Bệnh vô kinh là gì ? Hậu quả nguy hiểm của việc không có kinh nguyệt

Nhật Mai

31-12-2022

goole news
16

Kinh nguyệt là thước đo sức khỏe sinh sản của phái nữ. Nếu bạn bị vô kinh thì đó có thể là dấu hiệu phản ánh cơ thể bạn đang gặp một số vấn đề bất ổn. Do đó, việc thăm khám và nhận sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa là điều cần thiết với bất kỳ ai đang gặp vấn đề này.

Tổng quan về bệnh vô kinh

Đây là hiện tượng người bệnh không bị hành kinh qua một khoảng thời gian quy định. Điều này không đồng nghĩa với việc kinh nguyệt không đều mà là không có kinh nguyệt. 

Phụ nữ thường sẽ không thấy kinh nguyệt trước tuổi dậy thì, trong quá trình thai kỳ, cho con bú và cả sau mãn kinh. Trong trường hợp không thấy kinh nguyệt vào các thời điểm khác thì đó có thể là triệu chứng mất kinh nguyệt.

Không xuất hiện kinh nguyệt trong chu kỳ kinh có khả năng mất kinh

Không xuất hiện kinh nguyệt trong chu kỳ kinh có khả năng mất kinh

Bệnh lý này được chia làm hai loại: 

  • Vô kinh nguyên phát: chỉ việc nữ giới đã đến tuổi dậy thì (khoảng 15 tuổi) nhưng không có kinh nguyệt. 
  • Vô kinh thứ phát: là trường hợp đang trong chu kỳ kinh nguyệt thì đột nhiên bị mất kinh (đối với người có kinh nguyệt đều là 3 tháng, đối với người có kinh nguyệt không đều là 6 tháng).

Nguyên nhân dẫn đến vô kinh ở phái nữ

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến không có kinh là bởi sự thay đổi ở các cơ quan, các tuyến, và hóc môn liên quan đến kinh nguyệt.

Vô kinh nguyên phát

  • Viêm nhiễm phụ khoa: Những bệnh lý làm suy giảm lượng hormone trong cơ thể như: viêm tắc vòi trứng, dính buồng tử cung, suy buồng trứng,... dẫn đến hiện tượng không có kinh nguyệt.
  • Buồng trứng đa nang: Phụ nữ bị bệnh này là do một phần nồng độ hormone bị buồng trứng đa nang cao gây ức chế tuyến yên sản xuất hormone, không có sự thay đổi theo chu kỳ
  • Bệnh tuyến giáp: Phụ nữ bị suy giáp hay cường giáp, trong cơ thể hormone bị xáo trộn gây ảnh hưởng đến các chức năng hoạt động của tuyến yên và vùng dưới đồi do đó dẫn đến tình trạng không có kinh.
  • Thừa cân hoặc suy dinh dưỡng: Khi cân nặng thừa hoặc thiếu quá mức ảnh hưởng tới sức khỏe của nữ giới, làm tác động đến hệ thống cơ quan sinh sản, lâu dần dẫn đến hiện tượng không có kinh nguyệt.
  • Buồng trứng bị tổn thương: Có những vấn đề bất thường của cơ quan sinh dục như không có tử cung, buồng trứng và màng trinh không bị thủng,...

Trong một vài trường hợp các nguyên nhân gây vô sinh nguyên phát không thể phát hiện được.

Suy buồng trứng gây ra bệnh vô kinh nguyên phát

Suy buồng trứng gây ra bệnh vô kinh nguyên phát

Vô kinh thứ phát

  • Dùng thuốc tránh thai hằng ngày: Một số loại gây ức chế chu kỳ rụng trứng và thay đổi hàm lượng hormone trong cơ thể người phụ nữ khiến trứng không rụng.
  • Các tác dụng phụ của một số loại thuốc: Nhiều loại thuốc trị bệnh làm ức chế phóng noãn gây ra hiện tượng mất kinh đột ngột.
  • Phụ nữ đang trong quá trình cho con bú: Có nhiều người sau khi sinh sẽ có kinh trở lại, tuy nhiên phần còn lại bị mất kinh do trong cơ thể có sự thay đổi để phù hợp với việc nuôi em bé bằng sữa.
  • Vận động quá mức: Khi vận động thể thao quá mức chịu đựng của cơ thể, các cơ bắp bị mệt mỏi sẽ truyền tín hiệu về não bộ dẫn đến các rối loạn gây ra hiện tượng không có kinh. 
  • Một số nguyên nhân khác như: Suy buồng trứng sớm, trầm cảm, giảm cân quá mức, đau ốm liên tục, u buồng trứng, phẫu thuật tử cung để lại sẹo, cắt bỏ buồng trứng...

Những dấu hiệu nhận biết bạn bị vô kinh

Nếu có những dấu hiệu dưới đây bạn hãy nhanh chóng đi khám phụ khoa, nội tiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra bệnh và có những hướng điều trị phù hợp.

  • Mất kinh một cách bất thường liên tục 3 tháng hoặc không có kinh nguyệt khi đã 15 tuổi hoặc trên 15 tuổi
  • Gặp vấn đề về thị lực hoặc khó khăn trong việc giữ cân bằng
  • Lông mọc lên với số lượng nhiều bất thường
  • Tiết ra dịch có màu đục như sữa từ núm vú dù chưa có con
  • Bị rụng tóc, da khô
  • Thường xuyên mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt
  • Đau nhức xương chậu
  • Tăng hoặc giảm cân bất thường
  • Táo bón
  • Nổi nhiều mụn trứng cá
  • Nhịp tim đập chậm hơn so với bình thường

Khi có những biểu hiện bất thường trên cần đi khám sớm

Khi có những biểu hiện bất thường trên cần đi khám sớm

Đối tượng có nguy cơ bị mắc bệnh vô kinh

Hiện tượng bệnh vô kinh thường phổ biến ở nữ giới dưới 25 tuổi và trong độ tuổi dậy thì. Bệnh cũng thường gặp ở các phụ nữ có nghề nghiệp đòi hỏi hoạt động mạnh và quá sức như diễn viên múa, vận động viên...

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh mất kinh ở phụ nữ là:

  • Trong gia đình có người phụ nữ nào đó bị vô kinh
  • Chế độ ăn uống không hợp lý, ăn quá ít hoặc quá nhiều
  • Luyện tập thể thao quá mạnh vượt quá sức chịu đựng

Biến chứng của vô kinh ở người bệnh

  • Vô sinh và các vấn đề liên quan đến thai kỳ: Nếu người phụ nữ không có kinh nguyệt và rụng trứng thì không thể thụ thai được. Khi nguyên nhân dẫn đến mất kinh là do sự mất cân bằng hormone có thể gây sảy thai hoặc các ảnh hưởng xấu khác đối với thai kỳ.
  • Rối loạn tâm lý: stress, cảm xúc mạnh kéo dài cũng ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe của người phụ nữ.
  • Bệnh loãng xương và tim mạch: Loãng xương khiến xương bị yếu, dễ gãy. Bệnh tim mạch gồm triệu chứng đau tim và các vấn đề về mạch máu và cơ tim. Hai bệnh lý này do không có đủ hàm lượng estrogen.
  • Đau nhức xương chậu: nếu bệnh do những vấn đề về giải phẫu gây ra thì có thể gây đau vùng xương chậu. 

Đau nhức xương chậu có thể gây ra bệnh vô kinh

Đau nhức xương chậu có thể gây ra bệnh vô kinh

Biện pháp chẩn đoán vô kinh ở phụ nữ

Chẩn đoán vô kinh nguyên phát

Khai thác thông tin của bệnh nhân: Bệnh nhân đã dậy thì hoàn toàn chưa? Trong gia đình có ai dậy thì muộn không? Xem xét chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện,..

Trên lâm sàng, bệnh nhân có:

  • Những dấu hiệu bất thường trong phát triển vú.
  • Mụn trứng cá ở vùng kín
  • Các dấu hiệu của hội chứng Turner
  • Sự phát triển của lông mu, màng trinh có bị thủng không, có cổ tử cung, buồng trứng không?

Cận lâm sàng thì cần những xét nghiệm như:

  • Siêu âm để phát hiện sự tắc nghẽn đường đi của kinh nguyệt
  • Định lượng testosterone và làm karyotype để phân biệt loạn sản ống Muller và bất thường nhiễm sắc thể nếu bệnh nhân không có tử cung.

Chẩn đoán vô kinh thứ phát:

Làm xét nghiệm hCG nước tiểu hoặc beta hCG huyết thanh để loại trừ khả năng mang thai. Sau đó, khai thác tiền sử của bệnh nhân để tìm nguyên nhân: bệnh nhân có đang stress không, có bị mất cân bằng trong chế độ ăn uống không, có luyện tập thể thao quá mức không, bệnh nhân có tiền sử nạo phá thai hay viêm niêm mạc tử cung không…?

Trên lâm sàng, bệnh nhân sẽ có đặc điểm: 

  • Chỉ số BMI < 18,5 kg/m² kèm theo sự thay đổi trong sự uống, cân nặng, nguyên nhân có thể là do vùng dưới đồi gây nên.
  • Chỉ số BMI > 30 kg/m² thì có thể do buồng trứng đa nang.
  • Bệnh nhân có biểu hiện bị chèn ép thần kinh do u vùng hố yên, có biểu hiện: đau đầu, chán ăn, tiểu nhiều,..
  • Bệnh nhân có đặc điểm như bốc hỏa, khô âm đạo thì có thể là do suy buồng trứng.

Cận lâm sàng, thì có thể làm một số xét nghiệm sau:

  • Đo nồng độ prolactin máu: nếu nồng độ cao thì nguyên nhân có thể là do suy giáp. Cần phải chụp thêm MRI hố yên để tìm các u tuyến yên, u vùng hố yên.
  • Đo nồng độ FSH: nếu nồng độ cao thì nguyên nhân có thể do suy buồng trứng, cần làm nhiễm sắc tố để tìm hội chứng Turner. Còn nếu nồng độ bình thường hoặc thấp thì nguyên nhân có thể là suy dưới đồi thứ phát.
  • Đo nồng độ TSH máu.
  • Định lượng nồng độ testosterone máu và DHED-S nếu nghi ngờ có cường độ androgen trong bệnh nhân.
  • Nếu nồng độ androgen cao thì cùng với các biểu hiện lâm sàng thì có thể là đa nang buồng trứng hoặc khối u tiết androgen từ buồng trứng và tuyến thượng thận.

Xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh nội tiết hoặc phụ khoa

Xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh nội tiết hoặc phụ khoa

Các phương pháp điều trị bệnh vô kinh

Tùy vào từng nguyên nhân dẫn đến bệnh mà lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp:

  • Nếu bị bệnh do béo phì thì cần ăn kiêng và tập thể dục giảm cân ở mức vừa phải phù hợp với sức chịu đựng của cơ thể 
  • Nếu bị bệnh do giảm cân quá mức thì cần ăn chế độ dinh dưỡng để tăng cân một cách an toàn, hiệu quả.
  • Giảm bớt căng thẳng, không nên muộn phiền quá nhiều.
  • Có những chế độ luyện tập phù hợp,không quá mức.
  • Bệnh nhân bị mất kinh do tình trạng suy buồng trứng sớm cần điều trị hormon thay thế theo những gì bác sĩ chỉ định
  • Đối với mất kinh nguyệt do nguyên nhân buồng trứng đa nang, việc điều trị phụ thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân để ngăn ngừa các biến chứng về sau như: quá sản nội mạc tử cung, béo phì và rối loạn chuyển hóa…. Các chỉ định điều trị trong trường hợp này là giảm cân bằng việc ăn kiêng và tập thể dục, dùng các loại thuốc như metformin để trị tiểu đường.
  • Tiến hành phẫu thuật đối với người bệnh có nhiễm sắc thể Y hay có những tổn thương về sinh dục nhằm phục hồi và tạo hình âm đạo giúp máu kinh thoát ra. Các phẫu thuật như: phẫu thuật loại trừ mô sẹo trong tử cung và khối u lành tính tuyến yên.
  • Ngoài ra, phụ nữ cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời đặc biệt là khám phụ khoa.

Biện pháp phòng ngừa bệnh vô kinh

Bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh, có thể dẫn đến vô sinh. Do đó, để ngăn chặn tình trạng không có kinh nguyệt mọi người cần lưu ý: 

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: không được bỏ bữa sáng, chế độ ăn có chứa đầy đủ thành phần chất xơ, tinh bột, đạm, chất béo. Chọn các thực phẩm dễ tiêu, ăn nhiều trái cây và hoa quả, hạn chế dùng những thức ăn chứa chất béo không lành mạnh.
  • Uống nhiều nước và hạn chế dùng rượu, đồ uống có gas hay hút thuốc lá.
  • Cần có chế độ nghỉ ngơi phù hợp: ngủ đúng giờ, đủ giấc; tập yoga; thư giãn; tránh những cảm xúc mạnh.

Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe

Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe

Một số câu hỏi về bệnh lý

Bị mất kinh có con được không?

Đối với câu hỏi này thì cần chia ra làm 2 trường hợp:

  • Trường hợp 1: Nếu bạn bị vô kinh nguyên phát thì phần lớn buồng trứng sẽ hoạt động không bình thường, điều đó gây khó khăn cho việc thụ thai.
  • Trường hợp 2: Nếu bạn bị vô kinh thứ phát thì chu kỳ rụng trứng bị rối loạn. Bạn sẽ không xác định được thời điểm quan hệ để có con như theo kế hoạch của 2 vợ chồng.

Vô kinh thứ phát ở tuổi dậy có sao không? 

Đây là sự băn khoăn rất lớn của các bậc làm cha làm mẹ. Theo các bác sĩ, người mắc vô kinh thứ phát thì sẽ gây ra sự rối loạn trong chu kỳ rụng trứng, ảnh hưởng tới việc thụ thai và chức năng sinh sản. Do đó, khi bé bị bệnh này mà không chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng mất kinh hoàn toàn, đồng nghĩa với việc mất đi khả năng làm mẹ.

Khám và điều trị bệnh ở đâu?

Mỗi người bệnh bị mất kinh đều có những nguyên nhân khác nhau và có khi là do nhiều nguyên nhân cùng phối hợp. Tùy từng nguyên nhân khác nhau mà sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp. Vì thế, khi bị mất kinh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, xác định nguyên nhân chính xác để có biện pháp điều trị cụ thể.

Để ngăn ngừa bệnh vô kinh, chị em phụ nữ cần lưu ý duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học. Nếu phát hiện bản thân mắc bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên môn gần nhất để được chữa trị kịp thời. Với mong muốn bảo vệ sức khỏe của chị em phụ nữ, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông với đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại sẽ giúp bạn tư vấn và đưa ra phương pháp trị liệu phù hợp.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,055

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám