Tổng quan kiến thức về viêm tuyến giáp bạn cần biết

Dương Minh Ngọc

21-06-2022

goole news
16

Viêm tuyến giáp phá huỷ các tế bào tuyến giáp, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin tổng quát cho bạn đọc biết rõ về bệnh này.

Viêm tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ tiết ra nhiều loại hormone có nhiệm vụ kiểm soát quá trình chuyển hoá và các phản ứng cảm xúc. Viêm tuyến giáp là tình trạng phản ứng viêm, sưng ở vùng tuyến giáp, có thể xảy ra trên bướu giáp hoặc tuyến giáp bình thường. Tuyến giáp bị viêm khiến các hormone được tiết ra quá nhiều (gọi là cường giáp) hoặc quá ít (gọi là suy giáp) tuỳ thuộc vào từng giai đoạn viêm.

Tình trạng viêm tuyến giápTình trạng tuyến giáp bị sưng tấy

Tình trạng tuyến giáp bị viêm thường diễn ra qua 3 giai đoạn: 

  • Giai đoạn cường giáp: Là tình trạng tuyến giáp nhiễm độc, bị viêm và tiết ra quá nhiều hormone.
  • Giai đoạn suy giáp hay còn gọi là nhược giáp: Là tình trạng tuyến giáp không có đủ hormone để giải phóng sau một thời gian dài tiết ra quá nhiều hormone. Tình trạng này dẫn đến thiếu hormone hoặc suy giáp. 
  • Giai đoạn hồi phục, bình giáp: Sau giai đoạn cường giáp, tuyến giáp có thể ổn định tạm thời trước khi sang giai đoạn suy giáp hoặc có thể trở lại hoàn toàn sau khi bị viêm.

Các loại viêm tuyến giáp

Tuyến giáp bị viêm được chia thành các loại sau:

  • Viêm tuyến giáp mãn tính (Viêm tuyến giáp Hashimoto): Hay còn gọi là bệnh Hashimoto (đặt theo tên vị bác sĩ người Nhật phát hiện ra căn bệnh này), thường gặp ở người trưởng thành. Loại viêm này phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng suy giáp bởi nó sinh ra những kháng thể rồi tấn công vào tuyến giáp. Bệnh Hashimoto diễn ra âm thầm và phá huỷ tuyến giáp dần dần nên đa số người bệnh không để ý tới các triệu chứng. Đến khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng nội tiết tố sẽ dẫn đến suy giáp và bướu cổ. Bệnh này có tính chất di truyền, thường gặp ở phụ nữ ở tuổi mang thai hoặc phối hợp với một số bệnh khác như đái tháo đường, viêm khớp,...

Hình ảnh viêm tuyến giáp HashimotoHình ảnh viêm tuyến giáp Hashimoto

  • Viêm giáp bán cấp: Cũng là một dạng thường gặp, hay xuất hiện sau khi người bệnh bị viêm đường hô hấp trên hoặc viêm hầu họng. Viêm giáp bán cấp có 2 thể:
  • Thể đau dữ dội: Tuyến giáp sưng, toàn bộ vùng cổ đau tấy dữ dội, người bệnh cảm thấy khó nuốt, hạn chế vận động cổ,... Bệnh nhân dùng aspirin hoặc hoặc các thuốc chống viêm giảm đau khác để điều trị.
  • Thể không đau: Tuyến giáp có sưng nhưng không gây đau, thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh trong vòng 1 năm. Loại này có xu hướng tái phát ở những lần sinh sau.
  • Viêm tuyến giáp cấp: Người mắc thường thấy mệt mỏi, vùng cổ sưng nóng, đỏ, đau và sốt cao, cần được điều trị bằng kháng sinh liều cao và chích tháo mủ.

Dấu hiệu tuyến giáp bị viêm cần biết

Bệnh này tuy không nguy hại đến tính mạng người mắc nhưng chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. So với bướu cổ đơn thuần, tình trạng này được ít người biết đến nên dễ bỏ qua nhiều triệu chứng. Nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu tuyến giáp bị viêm giống bệnh lý thông thường khác. Đến khi phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn và mất thời gian.

Khó nuốt là một trong những dấu hiệu của viêm ở tuyến giápKhó nuốt là một trong những dấu hiệu của tuyến giáp bị viêm

Chủ yếu khi tuyến giáp của người bệnh bị viêm thường có biểu hiện phụ thuộc vào thể viêm và giai đoạn viêm.

  • Viêm cấp tính: Người bệnh có biểu hiện sốt, ớn lạnh, đau đầu mệt mỏi, đau xung quanh cổ lan tới tai, khó nuốt, khó nói và tuyến giáp có thể hình thành khối áp xe.
  • Viêm bán cấp dạng u hạt bán cấp: Triệu chứng giai đoạn cấp tính kéo dài khoảng 4-8 tuần, người bệnh trải qua các triệu chứng như đau cơ, đau họng, mệt mỏi, về sau bị sụt cân, tim đập nhanh và ra nhiều mồ hôi,... Sau một thời gian, tuyến giáp thu nhỏ lại và trở về trạng thái bình thường.
  • Viêm tuyến giáp Lympho bào bán cấp: Bướu giáp sưng to nhưng không đau, người bệnh thấy sụt cân bất thường, toát nhiều mồ hôi, đánh trống ngực,... Sau đó sang giai đoạn bình giáp và suy giáp, người bệnh sẽ thấy mạch chậm, không chịu được lạnh, da khô dần,...
  • Viêm tuyến giáp Hashimoto: Bướu giáp sưng to nhưng không đau, chỉ thấy vướng và nghẹn khi nuốt. Giai đoạn đầu không biểu hiện triệu chứng bệnh, đến khi muộn người bệnh thấy sợ lạnh, mạch chậm, táo bón,...
  • Viêm tuyến giáp Riedel: Cổ người bệnh to theo từng năm, không đau, khó nuốt, khó thở. Tuyến giáp sờ thấy cứng, toàn thân không có biểu hiện rõ ràng.

Nguyên nhân gây viêm ở tuyến giáp

Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là kháng thể kháng tuyến giáp. Bên cạnh đó tình trạng viêm này còn do các yếu tố khác tấn công tế bào tuyến giáp, khiến vùng này bị tổn thương. Giới y học trên thế giới hiện nay cũng chưa tìm ra nguyên nhân hình thành các kháng thể này. Còn một số yếu tố tấn công tế bào tuyến giáp có thể kể đến:

  • Nhiễm vi khuẩn, nhiễm trùng virus, hoặc bị các vi sinh vật gây bệnh khác tấn công.
  • Tia bức xạ từ bên ngoài, có thể do xạ trị ung thư hoặc iốt phóng xạ.
  • Viêm do thuốc amiodarone, interferon, lithium, cytokine,…
  • Viêm tuyến giáp tự miễn, chính người bệnh sản sinh ra các kháng thể chống lại tuyến giáp.

Viêm tuyến giáp có thể do thuốcTuyến giáp bị sưng và viêm có thể do thuốc. (Ảnh minh hoạ)

Chẩn đoán và điều trị bệnh bằng phương pháp nào?

Chẩn đoán lâm sàng bệnh tình trạng tuyến giáp bị viêm tương đối khó, đặc biệt là người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nhiều người thấy đau nên tự dùng kháng sinh và thuốc giảm đau trước khi tới bệnh viện để thăm khám. Tại bệnh viện, bệnh nhân được bác sĩ hỏi về các triệu chứng, tiền sử mắc bệnh và các loại thuốc đã dùng. Sau đó, người bệnh được yêu đầu tiến hành một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone tuyến giáp (T3, T4) trong máu cho kết quả người bệnh mắc loại viêm giáp nào, từ đó bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp.
  • Xét nghiệm kháng thể tuyến giáp: Nhằm đo nồng độ kháng thể kháng giáp (TPO) hoặc kháng thể kích thích thụ thể tuyến giáp (TRAb).
  • Tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Để kiểm tra tình trạng viêm.
  • Siêu âm: Giúp bác sĩ phát hiện sự tăng trưởng bất thường và mật độ của tuyến giáp, sự thay đổi của lưu lượng máu.

siêu âm tuyến giáp tại bệnh viện Phương ĐôngSiêu âm tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Sau khi xác định được loại viêm và giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị những phương pháp để điều trị viêm phù hợp với người bệnh. Nhiều người lo lắng viêm tuyến giáp có chữa khỏi không? Hầu hết tiên lượng những người bị tổn thương tuyến giáp đều khỏi bệnh và hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Đối với viêm cấp tính, bệnh nhân thường điều trị bằng thuốc kháng sinh, rạch và dẫn mủ nếu tuyến giáp có dấu hiệu ổ áp xe.

Với những loại viêm khác, bệnh nhân được điều trị dựa trên giai đoạn bệnh:

  • Giai đoạn cường giáp: Dùng thuốc giảm triệu chứng, thuốc chống viêm aspirin hoặc ibuprofen để ngắt đơn đau, thuốc chẹn beta để giảm triệu chứng run tay chân, mồ hôi ra nhiều, tim đập nhanh,...
  • Giai đoạn suy giáp: Có thể dùng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp.

Phẫu thuật thường áp dụng khi người bệnh có bướu giáp to, không trở lại hoàn toàn như trước, vùng cổ bị chèn gây khó thở, khó nuốt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như chức năng vận động và sinh hoạt hàng ngày.

Cách phòng ngừa để tuyến giáp không bị viêm

Tình trạng tuyến giáp bị viêm không đe dọa đến tính mạng và hoàn toàn có thể chữa khỏi nhưng không nên vì thế mà mọi người chủ quan. Tình trạng sưng tấy ở tuyến giáp có thể kéo dài theo thời gian khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh đi xuống nghiêm trọng, đặc biệt là phụ nữ đang ở tuổi sinh nở. Với bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh, cần tuân thủ đúng chỉ dẫn điều trị để nhanh chóng bình phục.

Một số cách để phòng ngừa và phát hiện sớm vấn đề ở tuyến giáp mọi người có thể làm:

  • Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học, phù hợp với thể trạng. Bổ sung thực phẩm để tăng hệ miễn dịch, hạn chế để virus, vi khuẩn tấn công cơ thể.
  • Tránh để stress, lo âu.
  • Tập thể thao thường xuyên.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, nhất là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp ngăn ngừa diễn biến bệnh trở nặng và tránh ảnh hưởng tâm lý.

Khám sức khoẻ định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Phương ĐôngKhám sức khoẻ định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Mong rằng với những thông tin trên, bạn đọc sẽ hiểu biết hơn về bệnh viêm tuyến giáp. Tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đang triển khai Gói khám bệnh lý viêm tuyến giáp tại nhà. Gói khám giúp người bệnh được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm nhằm chẩn đoán bệnh tiết kiệm chi phí và thời gian. Nếu bạn có thắc mắc nào về sức khỏe hay Gói khám, liên hệ tổng đài 1900 1806 để được hỗ trợ thêm.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,888

Bài viết hữu ích?

Chủ đề tuyến giáp

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám