Viêm võng mạc là loại bệnh về mắt và đứng thứ hai chỉ sau đục tinh thể về bệnh có thể gây mù lòa. Những vấn đề về mắt luôn được nhiều người quan tâm. Để hiểu thêm về các loại bệnh viêm võng mạc cũng như các cách điều trị, hãy cùng tìm hiểu với bài viết sau đây nhé!
Viêm võng mạc là vấn đề đáng quan tâm
Tổng quan về bệnh viêm võng mạc mắt
Viêm võng mạc là gì?
Võng mạc là một bộ phận của mắt, nơi mà tiếp nhận ánh sáng đi vào mắt. Nếu coi mắt là một chiếc máy ảnh thì võng mạc được xem là phim ảnh. Ánh sáng sẽ chiếu đến mắt, xuyên qua giác mạc, thủy tinh thể và được hội tụ trên võng mạc. Chính vì vậy, nếu võng mạc bị tổn thương thì sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn của mắt.
Bệnh viêm võng mạc đứng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh thể, có thể gây mù lòa vĩnh viễn ở người bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thị lực của người bệnh.
Bệnh viêm võng mạc hiện nay là bệnh khá phổ biến
Phân loại viêm võng mạc
Viêm võng mạc được chia làm 2 loại phổ biến hiện nay là:
- Viêm võng mạc sắc tố: Võng mạc có 2 tế bào cảm quang (hình nóng và hình que) đảm nhận vai trò truyền hình ảnh lên não bộ, do đó ta có thể nhìn thấy rõ các màu sắc mọi vật. Viêm võng mạc sắc tố (bệnh thoái hóa võng mạc di truyền) liên quan đến sự tổn thương hoặc phá hủy các tế bào hình que và làm giảm thị lực.
- Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch (còn gọi là bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch): là sự tích tụ dịch ở dưới vùng hoàng điểm do có điểm rò rỉ dịch từ lớp dưới võng mạc.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm võng mạc
Viêm võng mạc sắc tố
Cho đến nay, các nhà khoa học chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra viêm võng mạc sắc tố. Nhiều chuyên gia cho rằng, bệnh phần lớn đến từ yếu tố di truyền bất thường từ gen, do sự biến đổi trên 50 loại gen gây ra dẫn đến sự thoái hóa của tế bào cảm nhận ánh sáng của võng mạc.
Các gen này đóng vai trò sản xuất protein cho các tế bào cảm quang ở võng mạc. Khi gen xảy ra đột biến, nó không thể tự sản sinh ra protein cần thiết, gây hạn chế các chức năng của tế bào. Đồng thời, các đột biến khác sản sinh ra protein gây độc cho võng mạc. Hệ quả là các tế bào cảm quang ở võng mạc bị tổn thương, ảnh hưởng đến thị giác của người bệnh.
Do đó, bệnh này có tính di truyền từ bố mẹ sang con cái, thường gặp ở nam giới. Vì vậy, nếu bố mẹ bị viêm võng mạc sắc tố thì con cái sẽ có nguy cơ cao là mắc bệnh.
Sự khác biệt giữa mắt không viêm và mắt bị viêm
Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch
Bệnh viêm võng mạc trung tâm thanh dịch liên quan đến sự rối loạn vận mạch, rối loạn hàng rào máu trong võng mạc và thường không xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh.
Tuy nhiên thì bệnh thường xuất hiện ở người có yếu tố tâm lý dễ tác động, stress, người có cơ địa đặc biệt, bệnh lý toàn thân, hút thuốc lá lâu năm,...
Hình ảnh từ một người mắc viêm võng mạc trung tâm thành dịch
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm võng mạc
Vì viêm võng mạc là bệnh liên quan đến mắt nên những triệu chứng cũng sẽ bắt đầu từ mắt, một số triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm võng mạc là:
- Thị lực giảm vào ban đêm hoặc những nơi ánh sáng yếu
- Thường xuyên bị quáng gà
- Thu hẹp tầm nhìn của mắt khiến người bệnh hay bị vấp ngã
- Các đồ vật thông qua mắt sẽ bị biến dạng, méo mó, cong,..
- Màu sắc đồ vật có thể bị thay đổi, đặc biệt là các màu nhạt và sáng
- Bệnh nhân cũng có thể nhìn thấy bóng đen che trước mắt làm hạn hẹp tầm nhìn
- Mắt sẽ có cảm giác đau, nhức
- Mắt mất hẳn thị lực, mất tầm nhìn ngoại biên và trung tâm,....
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm võng mạc
Viêm võng mạc sắc tố
Bệnh lý này được xếp vào loại bệnh về mắt hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh chưa tới 0.02 - 0.03% dân số (tức là cứ 200 -300 người thì chỉ có 1 người bị mắc bệnh). Ở viêm mạc sắc tố thì tỷ lệ nam bị mắc bệnh sẽ cao hơn nữ và có thể xuất hiện từ khi còn nhỏ.
Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch
Đối tượng mắc bệnh này có thể gặp ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu gặp ở Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,...Bệnh thường xảy ra ở những người có độ tuổi từ 20 trở lên, ít gặp ở người già và trẻ nhỏ. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam sẽ cao hơn so với ở nữ.
Biến chứng của viêm võng mạc
Viêm võng mạc sắc tố
Đối với bệnh nhân mắc phải viêm võng mạc sắc tố, hầu như đều xuất hiện triệu chứng từ bé rồi tiến triển dần dần và trở nặng về sau. Sau khi trưởng thành không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể dẫn tới các biến chứng như:
- Mù: bệnh có thể tiến triển trầm trọng, gây mất thị lực. Tuy nhiên, trường hợp mất hẳn thị lực thì rất hiếm.
- Đục thủy tinh thể: bệnh nhân bị bệnh thường dẫn đến nguy cơ đục thủy tinh thể dưới bao, làm cho thị lực bị suy giảm. Trong trường hợp bệnh nhẹ thì người bệnh có thể dùng kính để cải thiện thị lực; nhưng về lâu dài thì nên đi phẫu thuật để cải thiện tầm nhìn.
- Bong võng mạc: bệnh tiến triển xấu sẽ khiến võng mạc tách ra khỏi các phần gắn vào mặt sau của nhãn cầu. Nếu không điều trị kịp thời thì người bệnh có thể mất thị lực mãi mãi.
Biến chứng của bệnh viêm võng mạc
Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch
Bệnh viêm võng mạc trung tâm thanh dịch là bệnh khá nhẹ, có thể chữa trị; nhưng nếu để lâu dài thì bệnh có thể có những biến chứng sau:
- Giảm thị lực nghiêm trọng
- Nhìn các vật xung quanh bị biến dạng
- Vật bị biến nhỏ
- Bị rối loạn màu sắc và ám điểm trước mắt
Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm võng mạc
Viêm võng mạc sắc tố
- Điện đồ võng mạc: Kiểm tra mức độ phản ứng của tế bào cảm quang với ánh sáng.
- Thử nghiệm trực quan: Bác sĩ chiếu 1 tia sáng tạo thành các chấm sáng, di chuyển ở các vị trí khác nhau quanh không gian 180 độ trước mặt người bệnh để phát hiện những vùng mất thị lực.
- Soi đáy mắt: Phát hiện điểm tối ở trên võng mạc
- Kiểm tra khả năng nhận biết được màu sắc của người bệnh
Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch
- Khám đáy mắt: bác sĩ sẽ phát hiện bọng dịch dưới võng mạc, hoàng điểm sẫm màu, giảm hay mất ánh sáng.
- Chụp mạch huỳnh quang: xác định điểm rò rỉ dịch, nhất là khi chuẩn bị điều trị bằng laser hoặc chụp cắt lớp võng mạc.
Chẩn đoán bệnh viêm võng mạc
Phương pháp điều trị bệnh viêm võng mạc
Viêm võng mạc sắc tố
Hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào điều trị dứt điểm những tình trạng thoái hóa biểu mô của sắc tố võng mạc. Các phương pháp điều trị hiện nay chỉ làm giảm triệu chứng bệnh và phần nào làm chậm đi sự phát triển của nó. Một vài phương pháp như:
- Bổ sung đầy đủ vitamin A để giúp tăng cường thị lực và giúp làm chậm quá trình thoái triển. Sử dụng đúng với liều lượng cũng như thời gian và theo chỉ định của các y bác sĩ nhãn khoa.
- Đeo kính râm hoặc kính bảo vệ mắt vào ban ngày để các tránh tia cực tím gây tổn thương võng mạc.
- Đối với những bệnh nhân bị mất hoàn toàn thị lực thì có thể được bác sĩ thực hiện phương pháp cấy ghép võng mạc để cải thiện phần nào khả năng cảm thụ ánh sáng.
Bổ sung vitamin A- thực phẩm tốt cho mắt
Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch
Viêm võng mạc trung tâm thanh dịch là căn bệnh lành tính nên phương pháp điều trị sẽ có phần đơn giản hơn viêm võng mạc sắc tố, một số phương pháp điều trị như:
- Sử dụng laser để đốt chỗ rò rỉ: phương pháp này giúp bệnh ít tái phát. Tuy nhiên việc sử dụng laser võng mạc sẽ gây ra một vài biến chứng đi kèm nên người bệnh cần phải cân nhắc. Phương pháp này thường áp dụng cho những trường hợp bệnh kéo dài hoặc là tái phát nhiều lần.
- Sử dụng thuốc dãn mạch, tăng cường dinh dưỡng và giảm phù nề.
Bệnh nhân mắc bệnh viêm võng mạc trung tâm thanh dịch nên cần phải chú ý nghỉ ngơi và tránh những yếu tố gây bất lợi như là: rượu, bia, thuốc lá, căng thẳng thần kinh và mất ngủ… Bệnh nhân không cần quá lo lắng khi mắc phải bệnh này,vì bệnh lành tính và hầu như chỉ cần dùng thuốc sẽ khỏi.
Điều trị bằng Laser để đốt chỗ rò rỉ dịch
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm võng mạc
Đây là loại bệnh lý có liên quan đến yếu tố gen nên rất khó để có thể phòng ngừa, thay vào đó bạn cần chăm sóc vùng mắt một cách khoa học, để tình trạng bệnh không thể tiến triển nặng hơn, tham khảo một vài tuýp sau:
- Tránh bụi bặm vào mắt và thường xuyên vệ sinh, rửa mắt
- Không tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt nếu như không có chỉ định của bác sĩ y khoa
- Ra ngoài nên đeo kính râm, hạn chế để dị vật, côn trùng bay vào mắt
- Ăn uống đầy đủ, tăng cường vitamin A
- Không áp lực công việc, không căng thẳng tâm lý và không suy nghĩ tiêu cực khi đang mắc bệnh
- Không sử dụng các loại chất kích thích như là rượu, bia, thuốc lá…
- Tránh thức khuya và sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, laptop,.. trong thời gian quá dài hoặc là trong điều kiện thiếu ánh sáng
- Thường xuyên kiểm tra tình trạng mắt khi có cảm giác mỏi mắt
Bệnh viêm võng mạc ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của chúng ta, nếu để bệnh trở nặng có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Vì thế, nếu như thấy mắt có dấu hiệu bất thường thì nên đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác. Bạn cũng có thể đến bệnh viện Phương Đông để các y bác sĩ có thể khám trực tiếp, chẩn đoán đúng trường hợp của bệnh và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.