Bệnh lậu: Nguyên nhân gây bệnh, cách nhận biết và điều trị hiệu quả

Lê Thảo

31-12-2021

goole news
16

Bệnh lậu là một bệnh xã hội nguy hiểm đang rất phổ biến trên thế giới. Biến chứng của bệnh vô cùng nguy hiểm cho nữ giới như vô sinh, hiếm muộn, nếu đang mang bầu thì sẽ nguy hiểm cho thai nhi,... Vậy bệnh lậu là bệnh gì? đâu là nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết cũng như cách điều trị hiệu quả nhất, BVĐK Phương Đông sẽ giải đáp chi tiết từng vấn đề ngay tại bài viết dưới đây.

Bệnh lậu là gì?

Bệnh lậu là bệnh do một loại vi khuẩn có tên khoa học là Neisseria gonorrhoeae gây ra, vi khuẩn này thường xuất hiện ở âm đạo, cổ tử cung, trong mắt, miệng, hậu môn và nhất là đường niệu đạo của nam giới nên mới có bệnh lậu ở miệng, mắt,... Thời gian ủ bệnh lậu là từ 3- 5 ngày.

Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây raBệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra

Bệnh lây qua đường tình dục (STD) và có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Có thể gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và ngay cả cổ họng. Đây là bệnh lây nhiễm rất phổ biến và ngày càng gia tăng trong cộng đồng, đặc biệt ở thanh niên trong độ tuổi từ 15- 24 tuổi.

Nguyên nhân nào gây bệnh lậu?

Vào năm 1879, nhà khoa học Albert Neisser đã tìm thấy vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae, vi khuẩn này là nguyên nhân chính gây ra bệnh lậu. Khi quan sát dưới kính hiển vi, người ta thấy nó có dạng song cầu gram âm hình hạt cà phê với với nhau tạo thành cặp.

Nguyên nhân gây bệnh lậu ở nam và nữNguyên nhân gây bệnh lậu ở nam và nữ

Ở môi trường trong cơ thể, Neisseria Gonorrhoeae có sức sống mãnh liệt, tuy nhiên ở môi trường bên ngoài nó chỉ tồn tại trong vài phút, do đó mà bệnh không có khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường.

Dấu hiệu nhận biết bệnh lậu

Hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng sau khi nhiễm bệnh từ 3 đến 5 ngày, tuy nhiên cũng có số ít trường hợp người bệnh không xuất hiện triệu chứng. Biểu hiện của bệnh lậu cũng khác nhau ở nam và nữ, cụ thể như sau:

Triệu chứng bệnh lậu ở nữ giới

Bệnh lậu ở nữ khác với bệnh lậu ở nam giới. Vậy bệnh lậu nữ triệu chứng như thế nào? Ở giai đoạn cấp tính, triệu chứng của bệnh ở nữ thường âm thầm, mơ hồ và không rõ. Theo thống kê thì có khoảng 97% số ca không có triệu chứng, 3% còn lại là triệu chứng nhẹ thoáng qua.

Triệu chứng khi bị bệnh lậu ở nữTriệu chứng khi bị bệnh lậu ở nữ

Một số triệu chứng xuất hiện còn thường bị nhầm với viêm nhiễm phụ khoa hoặc nhiễm trùng bàng quang. Bệnh lậu ở nữ triệu chứng xuất hiện rõ ràng khi chuyển sang giai đoạn nặng như: 

  • Dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường, chất lỏng màu hơi trắng hoặc vàng nhạt, khí hư có mùi hôi tanh khó chịu.
  • Lỗ niệu đạo có màu đỏ, có mủ hoặc dịch đục.
  • Tiểu nhiều, cảm giác nóng rát, đau buốt khi tiểu tiện, có mủ chảy ra từ niệu đạo.
  • Đau bụng, đau lưng, ra máu âm đạo dù không phải trong thời kỳ kinh.
  • Đau bụng dưới khi quan hệ.
  • Khi khám phụ khoa sẽ thấy cổ tử cung phù nề, sưng đỏ, chạm vào sẽ có mủ và máu chảy ra, chảy mủ và chảy máu.
  • Trường hợp nặng bệnh sẽ gây sốt.
  • Nhiễm trùng vùng trực tràng như tiết dịch, ngứa hậu môn, đau nhức, chảy máu khi đi đại tiện.

Triệu chứng bệnh lậu ở nam

Khoảng 90% nam giới bị bệnh lậu giai đoạn đầu sẽ có các triệu chứng đặc trưng như:

  • Dương vật chảy mủ, mủ có màu vàng, nhiễm trùng càng nặng thì mủ sẽ chảy càng nhiều.

Nam giới gặp triệu chứng gì khi bị bệnh lậuNam giới gặp triệu chứng gì khi bị bệnh lậu

  • Tiểu tiện bất thường: người bệnh sẽ đi tiểu nhiều lần trong ngày, mỗi lần đi sẽ có cảm giác đau buốt và nóng rát.
  • Nước tiểu có màu đục do có lẫn máu hoặc mủ.
  • Viêm mào tinh hoàn: với trường hợp người bệnh không xuất hiện các triệu chứng bệnh ban đầu thì khi vi khuẩn lậu lan sang các vùng da xung quanh như bìu, tinh hoàn thì sẽ gây viêm mào tinh hoàn.
  • Đau hoặc sưng ở lỗ niệu đạo: bệnh lậu gây viêm niệu đạo, xuất tinh ra máu nên nam giới sẽ bị đau hoặc sưng ở vị trí này. 
  • Bệnh lậu ở nam giai đoạn đầu khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức, nổi hạch ở bẹn, sốt nhẹ, ăn uống không ngon miệng dẫn tới sụt cân, mất cân bằng trong cuộc sống. 

Xem thêm: Tinh trùng loãng do đâu và có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản không?

Đường lây truyền bệnh lậu

Vậy bệnh lậu lây qua đường nào? Vi khuẩn lậu lây truyền từ cơ thể người qua người bằng đường tình dục không an toàn, mẹ sang con qua sinh nở và thông qua lây truyền gián tiếp. Cụ thể như sau:

Con đường lây truyền bệnh lậuCon đường lây truyền bệnh lậu

  • Lây truyền qua đường tình dục: đây là con đường lây truyền chính của bệnh lậu, có khoảng 90% số ca mắc bệnh lậu là do quan hệ tình dục không an toàn. Bạn sẽ có nguy cơ cao bị bệnh lậu nếu quan hệ với nhiều bạn tình, đặc biệt là quan hệ với gái mại dâm, quan hệ đồng tính, luyến tính,...
  • Lây truyền từ mẹ sang con: mẹ bắc bệnh lậu có thể lây truyền cho con qua đường sinh thường. Khi chuyển dạ, thai nhi sẽ đi theo ống sinh ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn lậu ở âm đạo của người mẹ dẫn tới nhiễm bệnh.
  • Lây qua đường truyền máu: vi khuẩn lậu tồn tại cả trong máu người nhiễm bệnh. Do đó, nếu bạn nhận máu từ người bệnh lậu hoặc dùng chung kim tiêm với người mắc bệnh thì khả năng bạn nhiễm bệnh là rất lớn.
  • Lây truyền gián tiếp: vi khuẩn lậu có thể lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc gián tiếp như sử dụng chung vật dụng cá nhân, mặc chung quần áo…. Tuy nhiên vì vi khuẩn lậu rất yếu và nhanh chóng chết đi sau khi ra ngoài cơ thể nên con đường lây truyền này thường rất hiếm gặp.

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh lậu

Bất kỳ ai có hoạt động quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc bệnh lậu. Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ bị cao hơn:

  • Những người quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su

Không dùng bao cao su khi quan hệ làm tăng nguy cơ mắc bệnhKhông dùng bao cao su khi quan hệ làm tăng nguy cơ mắc bệnh

  • Quan hệ tình dục với nhiều người
  • Người mắc một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc bị HIV
  • Người quan hệ tình dục ở trạng thái không tỉnh táo như sử dụng rượu hoặc ma túy dẫn tới giảm khả năng sử dụng bao đúng cách.

Phương pháp chẩn đoán bệnh lậu

Chẩn đoán bệnh lậu được dựa vào yếu tố gợi ý, biểu hiện bệnh và các xét nghiệm. Chi tiết như sau:

1. Yếu tố gợi ý

  • Người từng mắc bệnh lây truyền qua bệnh tình dục khác như giang mai, HIV…
  • Bạn tình hay đối tác mắc bệnh lậu hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

2. Biểu hiện, triệu chứng

  • Cơ quan tiết niệu hay sinh dục có các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu rát, tiểu có máu hoặc mủ.

Biểu hiện thường thấy của người bị bệnh lậuBiểu hiện thường thấy của người bị bệnh lậu

  • Chức năng sinh sản của người phụ nữ bị ảnh hưởng như viêm tắc vòi trứng, mang thai ngoài tử cung, vô sinh, hiếm muộn.
  • Trẻ sơ sinh xuất hiện các biểu hiện bất thường ở mắt như mắt đỏ, đóng mủ thì rất có thể là mắc bệnh lậu lây truyền từ mẹ.

3. Xét nghiệm

Để biết chính xác tình trạng bệnh, ngoài việc dựa vào tiểu sử và các triệu chứng lâm sàng ở người bệnh thì bác sĩ còn dựa vào thực hiện các xét nghiệm tìm vi khuẩn lậu trong các dịch mủ từ đường tiết niệu hay kết mạc mắt như: 

  • Phương pháp xét nghiệm trực tiếp: nhuộm bệnh phẩm, soi thấy vi khuẩn lậu bắt màu gram (-), nằm trong và ngoài bạch cầu đa nhân.

Xét nghiệm tìm vi khuẩn lậuXét nghiệm tìm vi khuẩn lậu

  • Phương pháp nuôi cấy, phân lập: trong môi trường chọn lọc Thayer-martin hoặc thạch sôcôla, nhiệt độ từ 35- 36°C và nồng độ CO2 khoảng 3%- 10%. Các bác sĩ có thể xác định được sự có mặt vi khuẩn lậu từ 24 đến 48 giờ.
  • PCR (polymerase chain reaction): đây là kỹ thuật mới với độ đặc hiệu và độ nhạy cao.

Việc xét nghiệm này còn để chẩn đoán phân biệt bệnh lậu với các viêm niệu đạo không phải do vi khuẩn lậu như viêm niệu đạo do nấm Candida, ký sinh trùng Trichomonas, tụ cầu, liên cầu.

Phương pháp điều trị bệnh lậu

Bệnh lậu có chữa được không? Lậu là bệnh có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh được. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng khiến bệnh càng khó chữa. Kể cả khi người bệnh đã được chữa khỏi nhưng không phòng đúng cách thì khả năng tái phát là rất cao. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không được quên uống thuốc đúng theo chỉ định, cũng không chia sẻ thuốc với người khác bởi mỗi người sẽ có phác đồ điều trị khác nhau tùy cơ thể và tình trạng bệnh.

Ngoài ra thì khi điều trị, người bệnh cũng cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc chung sau:

  • Điều trị cho cả bạn tình.
  • Xây dựng và tuân thủ chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh những hoạt động có thể tác động đến bộ phận sinh dục, tiết niệu như đi xe đạp, chạy nhảy,…
  • Kết hợp điều trị nhiễm khuẩn sau lậu như C.trachomatis, liên cầu, tạp khuẩn…
  • Khám lâm sàng và xét nghiệm lại định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bệnh lậu có thể chữa khỏi bằng kháng sinhBệnh lậu có thể chữa khỏi bằng kháng sinh

Điều trị bệnh lậu khi chưa biến chứng

  • Tiêm bắp liều duy nhất Spectinomycin 2 gram hoặc Ceftriaxone 250mg.
  • Tiếp đến là dùng Doxycyclin 100 mg x 2 viên/ngày x 7 ngày.

Điều trị bệnh lậu khi đã biến chứng

  • Ceftriaxone 1 gram/1 ngày tiêm bắp trong 3 đến 7 ngày. Sau đó dùng Doxycyclin 100 mg  x 2 viên/ngày trong 7 ngày.
  • Trong trường hợp nặng hơn như biến chứng viêm màng não, viêm nội tâm mạc do lậu thì bác sĩ vẫn có thể dùng liều lượng trên, nhưng thời gian phải kéo dài đến 4 tuần.

Nhiều người vẫn đang thắc mắc rằng bệnh lậu có tự khỏi được không? Câu trả lời là không! Các chuyên gia chuyên khoa chi biết, cơ thể con người hoàn toàn không tự sản sinh ra kháng thể để chống lại vi khuẩn gây bệnh, do đó mà dù là ở bệnh lậu cấp tính hay bệnh lậu mãn tính thì cũng không tự khỏi được.

Bệnh lậu có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp ở bệnh lậu?

Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây bệnh lậu một cách âm thầm đến mức nhiều người không hề biết rằng bản thân đang mang bệnh. Bệnh lậu nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ có thể gây vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe dù là nam hay nữ giới.

Ở nữ giới

Bệnh lậu có thể lây lan vào tử cung hoặc ống dẫn trứng gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID). Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, gồm sốt, đau bụng. PID khiến ống dẫn trứng bị tổn thương, gây tắc vòi trứng dẫn đến tình trạng vô sinh hoặc làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. 

Phụ nữ mang thai bị bệnh lậu dễ lây truyền cho conPhụ nữ mang thai bị bệnh lậu dễ lây truyền cho con

Phụ nữ đang mang thai mà bị bệnh lậu nếu không được điều trị có thể gây nguy cơ dọa sảy thai, sảy thai hoặc khiến trẻ sơ sinh bị lây bệnh, gây nên tình trạng nhiễm trùng máu, lở loét ở trẻ. Việc điều trị bệnh lậu ở phụ nữ mang thai sẽ giảm nguy cơ mắc các biến chứng này.

Ở nam giới

Bệnh lậu có thể gây phức tạp hơn cho nam giới do viêm mào tinh hoàn, có thể dẫn đến vô sinh. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời thì vi khuẩn lậu có thể lan vào máu và gây nhiễm trùng cơ hội toàn thân (DGI). 

Nhiễm trùng lậu có thể lan sang các bộ phận khác trong cơ thể, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu. Bệnh lậu không được điều trị còn có thể gây ra tình trạng viêm khớp, viêm da và các cơ quan khác, thậm chí là làm tăng nguy cơ mắc hoặc lây truyền HIV.

Bệnh lậu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Viêm hậu môn- trực tràng.
  • Viêm họng.
  • Da quanh bộ phận sinh dục có túi mủ, mụn mủ.
  • Toàn thân có thể tấy đỏ, ban mề đay, hồng ban.
  • Viêm quanh gan, có thể có hội chứng Fitz-Hugh-Curtis.
  • Lậu mắt.

Cách phòng tránh bệnh lậu

Bệnh lậu nam hay nữ thì biến chứng của bệnh đều có thể gây vô sinh, do đó phòng ngừa bệnh là điều quan trọng hơn hết, dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh lậu:

  • Dùng bao cao su: đây được xem là phương tiện duy nhất để phòng bệnh lậu, tuy nhiên nó chưa phải là phương pháp an toàn tuyệt đối.
  • Quan hệ tình dục an toàn bằng cách chung thủy với bạn tình duy nhất.
  • Nếu không có mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài thì cần tự bảo vệ cách thực hành tình dục như một thông lệ.
  • Tuyệt đối không dùng chung vật dụng cá nhân, đặc biệt là các vật dụng ở trong khách sạn, nhà nghỉ, nhà tắm công cộng....

Không dùng chung vật dụng cá nhân để phòng tránh bệnh lậuKhông dùng chung vật dụng cá nhân để phòng tránh bệnh lậu

  • Để phòng tránh tình trạng lây bệnh từ mẹ sang con thì chị em cần chú ý khám sức khỏe phụ khoa trước khi mang thai và trước khi sinh.
  • Có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để duy trì sức khỏe và tăng sức đề kháng cho cơ thể khỏi các loại vi khuẩn gây hại, trong đo có vi khuẩn lậu.
  • Khám sức khỏe tổng quát ít nhất 1 năm 1 lần, với người có xu hướng quan hệ tình dục không an toàn thì cần khám định kỳ 6 tháng một lần.

Bệnh lậu là bệnh xã hội, nó lây truyền chủ yếu qua đường tình dục và nếu không điều trị thì nguy cơ vô sinh là rất cao. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông thực hiện thăm khám và điều trị bệnh lậu với cam kết bảo mật thông tin cá nhân, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao cùng hệ thống trang thiết bị y khoa hiện đại đảm bảo thăm khám nhanh chóng, chính xác. Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch khám, hãy liên hệ tới số Hotline 1900 1806 để được hỗ trợ nhanh nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
5,200

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám