Xương bánh chè: Vị trí, chức năng và 5 bệnh lý thường gặp

Ngọc Anh

20-07-2025

goole news
16

Xương bánh chè là bộ phận đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ đầu gối và hỗ trợ khớp gối vận động linh hoạt. Tuy nhiên, nó cũng rất dễ bị tổn thương khi chơi thể thao, hoạt động ngoài trời,... Đặc biệt, nếu bị chấn thương, bộ phận này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đi lại, chạy nhảy của chúng ta. Do đó, nắm rõ vai trò, chức năng và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh chấn thương là điều chúng ta cần lưu tâm. 

Xương bánh chè là gì? Nằm ở đâu?

Xương bánh chè (patella) là xương vừng lớn nhất cơ thể, có hình tam giác hơi tròn, nằm phía trước khớp gối, ngay trước đầu dưới xương đùi. Nó nằm trong gân cơ tứ đầu đùi và được bao quanh bởi các dây chằng, đóng vai trò bảo vệ mặt trước khớp gối và hỗ trợ vận động khớp gối.

Về cấu tạo, xương đặc ở bên ngoài và xốp ở bên trong. Mặt trước xương hơi lồi có nhiều khía rãnh cho gân tứ đùi bám vào. Mặt sau xương là diện khớp tiếp khớp với diện bánh chè của xương đùi. Xương có 2 bờ: bờ trong và bờ ngoài và 1 đỉnh 1 đáy. Trong đó, đỉnh ở dưới có dây chằng bánh chè bám vào.

Do vị trí nằm trước khớp gối nên bộ phận này rất dễ bị tổn thương do tai nạn giao thông, sự cố khi lao động hoặc trong cuộc sống sinh hoạt. 

Đây là xương nằm ở đầu gối, có hình dáng giống hình tam giác lộn ngược

Đây là xương nằm ở đầu gối, có hình dáng giống hình tam giác lộn ngược

Chức năng của xương bánh chè

Các bác sĩ cơ xương khớp cho hay: Xương có vai trò như tấm bảo hộ và duy trì các cử động linh hoạt của khớp gối. Chức năng chính của bộ phận này bao gồm:

  • Hỗ trợ vận động cơ tứ đầu: Mỗi khi đầu gối chuyển động, xương vừng của bạn sẽ hoạt động như một "ròng rọc" khuếch đại lực do cơ tứ đầu tác động lên khoảng 33 - 50% giúp đầu gối chuyển động mượt mà hơn. 
  • Làm chủ cân bằng và hỗ trợ vận động đầu gối: Xương bánh chè tham gia vào quá trình điều chỉnh chiều dài, hướng và lực trong mạng lưới xương đùi, cơ tứ đùi và gân bánh chè. Cụ thể, khi đầu gối bạn uốn cong hoặc duỗi thẳng, vị trí của xương sẽ thay đổi làm thay đổi động lực cơ học của khớp gối. Sự phối hợp này đảm bảo đầu gối luôn được cân bằng, duy trì vận động ổn định và linh hoạt.
  • Hạn chế ma sát và giảm thiểu chấn thương: Như đã nói đến ở trên, vị trí nằm giữa cơ tứ đầu và xương tứ đùi khiến xương bánh chè được ví như tấm đai bảo vệ mặt trước đầu gối khỏi chấn thương. Đồng thời, nó cũng hỗ trợ giảm ma sát giữa gân cơ tứ đầu và xương đùi. 

Các bệnh lý thường gặp ở xương bánh chè

Vì vị trí và cấu trúc đặc thù, xương bánh chè rất dễ bị tổn thương. Do đó, dù chỉ gặp chấn thương nhẹ như trật khớp, bong chân cũng có thể khiến khó đi bộ, chạy nhảy hoặc đứng. Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe hay xảy ra ở bộ phận này:

Rách gân bánh chè

Có thể bạn chưa biết, gân bánh chè là cầu nối giữa xương bánh chè và xương ống chân, hỗ trợ duỗi chi dưới hiệu quả. Rách gân bánh chè là tình trạng mối nối giữa xương bánh chè và xương chày bị rách một phần hoặc hoàn toàn, thường do tiếp đất không đúng cách khi nhảy cao, chạy nhanh khiến đầu gối phải duỗi thẳng, gân bị kéo căng quá mức nên rách. 

Khi đó, bạn sẽ nghe thấy tiếng bật hoặc giật rõ rệt, đau đớn, sưng, bầm tím và không duỗi được gối hoàn toàn. Việc điều trị phải được thực hiện càng sớm càng tốt để hạn chế người bệnh mất chức năng duỗi gối hoặc teo cơ. Với các trường hợp rách gân, bạn sẽ được chỉ định phẫu thuật, khâu các phần gân bị rách lại và phục hồi độ căng thích hợp để duy trì vận động. 

Gân bánh chè bị co kéo quá mức có thể bị rách

Gân bánh chè bị co kéo quá mức có thể bị rách

Xương bánh chè không ổn định

Bình thường, xương vừng này sẽ trượt dọc theo rãnh đùi khi đầu gối gập lại. Nếu chuyển động này bị gián đoạn thì xương bánh chè được xem như mất ổn định. Khi xương bị kéo ra khỏi vị trí thẳng hàng tự nhiên, đầu của nó sẽ mất ổn định và khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đau đớn.

Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn tập vật lý trị liệu để khôi phục và nâng cao vận động các cơ xung quanh đầu gối hoặc chỉ định nẹp đầu gối để giảm thiểu triệu chứng. Tuy nhiên, với các ca bệnh nặng có thể cần can thiệp ngoại khoa để giải phóng áp lực đến tái tạo dây chằng hoặc sắp xếp lại xương.

Trật khớp xương bánh chè

Bất thường này xảy ra khi xương bánh chè lệch hoàn toàn khỏi rãnh xương đùi khiến bệnh nhân đau nhiều và bị đầu gối bị biến dạng. Nguyên nhân có thể đến từ chấn thương do va đập, té ngã hoặc xoay gối đột ngột khi chơi thể thao. 

Với chấn thương dạng trật khớp, bệnh nhân cần can thiệp nhanh chóng để nắn chỉnh xương trở lại vị trí, sau đó nghỉ ngơi và chườm lạnh để giảm sưng. Nếu bạn bị tái phát sau khi trật khớp lần đầu, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng để ổn định xương bánh chè. 

Trật khớp xương bánh chè (hình phải) có thể làm xương bị xê dịch

Trật khớp xương bánh chè (hình phải) có thể làm xương bị xê dịch

Viêm gân xương bánh chè 

Các vận động viên bóng rổ, bóng chuyền thường gặp chấn thương viêm gân bánh chè. Đây là bệnh lý được nhận biết bởi các cơn đau đớn, sưng đầu gối và mức độ đau tăng dần khi gập gối. 

Cách điều trị chủ yếu là dùng thuốc, tập vật lý trị liệu và thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khoẻ như:

  • Chườm lạnh ở đầu gối
  • Tập các bài kéo giãn và tăng cường sức mạnh cho cơ đùi
  • Đeo các dụng cụ bảo hộ khi chơi thể thao 

Gãy xương bánh chè

Trải qua tiếp xúc trực tiếp hoặc va chạm mạnh, bệnh nhân có thể sẽ bị gãy xương bánh chè đi kèm với rách, bầm tím da hoặc xương bị gãy nhô ra khỏi da. Triệu chứng đặc trưng là các cơn đau dai dẳng, biến dạng đầu gối và mất khả năng vận động của chân. 

Khi nghi ngờ bị gãy xương, cách tốt nhất là bạn nên đến các Bệnh viện uy tín để được điều trị. Bạn có thể được nẹp xương từ 6 - 8 tuần với trường hợp gãy không di lệch và phẫu thuật cố định nếu xương trượt ra khỏi vị trí ban đầu. 

Các biện pháp tăng cường sức khỏe xương bánh chè

Để tránh các bất thường ở vùng xương vừng này, bạn có thể chủ động áp dụng các cách chăm sóc sức khỏe dưới đây:

  • Duy trì cân nặng: Đầu gối phải nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Nếu cân nặng của bạn duy trì ổn định thì có thể hỗ trợ giảm tải sức nặng lên đầu gối, cho phép chúng hoạt động nhịp nhàng và hạn chế chấn thương. 
  • Khởi động kỹ trước khi tập luyện: Các động tác giãn cơ nhẹ nhàng không chỉ giúp cơ bắp của bạn hoạt động nhịp nhàng mà còn hạn chế các tác động đột ngột lên xương bánh chè và các cấu trúc xung quanh. 
  • Tăng cường độ tập luyện dần dần: Hãy dành thời gian cho cơ thể làm quen với nhịp độ tập luyện hiện tại. Nếu đột ngột tập nặng hoặc luyện tập quá sức có thể khiến khớp gối bị kéo căng và tăng nguy cơ bị chấn thương. 
  • Chọn giày dép vừa vặn: Giày dép vừa chân không chỉ giúp bạn hoạt động thể chất thoải mái mà còn giảm bớt căng thẳng cho khớp gối
  • Luyện tập cơ bắp thường xuyên: Cơ bắp chân khỏe mạnh sẽ phối hợp với chuyển động của các xương khớp gối hiệu quả hơn. Vì thế, hãy dành thời gian đi bộ, leo cầu thang và đạp xe để tăng cường độ dẻo dai của các cơ vùng bắp chân.

Có thể nói, xương bánh chè mặc dù nhỏ bé nhưng có vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo các hoạt động của cơ thể diễn ra nhịp nhàng. Do đó, để chủ động bảo vệ sức khoẻ xương khớp của mình, bạn nên chủ động tập luyện thể dục thể thao với tần suất vừa phải, duy trì cân nặng và khởi động kỹ càng trước khi vận động.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Phường Đông Ngạc, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

9

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

PGS.TS.BS Cao Cấp

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp

PGS.TS.BS Cao Cấp

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp
19001806 Đặt lịch khám