Cách giảm phù chân khi mang thai hiệu quả cho mẹ bầu

Bạch Dương

10-11-2020

goole news
16

Có khoảng 90% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng phù chân. Tuy nó không gây hại cho sức khỏe mẹ và bé nhưng gây khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của thai phụ. Dưới đây là 11 cách làm giảm phù chân khi mang thai hiệu quả cho mẹ bầu. Các mẹ xem và áp dụng ngay để cải thiện tình trạng này nhé.

Nguyên nhân gây phù chân khi mang thai

Phù chân khi mang thai hay còn gọi là xuống máu chân khi mang thai là hiện tượng sinh lý bình thường, nó có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong suốt thai kỳ. Có nhiều mẹ bầu bị phù chân rất sớm, tuy nhiên thường gặp nhất là sau 20 tuần thai và nặng hơn là ở những tuần cuối của thai kỳ bởi lúc này trọng lượng thai nhi ngày càng lớn, tạo sức ép lên tĩnh mạch làm cho máu khó lưu thông gây nên phù nề.

Hình ảnh phù chân khi mang thaiHình ảnh phù chân khi mang thai

Biểu hiện rõ nhất là từ phần cổ chân trở xuống đến bàn chân đều sưng to, phù nề. Dù không gây đau đớn nhưng thai phụ sẽ cảm thấy nặng nề, khó khăn khi đi giày dép và trong sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này sẽ hết sau khoảng 24 giờ sau sinh.

Theo kinh nghiệm của ông bà ta thì chân xuống máu khi mang thai càng nhiều ở những tuần cuối của thai kỳ là dấu hiệu mẹ bầu sắp sinh em bé.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng bị phù chân khi mang thai và dưới đây là một vài nguyên nhân chính mà các mẹ nên biết để thể biết cách giảm phù chân khi mang thai hiệu quả.

Ba tháng đầu mang thai 

Sự thay đổi của hormone thai kỳ progesterone khiến quá trình tiêu hóa của thai phụ chậm lại. Điều này gây nên tình trạng đầy hơi khi mới mang thai. Ngoài ra thì nếu quan sát kỹ bạn cũng sẽ thấy có chút bọng mắt, bàn tay hoặc bàn chân bị phù nhưng không nhiều đó chính là phù chân khi mang thai 3 tháng đầu.

Việc thay đổi hormone trong thai kỳ còn khiến cho thành mạch trở nên mềm hơn, gây khó khăn cho tĩnh mạch trong quá trình vận chuyển máy từ chi dưới về tim dẫn tới chân bị phù nề.

Tam cá nguyệt thứ hai

Thời kỳ tam cá nguyệt thứ 2 bắt đầu vào tuần 13 của thai kỳ (khoảng đầu tháng thứ 4). Sẽ không có gì lạ khi vào khoảng tháng thứ 5 bạn bắt đầu nhận thấy bàn chân bị sưng phù, nhất là khi bạn đi nhiều hoặc thời tiết nóng bức.

Tình trạng sưng phù này là do lượng máu và chất lỏng trong cơ thể mẹ bầu ngày càng tăng. Khi mang thai, lượng máu và chất lỏng trong cơ thể người mẹ tăng khoảng 50% so với bình thường để nuôi dưỡng thai nhi. Chính điều này đã dẫn tới hiện tượng phù nề chân khi mang thai.

Nguyên nhân khiến chân bị phù khi mang thaiNguyên nhân khiến chân bị phù khi mang thai

Tam cá nguyệt thứ ba

Theo thống kê thì có đến 90% khi thai phụ bước vào tuần thứ 28 trở đi là thời điểm mà bàn chân mẹ bầu dễ bị sưng phù nhất. Đặc biệt là khi gần đến tuần thứ 40 thì các ngón chân ngày càng dễ bị sưng phù hơn. Khi thai nhi càng lớn thì tử cung sẽ sẽ lớn hơn để phù hợp với kích thước em bé, điều này đã gây áp lực, chèn lên tĩnh mạch của chi dưới. 

Trong khi đó tĩnh mạch này lại có vai trò bơm máy từ chi về tim, khi sức ép càng lớn thì máu sẽ càng dồn về chân nhiều hơn nên càng dễ nhận ra tình trạng phù nề, dễ dàng nhìn thấy ở bàn chân và mắt cá chân.

Một số nguyên nhân khác có thể gặp như:

  • Thời tiết quá nắng nóng
  • Chế độ ăn uống mất cân bằng, không đảm bảo dinh dưỡng
  • Sử dụng caffeine
  • Uống ít nước, không đủ tối thiểu 2 lít mỗi ngày
  • Đứng trong thời gian dài.

Dấu hiệu phù chân khi mang thai

Xuống máu chân khi mang thai là hiện tượng sinh lý thường gặp trong thai kỳ, không gây nguy hiểm cho mẹ và bé với các dấu hiệu như:

Dấu hiện chân phù khi có thaiDấu hiện chân phù khi có thai

  • Phù ở bàn chân, bắp chân, mắt cá chân hoặc tay
  • Bị cả 2 bên chân
  • Thể hiện nhất vào cuối ngày
  • Triệu chứng giảm bớt sau khi nghỉ ngơi.

Cách giảm phù chân khi mang thai giúp mẹ bầu dễ chịu

Để giảm tình trạng phù nề chân thì các mẹ bầu có thể áp dụng một số cách dưới đây, đây đều là những cách làm an toàn nên hoàn toàn yên tâm.

1. Giảm lượng muối ăn hàng ngày

Muối (natri) khiến cơ thể bạn tích thêm nước nên để giảm phù nề khi mang thai bạn cần hạn chế ăn loại gia vị này. Ngoài việc hạn chế muối trong các món ăn mà cũng cần hạn chế sử dụng đồ đóng hộp hoặc đồ chế biến sẵn vì chúng chứa nhiều natri.

Giảm ăn muối giúp giảm chứng sưng nề chân khi mang thaiGiảm ăn muối giúp giảm chứng sưng nề chân khi mang thai

Cơ thể hấp thụ quá nhiều muối còn làm tăng huyết áp, suy thận, viêm bàng quang,... cực kỳ nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi.

2. Bổ sung thêm Kali

Kali đóng vai tròng giúp cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể từ đó giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng sưng phù một cách hiệu quả. Việc bổ sung không đủ cũng Kali cũng có thể khiến phù nề trở nên tồi tệ hơn.

Do đó, ngoài việc bổ sung Vitamin thì các mẹ cũng nên tăng cường Kali bằng cách ăn các thực phẩm tươi mới, an toàn và giàu Kali như chuối, khoai lang, củ cải, đậu lăng, cải bó xôi, sữa chua, cá hồi,…

Bổ sung Kali là một trong những cách giảm phù chân khi mang thai hiệu quả.Bổ sung Kali là một trong những cách giảm phù chân khi mang thai hiệu quả.

3. Uống nhiều nước

Nghe thì có vẻ là lạ nhưng thực sự nó rất hữu dụng. Khi cơ thể bạn đang lầm tưởng rằng bị thiếu nước thì nó sẽ tích nhiều chất lỏng hơn để bù đắp lại. Uống nhiều nước hơn sẽ giúp thận đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, cân bằng dung dịch nội môi, thải lượng Natri dư thừa giúp thanh lọc từ đó cơ thể khỏe mạnh mà còn giảm phù nề.

Mẹ bầu cần bổ sung 2,4 lít nước/ngày, ngoài nước khoáng thì mẹ có thể sử dụng nước ép trái cây, trà thảo mộc (trà gừng, bạc hà, hoa cúc,.. để tăng khẩu vị.

4. Giảm lượng caffein

Uống nhiều caffein không chỉ cản trở sự hấp thu, gây hại cho sự phát triển của thai nhi mà còn làm cho chứng máu xuống chân khi mang thai trở nên nghiêm trọng hơn bởi cafein là chất lợi tiểu, khiến mẹ bầu đi tiểu nhiều hơn dẫn tới rối loạn điện giải từ đó làm cơ thể lầm tưởng rằng cần phải tích nước, dẫn tới phù nề.

Mẹ có thể thay thế bằng trà thảo mộc như trà bạc hà để có được sức khỏe tốt trong thai kỳ.

Thay vì uống caffein mẹ bầu nên uống trà thảo mộcThay vì uống caffein mẹ bầu nên uống trà thảo mộc

5. Gác cao chân và nghỉ ngơi

Việc mẹ bầu đứng nhiều và liên tục ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể, chân sẽ bị phù lên nên chị em hãy cố gắng ngồi và gác chân lên khi có thể. Điều này sẽ giúp thoát chất lỏng tích tụ ở trong suốt 1 ngày.

6. Mặc đồ rộng rãi, thoải mái

Mặc quần áo chật, nhất là vùng cổ tay, thắt lưng và mắt cá chân có thể khiến tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng hơn vì nó khiến máu khó lưu thông. Do đó, mẹ bầu nên lựa chọn các loại đầm suông với chất liệu co giãn, thoáng mát. Nếu có dùng tất (vớ) thì chọn loại không quá bó sát.

Mặc đồ thoải mái để tránh sưng nềMặc đồ thoải mái để tránh sưng nề

7. Đi giày thoải mái

Những tháng cuối của thai kỳ là thời điểm thích hợp để mẹ bầu dừng các hoạt động và nghỉ ngơi nhiều hơn. Hơn nữa, ngoài việc chân phù khi mang thai thì các dây chằng trong cơ thể mẹ bầu còn bị giãn ra làm thay đổi kích thước bàn chân. Vì thế, mang giày bệt là tốt nhất bởi nó vừa tránh bị đau chân khi mang thai vừa giúp giảm phù chân, ngăn ngừa các vấn đề về hông và lưng có thể phát sinh khi trọng lượng cơ thể tăng lên, trọng tâm cơ thể thay đổi.

8. Đi bộ

Khi có thai, mẹ cần tránh các hoạt động gắng sức như chạy, mang vác, tập tạ,... mà thay vào đó là các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ bởi nó sẽ giúp cải thiện hệ tuần hoàn từ đó giảm sưng nề. Chú ý giữ mát cơ thể khi tập luyện trong thời tiết nắng nóng.

Đi một cũng là cách giảm chứng phù nề chân trong thai kỳĐi một cũng là cách giảm chứng phù nề chân trong thai kỳ

9. Bơi lội

Nhiều thai phụ cho biết họ cảm thấy phù nề giảm đáng kể sau khi đi bơi. Các mẹ hãy thử đứng hoặc bơi ở hồ bơi có độ sâu đến cổ sẽ cảm thấy bàn chân và cổ chân bớt phù nề hơn. Tuy nhiên bạn nên cân nhắc tham khảo ý kiến của bác sĩ xem tình trạng sức khỏe của mình có phù hợp để bơi lội không.

10. Massage chân

Massage giúp lưu thông các chất lỏng tích tụ ở bàn chân từ đó tình trạng sưng tấy sẽ suy giảm. Các mẹ có thể thực hiện bằng cách gác chân lên, dùng chai nước nóng xoa bóp bàn chân, có thể thêm một chút tich dầu bạc hà hoặc oải hương để thư giãn và ngủ ngon. 

Massage chân mỗi ngày để giảm sưng nềMassage chân mỗi ngày để giảm sưng nề

Bên cạnh đó thì mẹ cũng có thể thực hiện động tác xoay bàn chân như sau: xoay tròn cổ chân theo một vòng tròn lớn rồi gập bàn chân lại, tiếp đến là xoay từng ngón chân theo chiều kim đồng hồ rồi đổi sang chân còn lại. Nên làm đều đặn 2- 3 lần mỗi ngày và mỗi lần khoảng 10 phút. Mẹ đầu đừng ngại nhờ chồng mát xa giúp nhé, đảm bảo sẽ dễ chịu hơn đó.

11. Ngủ nghiêng bên trái

Nằm ngủ nghiêng về bên trái sẽ giúp cải thiện tình trạng phù nề bàn chân ở phụ nữ có thai bởi nó giúp cải thiện lưu thông máu đồng thời giảm áp lực của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới, đây chính là mạch máu lớn đưa máu về tim.

Bên cạnh đó mẹ cũng cần nhớ kỹ một số điều đó là tránh các thói quen xấu như nhịn tiểu, ngồi gác chân, bắt chéo, xếp bằng và thường xuyên duỗi chân hoặc thay đổi tư thế để tránh bị ứ đọng tuần hoàn.

Chứng phù nề chân ở bà bầu khi nào phải gặp bác sĩ?

Phù nề ở chân là hiện tượng sinh lý rất bình thường của thai kỳ, hầu hết các mẹ bầu đều gặp phải, tuy nhiên đôi khi nó cũng là hiện tượng bệnh lý. Một trong những vấn đề đó chính là chứng tiền sản giật. Tình trạng này thường gặp trong thai kỳ và gây ra tình trạng huyết áp cao vô cùng nguy hiểm.

Đi khám bác sĩ ngay khi phù nề chân kèm biểu hiện bất thườngĐi khám bác sĩ ngay khi phù nề chân kèm biểu hiện bất thường

Nếu có những dấu hiệu bất thường dưới đây thì mẹ cần hết sức cẩn trọng, đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, thăm khám:

  • Phù nề ngày càng tăng, có thể xuất hiện dấu ấn lõm (ấn ngón tay vào vị trí phù và thấy da đàn hồi chậm)
  • Tình trạng kéo dài lâu ngày, dù đã nghỉ ngơi nhiều nhưng không thuyên giảm
  • Xuất hiện phù ở cả tay và mặt
  • Xuất hiện đồng thời các triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, khó thở, mờ mắt,...
  • Lú lẫn
  • Khó thở
  • Đau đầu dữ dội

Trên đây là hướng dẫn về cách giảm phù chân khi mang thai, hy vọng sẽ giúp các mẹ bầu thoải mái hơn trong suốt thai kỳ. BVĐK Phương Đông cung cấp dịch vụ thai sản trọn gói với các dịch vụ cao cấp cùng mức giá ưu đãi. Liên hệ ngay số Hotline 1900 1806 để được tư vấn chi tiết.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
15,537

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám