Tìm hiểu về hội chứng bàng quang tăng hoạt (OAB)
Bàng quang là một bộ phận có vai trò quan trọng trong hệ bài tiết của con người. Đây chính là nơi chứa nước tiểu do thận bài tiết ra. Sau đó, thông vào niệu đạo để thải ra bên ngoài. Có nhiều vấn đề bất thường thường gặp tại bàng quang trong đó có chứng tăng hoạt bàng quang.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt hay còn được gọi là bàng quang hoạt động quá mức (Overactive Bladder - OAB). Đây là tình trạng rối loạn chức năng giữ nước tiểu tại vị trí bàng quang. Khi cơ quan này tăng hoạt sẽ xuất hiện các co bóp bất thường cũng như không có sự kiểm soát dẫn tới cảm giác mót tiểu đột ngột. Lúc này, cơ thể đòi hỏi phải tiểu tiện ngay mà không thể nhịn tiểu được.
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang hoạt động vượt quá mức cho phép
Ngoài ra, bàng quang tăng hoạt còn đi kèm theo triệu chứng són tiểu gấp, tiểu nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân lại không có bất cứ bệnh lý nào liên quan tới đường tiết niệu hay có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu nào khác.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt tuy không gây nguy hiểm nhưng lại khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Tình trạng này ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động sinh hoạt thường ngày, công việc, học tập. Một số những trường hợp bệnh nhân bị bệnh có thể ảnh hưởng lớn tới tâm lý, đặc biệt là người trẻ.
Nguyên nhân gây ra bệnh bàng quang tăng hoạt
Nguyên nhân gây bệnh bàng quang tăng hoạt rất đa dạng. Cho tới thời điểm này vẫn chưa có những khảo sát đầy đủ. Theo các chuyên gia Tiết niệu thì lý do chính dẫn tới tình trạng này là:
Tổn thương về thần kinh trung ương như tai biến mạch máu não, tổn thương vùng tủy sống, mất trí nhớ, hay Parkinson, xơ cứng rải rác,... Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân tại bàng quang cũng gây nên tình trạng “loạn tiểu” này đó là: Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới, sỏi bàng quang, các khối u.
Trong số các nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt thì tai biến mạch máu não là thường gặp nhất. Có một lượng lớn người bệnh sau tai biến để lại hậu quả tiểu tiện không tự chủ. Theo nhiều nghiên cứu y khóa, có tới 60% người bệnh tai biến bị chứng rỉ, són tiểu, tiểu gấp do bàng quang bị tăng hoạt trong giai đoạn cấp tính.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác như: Uống nhiều nước, sử dụng chất lợi tiểu, sử dụng caffeine, rượu, hay tồn dư nước tiểu tại bàng quang,... cũng góp phần khiến tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn.
Ai có nguy cơ cao mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt?
Theo thống kê của Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam, số người mắc chứng bàng quang tăng hoạt tăng cao. Nhiều người trong số họ chưa bao giờ tìm kiếm một giải pháp để điều trị. Một số người cho rằng đây là vấn đề cá nhân và cảm thấy xấu hổ khi đề cập tới. Ước tính có hơn 50% bệnh nhân đang âm thầm chịu đựng tình trạng “loạn tiểu” trong nhiều tháng, nhiều năm.
Nguy cơ xuất hiện hội chứng bàng quang tăng hoạt tăng theo tuổi tác. Người cao tuổi hay những người có yếu tố nguy cơ như: Mắc bệnh lý liên quan tới thần kinh, bệnh lý về đường tiết niệu, phụ nữ mang thai nhiều lần,..
Bàng quang tăng hoạt thường là căn bệnh phổ biến ở nữ và trẻ em
Ngoài ra, bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới và thường xuất hiện ở trẻ em. Trẻ trong quá trình hoàn thiện về thần kinh cơ bàng quang sẽ tự thuyên giảm các triệu chứng. Hơn nữa, theo độ tuổi trẻ cũng học cách kiểm soát được bàng quang đúng cách và nhận ra các tín hiệu đi tiểu rõ ràng hơn. Vì thế, hội chứng này cũng sẽ thuyên giảm.
Triệu chứng gây ra bệnh bàng quang tăng hoạt
Đôi khi cơ thể không không kiểm soát được việc đi tiểu không có nghĩa là người bệnh có hội chứng bàng quang tăng hoạt. Dấu hiệu tiểu són có thể xảy ra vì những triệu chứng khác như: Cười, hắt hơi hay ho quá mạnh.
Triệu chứng bàng quang vận hành liên tục được chẩn đoán dựa vào tần suất, tính cấp bách khi tiểu tiện:
- Thường xuyên buồn tiểu đột ngột, tiểu vội.
- Tiểu tiện són, tiểu rỉ không thể cầm được.
- Tiểu tiện tần suất > 8 lần/ngày.
- Thức dậy nhiều hơn một trong đêm để đi tiểu.
Nhìn chung, người mắc tăng hoạt bàng quang có cảm giác rất muốn đi tiểu nhiều lần trong cùng một ngày bất kể ngày hay đêm. Dấu hiệu đi tiểu thường khó kiểm soát có thể xuất hiện đột ngột ở mọi thời điểm, bất kể ở đâu.
Tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người mà triệu chứng của bệnh cũng sẽ khác nhau. Xác định chính xác các dấu hiệu có thể giúp bác sĩ tìm ra phương pháp hỗ trợ cải thiện hiệu quả hơn.
Người mắc bệnh thường gặp phải triệu chứng đi tiểu nhiều lần trong ngày
Phương pháp chẩn đoán hội chứng bàng quang tăng hoạt
Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh bàng quang tăng hoạt các bác sĩ cần phải trải qua các bước khám xét lâm sàng để bước đầu định hình được vấn đề mà người bệnh đang gặp phải. Đây là bước cơ sở quan trọng quyết định tới hiệu quả điều trị bệnh:
Tiền sử bệnh
Bác sĩ Tiết niệu - Thận học sẽ hỏi người bệnh về tiền sử mắc bệnh. Trước đó, đã từng mắc các bệnh lý về bàng quang hay hệ thận, tiết niệu hay chưa. Hoặc thời gian gần đây có dùng thuốc nào hay không. Những thông tin này sẽ là căn cứ để có được phương pháp điều trị phù hợp cho tình trạng mà người bệnh gặp phải.
Khám lâm sàng bệnh bàng quang tăng hoạt như thế nào?
Việc chẩn đoán hội chứng “loạn tiểu” chủ yếu vào hoạt động khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ tập trung hỏi về những dấu hiệu mà người bệnh cảm nhận được từ khi thấy sự bất thường khi tiểu tiện cho tới thời điểm hiện tại các dấu hiệu này còn xuất hiện nhiều không, cảm giác khi đi tiểu thế nào, màu nước tiểu,...
Bên cạnh đó, để xác định tình trạng của người bệnh, bác sĩ cũng có thể sờ bụng, khám cơ quan trong khung chậu, trực tràng,... với các dụng cụ chuyên dụng. Để đánh giá chính xác mức độ bất thường, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ghi nhật ký bàng quang trong một vài tuần để đánh giá các triệu chứng hàng ngày như: Số lần vệ sinh, thời điểm bị rò rỉ nước tiểu,...
Thực hiện các xét nghiệm
Sau khi thực hiện các chẩn đoán ban đầu người bệnh sẽ được tiến hành xét nghiệm để có được kết quả chính xác bệnh đang gặp phải. Một số xét nghiệm cần thực hiện gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Kết quả phân tích mẫu nước tiểu sẽ hỗ trợ giúp bác sĩ có thể xác định được bệnh lý đường tiết niệu. Từ đó, đưa ra được phương pháp điều trị chính xác cho người bệnh.
- Siêu âm bàng quang: Siêu âm giúp đo lượng nước tiểu còn sót lại trong bàng quang. Qua đó, xác định tình trạng ứ đọng nước tiểu cùng với các rối loạn tiểu tiện.
- Xét nghiệm Urodynamic: Phương pháp đánh giá khả năng lưu trữ nước tiểu của bộ phận bàng quang. Từ đó, có được phương án can thiệp bệnh phù hợp nhất.
Có nhiều phương pháp kiểm tra căn bệnh bàng quang tăng hoạt
Phác đồ điều trị bàng quang tăng hoạt
Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh bàng quang tăng hoạt mà các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị để sớm phục hồi khả năng hoạt động bình thường của bàng quang.
Lối sống lành mạnh
Để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, điều đầu tiên các bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh nên thay đổi lối sống. Những thay đổi này cũng có thể được gọi là liệu pháp hành vi nhằm mang tới những chuyển biến tích cực cho sức khỏe như:
- Hạn chế thức ăn, đồ uống có tác động mạnh tới bàng quang: Thực tế, có một số sản phẩm đồ uống, thức ăn có thể gây kích thích bàng quang, tạo nhiều nước tiểu như: Cà phê, rượu, trà, nước có gas, đồ ăn cay nóng, socola đen,... Các bạn nên chú ý loại bỏ nguồn thức ăn này khỏi danh sách ăn uống hàng ngày. Đồng thời, bổ sung thêm hàm lượng chất xơ tự nhiên như: Yến mạch, rau xanh,... vào chế độ ăn hỗ trợ cải thiện tối ưu hệ tiêu hóa.
- Ghi lại lịch sử đi tiểu: Người bệnh có thể viết số lần đi vệ sinh trong ngày để hiểu hơn về cơ thể của mình. Duy trì ghi nhật ký trong khoảng 1 tuần có thể giúp các bạn điều chỉnh lại thời gian tiểu tiện sao cho hợp lý.
- Tập các bài tập thư giãn, hỗ trợ khỏe cơ bàng quang: Bài tập cơ Kegel nam là một chọn lựa phù hợp, giúp thắt chặt các cơ tại vùng chậu. Từ đó, tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu, tốt cho bàng quang kìm nén đi tiểu, hạn chế tiểu gấp, tiểu không tự chủ.
Cải thiện tình trạng bệnh bằng các bài tập thể dục nâng cao sức khỏe
Phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa
Bàng quang tăng hoạt gây khó chịu, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Ngoài ra, nó còn tiềm ẩn nguy cơ gây nhiều bệnh lý khác nên cần được phát hiện sớm. Những phương pháp điều trị này thường được áp dụng đó là:
- Điều trị nội khoa: Đây là phương án được áp dụng rộng rãi cho hầu hết các trường hợp mắc chứng rối loạn tiểu tiện. Bệnh nhân sẽ được kê toa thuốc phù hợp với tình trạng bệnh cũng như tình trạng sức khỏe. Bác sĩ có thể chỉ dùng thuốc giãn cơ ngăn bàng quang co bóp khi chưa đầy. Một số thuốc được sử dụng dưới dạng uống, gel hay miếng dán. Việc kê đúng thuốc, đúng liều sẽ giúp việc điều tị hiệu quả hơn, rút ngắn tối đa thời gian chữa bệnh.
- Điều trị ngoại khoa: Đối với trường hợp xuất hiện dấu hiệu kháng thuốc hay không dung nạp thuốc việc điều trị thay thế đó là các phương pháp điều trị ngoại khoa như: Kích thích thần kinh, gửi xung điện tới dây thần kinh có chung đường dẫn tới bàng quan giúp bàng quang hoạt động bình thường. Đồng thời, cải thiện các triệu chứng tăng hoạt.
Với những người mắc bệnh nặng cần phải đi đến gặp bác sĩ chuyên khoa để hỗ trợ điều trị kịp thời
Các biến chứng khi mắc bệnh bàng quang tăng hoạt
Hội chứng bàng quang tăng hoạt không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng có ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Cụ thể, nếu không được điều trị đúng cách người bệnh sẽ phải đối mặt với các vấn đề sau:
- Viêm nhiễm đường tiết niệu cùng các phần phụ: Tiểu không kiểm soát được sẽ khiến đường tiết niệu bị viêm nhiễm. Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, sinh sôi nhanh chóng tại cơ quan này. Sau đó, ảnh hưởng nghiêm trọng tới từng cơ quan trong hệ tiết niệu.
- Rối loạn giấc ngủ, chu kỳ giấc ngủ bị gián đoạn: Sự căng thẳng về chứng bàng quang tăng hoạt khiến người bệnh luôn trong tình trạng căng thẳng, lo lắng khó đi vào giấc ngủ. Hơn thế nữa, việc thức dậy thường xuyên trong đêm khiến người bệnh khó ngủ lại đặc biệt là ở người cao tuổi.
- Ảnh hưởng tới tâm lý, luôn tự ti, bất an, trầm cảm: Người mắc chứng tăng hoạt bàng quang thường ngại giao tiếp với mọi người, chọn cách từ chối trong mọi hoạt động xã hội. Bởi họ bệnh nhân luôn muốn tiểu tiện dù ở bất cứ đâu, thậm chí tiểu không kiểm soát. Không những vậy, người mắc bệnh cũng thường xuyên phải lo lắng về việc tiểu tiện, đứng ngồi không yên. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới năng suất cũng như chất lượng công việc.
- Gặp vấn đề liên quan tới tình dục: Tiểu són, tiểu liên tục cũng xuất hiện ngay cả khi “yêu” khiến người bệnh luôn trong tình trạng căng thẳng, cảm thấy bất tiện thậm chí là ngại ngùng mỗi lần “lâm trận”.
Bệnh bàng quang tăng hoạt có thể gây ra sự rối loạn trong giấc ngủ của bạn
Cách phòng ngừa bàng quang tăng hoạt
Duy trì một lối sống lành mạnh có vai trò rất lớn trong việc tăng cường sức khỏe nói chung và đường tiết niệu nói riêng. Do đó, hội chứng bàng quang tăng hoạt cũng có thể được cải thiện bằng cách thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn như:
- Hạn chế sử dụng đồ uống là caffeine và rượu. Đây là hai sản phẩm khiến tình trạng rối loạn đường tiểu nặng nề hơn.
- Duy trì cân nặng ổn định. Tình trạng thừa cân, béo phì có thể tác động lớn tới bàng quang.
- Tăng lượng chất xơ hỗ trợ giảm nguy cơ gây táo bón cũng như khả năng bàng quang bị tăng hoạt.
- Điều chỉnh lại lượng nước uống trong ngày. Tránh uống quá nhiều nước vào buổi tối, hạn chế tiểu nhiều lần vào buổi đêm.
- Bỏ thuốc lá bởi khói thuốc có thể làm tăng hoạt bàng quang.
Một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn phòng tránh được căn bệnh này
Bàng quang tăng hoạt là một trong các bệnh lý thường gặp, phổ biến với nhiều người, ở mọi lứa tuổi khác nhau. Bệnh có tác động rất lớn tới sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Vì thế, các bạn nên chủ động có ý thức xây dựng chế độ chăm sóc sức khỏe khoa học và cố gắng duy trì trong thời gian dài. Ngay khi có dấu hiệu bất thường cần tới ngay các bệnh viện uy tín chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Mọi thắc mắc liên quan tới hội chứng tiểu tiện liên hệ ngay Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được hỗ trợ kịp thời.