Bé bị thủy đậu cần được chăm sóc thế nào?

Trần Thị Việt Trinh

24-08-2020

goole news
16

Mùa đông - xuân là thời điểm bùng phát thủy đậu. Để phòng tránh bệnh cho con, cha mẹ cần làm gì? Chăm sóc bé bị thủy đậu thế nào để nhanh hồi phục? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp cha mẹ.

Vài nét về bệnh thủy đậu

Thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào cuối đông đầu xuân khi thời tiết nồm, ẩm. Đối tượng bé bị thủy đậu chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi. Các đường lây truyền của bệnh bao gồm:

Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì

Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì

  • Lây qua đường hô hấp: hít phải nước bọt của người bị thủy đậu khi ho, hắt hơi, nói chuyện…
  • Tiếp xúc với mụn nước của người bị thủy đậu.
  • Dùng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống với người nhiễm bệnh thủy đậu.

Triệu chứng khi bé bị thủy đậu

Các triệu chứng cụ thể trong 4 giai đoạn của bệnh như sau:

Giai đoạn ủ bệnh

Đây là thời gian bé bị nhiễm virus, kéo dài từ 10- 20 ngày. Sẽ khó nhận biết bệnh trong thời điểm này vì không có triệu chứng cụ thể, rõ ràng.

Giai đoạn khởi phát

Bé có những biểu hiện như sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, viêm họng, nổi hạch sau tai, xuất hiện nốt ban đỏ đường kính vài milimet trong 24- 48 giờ đầu.

Giai đoạn toàn phát

Cơ thể bé bị thủy đậu xuất hiện những nốt rạ tròn nhỏ trong vòng 12- 24 giờ. Các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc toàn thân hay rải rác trên cơ thể. Bình thường những mụn nước này sẽ khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4- 5 ngày.

bé bị thủy đậuCác nốt rạ có thể mọc toàn thân hay rải rác trên cơ thể

Giai đoạn hồi phục

Các nốt mụn nước khô lại và bong vảy sau khoảng 7- 10 ngày phát bệnh.

Hướng dẫn chăm sóc bé bị thủy đậu

Bé bị thủy đậu cần được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách để tránh biến chứng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan... thậm chí tử vong. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu:

  • Cho trẻ nằm phòng cách ly. Sử dụng riêng các đồ dùng sinh hoạt cá nhân: khăn mặt, bàn chải, cốc, bát, đũa… 
  • Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang, vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc.
  • Nếu trẻ sốt cao, có thể dùng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có thể dùng kháng sinh nếu các nốt rạ bị nhiễm trùng, có mủ, tấy đỏ.
  • Cho trẻ mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi. Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày cho trẻ bằng nước ấm. Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho bé bằng nước muối sinh lý.
  • Cắt móng tay, giữ móng tay trẻ sạch hoặc dùng bao tay để tránh bé gãi, làm trầy xước các nốt rạ gây nhiễm trùng da thứ phát. 

Thuốc xanh methylen bôi lên nốt phỏng đã vỡ, mọng nướcBôi dung dịch xanh methylen chấm lên các nốt phỏng đã vỡ hoặc mọng nước

  • Để các nốt rạ tự vỡ, tránh làm vỡ nốt rạ vì sẽ để lại sẹo và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Dùng dung dịch xanh methylen chấm lên các nốt phỏng đã vỡ hoặc mọng nước.
  • Thức ăn của trẻ phải mềm, lỏng, dễ tiêu. Khẩu phần ăn bổ sung vitamin C, uống nhiều nước. Ăn đồ nguội nếu trong miệng có các nốt rạ, vết loét.
  • Nếu bé có triệu chứng lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc xuất huyết trên nốt rạ, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Bé bị thủy đậu có phải kiêng tắm, kiêng gió không?

Nhiều cha mẹ cho rằng thủy đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, lau rửa cho trẻ. Đây là một quan niệm sai lầm. Vừa không tắm vừa mặc quá nhiều quần áo để tránh gió sẽ tạo cơ hội cho các ổ virus lan rộng. Nhất là khi thời tiết nóng, mồ hôi chảy xuống các nốt mụn nước nếu không được vệ sinh tốt có thể dẫn đến nhiễm trùng, lở loét, viêm da bội nhiễm, nhiễm trùng huyết. 

Khi bé bị thủy đậu, cha mẹ nên tắm cho con bằng nước ấm, chú ý không tắm lâu. Luôn để trẻ sống trong không gian thoáng đãng, tránh gió lộng và nắng gắt.

Cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh thủy đậu cho con?

  • Cách ly trẻ với người mắc bệnh thủy đậu để tránh lây nhiễm. Không để trẻ sử dụng chung những đồ dùng cá nhân với người bệnh.
  • Cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng, khả năng miễn dịch của cơ thể. Tăng cường ăn các loại thực phẩm tươi, mát, có lợi cho sức khỏe.
  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ.
  • Mẹ nên tiêm phòng vắc xin thủy đậu trước khi mang thai từ 3- 6 tháng. Khi trẻ đủ 1 tuổi, cần đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng uy tín để tiêm theo lịch tiêm thủy đậu cho bé như sau:

- Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 6 tuần. Hoặc tiêm liều thứ 2 khi trẻ 4- 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh.

- Đối với trẻ trên 13 tuổi: tiêm 2 liều cách nhau 4- 8 tuần.

Quá trình điều trị bệnh thủy đậu khá đơn giản và không cần sử dụng thuốc đặc trị. Tuy nhiên cha mẹ vẫn cần lưu ý chăm sóc con đúng cách để ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Mọi thắc mắc khi bé bị thủy đậu, cha mẹ có thể liên hệ hotline 19001806 để được giải đáp.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
6,889

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám