Bệnh Sởi: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

Doan Nguyen

20-09-2023

goole news
16

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với triệu chứng điển hình là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ, chảy nước mũi,... Bệnh lý có thể gặp ở nhiều đối tượng từ người lớn tới trẻ em, có thể gây thành dịch và lan rộng trong cộng đồng.

Tổng quan về bệnh sởi

Bác sĩ chuyên khoa cho biết virus sởi thuộc chi Morbillillin nằm trong họ Paramyxoviridae, chỉ có vật chủ tự nhiên duy nhất là con người. Bệnh lý lưu hành rộng nên có thể xuất hiện và bùng dịch trong cộng đồng nếu như không được kiểm soát và tiêm phòng. 

Công bố của tổ chức UNICEF, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cao hơn cả Ebola, cúm hay lao phổi. Bệnh có thể lây lan khi người khỏe mạnh chạm vào bề mặt đã bị nhiễm virus sau đó chạm lên mũi, miệng hoặc ăn uống ngay khi chưa vệ sinh tay. 

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với triệu chứng điển hình là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với triệu chứng điển hình là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ

Điều đáng chú ý là virus gây bệnh sởi có thể tồn tại trên các bề mặt trong không khí tới 2 giờ đồng hồ. Do đó một người bình thường khỏe mạnh có thể bị lây nhiễm căn bệnh nếu ở chung với người đang nhiễm virus trong vòng 2 tiếng.

Đánh giá chung sởi là bệnh lý có tính lây nhiễm cao thông qua việc hít hoặc nuốt hạt dịch tiết từ đường hô hấp của người bị nhiễm. Virus lây lan ở trong không khí, làm nhiễm trùng đường hô hấp, thậm chí gây tử vong với trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em quá nhỏ chưa tiêm phòng vắc xin. 

Nguyên nhân gây bệnh 

Tìm hiểu và nắm bắt nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp phòng tránh căn bệnh hiệu quả hơn. Chuyên gia cho biết sởi có thể lây nhiễm qua các con đường sau:

  • Virus sởi lây nhiễm thông qua đường hô hấp. 
  • Virus lây trực tiếp khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi hoặc ho. 
  • Virus lây gián tiếp thông qua các bề mặt tiếp xúc. 

Căn bệnh gây ra bởi siêu vi sởi. Một thống kê gần đây cho thấy có đến 90% những người chưa tiêm chủng bị lây bệnh sởi khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Nghiên cứu cũng chứng minh virus tồn tại ở cổ họng, mũi của người mắc. Thậm chí người bệnh thường lây nhiễm cho người khác 4 ngày trước khi xuất hiện các vết đỏ. 

Khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc nói chuyện các giọt nước có chứa siêu virus sẽ bắn ra không khí. Người khỏe mạnh nếu hít phải các giọt nước này sẽ mắc bệnh. Ngoài ra các giọt bắn chứa virus có thể rơi xuống các bề mặt như điện thoại hay mặt bàn. Khi tiếp xúc với các bề mặt nói trên và đưa lên mũi, miệng thì bạn có thể bị lây nhiễm virus sởi. 

Khi một siêu vi sởi vào cơ thể của người bệnh, chúng thường mọc ở vị trí đằng sau cổ họng hoặc phổi. Thời gian sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể bao gồm cả da và hệ hô hấp. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi

Như đã nói ở trên sởi là bệnh truyền nhiễm có thể gây tử vong ở trẻ em. Theo bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sau khi ủ bệnh từ 10 tới 12 ngày, sởi có thể xuất hiện các biểu hiện bao gồm:

  • Ho khan.
  • Sốt.
  • Sổ mũi.
  • Đau họng
  • Ăn không ngon miệng.
  • Viêm kết mạc. 
  • Chảy máu cam.
  • Các đốm Koplik trắng nhỏ, tâm màu xanh trên nền đỏ xuất hiện ở trong miệng. 

Thời gian ủ bệnh và nhiễm trùng có thể kéo dài từ 2 tới 3 tuần. Thời gian từ 10 đến 14 ngày đầu sau khi nhiễm bệnh nhân có thể không xuất hiện triệu chứng. Căn bệnh thường bắt đầu bằng biểu hiện sốt nhẹ kèm theo sổ mũi và ho dai dẳng. Triệu chứng sau đó thường là đau họng và viêm kết mạc. Những dấu hiệu này có thể kéo dài từ 2 tới 3 ngày. 

Giai đoạn tiếp theo người bệnh sẽ xuất hiện các nốt ban, đỏ và hơi sưng. Sau đó khoảng 3 ngày các nốt mẩn ngứa sẽ lan rộng ra khắp cơ thể từ trên mặt, tới cổ, di chuyển xuống dưới. Tình trạng nổi ban kéo dài từ 3 tới 5 ngày và biến mất.

Xem thêm:

Những đối tượng có nguy cơ mắc sởi

Sởi có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau, tuy nhiên trẻ em chưa được tiêm phòng là những đối tượng dễ mắc bệnh lý này nhất. Cụ thể những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao hơn bao gồm:

  • Trẻ chưa từng bị sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin phòng sởi, tiêm phòng không đầy đủ. 
  • Người lớn hoặc trẻ nhỏ đang mắc các bệnh lý khác bao gồm tiểu đường, cúm, tim bẩm sinh.
  • Những trẻ sinh ra từ người mẹ bị nhiễm HIV dễ mắc bệnh sởi hơn những bé sinh ra từ người mẹ khỏe mạnh. 
  • Trẻ dưới 9 tháng tuổi, bị suy dinh dưỡng, béo phì. 
  • Những người bị lao, khi có hệ miễn dịch suy giảm.

Biến chứng của bệnh sởi

Sởi có thể gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người mắc, cụ thể như sau.

Biến chứng đường hô hấp

Các biến chứng đường hô hấp do sởi gây ra là vấn đề đã được nhiều bác sĩ cảnh báo. Trong đó viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi là những biến chứng phổ biến. 

  • Viêm thanh quản: Ở giai đoạn sớm, virus sởi gây ra các cơn khó thở, co thắt thanh quản. Giai đoạn muộn tình trạng bội nhiễm khiến các ban xuất hiện kèm theo sốt cao vọt lên, khàn tiếng, tím tái, khó thở,...
  • Viêm phế quản: Hiện tượng viêm phế quản thường xuất hiện do bội nhiễm, thường ở cuối thời kỳ mọc ban. Người bệnh có biểu hiện sốt lại kèm theo ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, hiện tượng bạch cầu và neutro tăng. Khi chỉ định thực hiện X quang sẽ thấy hình ảnh viêm phế quản. 
  • Viêm phế quản - phổi: Các biểu hiện người bệnh thường gặp bao gồm: Sốt cao kèm theo khó thở, phổi có ran phế quản và ra nổ. X quang có thể thấy nốt mờ rải rác ở 2 phổi. Neutro và bạch cầu tăng, biến chứng này thường là nguyên nhân gây tử vong khi trẻ nhỏ mắc sởi.

Biến chứng thần kinh

Các biến chứng về thần kinh là một trong những biến chứng nguy hiểm, khả năng gây tử vong cao. Theo thống kê những biến chứng này có thể gặp ở khoảng từ 0.1 - 0.6 % bệnh nhân sởi. Trong đó nguy hiểm nhất là biến chứng viêm não, viêm màng não và viêm tủy.

Biến chứng đường tiêu hóa

Những vấn đề liên quan tới đường tiêu hóa cũng cần đặc biệt chú ý với những bệnh nhân mắc bệnh sởi, cụ thể bao gồm:

  • Viêm niêm mạc miệng.
  • Cam mã tấu.
  • Viêm ruột.

Biện pháp chẩn đoán 

Để chẩn đoán bệnh sởi, bác sĩ chuyên khoa cần căn cứ  vào các triệu chứng lâm sàng và nhiều xét nghiệm cần thiết khác. 

Về lâm sàng: Các triệu chứng lâm sàng khi mắc sởi thường là sốt, mắt đỏ, phát ban, ho, chảy nước mũi,...

Về xét nghiệm cần thiết: Hiện nay có 2 xét nghiệm phổ biến được sử dụng trong chẩn đoán bệnh sởi đó là kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang và xét nghiệm MAC-ELISA. Đặc biệt phương pháp MAC-ELISA có thể phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu với sởi ở trong huyết thanh.

Phương pháp điều trị

Điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh sởi chưa có điều trị đặc hiệu. Các trường hợp đủ điều kiện cách ly, chăm sóc có thể điều trị tại nhà. Trẻ nhỏ bị bệnh nên tránh tiếp xúc với các trẻ khỏe mạnh. Vì thế khi mắc bệnh trẻ cần nghỉ học để tránh lây lan cho những bạn xung quanh. 

Ngoài ra một số biện pháp sau đây được khuyến cáo nên thực hiện trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc sởi. 

  • Dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38.5 độ C, bổ sung thêm vitamin A để dự phòng thiếu vitamin A theo chỉ dẫn của bác sĩ. 
  • Vệ sinh thân thể thường xuyên, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng. 
  • Thực hiện chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại hoa quả có màu đỏ, màu cam và uống nhiều nước. 
  • Trẻ đang bú mẹ cần tiếp tục được cho bú kết hợp với việc bổ sung chế độ ăn phù hợp với những nhóm thực phẩm mềm, dễ tiêu, dễ nuốt, nấu chín kỹ. 
  • Thời gian bệnh nhân cần cách ly là từ khi nghi mắc cho tới ít nhất 5 ngày sau khi đã phát ban. 

Trong thời gian chăm sóc, điều trị tại nhà, nếu bệnh nhân mắc sởi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: Sốt, ho tăng, nhiều đờm, chói mắt hoặc một số biểu hiện bất thường khác cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí sớm. 

Biện pháp phòng ngừa

Phương pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin. Cha mẹ cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đúng lịch, đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế, nhất là với trẻ em dưới 5 tuổi. Ngoài ra cần thực hiện thêm một số biện pháp phòng ngừa khác như sau:

  • Thực hiện biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang khi tới các khu vực đông người, bệnh viện.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là khi chăm sóc trẻ nhỏ.
  • Luôn giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng.
  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày, đồng thời bổ sung thêm các nhóm thực phẩm có chứa nhiều vitamin A như rau xanh, cà rốt hoặc các loại quả có màu vàng, cam. 

Sởi là căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người mắc. Cha mẹ cần theo dõi và thực hiện tiêm phòng cho trẻ đúng lịch và đầy đủ để phòng ngừa bệnh hiệu quả.

351

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám