Adenovirus: Khả năng gây bệnh, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Dương Minh Ngọc

17-09-2022

goole news
16

Adenovirus đang có xu hướng bùng phát mạnh ở nước ta. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến trên thế giới. Loại virus này có khả năng gây viêm đường hô hấp ở người. Nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy phương pháp điều trị Adenovirus là gì? BVĐK Phương Đông sẽ cung cấp thông tin tới bạn trong bài viết dưới đây.

Adenovirus là gì?

Adenovirus là những virus chứa ADN chuỗi kép. Virus này có hình dạng như khối đa diện với 20 mặt là hình tam giác đều được tạo nên bởi 252 capsome và không có bao ngoài. Đường kính của virus dao động từ 80 - 100 mm. 

Cấu trúc của AdenovirusCấu trúc của Adenovirus

Virus Adeno được phát hiện lần đầu vào năm 1953 từ mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể người. Virus này thuộc họ Adenoviridae, được chia thành nhóm gây bệnh ở động vật có vú, bao gồm cả con người (Mastadenovirus) và nhóm gây bệnh ở chim (Avi Adenovirus).  

Loại virus này ở người được chia thành 6 nhóm gồm 47 type dựa trên đặc điểm sinh học phân tử, sinh lý và sinh hoá với ký hiệu A - F. Mọi lứa tuổi, mọi đối tượng đều có thể bị nhiễm virus. Trong đó, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền,... những người có hệ miễn dịch kém có nguy cơ cao nhiễm virus này. 

Virus Adeno rất cứng, có thể tồn tại bên ngoài cơ thể người hoặc động vật chủ trong thời gian dài. Đồng thời, loại virus này có sức đề kháng bền vững. Nên ở nhiệt độ phòng, virus có thể tồn tại khoảng 1 tháng; 40°C có thể sống trong nhiều tháng, -200°C sống được nhiều năm.

Chúng chỉ mất độc lực và chết khi ở trong nhiệt độ 56°C trong 3 - 5 phút. Hoặc dưới tia cực tím hay cloramin thì virus dễ dàng bị tiêu diệt. Với các chất dung môi hữu cơ như axeton, ete đều không diệt được virus.

Virus Adeno có khả năng gây ra nhiều bệnh lý ở mọi lứa tuổiVirus Adeno có khả năng gây ra nhiều bệnh lý ở mọi lứa tuổi

Adenovirus gây bệnh gì?

Adenovirus có ít nhất 47 type huyết thanh. Mỗi type có khả năng gây bệnh với các triệu chứng khác nhau. Người bệnh nhiễm Adenovirus thường là nhiễm một type. Trong 6 nhóm từ A - F, nhóm B có khả năng gây ra bệnh nhiều và thường gặp nhất. Adenovirus gây bệnh quanh năm. Nhưng đặc biệt phát triển vào thời điểm giao mùa Xuân Hè hoặc Thu Đông. 

Vậy cụ thể Adenovirus gây bệnh gì? Các bệnh thường gặp do Adenovirus gây ra gồm:

Adenovirus gây bệnh viêm đường hô hấp

Viêm họng cấp 

Bệnh do virus Adeno nhóm C gây ra. Đối tượng thường mắc viêm họng cấp là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Bệnh khó nhận biết, do có triệu chứng giống với những trường hợp nhiễm virus khác như sốt, sưng viêm họng, ho, đau đầu, chảy nước mũi. Bệnh thường kéo dài khoảng 7 – 14 ngày. Có khả năng lây lan nhanh và trở thành dịch. 

Virus Adeno nhóm C có khả năng gây viêm họng cấpVirus Adeno nhóm C có khả năng gây viêm họng cấp

Viêm họng kết mạc 

Bệnh này do virus nhóm B, các type 3, 7, 1 gây nên. Trẻ em và người trẻ tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh viêm họng kết mạc. Triệu chứng của viêm họng kết mạc tương tự viêm họng cấp và kèm theo biểu hiện kết mạc mắt đỏ, chảy dịch nhưng không đau. Viêm họng kết mạc có thể lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt là lây qua nguồn nước ở bể bơi. Bệnh thường lây lan nhanh tạo thành dịch, đặc biệt là vào mùa Hè. Người bệnh do Adenovirus có thể bị lây qua đường hô hấp hay khi tiếp xúc với nguồn bệnh khi đi bơi.

Viêm đường hô hấp cấp

Bệnh do các adenovirus type 3, 4, 7 gây ra. Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc viêm đường hô hấp cấp. Bệnh diễn biến nhanh với biểu hiện như: Viêm họng, hạch cổ sưng đau, ho và sốt cao. Người mắc bệnh có thể tự khỏi sau 3 - 4 ngày.

Trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị viêm đường hô hấp cấp do virus Adeno type 3, 4, 7Trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị viêm đường hô hấp cấp do virus Adeno type 3, 4, 7

Viêm phổi

Bệnh chủ yếu do virus type 3 và 7. Biểu hiện của viêm phổi thường xuất hiện đột ngột như ho, sốt cao, dấu hiệu tổn thương ở phổi. Các tổn thương này có thể lây lan để lại di chứng và gây tử vong. Đây cũng là căn bệnh chiếm tỷ lệ 10% viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ.

Viêm kết mạc mắt do nhiễm virus Adeno

Bệnh thường được gọi là đau mắt đỏ hoặc bệnh bể bơi “swimming pool”. Do virus nhóm B đặc biệt là type 3, 7. Bệnh dễ lây qua nước ở bể bơi và tạo thành dịch vào mùa Hè. Triệu chứng nhận biết bệnh là: Một hoặc cả hai bên kết mạc mắt đỏ, dịch chảy bên trong. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh dễ bị bội nhiễm.

Virus Adeno type 3, 7 gây viêm kết mạc mắtVirus Adeno type 3, 7 gây viêm kết mạc mắt

Viêm dạ dày - ruột

Adenovirus type 40, 41 gây bệnh dạ dày ruột. Người bệnh có triệu chứng đi ngoài nhiều nước trong khoảng 7 ngày. Đồng thời xuất hiện một số triệu chứng đi kèm như viêm kết mạc, viêm đường hô hấp, buồn nôn, nôn, sốt, co thắt dạ dày. Virus gây bệnh được đào thải trong phân và đây cũng là nguồn lây bệnh chủ yếu.

Một số bệnh khác

Adenovirus type 11 và 12 còn là nguyên nhân gây viêm bàng quang chảy máu ở trẻ nhỏ, nhất là bé trai. Một số trường hợp virus được phát hiện ở niệu đạo và tử cung, gây ra bệnh lây qua đường tình dục.

Ngoài ra, một số người mắc virus không có biểu hiện được gọi là thể ấn và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Trường hợp này, virus vẫn có khả năng lây lan trong cộng đồng. Do đó, khi có dấu hiệu nghi nhiễm virus, bạn nên tự theo dõi sức khoẻ và đi khám ngay để có phương pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.

Bệnh Adenovirus lây qua đường nào?

Nguồn lây nhiễm Adenovirus là người bệnh mang virus trong thời kỳ mắc bệnh. Sạu đó, bệnh truyền qua các đường như: 

  • Qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người.
  • Qua nước ở bể bơi hoặc nguồn nước chứa dịch tiết từ mắt, mũi, phân của người bệnh.
  • Lây nhiễm khi tiếp xúc với các vật dụng cá nhân với mắc virus Adeno.
  • Lây qua đường tình dục khi người lành quan hệ không an toàn với người mắc bệnh.

Adenovirus dễ dàng lây lan qua đường giọt bắn hoặc tiếp xúc với vật chứa virusAdenovirus dễ dàng lây lan qua đường giọt bắn hoặc tiếp xúc với vật chứa virus

Đặc biệt, bệnh Andenovirus lây lan nhanh chóng ở trẻ em trong môi trường học đường, khu vui chơi, bể bơi. Khi trẻ nhỏ nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, các giọt bắn chứa virus bay vào không khí và bám trên các bề mặt. Trẻ dễ bị nhiễm virus khi chạm vào tay, mũi, miệng hoặc đồ chơi hay đồ dùng của trẻ đã mắc bệnh, sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng. Do thói quen hay đưa tay vào miệng, lên mặt nên bệnh thường gia tăng nhanh ở trẻ nhỏ.

Biến chứng khi nhiễm Adenovirus

Adenovirus có khả năng gây ra nhiều biến chứng lâu dài nếu người bệnh không điều trị kịp thời. Những biến chứng có thể xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ:

  • Suy hô hấp
  • Nhiễm trùng huyết
  • Suy đa tạng
  • Hội chứng viêm tiểu phế quản tắc nghẽn
  • Giãn phế quản
  • Xơ phổi
  • Bệnh viêm phổi ở trẻ do virus Adeno có thể phát triển thành bệnh viêm phổi mãn tính.
  • Một biến chứng nghiêm trọng khác khi trẻ mắc Adeno virus là lồng ruột. Đây là tình trạng một đoạn ruột bị lồng vào một phần của đoạn ruột liền kề gây tắc ruột và thiếu máu ruột cục bộ.

Người nhiễm virus có thể gặp biến chứng xơ phổi, đặc biệt là trẻ emNgười nhiễm virus có thể gặp biến chứng xơ phổi, đặc biệt là trẻ em

Phương pháp chẩn đoán và điều trị Adenovirus

Chẩn đoán

Khi người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Adenovirus sẽ được làm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như: 

  • Khám lâm sàng các triệu chứng bệnh
  • Sử dụng kỹ thuật xét nghiệm Realtime PCR những mẫu bệnh phẩm là dịch của cơ thể (phân, nước tiểu, dịch họng, kết mạc, tăm bông trực tràng)
  • Chẩn đoán huyết thanh
  • Chụp X-Quang tim phổi

Virus Adeno được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm huyết thanh

Virus Adeno được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm huyết thanh

Điều trị

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu do virus Adeno gây ra. Phương pháp điều trị bệnh thường là chữa triệu chứng, nâng cao sức đề kháng và dùng thuốc kháng sinh đối với những trường hợp bị bội nhiễm.

Đối với các trường hợp khi nhiễm virus thể nhẹ, người bệnh có thể tự hết trong vài ngày mà không phải điều trị. Trường hợp người bệnh có hệ miễn dịch kém bị nhiễm trùng Adenovirus được chỉ định dùng thuốc kháng virus. Đối với trẻ bị nhiễm virus Adeno cần nhập viện và được cách ly tại phòng bệnh riêng, hỗ trợ hô hấp nếu cần và dùng kháng sinh khi bị bội nhiễm viêm phổi.

Trẻ bị nhiễm virus Adeno cần được nhập viện và điều trị kịp thờiTrẻ bị nhiễm virus Adeno cần được nhập viện và điều trị kịp thời

Trong thời gian nhiễm virus, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên:

  • Uống nhiều nước. Khi nhiễm virus, người bệnh bị sốt, sốt, nôn mửa và tiêu chảy dẫn đến mất nước. Do đó, bệnh nhân cần phải bù nước điện giải. Nước hoặc nước ép trái cây 100% là những lựa chọn tốt nhất để bù nước cho cơ thể.
  • Thông tắc nghẽn: Người bệnh dụng nước muối sinh lý để rửa thông mũi họng cũng như làm giảm bớt lượng dịch ở mũi, họng. 
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý và thuốc kháng viêm để giảm đau họng.
  • Sử dụng máy tạo ẩm dạng phun sương. Hơi ẩm sẽ làm dịu sự tắc nghẽn và giúp người bệnh thông thoáng đường thở.
  • Sử dụng thuốc hạ sốt. 
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Uống nhiều nước giúp người bệnh cải thiện tình trạng khi nhiễm virusUống nhiều nước giúp người bệnh cải thiện tình trạng khi nhiễm virus

Người bệnh lưu ý, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ sử dụng thuốc chứa aspirin. Loại thuốc này có thể dẫn đến tình trạng hiếm gặp như hội chứng Reye gây sưng phù não và gan, ảnh hưởng khả năng hồi phục và sức khỏe sau này.

Phòng ngừa Adenovirus bằng cách nào?

Hiện nay vaccine phòng ngừa virus Adeno vẫn chưa được dùng rộng rãi. Loại vaccine chứa Adenovirus sống type 4 và 7 thường được dùng theo đường uống (dạng 1 viên nang tan trong ruột). Thuốc có tác dụng phòng ngừa phần lớn bệnh do Adenovirus type 4, 7 gây ra. Tuy nhiên, vaccine dạng uống này chỉ được dùng cho quân nhân.

Adenovirus có khả năng lây trên diện rộng thành dịch bằng cách trực tiếp và gián tiếp. Do đó, khi thấy bản thân hay người xung quanh nhiễm hoặc nghi nhiễm Adeno virus cần có biện pháp phòng bệnh hợp lý, tránh bùng phát thành dịch.

Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý để ngăn ngừa virus AdenoSúc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên giúp ngăn ngừa virus Adeno

Các chuyên gia khuyến cáo, tại những nơi đang lưu hành dịch Adeno, để giảm thiếu bệnh lây lan người dân cần thực hiện: 

  • Nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, đặc biệt là mắt, mũi, họng.
  • Rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang tại nơi công cộng. 
  • Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.
  • Người lành tuyệt đối không tiếp xúc, dùng chung vật dụng cá nhân, nhất là bát, đũa, giường, chiếu, khăn mặt, bàn chải đánh răng,... Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng
  • Giữ gìn môi trường xung quanh và nguồn nước sạch sẽ. Đặc biệt vào mùa mưa, người dân nên khử trùng nước giếng bằng cloramin B.

Đối với trẻ nhỏ, một số lưu ý cha mẹ cần biết để phòng bệnh virus Adeno:

  • Ngay sau sinh, cho trẻ bú sớm và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi;
  • Cho trẻ ăn dặm khoa học, đầy đủ các thành phần dinh dưỡng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. 
  • Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ, với trẻ nhỏ nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý;
  • Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh;
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên
  • Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để phòng các bệnh lý hô hấp khác.

Thường xuyên sát khuẩn tay và đeo khẩu trang cho trẻ để phòng ngừa nhiễm virus Thường xuyên sát khuẩn tay và đeo khẩu trang cho trẻ để phòng ngừa nhiễm virus 

Giải đáp thắc mắc liên quan đến Adenovirus

Có phải Adenovirus là tác nhân gây nên viêm gan bí ẩn?

Thời gian gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh viêm gan bí ẩn có xu hướng gia tăng, chủ yếu là trẻ em. Khoảng 70% trường hợp bệnh nhân mắc viêm gan bí ẩn có kết quả dương tính với virus Adeno. Trên thực tế, tổ chức Y tế thế giới WHO vẫn chưa đưa ra bằng chứng chứng minh adenovirus là nguyên nhân chính gây viêm gan bí ẩn. Các chuyên gia cần thêm thời gian để theo dõi và nghiên cứu sâu hơn về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn.

Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng về virus Adeno gây viêm gan bí ẩnHiện nay vẫn chưa có bằng chứng về virus Adeno gây viêm gan bí ẩn

Người mắc bệnh do Adenovirus có tái phát không?

Sau khi điều trị khỏi, người từng mắc Adenovirus có miễn dịch với virus đạt hiệu quả cao và kéo dài. Tuy nhiên, những người này chỉ có miễn dịch với virus cùng type. Họ vẫn có khả năng tái nhiễm bệnh do nhiễm những chủng virus Adeno khác gây ra.

Xét nghiệm Adenovirus ở đâu?

Khoa Xét nghiệm – Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là trung tâm xét nghiệm đồng bộ với đầy đủ các lĩnh vực, đảm bảo đạt tiêu chuẩn cao xét nghiệm thường quy và xét nghiệm chuyên sâu chẩn đoán các bệnh lý.

Tại đây quy tụ đội ngũ kỹ thuật viên, bác sĩ đầu ngành cùng hệ thống máy xét nghiệm tự động, hiện đại của các nước tiên tiến sản xuất như: Roches của Thụy Sĩ, Sysmex của Nhật bản, Beckman Coulter từ Mỹ, Quintus của Italy. Nhờ đó, kết quả xét nghiệm đảm bảo độ chính xác cao giúp quá trình chẩn đoán bệnh do virus Adeno nhanh chóng, chính xác. 

Hệ thống máy xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Hệ thống máy xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Trên đây là những thông khoa học về Adenovirus. Nếu bạn cần được hỗ trợ giải đáp hoặc đăng ký lịch khám hay xét nghiệm tại Bệnh viện Phương Đông, vui lòng liên hệ 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
6,718

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám