Bệnh viêm phổi ở trẻ em và cách điều trị hiệu quả

Trần Hồng Nụ

15-06-2022

goole news
16

Bệnh viêm phổi ở trẻ em là hiện tượng nhiễm trùng đường hô hấp nặng. Khiến cơ thể bé không được hấp thụ đủ lượng oxy cần thiết. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Bởi vậy, việc phụ huynh nắm được các thông tin liên quan đến nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị bệnh này sẽ giúp bảo vệ trẻ một cách chủ động.

Bệnh viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi ở trẻ em là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nặng, xảy ra khá phổ biến. Lúc này, các túi khí trong phổi của trẻ sẽ chứa rất nhiều mủ và dịch nhầy. Đây cũng là lý do khiến cơ thể trẻ không được hấp thụ đủ lượng oxy cần thiết.

Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc viêm phổi nhất. Thậm chí bé còn có nguy cơ cao gặp phải biến chứng nặng và tử vong do bệnh này.

Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc viêm phổi
Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc viêm phổi

Bệnh viêm phổi ở trẻ em có 2 loại là viêm phổi thùy và viêm phế quản. Mỗi dạng bệnh sẽ có những đặc điểm và mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Viêm phổi thùy

Viêm phổi thùy chính là tình trạng viêm nhiễm ở nhu mô phổi, ống phế nang hoặc túi phế nang. Bệnh thường có nguy cơ cao xảy ra những ở trẻ có sức đề kháng kém. Chẳng hạn như trẻ suy dinh dưỡng, trẻ từng mắc các bệnh về đường hô hấp…

Yếu tố thời tiết cũng có liên quan đến bệnh viêm phổi thùy. Cụ thể, trẻ thường mắc bệnh này khi thời tiết thay đổi. Nhất là vào mùa đông xuân. Đặc biệt viêm phổi thùy còn có thể bùng phát thành dịch trên diện rộng ở ở nhà trẻ, trường học, các khu dân cư…

Viêm phổi phế quản

Viêm phổi phế quản là tình trạng viêm, nhiễm trùng cấp ở phế quản, phế nang phổi và thậm chí là cả các mô kẽ. Bệnh này tiến triển cực nhanh và để lại nhiều biến chứng nặng. Thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ nếu như không được phát hiện, can thiệp điều trị đúng cách. Trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh dưới 2 tháng là đối tượng rất dễ mắc viêm phổi phế quản.

Bệnh viêm phổi ở trẻ có nguy hiểm không? Những biến chứng thường gặp?

Bệnh viêm phổi vô cùng nguy hiểm do có tỷ lệ mắc cao và là cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Khi bị viêm phổi, trẻ có nguy cơ cao bị suy hô hấp; dẫn tới khó thở, suy nhược cơ thể; dẫn tới nhiều biến chứng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan khác.

Bện viêm phổi ở trẻ em rất nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời
Bện viêm phổi ở trẻ em rất nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời

Bệnh viêm phổi ở trẻ em luôn luôn diễn biến từ nhẹ đến nặng. Nếu như không được điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nặng như:

  • Nhiễm trùng máu: Là hiện tượng vi khuẩn gây bệnh viêm phổi đã xâm nhập được vào hệ tuần hoàn. Và gây nhiễm trùng máu dẫn tới sốc biến chứng nhiễm trùng. Biến chứng này rất khó điều trị khỏi, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng của trẻ.
  • Tràn mủ màng phổi: Biến chứng này khiến trẻ khó khăn trong hô hấp. Lượng bạch cầu trong máu tăng cao và xuất hiện hiện tượng kháng thuốc.
  • Viêm màng não: Đây là biến chứng gây tổn thương não vĩnh viễn. Rối loạn thần kinh đồng thời đe dọa tính mạng của trẻ.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp: Bao gồm triệu chứng áp xe phổi, viêm phổi mạn tính và suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng.
  • Tràn dịch màng tim, trụy tim.
  • Biến chứng khác: viêm phúc mạc, viêm nội tâm mạc, viêm khớp,…

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cho trẻ

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cho trẻ có sự khác biệt theo từng độ tuổi, cụ thể:

  • Trẻ trên 5 tuổi: Đối tượng này thường mắc viêm phổi do các loại vi khuẩn không điển hình. Cụ thể đó là phế cầu, siêu vi hô hấp, Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumoniae.
  • Trẻ dưới 5 tuổi: Trẻ mắc viêm phổi do sự xâm nhập và tác động của phế cầu khuẩn, liên cầu pyogenes, tụ cầu vàng và HiB. Được biết, vi khuẩn HiB trước đây là tác nhân chính gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ. Tuy nhiên, sau này do có chương trình tiêm ngừa nên HiB gây viêm phổi là không đáng kể.
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Đối tượng này có thể bị viêm phổi do các tác nhân giống như trẻ 5 tuổi. Ngoài ra còn có thêm vi khuẩn E.Coli, Proteus... do mẹ truyền qua.

Viêm phổi ở trẻ em có thể khởi phát do virus hoặc vi khuẩn
Viêm phổi ở trẻ em có thể khởi phát do virus hoặc vi khuẩn

Ngoài ra, các bác sĩ cũng đã phát hiện ra rằng, những trẻ có nguy cơ cao mắc viêm phổi là:

  • Trẻ dưới 1 tuổi.
  • Trẻ đẻ non.
  • Trẻ có sức đề kháng yếu hoặc suy dinh dưỡng.
  • Các trẻ em ở những nước nghèo. Điều kiện kinh tế, y tế yếu kém.
  • Trẻ thường phải sống trong môi trường có khói thuốc.
  • Trẻ đang trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo.

Dấu hiệu bé bị viêm phổi

Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những khác biệt đáng kể.

Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Những trẻ sơ sinh khi bị viêm phổi thường xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Sốt cao (trên 39 độ).
  • Bé mệt mỏi nên ngủ li bì, mắt lờ đờ.
  • Khó thở, thở gấp, thở nhanh hơn so với bình thường. Thậm chí, bé còn phải dùng cả bụng để co bóp nhằm lấy nhiều oxy hơn để thở.
  • Ho khan vào thời gian đầu mắc viêm phổi và sau đó ho có đờm. Đờm theo thời gian sẽ chuyển dần từ sắc trắng sang xanh hoặc vàng.
  • Môi và da em bé xanh xao, nhợt nhạt do cơ thể bị thiếu oxy.
  • Bé đau bụng hoặc tức ngực.
  • Trẻ bị nôn trớ, tiêu chảy.
  • Bú ít hơn bình thường, thậm chí bỏ bú.

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có biểu hiện mệt mỏi, ngủ li bì, mắt lờ đờ
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có biểu hiện mệt mỏi, ngủ li bì, mắt lờ đờ

Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ nhỏ

Ở trẻ nhỏ khi bị viêm phổi, bé thường có các biểu hiện sau:

  • Thở nhanh hoặc rất nhanh.
  • Thở rít, thở khò khè, cảm giác rất khó khăn.
  • Trẻ có các triệu chứng tương tự như cảm cúm gồm: Sốt, nghẹt mũi, ho, ớn lạnh, nôn ói,...
  • Đau tức vùng ngực.
  • Đau bụng đi ngoài.
  • Trẻ mệt mỏi, lười giao tiếp, vận động.
  • Chán ăn.
  • Môi, đầu móng tay nhợt nhạt hoặc xanh tái.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới: thở nhanh chính là triệu chứng xuất hiện sớm nhất và cũng điển hình nhất khi trẻ em bị viêm phổi.

Thậm chí, nó còn sớm hơn cả các dấu hiệu thu được khi nghe phổi bằng ống nghe hay khi chụp X-quang. Bố mẹ có thể dễ dàng phát hiện triệu chứng này tại nhà bằng cách:

  • Trẻ dưới 2 tháng: Nhịp thở 60 lần/phút trở lên.
  • Trẻ từ 2 tháng - dưới 12 tháng: Nhịp thở 50 lần/phút trở lên.
  • Trẻ từ 12 tháng - dưới 5 tuổi: Nhịp thở 40 lần/phút trở lên.

Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ em

Khi nhận thấy trẻ có một trong những dấu hiệu trên. Phụ huynh cần đưa bé đến bệnh viện để được chẩn đoán và tìm hướng khắc phục khi cần thiết.

Để chẩn đoán viêm phổi ở trẻ. Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để kiểm tra, quan sát sắc mặt, màu da, cách bé thờ, thân nhiệt và một số dấu hiệu khác liên quan đến bệnh. Đây là bước làm đầu tiên và không thể bỏ qua ở bất cứ bệnh nhân nào.

Đo nhịp tim là một trong những biện pháp chẩn đoán viêm phổi ở trẻ
Đo nhịp tim là một trong những biện pháp chẩn đoán viêm phổi ở trẻ

Bước tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang ngực, làm xét nghiệm máu cho trẻ để việc chẩn đoán bệnh được chính xác nhất. Biện pháp này cũng giúp phát hiện ra mức độ tổn thương của phổi và tìm hướng khắc phục bệnh phù hợp.

Việc điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ em theo phương hướng nào phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là độ tuổi, tình trạng sức khỏe của trẻ. Và nguyên nhân gây bệnh là virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng.

Trong trường hợp bệnh viêm phổi do virus gây ra, bé hoàn toàn không cần phải uống kháng sinh. Ngược lại, nếu bệnh do vi khuẩn gây ra, bé cần phải dùng kháng sinh phù hợp.

Tại bệnh viện, trẻ có thể được điều trị viêm phổi bằng các biện pháp sau:

Bệnh nhân 2 tháng tuổi - 5 tuổi:

  • Viêm phổi mức độ nhẹ: Nếu như bé chỉ có có dấu hiệu ho và thở nhanh. Bác sĩ có thể điều trị ngoại trú bằng cách dùng kháng sinh hỗn hợp Cotrimoxazol (480mg) hoặc thuốc Amoxicillin theo trong 2 - 3 ngày. Sau thời gian này, nếu các triệu chứng bệnh thuyên giảm thì bé sẽ được chỉ định dùng thuốc đủ 5 - 7 ngày. Ngược lại, nếu như dấu hiệu bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn thì cần chuyển sang phác đồ điều trị khác.
  • Viêm phổi nặng: Trẻ bị viêm phổi nặng là khi có các triệu chứng khó thở, co rút lồng ngực. Lúc này, bé bắt buộc phải nhập viện để điều trị bằng thuốc kháng virus Benzylpenicillin (Penicillin G) hoặc kháng sinh Ampicillin. Khi theo dõi đủ phản ứng của bé với thuốc 2 - 3 ngày. Nếu thấy dấu hiệu bệnh thuyên giảm thì tiếp tục dùng đủ 5 - 10 ngày.
  • Viêm phổi rất nặng: Đây là lúc trẻ có dấu hiệu khó thở, da tím tái, ngủ li bì, co rút lồng ngực. Khi được nhập viện, bé cần sử dụng Benzylpenicillin phối hợp với Gentamycin (80mg) hoặc uống thuốc kháng sinh Chloramphenicol theo lộ trình từ 5 - 10 ngày. Ngoài ra, Ampicillin và Gentamycin (80mg); thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng Cefuroxime cũng có thể được áp dụng cho trẻ nếu cần thiết.

Để điều trị viêm phổi, trẻ có thể phải sử dụng đến thuốc kháng sinh
Để điều trị viêm phổi, trẻ có thể phải sử dụng đến thuốc kháng sinh

Bệnh nhân trên 5 tuổi:

Bé bị viêm phổi trên 5 tuổi cần dùng thuốc Benzylpenicillin hoặc kháng sinh có tác dụng chống nhiễm khuẩn Cefotaxim. Đối với những trẻ bị viêm phổi không điển hình, thì gia đình có thể dùng Erythromycin cho bé uống tại nhà trong vòng 10 ngày. Hoặc thuốc Azithromycin trong 7 - 10 ngày.

Khi nào trẻ bị viêm phổi cần nhập viện

Không phải tất cả các trẻ bị viêm phổi đều cần thiết phải nhập viện. Nếu như bệnh ở mức độ nhẹ, bé vẫn có thể được theo dõi và điều trị bệnh tại nhà. Ngược lại, các bậc phụ huynh nên cho bé nhập viện ngay khi có các dấu hiệu sau:

Trẻ sốt cao và kéo dài liên tục: Sốt cao có thể dấu hiệu của nhiều bệnh khác. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài trong 2-3 ngày liên tục thì đây là triệu chứng điển hình của bệnh viêm phổi.

  • Co lõm tại lồng ngực: Đây là triệu chứng cho thấy trẻ đã bị viêm phổi nặng. Lúc này, khi trẻ hít không khí vào vào, phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào.
  • Cơ thể tím tái: Da bé bị nhợt nhạt ở mặt, chân, tay hoặc thậm chí là toàn thân. Là dấu hiệu nguy hiểm và bé cần được cấp cứu ngay. Nếu không bệnh có thể gây biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong.
  • Triệu chứng khác: Khó thở, đau ngực, môi khô, mệt mỏi, chán ăn nhiều ngày,...

Chăm sóc trẻ bị viêm phổi

Trẻ bị bệnh viêm phổi cần phải được ba mẹ chăm sóc cẩn thận. Có như vậy sức đề kháng của trẻ mới tốt lên để có thể đẩy lùi bệnh tật.

Trẻ bị viêm phổi cần quan tâm chăm sóc đặc biệt và khám bác sĩ định kỳ
Trẻ bị viêm phổi cần quan tâm chăm sóc đặc biệt và khám bác sĩ định kỳ

Khi mắc viêm phổi, bé cần được nghỉ ngơi nhiều. Uống đủ nước để có dễ tiêu đờm, giảm ho. Trong trường hợp bé được bác sĩ kê toa kháng sinh. Bạn hãy cho bé uống thuốc theo đúng hướng dẫn về liều lượng, cách dùng. Điều này sẽ giúp thuyên giảm triệu chứng bệnh đồng thời ngăn ngừa viêm phổi lây lan sang các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, nếu như bé có dấu hiệu thở khò khè. Bạn có thể sử dụng thêm máy phun sương hoặc ống hít để tạo thêm không khí trong lành.

Một số cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi mà bố mẹ có thể áp dụng khi cần là:

Hạ sốt:

  • Chườm ấm liên tục khi nhận thấy trẻ bắt đầu có dấu hiệu sốt. Nhiệt độ nước trong túi chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ tay của bạn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.
  • Trường hợp trẻ sốt từ 38,5°C trở lên. Bạn hãy cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Vỗ lưng để giúp trẻ bài tiết đờm cũng là cách điều trị viêm phổi ở trẻ em hiệu quả. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi; thải các chất cặn bã ở phế quản ra bên ngoài. Thời điểm vỗ lưng cho trẻ tốt nhất là trước bữa ăn hoặc 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn. Chú ý, tuyệt đối không vỗ vào vùng dạ dày, hoặc xương ức hay xương sống của trẻ.

Hướng dẫn trẻ ho đúng cách để long đờm:

  • Với những trẻ lớn, phụ huynh hãy yêu cầu bé ho ngay sau khi được vỗ long đờm. Khi trẻ vẫn chưa ngừng ho thì tuyệt đối không được vỗ tiếp. Chú ý, cho trẻ ngồi dậy, đầu ngả nhẹ về phía trước. Dạy bé hít vào, mở miệng và hóp cơ bụng để hôn thật sâu, nhưng không ho ở cổ họng. Tiếp đó, hướng dẫn trẻ hít vào lần nữa và tiếp tục ho cho đến khi nào đờm được tống hết ra ngoài.
  • Đối với trẻ nhỏ tuổi, chưa thể điều khiển cơn ho. Phụ huynh có thể dùng máy hút đờm ra khỏi hầu họng cho bé.

Ho long đờm cũng là cách giúp trẻ nhanh khỏi viêm phổi hơn
Ho long đờm cũng là cách giúp trẻ nhanh khỏi viêm phổi hơn

Vệ sinh cho trẻ:

  • Dùng khăn giấy mềm để lau sạch nước mũi, nước dãi cho bé mỗi khi bé mỗi ngày. Chú ý vứt giấy vào sọt rác ngay khi sử dụng xong để tránh lây nhiễm bệnh cho các thành viên khác trong gia đình.
  • Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đồ chơi và đồ dùng cá nhân của trẻ. Trước khi chuẩn bị đồ ăn, ôm ấp hay chăm sóc trẻ. Phụ huynh cần rửa tay sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn gây hại.

Chế độ ăn cho trẻ viêm phế quản:

  • Cho trẻ bị viêm phế quản nên ăn thức ăn giàu dinh dưỡng. Được chế biến mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.
  • Cho trẻ ăn theo đúng nhu cầu, đồng thời chia thành nhiều bữa trong ngày. Và số lượng thức ăn mỗi bữa ít hơn bình thường. Bởi lúc này, bé đang mệt mỏi trong người nên ăn cũng không ngon miệng. Việc ép bé ăn có thể khiến bé nôn trớ.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ

3 biện pháp chính giúp phòng ngừa viêm phổi ở trẻ là tiêm phòng vắc xin; tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh và ăn uống đủ chất, đủ bữa.

Tiêm phòng vắc xin

Một số virus gây viêm phổi có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Chủng ngừa vaccine cúm được Bộ y tế khuyến khích áp dụng cho tất cả các đối tượng khỏe mạnh từ 6 tháng đến 19 tuổi.

Những trẻ có đang mắc các bệnh lý mãn tính như rối loạn tim, phổi hay hen suyễn. Cần thiết được tiêm phòng viêm phổi đầy đủ. Nguyên do là đối tượng này nếu mắc bệnh. Sẽ chắc chắn sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng. Trẻ sinh non cũng có thể được điều trị tạm thời nhằm bảo vệ bé khỏi virus hợp bào hô hấp (RSV) dẫn đến viêm phổi ở trẻ nhỏ.

Phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ hiệu quả bằng cách tiêm vắc xin chống virus rsv
Phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ hiệu quả bằng cách tiêm vắc xin

Một số tác nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng vắc xin là:

  • Vi khuẩn Bordetella pertussis và Haemophilus influenzae týp B gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ em. Có thể phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin khi trẻ được 2 tháng tuổi.
  • Vi khuẩn phế cầu – tác nhân gây bệnh viêm phổi cần phòng ngừa bằng tiê vắc xin cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
  • Virus cúm mùa gây biến chứng viêm phổi khi trẻ mắc bệnh cần tiêm vắc xin phòng ngừa khi trẻ được 6 tháng tuổi.
  • Virus sởi gây gây biến chứng viêm phổi cần phòng ngừa bằng tiêm vắc khi trẻ từ 9 tháng tuổi.

Mặc dù còn khá nhiều tác nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em tới nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa. Nhưng tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ chính là phương pháp phòng bệnh này hiệu quả. Kể cả trong trường hợp trẻ không may mắc bệnh thì tình trạng nhiễm trùng cũng nhẹ hơn. Thời gian điều trị bệnh cũng nhanh hơn và ít gây ra biến chứng hơn.

*Tìm hiểu thêm: Tư vấn và tiêm chủng vắc-xin tại BVĐK Phương Đông hoặc liên hệ Hotline tư vấn: 1900 1806.

Tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh

Để phòng tránh viêm phổi, trẻ em cũng cần tránh xa các nguồn lây bệnh sau:

  • Trẻ em bị viêm phổi không hoàn toàn xuất phát từ việc bé không được giữ ấm cơ thể hay thời tiết thay đổi đột ngột. Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này ở là do nguồn lây nhiễm từ cộng đồng. Do vậy, để phòng tránh viêm phổi, phụ huynh cần để trẻ có môi trường sống trong lành, không chứa khói thuốc hay tác nhân gây hại khác.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nơi đông người. Đặc biệt là bệnh viện, những người có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho,…
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn trước khi chăm sóc trẻ.
  • Trong trường hợp gia đình có người bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc viêm họng. Tốt nhất bạn hãy để bàn chải đánh răng và vật dụng cá nhân của người đó ở xa những người khác trong gia đình.

Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh để phòng tránh viêm phổi
Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh để phòng tránh viêm phổi

Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, khoa học cho bé

Một chế độ ăn uống dinh dưỡng, đa dạng nhóm chất cũng là cách phòng chống viêm phổi hiệu quả, cụ thể:

  • Trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh cần thiết được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Để phát triển và đảm bảo sức đề kháng tốt nhất.
  • Trẻ nhỏ cần cung cấp các dưỡng chất từ thực phẩm, bổ sung thêm rau xanh, hoa quả chứa nhiều vitamin C, thịt, cá tăng lượng đạm, omega-3 cho trẻ.
  • Cho trẻ nhỏ ăn ngủ đúng giờ, đủ bữa.
  • Tuyệt đối không dùng thuốc cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Giải đáp thắc mắc liên quan đến viêm phổi ở trẻ nhỏ

Bệnh viêm phổi ở trẻ em có lây không?

Viêm phổi là bệnh lý không có khả năng lây nhiễm. Tuy nhân tác nhân gây bệnh của nó là virus và vi khuẩn lại có thể lây lan với tốc độ nhanh chóng qua nhiều con đường. Chúng thường được tìm thấy nhiều trong dịch nhầy tiết ra từ miệng hoặc mũi của người bị nhiễm bệnh. Sau đó phát tán ra xung quanh khi ho hay hắt hơi.

Ngoài ra, việc dùng chung cốc uống nước, bát đũa, khăn mặt hay chạm vào giấy, khăn tay mà người bị nhiễm bệnh đã dùng; hay tiếp xúc với mọi đồ vật có vi khuẩn, virus gây bệnh cũng có thể làm lây lan viêm phổi. Bởi vậy, để phòng bệnh này cho trẻ, cha mẹ cần tránh xa các nguồn có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.

Trẻ bị viêm phổi nên ăn gì, kiêng gì?

Những thực phẩm mà trẻ bị viêm phổi nên bổ sung thêm là:

  • Thực phẩm dễ tiêu hóa, dễ ăn như cháp, súp,..
  • Cho trẻ uống nhiều nước hoặc nước hoa quả tươi mỗi ngày để bổ sung vitamin A và C giúp tăng sức đề kháng. Chống lại tác nhân gây viêm phổi.
  • Các loại thực phẩm làm từ sữa không chỉ là món ăn trẻ ưa thích mà còn chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe.

Trẻ bị viêm phổi nên uống đủ nước mối ngày
Trẻ bị viêm phổi nên uống đủ nước mối ngày

Thực phẩm mà trẻ bị viêm phế quản cần kiêng:

  • Thực phẩm lạnh là thứ mà trẻ bị viêm phổi cần kiêng đầu tiên. Bởi chúng có thể gây gây kích ứng đường hô hấp và sẽ khiến cho bệnh viêm phổi trở nặng hơn, khó điều trị hơn.
  • Các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Nhất là khi thể trạng bé yếu ớt do đang bị virus, vi khuẩn tấn công.
  • Trẻ dưới 3 tuổi khi bị viêm phổi không nên ăn nước ninh xương. Do tủy xương chứa nhiều chất béo động vật, rất khó tiêu hóa và hấp thụ vào cơ thể.
  • Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều đường để hạn chế nguy cơ tiêu chảy. Do hệ tiêu hóa của bé còn yếu khi đang bị viêm phổi.

Mối liên hệ giữa bệnh viêm phổi và tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ

Theo các bác sĩ, tỷ lệ tử vong của trẻ bị viêm phổi có liên quan ít nhiều đến suy dinh dưỡng. Nguyên nhân là do khi cơ thể bị suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch của trẻ cũng rất yếu. Không thể ngăn chặn được các tác nhân gây bệnh viêm phổi.

Các yếu tố có liên quan đến dinh dưỡng là thường là nguyên nhân dẫn đến 45% các ca tử vong ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Vì thế, cha mẹ hãy đảm bảo cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ mỗi ngày. Để giúp hệ miễn dịch và sức đề kháng của bé luôn được đảm bảo.

Cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan khi bé bị viêm phổi. Bởi bệnh viêm phổi ở trẻ nếu không được phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời, đúng cách có thể để lại nhiều di chứng cho bé và thậm chí là dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó, bạn hãy chủ động phòng tránh bệnh này cho trẻ bằng cách tiêm đầy đủ các liều vắc xin cần thiết tại bệnh viện uy tín.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

4,287

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

TTUT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

TTUT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám