Viêm phế quản phổi là thuật ngữ y học chỉ tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản, làm suy giảm chức năng phổi. Bệnh viêm phế quản phổi ở người lớn là bệnh rất dễ tái phát, đặc biệt là khi khí hậu thay đổi đột ngột, ở trẻ em bệnh có thể biến chứng và gây tử vong. Ngoài các triệu chứng như ho, khạc đờm thì bệnh còn có biểu hiện nào? Nguyên nhân do đâu? Các điều trị là gì? BVĐK Phương Đông giải đáp tại bài viết dưới đây.
Tìm hiểu bệnh viêm phế quản phổi là gì?
Phế quản là những đường dẫn khí lớn nối từ đường khí quản đến phổi. Những phế quản này phân tách thành nhiều ống khí nhỏ được gọi là tiểu phế quản tạo nên phổi. Cuối các tiểu phế quản là những túi khí nhỏ gọi là phế nang. Nơi này diễn ra sự trao đổi của oxy từ phổi và carbon dioxide từ máu.
Viêm phế quản phổi có thể gặp ở người lớn và trẻ nhỏ
Bệnh viêm phổi gây ứ đọng chất dịch bên trong những phế nang dẫn tới suy yếu chức năng phổi; gây ra các vấn đề về hô hấp. Viêm phế quản phổi là một dạng viêm phổi ảnh hưởng đến cả phế quản lẫn phế nang bên trong phổi.
Bệnh viêm phế quản thường xảy ra vào mùa đông và không phải bệnh lý khó kiểm soát. Tuy nhiên, bệnh tiến triển rất nhanh nên nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách; thì sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe; thậm chí là tử vong.
Để thuận tiện trong việc điều trị thì bệnh được chia làm 2 thể là cấp tính và mãn tính:
- Viêm phế quản cấp tính: ở giai đoạn này, tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở niêm mạc phế quản chưa có sự tổn thương. Nguyên nhân thông thường là do virus.
- Viêm phế quản mãn tính: giai đoạn phát triển xấu đi của thể cấp tính. Ở giai đoạn này, ống phế quản liên tục bị kích thích dẫn đến các biến chứng nguy hiểm; đặc biệt là phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn thể cấp tính nhiều lần.
Nguyên nhân bệnh viêm phế quản phổi
Cũng như một số bệnh hô hấp khác thì viêm phế quản phổi cũng hình thành do sự xâm nhập của vi khuẩn và virus. Cụ thể các yếu tố là nguy cơ gây bệnh như:
- Vi khuẩn, virus: Proteus, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas, Haemophilus, Staphylococcus aureus… là một số siêu vi có thể xâm nhập và gây viêm nhiễm ở phế nang phổi, phế quản.
Virus, vi khuẩn là nguyên nhân chính gây bệnh
- Thời tiết: vào mùa lạnh, khi mà thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm thấp bệnh sẽ khởi phát do hệ miễn dịch của con người bị suy yếu nên virus; vi khuẩn dễ dàng tấn công.
- Tính chất công việc: những người thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, hóa chất nồng độ cao. Hay làm việc ở bệnh viện, tiếp xúc với nhiều nguồn bệnh,... thì nguy cơ bị bệnh sẽ cao hơn bình thường.
- Lối sống: những người nghiện rượu, có tiền sử hút thuốc nhiều năm; ăn uống thất thường, thiếu dinh dưỡng, sinh hoạt và làm việc không khoa học... dễ mắc các bệnh về phế phổi.
- Các yếu tố nguy cơ khác như: trẻ dưới 2 tuổi, người trên 65 tuổi. Nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh và cúm. Mắc bệnh phổi mãn tính như COPD, xơ nang, giãn phế quản, hen suyễn; mắc bệnh tiểu đường, suy tim, bệnh gan. Dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch như thuốc hóa trị, thuốc chống thải ghép,...
Dấu hiệu bệnh viêm phế quản phổi
Biểu hiện của bệnh viêm phế quản phổi có thể khởi phát từ từ hoặc đột ngột; tùy theo yếu tố nguy cơ. Có thể chia triệu chứng của bệnh thành 2 giai đoạn là khởi phát và toàn phát.
-
Giai đoạn khởi phát
- Ủ bệnh từ từ: người bệnh thường có biểu hiện là ngạt mũi, hắt hơi, ho khan và sốt nhẹ. Khá giống với viêm đường hô hấp, cảm cúm nên dễ bị chủ quan bỏ qua hoặc điều trị sai cách.
- Khởi phát đột ngột: sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng đáng lo như chướng bụng, chán ăn, khó thở kèm tím tái,... khi đó người bệnh cần đi khám ngay lập tức để tránh tình trạng bệnh chuyển biến xấu hơn; vì đó là triệu chứng của viêm phế quản phổi.
Biểu hiện phổ biến của bệnh là ngạt mũi, hắt hơi, ho khan, sốt nhẹ....
-
Giai đoạn toàn phát
Khi bệnh ở giai đoạn khởi phát nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời; bệnh sẽ diễn biến đến giai đoạn bùng phát. Lúc này người bệnh sẽ có các biểu hiện như ho dữ dội và liên tục; số cao (lên đến 40 độ C), số li bì, chảy mũi vàng đặc, co giật, thậm chí là hôn mê... Ở trẻ em còn có thêm triệu chứng rối loạn tiêu hóa, bỏ ăn, tiêu chảy, nôn trớ.
Viêm phế quản phổi có nguy hiểm không?
Viêm phế quản mãn tính là bệnh lý nguy hiểm liên quan đến hệ hô hấp. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có nguy cơ mắc các biến chứng sau:
- Suy hô hấp: sự trao đổi thiết yếu của oxy và carbon dioxide trong phổi bị suy giảm dẫn tới suy hô hấp. Khi đó, người bệnh có thể cần sử dụng máy thở để hỗ trợ.
- Hội chứng suy hô hấp cấp nặng ở người lớn (ARDS): ARDS là một dạng suy hô hấp nặng và đe dọa tính mạng.
- Nhiễm trùng huyết: hay nhiễm trùng máu, tình trạng nhiễm trùng gây ra phản ứng miễn dịch làm tổn hại đến các cơ quan và mô của cơ thể. Nhiễm trùng huyết có thể gây suy đa tạng, đe dọa đến tính mạng.
- Áp xe phổi: xuất hiện những túi chứa mủ có thể hình thành bên trong phổi.
- Các biến chứng khác như: phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi, nghiêm trọng hơn là ung thư phế quản, ung thư phổi.
Biến chứng của viêm phế quản phổi có thể là ung thư phổi
Viêm phế quản phổi phổ biến ở trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do nhiễm trùng ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong năm 2015, trên toàn thế giới có 920.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì viêm phổi. Tỷ lệ này chủ yếu là do viêm phế quản phổi.
Do đó, mỗi người cần tuân thủ khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc ít nhất 1 năm 1 lần. Đồng thời khi có dấu hiệu bất thường cần đi khám và điều trị ngay.
Cách chẩn đoán viêm phế quản phổi
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất và xem xét tiền sử bệnh lý để chẩn đoán bệnh. Dấu hiệu điển hình của bệnh thông thường là thở khò khè nhưng đôi lúc bệnh cũng có thể gây ra các triệu chứng khác; tương tự như cảm lạnh hoặc cúm dẫn tới việc chẩn đoán gặp khó khăn.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh, họ có thể yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để xác nhận chẩn đoán hoặc xác định loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh:
- X quang viêm phế quản phổi hoặc CT scan: xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh này cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong phổi; kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
Hình ảnh X quang viêm phế quản phổi
- Xét nghiệm máu: có thể phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như số lượng bạch cầu bất thường.
- Nội soi phế quản: sử dụng một ống mỏng, đầu có gắn đèn và camera đưa vào miệng; xuống khí quản và vào phổi để bác sĩ nhìn bên trong phổi.
- Nuôi cấy đờm: đây là xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể phát hiện nhiễm trùng thông qua dịch đờm nhầy của người bệnh khi ho.
- Đo oxy xung (Pulse oximetry): xét nghiệm này được sử dụng để tính toán lượng oxy chảy trong máu.
- Khí máu động mạch: xét nghiệm này được bác sĩ áp dụng để xác định nồng độ oxy trong máu người bệnh.
Điều trị viêm phế quản phổi thế nào?
Viêm phế quản nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc kết hợp nghỉ ngơi. Trường hợp bệnh nặng thì có thể phải điều trị tại viện.
Việc điều trị có thể phụ thuộc vào loại nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Với những người không gặp các vấn đề về sức khỏe khác thì khi được điều trị sẽ hồi phục trong vòng 1- 3 tuần.
-
Viêm phế quản phổi do vi khuẩn
Bác sĩ điều trị có thể chỉ định thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn có hại trong phổi. Khi dùng kháng sinh thì bạn cần lưu ý tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và hoàn thành hết lượng thuốc được chỉ định.
Viêm phế quản phổi thường được điều trị bằng kháng sinh
-
Viêm phế quản phổi do virus
Với tình trạng này thuốc kháng sinh không có tác dụng. Nên bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc kháng virus hoặc thuốc điều trị triệu chứng. Chứng bệnh này thường sẽ hết sau 1- 3 tuần.
Điều trị triệu chứng như sau:
- Sốt: sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt cao từ 38,5 độ trở lên. Với những trẻ có bệnh lý như tim, phổi, thần kinh,... cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng. Tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ em, người bị hen, loét dạ dày - tá tràng....
- Ho: ho là phản xạ có lợi để tống đờm và vi khuẩn ra ngoài. Nhưng nếu ho quá nhiều dẫn đến nôn ói, mất ngủ,... thì người bệnh nên uống nhiều thước để cải thiện việc ho và dễ khạc đờm ra. Trường hợp có đờm đặc hoặc khó khạc đờm thì dùng thêm thuốc long đờm. Người bệnh không nên dùng thuốc giảm ho do thuốc này thường làm giảm việc bài tiết đờm; dẫn tới chậm sự phục hồi.
- Sổ mũi, nghẹt mũi: dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, phun hơi ẩm trong phòng để giảm khô mũi. Với trẻ em, nếu không có khò khè hoặc khò khè nhưng không đáp ứng với thuốc giãn phế quản; thì không cần khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản. Không dùng thuốc kháng histamin và thuốc chống sung huyết mũi để làm thông khô mũi; vì nguy cơ về tác dụng phụ là rất cao.
- Thuốc làm loãng đờm: thị trường dược hiện nay có nhiều thuốc có tác dụng loãng đờm; giảm độ dính của đờm nhưng hiệu quả ở trẻ em khá hạn chế; thuốc chỉ phát huy tác dụng khi trẻ được uống đủ nước. Trong khi đó, bản thân nước đã là thuốc loãng đờm tốt nhất nên phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước.
Khí dung thuốc giãn phế quản
- Khí dung thuốc giãn phế quản: người bệnh có thể dùng thuốc giãn phế quản khí dung. Tuy nhiên chỉ áp dụng nếu tình trạng khò khè có cải thiện sau khi thực hiện. Do vậy nên thực hiện tại cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá hiệu quả của thuốc. Lưu ý là không dùng thuốc giãn phế quản đường uống vì hiệu quả thấp mà gây nhiều tác dụng phụ như run tay, hồi hộp, đánh trống ngực, đỏ mặt...
- Khoáng chất và vitamin: bổ sung các loại khoáng chất và vitamin sẽ giúp tăng sức khỏe, tăng đề kháng. Từ đó hỗ trợ điều trị bệnh đạt hiệu quả. Lưu ý, vitamin C được chứng minh là không giúp ích gì trong điều trị đợt cấp của viêm nhiễm hô hấp; còn kẽm có thể có tác dụng nhưng rất ít và gây tác dụng phụ là buồn nôn.
-
Viêm phế quản phổi do nấm
Bác sĩ có thể kê toa thuốc chống nấm kết hợp hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi hợp lý để trị.
Phòng tránh nguy cơ viêm phế quản phổi ở người lớn và trẻ em
Viêm phế quản phổi dù là ở người lớn hay trẻ nhỏ thì cũng ảnh hưởng xấu cho sức khỏe; thậm chí là tính mạng. Do đó, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh là việc quan trọng bạn cần thực hiện. Dưới đây là một số chia sẻ cho bạn đọc để phòng ngừa bệnh:
- Tiêm đủ liều vắc xin phòng ngừa các chủng virus, vi khuẩn liên quan đến đường hô hấp.
- Tránh xa các yếu tố- tác nhân gây bệnh từ môi trường như bụi bẩn, khói thuốc, hóa chất.
Giữ ấm cơ thể để phfong bệnh viêm phế quản
- Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh và vào mùa đông.
- Vệ sinh- dọn dẹp nhà ở thường xuyên. Để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, virus, nấm mốc, các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
- Tập thói quen rửa tay: vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể khi dụi mắt hoặc bốc thức ăn. Do đó, việc rửa tay thường xuyên không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản phổi mà còn ngăn ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm khác như Covid 19.
Rửa tay thường xuyên để phòng bệnh lây nhiễm
- Tránh xa thuốc lá: hút thuốc có thể làm các triệu chứng bệnh nặng hơn. Kéo dài thời gian phục hồi và gây hại cho sức khỏe.
- Điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng liên quan đến hô hấp. Các bệnh về phổi để hạn chế tình trạng viêm nhiễm.
- Chăm sóc sức khỏe: xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với thịt gia cầm, trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt. Kết hợp với tập thể dục đều đặn để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Phòng ngừa lây nhiễm: khi bạn mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh thì nên dùng khẩu trang y tế và hạn chế giao tiếp để tránh lây nhiễm.
Trên đây toàn thông tin về bệnh viêm phế quản phổi và cách điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm. Nếu có dấu hiệu bệnh, khách hàng có thể đến BVĐK Phương Đông để thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Liên hệ đặt lịch khám qua Hotline 1900 1806.