Bệnh cầu cơ mạch vành: Triệu chứng và cách điều trị bệnh

Bích Ngọc

20-12-2024

goole news
16

Bệnh cầu cơ mạch vành là tình trạng một đoạn động mạch vành đi vào trong cơ tim, thay vì ở bề mặt của trái tim. Vậy tình trạng này gây ra những biểu hiện như thế nào? Có cách điều trị hay không? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu về bệnh cầu cơ mạch vành qua bài viết sau.

Bệnh cầu cơ mạch vành là gì?

Bệnh cầu cơ mạch vành là một loại bệnh tim mạch bẩm sinh, một đoạn của động mạch vành đi sâu vào bên trong lớp cơ tim, thay vì ở bề mặt của quả tim. Động mạch vành là đường ống máu lớn có nhiệm vụ cung cấp máu giàu oxy từ động mạch chủ đến nuôi dưỡng các tế bào của tim. Khi tim bóp, lớp cơ tim sẽ co lại và chèn ép vào đoạn cầu cơ, khiến đường kính động mạch vành tại đó giảm. Khi tim giãn, lớp cơ tim sẽ nới lỏng và đoạn cầu cơ sẽ giãn ra, đồng thời đường kính động mạch vành tại đó tăng. 

Sự thay đổi có thể giảm lưu lượng máu đến các phần của tim do động mạch nuôi dưỡng, gây thiếu máu cơ tim. Bệnh cầu cơ mạch vành có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim,...

Cầu cơ mạch vành là bệnh lý tim mạch bẩm sinh làm ảnh hưởng đến hoạt động của timCầu cơ mạch vành là bệnh lý tim mạch bẩm sinh làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim

Các triệu chứng thường gặp của bệnh

Người mắc bệnh cầu cơ mạch vành thường từ khi mới sinh và gần như không hề biết về tình trạng này. Bởi vì, ban đầu, dải cơ tim phủ lên phần cầu cơ mạch vành thường khá mềm và không ảnh hưởng đến việc lưu thông máu nên không xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. 

Tuy nhiên, khi lớn tuổi hơn, vào giai đoạn trung niên, sự giãn nở cơ tim giảm dần, đặc biệt khi mắc các bệnh lý khác như tăng huyết áp, bệnh cơ tim,... khiến cầu cơ bị bó chặt hơn, khó co giãn và gây ra một số triệu chứng như: 

  • Đau ngực: Thường xuất hiện khi có những hoạt động tim cao như tập thể dục, căng thẳng,... Đau ngực phát sinh khi cơ tim không được nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết. 
  • Khó thở: Người bệnh cảm thấy khó thở khi tăng cường hoạt động của tim như làm việc nặng, tập thể dục. 
  • Mệt mỏi: Do lưu lượng máu đến cơ tim giảm nên gây ra tình trạng mệt mỏi, đặc biệt khi có những hoạt động nặng. 
  • Rối loạn nhịp tim: Trong một số trường hợp, nhịp tim của người bệnh có thể không đều. 

Bệnh cầu cơ mạch vành có nguy hiểm không?

Có khoảng 5% dân số mắc dị tật tim bẩm sinh này. Thông thường, tình trạng này không quá đáng lo ngại và không gây ra vấn đề sức khỏe nào nghiêm trọng. 

Mặc dù vậy, nếu bệnh nhân từng được chẩn đoán mắc bệnh và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở hoặc bất kỳ dấu hiệu nào khác, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để lắng nghe tư vấn. Nên thăm khám sớm vì bệnh nhân có khả năng đối mặt với các bệnh động mạch vành phức tạp. 

Nếu Quý khách có nhu cầu thăm khám và điều trị các bệnh lý Tim mạch, có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám. Nhân viên bệnh viện sẽ nhanh chóng liên lạc tư vấn và hẹn lịch khám với chuyên gia Tim mạch. 

Người bệnh khi có triệu chứng đau ngực, khó thở cần đến bệnh viện để thăm khámNgười bệnh khi có triệu chứng đau ngực, khó thở cần đến bệnh viện để thăm khám

Xem thêm:

Các biến chứng của bệnh cầu cơ mạch vành

Bệnh cầu cơ mạch vành là dị tật tim mạch bẩm sinh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Một số biến chứng có thể gặp bao gồm: 

  • Bệnh mạch vành cấp: Xảy ra khi lưu lượng máu đến tim có sự gián đoạn hoặc giảm đáng kể, gây thiếu máu cục bộ cơ tim. Bệnh có thể gây ra triệu chứng đau thắt ngực cấp, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong do tim ngừng đập. 
  • Rối loạn chức năng thất trái: Là tình trạng thất trái không để co bóp mạnh để đẩy máu khi nuôi các tế bào trong cơ thể. Tình trạng này có thể dẫn đến suy tim, phù nề, khó thở, tăng huyết áp phổi, giảm lượng máu đến não và các cơ quan khác,... 
  • Loạn nhịp tim: Người bệnh có thể gặp tình trạng tim đập quá nhanh hoặc quá chậm hoặc không đều. Loạn nhịp tim gây ra triệu chứng tim đập nhanh, tim đập chậm, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở,... 
  • Viêm cơ tim: Là tình trạng xảy ra khi lớp cơ tim bị viêm do nhiễm trùng hoặc tổn thương. Tình trạng này gây ra một số triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở, mệt mỏi, suy tim,... 

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh

Người mắc bệnh cầu cơ mạch vành thường không có triệu chứng nên thường khó phát hiện nếu không thăm khám. Việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh giúp người bệnh giảm thiểu các triệu chứng và hạn chế biến chứng nguy hiểm. 

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Để xác định mắc bệnh cầu cơ mạch vành thường cần thực hiện thăm khám cận lâm sàng giúp phát hiện sự bất thường của cầu cơ trong hệ thống tim mạch. 

Một số phương pháp chẩn đoán không xâm lấn bao gồm: 

  • Chụp CT
  • Siêu âm tim giúp phát hiện vùng cơ tim bị thiếu máu, xác định vị trí và mức độ ảnh hưởng của cầu cơ. 

Các phương pháp chẩn đoán bệnh xâm lấn: 

  • Chụp động mạch vành qua da: Giúp đánh giá được sự thay đổi khẩu kính động mạch vành giữa kỳ tâm thu và tâm trương. 
  • Đo dự trữ dòng chảy động mạch vành: Giúp đánh giá độ hẹp của động mạch vành có ảnh hưởng đến sự lưu thông máu hay không. 

Chụp CT động mạch vành  là phương pháp chẩn đoán điển hình Chụp CT động mạch vành  là phương pháp chẩn đoán điển hình 

Phương pháp điều trị bệnh 

Để điều trị bệnh cầu cơ mạch vành còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Tuổi tác người bệnh, triệu chứng, vị trí và chiều dài của đoạn cầu cơ, có gây hẹp động mạch vành hay không,.... Các phương pháp điều trị bệnh phổ biến bao gồm: 

  • Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc để giảm các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chức năng tim. 
  • Điều trị can thiệp: Sử dụng thiết bị y tế để khắc phục dị tật ở động mạch vành. Các phương pháp có thể gồm nạo vét động mạch vành, phẫu thuật ghép mạch, phẫu thuật cắt bỏ cầu cơ,... 
  • Điều trị hỗ trợ: Là phương pháp không sử dụng thuốc giúp người bệnh giảm thiểu triệu chứng, hạn chế biến chứng và cải thiện cuộc sống. Cụ thể gồm xây dựng chế độ sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học; Luyện tập thể dục thường xuyên, vừa sức; Giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, giảm căng thẳng,.... giúp người bệnh điều chỉnh nhịp tim, giảm triệu chứng đau thắt ngực,... 

Bệnh cầu cơ mạch vành có phòng ngừa được không?

Bệnh cầu cơ mạch vành là dị tật tim mạch bẩm sinh nên không có biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, việc phát hiện và can thiệp điều trị từ sớm giúp đạt hiệu quả điều trị cao, hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, thường xuyên để xác định mức độ ảnh hưởng của cầu cơ đối với động mạch vành là điều rất cần thiết. Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ các triệu chứng dù là nhỏ nhất để chẩn đoán từ sớm. 

Xây dựng lối sống lành mạnh cũng là một trong những yếu tố giúp kiểm soát và giảm triệu chứng bệnh cầu cơ mạch vành. Một số biện pháp giúp giảm các triệu chứng của bệnh và hạn chế biến chứng gồm: Hạn chế ăn thực phẩm nhiều muối, nhiều đường, nhiều chất béo để tránh làm áp lực lên hệ thống tim mạch; Bổ sung chất xơ, hoa quả tươi; Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp với thể lực; Tránh lo âu, căng thẳng và stress;... 

Xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý giúp kiểm soát và giảm triệu chứng của bệnhXây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý giúp kiểm soát và giảm triệu chứng của bệnh

Bệnh cầu cơ mạch vành là dị tật tim mạch bẩm sinh, thường người bệnh khó phát hiện nếu không thăm khám. Bệnh thường không có những biểu hiện nhất định đến khi bước vào giai đoạn trung niên, do đó, người bệnh càng có nguy cơ cao đối mặt với những biến chứng nguy hiểm của bệnh. 

Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh cầu cơ mạch vành. Việc chủ động thăm khám để phát hiện bệnh và can thiệp điều trị là điều cần thiết giúp cải thiện các triệu chứng, hạn chế những biến chứng của bệnh.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
37

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám