếm gặp nhưng lại nguy hiểm và xảy ra chủ yếu ở người lớn. Bệnh có thể để lại sẹo ở tiểu phế quản gây tắc nghẽn đường thở.

Những triệu chứng của viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ 

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em có triệu chứng ban đầu giống như cảm lạnh thông thường nên rất dễ bị nhầm lẫn. Khi bắt đầu phát bệnh, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng gồm:

  • Nghẹt mũi, sổ mũi
  • Ho
  • Sốt nhẹ
  • Trẻ biếng ăn
  • Mệt mỏi, quấy khóc

Sau 1-2 ngày có biểu hiện tương tự cảm lạnh, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Thở khó, thở khò khè
  • Ho nặng tiếng
  • Nghẹt mũi nặng hơn
  • Ăn uống khó khăn, thở mệt

Khi nào cần đưa trẻ bị viêm tiểu phế quản đi khám bác sĩ? Ba mẹ nên chú ý quan sát và đưa bé đến viện luôn nếu thấy có biểu hiện:

  • Nhịp thở tăng nhanh (trên 60 nhịp/phút)
  • Co rút lồng ngực khi trẻ hít vào
  • Bé nằm li bì, khó đánh thức, hôn mê
  • Từ chối uống nước, có biểu hiện khô môi, mắt trũng mất nước
  • Da, môi và móng tay tím tái

Ba mẹ nên quan sát các dấu hiệu bất thường ở trẻ và đưa con đi khám sớm.Ba mẹ nên quan sát các dấu hiệu bất thường ở trẻ và đưa con đi khám sớm.

Nguyên nhân gây ra viêm tiểu phế quản 

Bệnh viêm tiểu phế quản thường do virus gây ra, các virus chủng khác nhau mức độ bệnh cũng khác nhau. Đặc biệt ở trẻ việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị được phù hợp và hiệu quả hơn. Một số chủng virus là yếu tố gây bệnh gồm:

  • Virus hợp bào hô hấp (RSV): Đa số trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp tính là do sự xâm nhập của virus RVS . Chủng virus này phát triển mạnh trong thời tiết lạnh, ẩm. Theo đó virus dễ phát tán và tạo thành dịch bệnh.
  • Adenovirus: Nếu trẻ mắc bệnh do chủng virus này gây ra thường triệu chứng sẽ nặng hơn, bệnh khó điều trị và thời gian điều trị kéo dài hơn. Ngoài ra, bệnh còn có khả năng chuyển biến thành viêm tiểu phế quản tắc nghẽn gây nguy hiểm (type 3,7,21).
  • Virus cúm và á cúm: Đây là cũng là loại virus phổ biến gây viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ, chiếm khoảng 25% tổng số trẻ mắc bệnh.
  • Một số chủng virus khác như: Parainfluenza virus, Human Metapneumovirus, Rhinovirus, Enterovirus,...

Viêm tiểu phế quản cấp có nguy hiểm không? Bệnh chủ yếu mắc ở trẻ dưới 2 tuổi, nhất là trẻ từ 3-6 tháng tuổi, nếu không được điều trị đúng cách và phát hiện dấu hiệu nặng theo dõi tại viện có thể khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần và gây biến chứng nguy hiểm như:

  • Suy hô hấp cấp
  • Tràn khí màng phổi
  • Viêm phổi
  • Xẹp phổi
  • Biến chứng viêm tai giữa
  • Chuyển hen phế quản

Bệnh thậm chí gây tử vong cho trẻ nếu triệu chứng nặng mà ko được điều trị kịp thời và chăm sóc đầy đủ.

Đặc biệt, bệnh có nguy cơ nặng lên nếu trẻ nằm trong số các trường hợp như:

  • Trẻ sinh non
  • Trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng
  • Suy hô hấp sơ sinh
  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi
  • Mắc các bệnh bẩm sinh như: bệnh tim, bệnh phổi
  • Trẻ bị hội chứng Down, Hội chứng Werdnig – Hoffman
  • Suy giảm miễn dịch
  • Sống trong vùng đang bùng phát dịch bệnh do virus RSV gây ra,...

Viêm tiểu phế quản có thể biến chứng suy hô hấp ở trẻ.Viêm tiểu phế quản có thể biến chứng suy hô hấp ở trẻ.

Những nguyên tắc khi điều trị trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp

Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em vẫn chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị hiện tại đều dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Điều trị làm giảm nhẹ các triệu chứng xuất hiện
  • Ngăn chặn nguy cơ biến chứng có thể xảy ra
  • Bù nước và điện giải nếu trẻ sốt cao
  • Hỗ trợ việc hô hấp, cung cấp oxy

Nếu viêm tiểu phế quản cấp không bội nhiễm vi khuẩn thường sẽ không phải dùng đến thuốc kháng sinh. Thay vào đó, cần kết hợp nhiều biện pháp điều trị, chăm sóc trẻ khác nhau. Hơn nữa, khi trẻ mắc bệnh, ba mẹ không được tự ý cho trẻ uống thuốc khi chưa được kê đơn từ bác sĩ vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Đặc biệt nếu có các dấu hiệu nặng lên cần cho trẻ đi khám ngay để nhận biết sớm nếu có nguy cơ bội nhiễm. Viêm tiểu phế quản bội nhiễm tức là xuất hiện thêm virus mới gây viêm nhiễm trùng khác bên cạnh virus gây bệnh lý chính trước đó. Khi gặp tình trạng bội nhiễm, việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều và tốn thời gian hơn để trị dứt điểm.

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm việc điều trị sẽ khó khăn và kéo dài.Viêm tiểu phế quản bội nhiễm việc điều trị sẽ khó khăn và kéo dài.

Phương pháp điều trị viêm tiểu phế quản cấp

Tùy vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của bệnh, trẻ có thể được điều trị ngoại trú hoặc cần phải nhập viện để được điều trị tích cực.

Điều trị ngoại trú

Nếu các dấu hiệu mắc bệnh của trẻ ở mức độ nhẹ, mẹ vẫn nên đưa bé đi khám để bác sĩ kê đơn thuốc và hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản tại nhà với các lưu ý sau:

  • Uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn về liều lượng nếu sốt cao trên 38,5 độ C.
  • Uống nhiều nước ấm và có thể uống thêm giảm ho theo chỉ định của bác sĩ.
  • Dùng nước muối sinh lý ấm để vệ sinh mũi cho trẻ.
  • Thay đổi chế độ ăn bằng các đồ mềm, dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn và không ép bé ăn tránh trẻ nôn trớ và quấy khóc.
  • Cho trẻ uống thuốc đủ liều và hết liều chỉ định của bác sĩ.
  • Theo dõi sát các biểu hiện nếu nặng hơn cần đưa trẻ nhập viện.
  • Tái khám định kỳ để bác sĩ xác định tình trạng bệnh.

Bạn nên cho trẻ uống thuốc đủ liều theo bác sĩ chỉ định.Bạn nên cho trẻ uống thuốc đủ liều theo bác sĩ chỉ định.

Điều trị nội trú

Nếu các triệu chứng của viêm tiểu phế quản trở nên tồi tệ hơn hoặc trẻ nằm trong nhóm trẻ nguy hiểm khi mắc bệnh thì cần được điều trị nội trú tích cực với các phương pháp như:

  • Điều trị hỗ trợ: Bác sĩ sẽ hút đờm làm thông đường thở, cho thở oxy tùy từng trường hợp hoặc dùng thuốc giãn phế quản nếu cần thiết. Ngoài ra có thể bù điện giải, đối với vấn đề dinh dưỡng có thể chỉ định đặt ống thông dạ dày, nuôi ăn qua sonde dạ dày hay nuôi ăn qua đường tĩnh mạch tùy từng trường hợp cụ thể.
  • Điều trị biến chứng: Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc bị nhiễm trùng kháng sinh là điều cần thiết cho trẻ khi điều trị.
  • Theo dõi trong thời gian điều trị: Các dấu hiệu sinh tồn của trẻ sẽ được theo dõi sát sao để phát hiện sớm biến chứng có thể xảy ra.

Cách phòng tránh viêm tiểu phế quản cấp cho trẻ

Là bệnh thường gặp nhất là khi môi trường lạnh và ẩm virus dễ phát tán, xâm nhập nên việc phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản cấp tính cần được ba mẹ thực hiện theo các cách sau:

  • Vệ sinh môi trường sống và vui chơi của trẻ luôn sạch sẽ
  • Tránh để bé tiếp xúc với nơi nhiều khói bụi, khói thuốc lá
  • Không để trẻ tiếp xúc gần với người đang có dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp
  • Tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng hàng ngày
  • Nhỏ nước muối sinh lý ấm vào mũi cho trẻ nhất là trẻ sơ sinh
  • Tiêm đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh
  • Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh.

Tiêm vắc xin đúng và đủ là cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.Tiêm vắc xin đúng và đủ là cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.

Bé bị viêm tiểu phế quản cấp bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào biểu hiện và mức độ bệnh cũng như miễn dịch của từng bé, tuy nhiên trẻ thường dứt bệnh sau 14 ngày. Ba mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách để bé nhanh lành bệnh.

Nếu có dấu hiệu nặng lên hoặc ba mẹ không yên tâm, còn thắc mắc điều gì có thể nhận tư vấn miễn phí với bác sĩ đầu ngành chuyên khoa Nhi của bệnh viện Phương Đông theo số hotline 19001806 hoặc để lại thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám để đặt lịch khám.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,060

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

Bác sĩ CKII

PHI NGA

TRƯỞNG KHOA NHI
19001806 Đặt lịch khám