Bệnh tim bẩm sinh APSO: Phương pháp chẩn đoán và cách điều trị

Nguyễn Phương Thảo

14-11-2024

goole news
16

Bệnh tim bẩm sinh APSO là một dạng bệnh tim bẩm sinh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu phổi có nguồn gốc bất thường, làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu và chức năng hô hấp của trẻ. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh APSO không chỉ đòi hỏi sự chính xác mà còn cần phương pháp chuyên sâu từ các chuyên gia y tế. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các phương pháp chẩn đoán và cách điều trị bệnh tim bẩm sinh APSO, giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh và có hướng xử lý phù hợp cho con em mình.

Bệnh tim bẩm sinh APSO là gì?

APSO (dịch theo tiếng Pháp là Atrésie Pulmonaire à Septum Ouvert) được hiểu như: không có lỗ van động mạch phổi (ĐMP) và kèm vách liên thất hở. Đây là một tật tim bẩm sinh tương đối phức tạp do tính đa dạng của tuần hoàn phổi, được xem là một thách thức cho việc chẩn đoán và điều trị. Bệnh nhân mắc bệnh này sẽ không có lỗ van động phổi, máu từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải sẽ đi qua lỗ thông giữa 2 thất, tiếp tục qua tâm thất trái cuối cùng mới đổ ra động mạch chủ.

Hệ thống van tim chi tiết

Hệ thống van tim chi tiết 

Phân loại cấp độ và tiên lượng bệnh tim bẩm sinh APSO 

APSO có 4 type chính, với các đặc điểm phân biệt như sau:

  • Type I: Ở loại này, bệnh nhân có ống động mạch, với thân động mạch phổi và hai nhánh động mạch phổi trái và phải, đảm bảo lưu lượng máu lên phổi nhờ máu từ động mạch chủ qua ống động mạch chảy vào động mạch phổi.
  • Type II: Loại này cũng có ống động mạch nhưng không có thân động mạch phổi chung. Thay vào đó, máu đi vào phổi thông qua hai nhánh động mạch phổi phải và trái nhờ sự kết nối với ống động mạch.
  • Type III: Ở loại này, cả hai nhánh động mạch phổi teo nhỏ, trong khi ống động mạch cũng bị teo nhỏ. Phổi nhận máu qua các động mạch bàng hệ từ hệ động mạch chủ, đóng vai trò bổ sung lưu lượng máu.
  • Type IV: Đây là loại phổi được cung cấp hoàn toàn bằng các động mạch bàng hệ mà không có ống động mạch. Phẫu thuật sửa chữa triệt để không khả thi ở loại này, nhưng có thể tạo các shunt (đường nối) để tăng lưu lượng máu đến phổi, chẳng hạn như phẫu thuật Glenn và Fontan.

Tiên lượng

  • APSO Type I và II: Có tiên lượng khả quan với khả năng phẫu thuật sửa chữa để tim hoạt động gần như bình thường.
  • APSO Type III và IV: Tiên lượng kém hơn do sự teo nhỏ hoặc không có động mạch phổi. Phẫu thuật trong trường hợp này thường chỉ là giải pháp tạm thời nhằm duy trì lưu lượng máu lên phổi. 

Chẩn đoán mắc bệnh tim APSO là như thế nào? 

Chẩn đoán lâm sàng

Khi trẻ mới sinh ra có biểu hiện tím tái, điều này có thể là dấu hiệu của bệnh lý tim mạch. Mức độ tím tái phụ thuộc vào sự lưu thông của ống động mạch và mức độ tuần hoàn bàng hệ chủ-phổi. Bệnh nhân thường không có tiếng thổi rõ ràng, nhưng có thể nghe thấy âm thổi liên tục nhẹ do còn ống động mạch hoặc tuần hoàn bàng hệ.

Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Điện tâm đồ: Quan sát thấy trục QRS lệch sang phải, thể hiện dấu hiệu lớn thất phải.
  • Chụp X-quang: Hình ảnh bóng tim không to, có hình dạng giống chiếc giày và giảm tuần hoàn phổi rõ rệt. Trong vài trường hợp hiếm, tuần hoàn bàng hệ chủ-phổi phát triển mạnh gây tăng lưu lượng máu lên phổi, dẫn đến nguy cơ suy tim.
  • Siêu âm tim Doppler: Giúp xác định tình trạng không lỗ van động mạch phổi có kèm thông liên thất, lượng giá mức độ nặng và phát hiện các tổn thương phối hợp. Tuy nhiên, siêu âm có giới hạn trong khảo sát các đoạn xa của nhánh động mạch phổi.
  • Chụp mạch máu: Được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán, kỹ thuật này giúp xác định các đặc điểm chi tiết về kích thước nhánh động mạch phổi, tuần hoàn phổi ngoại biên, và tuần hoàn bàng hệ. Các chỉ số như Nakata hoặc tỷ lệ McGoon thường được tính toán từ kết quả chụp mạch để lựa chọn hướng điều trị phù hợp cho bệnh nhân. 
  • Chỉ định chụp MSCT: Cho phép đánh giá kích thước 2 nhánh ĐMP, tuần hoàn bàng hệ chủ - phổi nhưng không cung cấp thông tin về huyết động. 

Tham khảo:

Điều trị bệnh nhân mắc bệnh tim APSO bằng cách nào?

Điều trị nội khoa hay thông tin can thiệp

Trong các trường hợp lưu lượng máu lên phổi phụ thuộc hoàn toàn vào ống động mạch, cần duy trì ống động mạch thông thường bằng cách truyền prostaglandin (Prostin VR Pediatric, liều khởi đầu là 0.05 đến 0.1 microgram/kg/phút, khi đã đạt được hiệu quả, nên giảm liều dần đến 0.01 microgram/kg/phút) hay bằng thông tim can thiệp đặt stent ống động mạch.  

Điều trị phẫu thuật 

Tuỳ thuộc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp

Tuỳ thuộc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp

Quyết định điều trị cho bệnh nhi phụ thuộc vào nhóm bệnh và độ tuổi, từ đó bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật tạm thời hoặc sửa chữa hoàn toàn. Các biến chứng phẫu thuật thường gặp có thể bao gồm:

  • Chảy máu
  • Hở van động mạch phổi
  • Suy tim sung huyết
  • Block nhánh hoặc block nhĩ thất
  • Tồn lưu thông liên thất hoặc hẹp đường thoát thất phải
  • Tràn dịch dưỡng chấp

Việc đánh giá chi tiết và theo dõi sau phẫu thuật giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

Liên hệ với Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường về tim cần được các bác sĩ thăm khám kịp thời. 

Kết luận 

Với sự tiến bộ của y học hiện đại, đã có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả giúp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh APSO có thể cải thiện sức khỏe và phát triển tốt hơn. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán, can thiệp kịp thời là vô cùng quan trọng. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về bệnh tim bẩm sinh APSO và các phương pháp điều trị hiện nay. Nếu nghi ngờ con bạn có dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
49

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám