Bướu tuyến giáp: Dấu hiệu nhận biết bướu lành, bướu độc và cách phòng ngừa

Dương Minh Ngọc

21-06-2022

goole news
16

Các dấu hiệu của bệnh bướu tuyến giáp (bướu cổ) thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác. Khi có biểu hiện rõ nét, người mắc nhận ra thì bệnh đã chuyển biến nặng. Theo dõi bài viết dưới đây để biết rõ hơn về bệnh bướu cổ.

Bướu tuyến giáp là gì?

Bướu tuyến giáp hay còn gọi là bướu cổ hoặc bướu giáp là tình trạng phì đại bất thường của tuyến giáp - cơ quan nội tiết giống hình con bướm nằm ở đáy cổ ngay dưới yết hầu. Bướu thường không gây đau đớn nhưng ở kích thước lớn có thể gây khó chịu cho người bệnh mỗi khi nuốt và thở. Một số trường hợp đặc biệt là bướu giáp chìm (bướu cổ nhưng ở trong lồng ngực sau xương ức và ở dưới lưỡi). 

Bướu tuyến giáp đang trở thành bệnh khá phổ biến trong những năm gần đây ở Việt NamBướu tuyến giáp đang trở thành bệnh khá phổ biến trong những năm gần đây ở Việt Nam

Bệnh bướu cổ ít biểu hiện rõ ràng khiến nhiều người bỏ qua và không phải ai bị bướu tuyến giáp đều có xuất hiện triệu chứng. Dấu hiệu rõ ràng nhất mà hầu hết những bệnh nhân bị bướu tuyến giáp thường gặp là cổ phồng to. Một số biểu hiện khác của bệnh như là: 

  • Rối loạn chức năng tuyến giáp như suy hoặc cường giáp. Dấu hiệu nhận biết bị suy giáp là: Người mệt mỏi, trí nhớ giảm sút, táo bón, da khô và rất nhạy cảm với khí lạnh. Đối với bệnh nhân bị cường giáp sẽ gặp phải một số triệu chứng như: Cơ thể mệt mỏi, hay thấy bồn chồn, giảm cân, tim đập nhanh, ra mồ hôi và đi tiểu nhiều.
  • Trong cổ họng cảm giác như bị siết chặt. Mỗi khi nuốt người bệnh sẽ thấy trong họng khó chịu, cảm giác như có cái gì đó bị vướng thậm chí không nuốt được.
  • Ho nhiều và bị khàn tiếng.
  • Một số triệu chứng không rõ nét khác như: Căng thẳng, hồi hộp, thi thoảng có cơn đau tim thoáng qua, da khô nứt nẻ, táo bón,...

Có 3 loại bướu tuyến giáp đó là: Bướu cổ đơn thuần (lành tính), ác tính, rối loạn tuyến giáp (cường giáp, suy giáp). 

Bệnh nhân bị bướu tuyến giápBệnh nhân bị bướu tuyến giáp

Cách nhận biết bướu lành, bướu độc

Khoảng 80% bướu cổ là bướu cổ đơn thuần (hay thường gọi là bướu cổ lành tính). Đây là tình trạng bình giáp (không thay đổi hormone tuyến giáp), tuyến giáp chỉ có triệu chứng sưng to mà nguyên nhân không phải bị ung thư hay viêm nhiễm và cũng không có dấu hiệu tăng hoặc giảm hoạt động của tuyến giáp. 

Trường hợp bệnh nhân bướu cổ lành tính nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh khá cao. Ban đầu, người bệnh bị bướu cổ lành tính sẽ thấy khối u di chuyển lên xuống mỗi khi nuốt. Nếu để bướu phát triển đến mức khó thở, khó nuốt và lồi ra ngoài ảnh hưởng tới thẩm mỹ, nặng hơn thì thêm triệu chứng phù mặt, lồng ngực căng phồng. Đối với bệnh nhân này thì có thể bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bướu.

Loại bướu ác tính hay còn gọi là ung thư giáp, thường gặp ở người trung niên thuộc nhóm bệnh nhân có bướu cổ đơn nhân. Biểu hiện ban đầu của ung thư giáp cũng chỉ sưng tuyến giáp. Đến khi bệnh nhân có triệu chứng khàn tiếng là bệnh đã ở giai đoạn muộn và không thể hồi phục được. Bên cạnh đó kèm theo một số trường hợp như: vùng da cổ bị thâm, sạm màu, nuốt khó và đau, sờ thấy hạch. Ung thư giáp có 2 dạng là giáp dạng nhú và giáp dạng nang, bệnh nhân mắc loại K này có thể xạ trị bằng iốt phóng xạ.

Nhận biết tuyến giáp bình thường và tuyến giáp bị sưngNhận biết tuyến giáp bình thường và tuyến giáp bị sưng

Đối với bướu cường giáp là một loại bướu độc nhưng không ác tính, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng do cường giáp gây nên và chỉ số xét nghiệm chức năng tuyến giáp thay đổi. Loại điển hình của bướu cường giáp hay gặp là bệnh nhân bị lồi mắt, run tay, sợ nóng, ra nhiều mồ hôi ở tay, chân, mệt mỏi, dễ tiêu chảy, loại nặng nhất là basedow

Người bệnh rất dễ mắc biến chứng nội tiết đa cơ quan nếu điều trị bệnh không kịp thời. Dù mắc loại bướu cổ nào, người bệnh cũng nên đi sớm nhất có thể để sàng lọc và điều trị kịp thời, không nên dùng vật để chọc, chích hay tác động vào vùng cổ bị sưng, nếu không sẽ khiến tuyến giáp bị viêm nhiễm, lâu ngày sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân bị bướu tuyến giáp

Thiếu hụt một lượng iốt nhất định là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng bướu tuyến giáp. Cơ thể sẽ tự sản sinh hormone để bù đắp khi tuyến giáp không nhận được đầy đủ iốt thông qua việc ăn uống. Lúc này tuyến giáp sẽ phình to và xảy ra tình trạng bướu cổ. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác, có thể kể đến như:

  • Mắc bệnh Graves: Người bệnh bị Graves có các kháng thể được sản xuất bởi hệ miễn dịch tấn công nhầm tuyến giáp, điều này làm lượng thyroxin tăng đến dư thừa và tuyến giáp sưng lên. 
  • Mắc bệnh Hashimoto: Bệnh Hashimoto là một rối loạn tự miễn làm tổn thương tuyến giáp để nó tạo ra quá ít hormone.

Bệnh nhân mắc bệnh Hashimoto dễ bị bướu cổBệnh nhân mắc bệnh Hashimoto dễ bị bướu cổ

  • Phì đại tuyến giáp: Khi cơ thể có mức hormone quá thấp, làm cho tuyến yên tiết ra nhiều hormone để kích thích tuyến giáp.
  • Bướu tuyến giáp nhiều nhân: Khi xảy ra tình trạng một số khối u phát triển ở cả hai bên tuyến giáp của bệnh nhân dẫn đến sự mở rộng tổng thể của tuyến giáp.
  • Các nốt tuyến giáp đơn lẻ: Trong một phần của tuyến giáp phát triển một số nốt đơn, các nốt này lành tính và không có nguy cơ dẫn đến ung thư.
  • Mang thai: Hormone HCG sản sinh trong quá trình mang thai có thể làm tuyến giáp có xu hướng phì đại.
  • Viêm giáp: Người bệnh viêm giáp có thể bị đau và sưng trong tuyến giáp.
  • Di truyền: Những người sinh ra trong gia đình có người bị bệnh ung thư tuyến giáp cũng có nguy cơ cao bị bệnh về bướu tuyến giáp.
  • Nhiễm chất phóng xạ: Khi thực hiện xạ trị ở vùng đầu, cổ, ngực hoặc tiếp xúc với chất phóng xạ khiến cơ thể nhiều người bị biến đổi gen tuyến giáp, do có nhóm đối tượng này cũng dễ bị bệnh liên quan đến bướu tuyến giáp.

Chẩn đoán và điều trị bướu cổ

Bác sĩ có thể kiểm tra thể chất để phát hiện bệnh nhân có nguy cơ bị bướu cổ bằng cách nhìn cổ người bệnh khi nuốt nước bọt.

Một số phương pháp chuyên sâu để chẩn đoán bướu tuyến giáp như:

  • Xét nghiệm máu: Bằng cách xét nghiệm máu để kiểm tra sự thay đổi của lượng hormone ở tuyến giáp và tuyến yên, đồng thời xác nhận sự xuất hiện của các kháng thể bất thường.
  • Siêu âm: Sử dụng máy siêu âm đầu dò áp lên cổ người bệnh để kiểm tra hình thái cấu trúc và kích thước tuyến giáp có thay đổi hay không.

Siêu âm là phương pháp giúp chẩn đoán bướu cổ chính xácSiêu âm là phương pháp giúp chẩn đoán bướu cổ chính xác

  • Chụp xạ hình tuyến giáp: là một kỹ thuật xét nghiệm hiện đại và mới xuất hiện ở Việt Nam với chi phí cao. Kỹ thuật này cung cấp thông tin toàn diện về tuyến giáp, giúp bác sĩ xác định bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp ở ngay giai đoạn đầu.
  • Sinh thiết: Sử dụng một kim nhỏ vào tuyến giáp để lấy mẫu mô hoặc dịch để kiểm tra, nhờ đó để xác nhận bướu lành tính hay ung thư.

Để có phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân bướu tuyến giáp, bác sĩ sẽ dựa vào kích thước của bướu, dấu hiệu, triệu chứng và nguyên nhân cơ bản. Hiện nay bướu cổ được điều trị bằng các phương pháp như sau:

  • Theo dõi định kỳ: Bác sĩ có thể đề nghị theo dõi tình trạng bướu trong trường hợp bướu nhỏ, không biểu hiện lâm sàng, không gây ra các vấn đề bất thường và tuyến giáp vẫn hoạt động bình thường. Khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp định kỳ là cần thiết bởi sự phát triển tuyến giáp của mỗi người bệnh khác nhau, có bệnh nhân bướu giáp sau nhiều năm trở lại bình thường.
  • Dùng thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc levothyroxine (Levoxyl, Synthroid, Tirosint) để đưa hormone tuyến giáp về trạng thái bình thường nếu bệnh nhân bị suy giáp. Thuốc này sẽ giảm các triệu chứng của suy giáp, làm chậm việc giải phóng hormone kích thích tuyến giáp khỏi tuyến yên để làm giảm kích thước của bướu. Đối với bệnh nhân viêm tuyến giáp có thể được chỉ định dùng aspirin hoặc một loại thuốc corticosteroid để điều trị viêm. Với bệnh nhân bị bướu kết hợp với cường giáp có thể dùng thuốc để bình thường hoá mức độ hormone.
  • Phẫu thuật: Nếu bệnh nhân có bướu cổ lớn gây khó thở, khó nuốt hoặc bị ung thư tuyến giáp phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn phần tuyến giáp. Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể phải dùng thêm levothyroxine tùy vào lượng tuyến giáp được loại bỏ.
  • Xạ trị tuyến giáp: Là phương pháp điều trị bướu cổ rất tốt nhưng giá thành cao. Bệnh nhân được uống iốt phóng xạ để điều trị tuyến giáp hoạt động quá mức, giảm kích thước của tuyến giáp.

Phòng ngừa bướu tuyến giáp

Bệnh bướu tuyến giáp thường diễn biến âm thầm, theo thời gian sẽ gây biến chứng khó lường. Do đó việc phòng ngừa bệnh bướu tuyến giáp và tránh bị tái phát là rất cần thiết. Một số cách phòng ngừa bướu tuyến giáp đạt hiệu quả như là:

  • Chế độ dinh dưỡng khoa học, dùng iốt đúng cách: Iốt đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp các hormone ở tuyến giáp, vì thế bổ sung iốt là việc rất cần thiết. Bạn có thể bổ sung từ các loại thực phẩm  như muối, các loại nước chấm, bánh mì, thuỷ hải sản, rau củ quả màu sẫm,... Dùng iốt đúng cách, đúng liều lượng là cách cơ bản và tốt nhất để phòng ngừa bướu cổ. Bên cạnh đó, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin D và selen để tăng cường sức khỏe cho tuyến giáp.

Chế độ ăn đủ iốt rất quan trọng trong việc phòng bệnh bướu cổChế độ ăn đủ iốt rất quan trọng trong việc phòng bệnh bướu cổ

Bướu tuyến giáp kiêng ăn gì luôn là thắc mắc của không chỉ người bị bướu cổ mà còn của gia đình họ. Người bị bướu cổ nên hạn chế ăn những loại thực phẩm ảnh hưởng đến tuyến giáp như: các loại rau cải, súp lơ,... bởi những rau này khi chưa nấu chín chứa nhiều goitrogens (yếu tố kích thích bướu phát triển). Bạn vẫn có thể ăn những loại rau này với lượng vừa phải, vì goitrogens bất hoạt khi nấu chín. Một số thực phẩm người mắc bướu cổ cần cắt giảm để giảm các triệu chứng cũng như phòng bệnh tái phát gồm: sữa và các chế phẩm từ đậu nành, chất kích thích, đồ ăn chứa goitrogenic, loại quả chứa sắc tố (nho, lê, cam,...) và nội tạng động vật.

  • Tránh tiếp xúc với những chất gây rối loạn nội tiết tố: Ví dụ chất perfluorinated có trong áo mưa, thảm sàn,... hoặc một số chất khác có trong nhựa cứng gây rối loạn nồng độ hormone tuyến giáp. Bạn không thể tránh tiếp xúc hoàn toàn với đồ nhưng có thể hạn chế bằng việc dùng hộp thuỷ tinh, sứ, lá,... thay cho hộp nhựa khi đựng và bảo quản đồ ăn.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Để tầm soát và phát hiện bướu cổ sớm, mọi người cần đi khám sức khỏe 6 tháng/lần, đặc biệt những người tiền sử xạ trị vùng đầu, cổ, ngực hay mắc bệnh viêm giáp. Dù đó là bướu cổ lành tính thì cũng nên tái khám định kỳ để theo dõi và kịp thời điều trị khi bệnh chuyển biến nặng. Mỗi người lắng nghe cơ thể mình, nên nếu nghi ngờ bị bướu cổ, hãy đi khám để được chẩn đoán một cách chính xác nhất và kịp thời điều trị sớm, khi đó tỷ lệ khỏi bệnh và không để lại di chứng càng cao.

Trên đây là những thông tin về bướu tuyến giáp. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đang triển khai đa dạng gói khám sức khỏe định kỳ giúp bạn tầm soát bệnh lý, trong đó có bệnh bướu tuyến giáp. Nếu cần được tư vấn rõ hơn và đăng ký khám, quý khách có thể liên hệ Tổng đài 1900 1806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
7,488

Bài viết hữu ích?

Chủ đề tuyến giáp

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

TTƯT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám