Bàng quang nằm ở đâu? 6 bệnh lý thường gặp ở bàng quang

Phạm Thị Lương

08-07-2023

goole news
16

Bàng quang là cơ quan quan trọng trong hệ tiết niệu, có chức năng lưu trữ nước tiểu trước khi chúng được tống xuất ra ngoài thông qua niệu đạo. Vậy cấu tạo, vị trí của bàng quang như thế nào? Có những bệnh lý thường gặp nào liên quan đến bàng quang? Cùng tìm hiểu thông tin với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

Bàng quang là gì?

Bàng quang hay bóng đái là một tạng rỗng chứa nước tiểu do thận tiết ra trước khi thoát ra ngoài cơ thể nhờ quá trình đi tiểu. Đặc điểm của bàng quang là một thể tích không hằng định, hình dạng, kích thước và vị trí thay đổi theo lượng nước tiểu chứa bên trong nó. Nước tiểu vào bàng quang qua niệu quản và ra khỏi bàng quang thông qua niệu đạo.

Bàng quang rất quan trọng trong hệ tiết niệu của cơ thể.Bàng quang rất quan trọng trong hệ tiết niệu của cơ thể.

Bàng quang nằm ở đâu? 

Bàng quang nằm ở bên dưới phúc mạc, ngay sau khớp mu. Vị trí của chúng khác nhau tùy vào lượng nước tiểu, cụ thể:

  • Khi rỗng, bàng quang nằm hoàn toàn trong phần trước vùng chậu, phía sau là trực tràng và tạng sinh dục. 
  • Khi chứa đầy nước tiểu, bàng quang căng lên thành hình cầu, vượt lên trên khớp mu và nằm trong ổ bụng.

Bàng quang có 4 mặt:

  • Mặt trên được phúc mạc che phủ, khi rỗng mặt trên này sẽ lõm, khi đầy mặt trên lồi ra.
  • 2 mặt dưới bên có vị trí ở trên hoành chậu
  • Mặt sau dưới còn được gọi là đáy bàng quang phẳng, đôi khi lồi ra.

Ở trẻ em, bàng quang phần lớn nằm trong ổ bụng, có hình dạng như quả lê, phần cuống là ống niệu rốn. Khi trẻ lớn, theo thời gian bàng quang từ từ tụt xuống vùng chậu, phần ống niệu rốn thu nhỏ dần và bít hẳn lại.

Cấu tạo bàng quang 

Bàng quang được cấu tạo bởi 4 lớp sắp xếp từ trong ra ngoài bao gồm:

  • Lớp niêm mạc.
  • Lớp hạ (dưới) niêm mạc.
  • Lớp cơ: gồm 3 lớp, ở trong là lớp cơ vòng, ở ngoài là lớp cơ dọc, ở giữa là lớp cơ chéo.
  • Cuối cùng là lớp thanh mạc.

Lòng bàng quang có một lớp niêm mạc che phủ. Giải phẫu bàng quang cho thấy bàng quang nối với bể thận bằng 2 niệu quản. Hai lỗ niệu quản kết hợp với cổ bàng quang tạo thành hình tam giác (gọi là tam giác bàng quang). Gờ liên niệu đạo cao nối 2 lỗ niệu quản. Phía dưới của bàng quang được mở ra ngoài bằng niệu đạo.

Thông thường, ở người trưởng thành, bàng quang có dung tích khoảng 300 - 500ml nước tiểu. Một vài trường hợp mắc các bệnh lý rối loạn bàng quang có thể khiến dung tích bàng quang thay đổi, tăng lên hoặc giảm xuống.

Bàng quang có 4 lớp được sắp xếp từ trong ra ngoài.Bàng quang có 4 lớp được sắp xếp từ trong ra ngoài.

Bàng quang có vai trò gì? 

Bàng quang có chức năng chứa và tống nước tiểu ra ngoài. Khi 3 lớp cơ của bàng quang hoạt động nhịp nhàng, nước tiểu sẽ được đẩy ra ngoài theo cơ chế:

  • Lớp cơ trơn nhận sự chi phối thần kinh phó giao cảm từ tủy để co giãn và tống nước tiểu.
  • Lớp cơ vòng ở cổ bàng quang và lỗ niệu đạo nhận sự chi phối thần kinh giao cảm, có chức năng kiểm soát quá trình đi tiểu. Ở nam giới, cơ này còn giúp ngăn chặn tinh dịch không bị trào ngược khi xuất tinh.
  • Cơ vân ở vòng ngoài có thể điều khiển theo ý muốn khi não bộ truyền tin mót tiểu đến.

Chức năng tiểu tiện của bàng quang được chi phối bởi hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi khá phức tạp. Khi bàng quang căng đầy nước tiểu, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu về não thông qua các dây liên lạc ở tủy sống. Sau đó, não lại gửi tín hiệu phản hồi xuống bàng quang để thành bàng quang co lại và cơ thắt. Lúc này, van ở gần đầu niệu đạo thả lỏng và dần mở ra để giúp nước tiểu thoát ra ngoài cơ thể.

Các bệnh lý thường gặp liên quan đến bàng quan

Là cơ quan quan trọng của hệ tiết niệu do đó khi có những bất thường sẽ xuất hiện một số bệnh lý liên quan đến bàng quang. Bạn cần nhận biết dấu hiệu cơ bản của bệnh để có hướng xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Các bệnh thường gặp cụ thể như:

Viêm bàng quang - Bệnh tái phát nhiều lần

Viêm bàng quang là căn bệnh phổ biến nhất có thể gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh do vi khuẩn trong bàng quang gây ra hoặc do biến chứng của các bệnh các tiểu đường, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt,... Một số trường hợp, tình trạng này còn bị tái diễn nhiều lần trong khoảng thời gian dài.

Viêm bàng quang cấp phổ biến với cả người lớn và trẻ em.Viêm bàng quang cấp phổ biến với cả người lớn và trẻ em.

Viêm bàng quang nữ phổ biến hơn do phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân là vì niệu đạo của nữ ngắn hơn nam nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn.

Triệu chứng phổ biến của bệnh như có máu hoặc mùi hôi trong nước tiểu; tiểu nhiều lần trong; mỗi lần tiểu ra lượng ít; đau hoặc nóng rát khi đi tiểu; có cảm giác phải đi tiểu gấp; đau lưng, trẻ em hay tè dầm vào ban ngày. 

Sỏi bàng quang

Đây là hiện tượng các khoáng chất trong nước tiểu cô đặc, kết tinh và tạo thành sỏi, tức là một hoặc nhiều khối khoáng chất cứng hình thành trong bàng quang. Bệnh thường xảy ra nhiều ở nam giới, khi người bệnh gặp khó khăn trong việc tống xuất nước tiểu. 

Ngoài ra, sỏi bàng quang còn là những sỏi thận di chuyển xuống niệu quản rơi vào bàng quang. Những sỏi nhỏ có thể thoát ra ngoài khi tiểu. Những sỏi lớn sẽ gây tiểu đau, dòng nước tiểu yếu hoặc dẫn đến bí tiểu cấp. 

Ung thư bàng quang - Các triệu chứng bệnh khó nhận biết

Bệnh do các tế bào trong bàng quang bị đột biến, tăng sinh bất thường, không kiểm soát được và tạo thành khối u ở bàng quang. Hiện chưa tìm hiểu được rõ nguyên nhân gây ung thư bàng quang, nhưng các nghiên cứu đều chỉ ra có thể do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá, nhiễm ký sinh trùng hay do người bệnh tiếp xúc với hóa chất lâu ngày.

Các mức độ phát triển của tế bào ung thư bàng quang.Các mức độ phát triển của tế bào ung thư bàng quang.

Bệnh bàng quang thần kinh

Bàng quang thần kinh là bệnh lý gây mất chức năng giữ và tống xuất nước tiểu của bàng quang do tổn thương ở hệ thống thần kinh. Bệnh nhân mắc hội chứng này sẽ có bàng quang hoạt động kém, không thể co lại và giãn ra nhịp nhàng để thực hiện chức năng. Hoặc ngược lại bàng quang hoạt động quá mức, thường xuyên co lại mà không phối hợp tốt với các cơ quan khác của bàng quang. 

Bàng quang tăng hoạt (OAB)

Là tình trạng khi bàng quang co bóp không đúng thời điểm, co thắt quá mức làm mất phối hợp với cơ thắt niệu đạo. Bệnh thường gây cảm giác buồn tiểu đột ngột, cần phải đi tiểu ngay, tiểu gấp nếu nhịn có thể bị són tiểu, bệnh thường kèm theo tiểu nhiều lần và tiểu đêm. Nguyên nhân của tình trạng này thường do bị rối loạn tinh thần, đột quỵ, sử dụng quá nhiều cà phê hoặc rượu bia,…

Bệnh sa bàng quang (bàng quan tăng sinh) 

Đây là hiện tượng suy yếu hoặc tổn thương hệ thống mô liên kết thành trước của âm đạo, bệnh khiến bàng quang phình ra và sa ra ngoài với 4 mức độ: bàng quang sa xuống âm đạo; bàng quang sa xuống có thể chạm đến lỗ âm đạo; bàng quang nhô ra khỏi âm đạo; bàng quang sa hoàn toàn qua lỗ âm đạo.

Sa bàng quang phổ biến hơn ở phụ nữ sau mang thai và sinh nở.Sa bàng quang phổ biến hơn ở phụ nữ sau mang thai và sinh nở.

Cách ngăn ngừa các bệnh bàng quang

Để bảo vệ sức khỏe của cơ quan quan trọng như bàng quang, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống thậm chí tính mạng như ung thư bàng quan, bạn cần lưu ý:

  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày, khoảng 2 - 2,5 lít nước để làm sạch vi khuẩn trong đường tiết niệu. Tuy nhiên cũng không nên uống quá nhiều nước hoặc quá ít nước sẽ khiến bàng quang hoạt động bất thường và gây bệnh.
  • Thường xuyên vệ sinh vùng kín sạch sẽ để ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm, tránh trường hợp vi khuẩn có cơ hội tấn công bàng quang.
  • Không nhịn tiểu bởi hành động này rất có hại cho bàng quang, khiến các cơ yếu đi làm làm tròn chức năng co thắt.
  • Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì bởi nếu trọng lượng cơ thể quá nặng có thể khiến áp lực lên bàng quang tăng dẫn đến sa bàng quang.
  • Tránh xa thuốc lá bởi chúng là nguyên nhân tăng nguy cơ bị ung thư bàng quang.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm gây kích thích bàng quang như: trái cây có múi, đồ ăn cay, chứa nhiều axit,…


Hạn chế ăn trái cây có múi bởi chúng dễ kích thích bàng quang.Hạn chế ăn trái cây có múi bởi chúng dễ kích thích bàng quang.

Để phát hiện sớm những bệnh lý liên quan đến bàng quang, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín, bác sĩ sẽ chỉ định việc siêu âm hay nội soi bàng quang cùng các xét nghiệm cần thiết khác. Các bệnh về bàng quang ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống do có thể khiến người bệnh mất tự chủ đi tiểu, vì vậy việc điều trị dứt điểm rất quan trọng. Nếu còn những thắc mắc về mặt bệnh, bạn hãy liên hệ hoặc đăng ký tư vấn với chuyên gia, bác sĩ của bệnh viện Phương Đông theo số hotline 19001806 hoặc để lại thông tin theo mẫu.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
10,532

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám