Cách làm giảm cơn đau bụng cho trẻ tại nhà an toàn, hiệu quả

Trần Hồng Nụ

31-03-2021

goole news
16

Tình trạng đau bụng ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân, khiến trẻ mệt mỏi, kém ăn, chậm lớn. Nếu cơn đau không quá nghiêm trọng và không phải do bệnh lý, bố mẹ có thể áp dụng những cách chữa đau bụng ở trẻ em tại nhà an toàn, hiệu quả dưới đây.

Một số nguyên nhân gây đau bụng cho trẻ em

Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em với biểu hiện khác nhau tùy nguyên nhân và lứa tuổi. Trẻ chưa biết nói thể hiện qua việc quấy khóc, nét mặt nhăn nhó. Trẻ lớn hơn có thể kêu đau với cha mẹ, chỉ ra vị trí đau và mô tả cơn đau. Dưới đây là những nguyên nhân gây đau bụng cho trẻ em khá phổ biến cha mẹ cần lưu ý.

Đau bụng ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau

Đau bụng ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau

Nhiễm trùng dạ dày - đường ruột

  • Rotavirus: Là virus đường ruột gây bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ, dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng. Đau bụng cũng là một trong các triệu chứng của bệnh. Ngày nay, tiêu chảy do rotavirus có thể chủng ngừa dễ dàng bằng cách tiêm vắc xin.
  • Salmonella: Thường được biết tới là nguyên nhân gây ra bệnh thương hàn. Vi khuẩn này xâm nhập vào dạ dày, đường ruột gây đau bụng. Trẻ có thể nhiễm khuẩn Salmonella do ăn thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn, uống nước ô nhiễm...
  • Streptococcus: Viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ nhỏ (do streptococcus nhóm A) có thể gây ra các triệu chứng gồm: đau bụng, đau đầu, sốt, buồn nôn, ói mửa.
  • Adenovirus: Virus này có thể gây các bệnh về đường tiêu hóa cho trẻ như: viêm thành ruột, đau dạ dày. Trẻ có thể bị lây bệnh thông qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc, ngậm mút đồ vật nhiễm virus.
  • Ngộ độc Botulinum: Là tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột do virus Clostridium botulinum. Trẻ bị ngộ độc thường có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nhìn mờ, nhìn đôi, viêm mí, sụp mí, khó nuốt, khó nói, lắp bắp, khô miệng, yếu cơ, liệt cơ.
  • Nhiễm ký sinh trùng: Các sinh vật ký sinh vào đường tiêu hóa như giun, sán sẽ làm đau bụng trẻ em ở vùng rốn, tiêu chảy, bụng ỏng, ăn uống kém, người gầy yếu.

 Trẻ không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng thức ăn

Trẻ bị dị ứng thức ăn khi hệ miễn dịch phản ứng với các protein “lạ” trong thực phẩm dẫn đến đau bụng. Nguyên nhân có thể do trẻ cai sữa, đang bú mẹ chuyển sang sữa công thức hoặc đang bắt đầu ăn dặm với các thực phẩm cứng, thô hơn.

Không dung nạp thực phẩm xảy ra khi trẻ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa một loại thức ăn cụ thể, dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng ở trẻ em, tiêu chảy.

Không dung nạp thực phẩm có thể khiến trẻ bị đau bụng

Không dung nạp thực phẩm có thể khiến trẻ bị đau bụng

Trào ngược dạ dày thực quản

Cơ vòng thực quản nằm giữa thực quản và dạ dày, bình thường cơ vòng mở cho thức ăn đi xuống dạ dày sau đó đóng lại để thức ăn trong dạ dày không trào ngược ra. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ quá trình này chưa hoàn toàn ổn định, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh nên thức ăn dễ đi ngược từ dạ dày lên thực quản và có thể khiến bé đau bụng.

Viêm ruột thừa

Trẻ bị viêm ruột thừa thường biểu hiện triệu chứng gồm: sốt nhẹ, nôn trớ, quấy khóc, mặt tái xanh, lờ đờ, đau bụng khu trú ở hố chậu phải. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, các triệu chứng viêm ruột thừa thường không điển hình như ở trẻ lớn hoặc người trưởng thành nên khó phát hiện, dễ gây biến chứng thủng ruột thừa, vì vậy các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý.

Trẻ bị đau bụng do viêm ruột thừa

Trẻ bị đau bụng do viêm ruột thừa

Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn chủ yếu ảnh hưởng đến bé trai, đặc biệt là trẻ sinh non tháng. Đây là tình trạng một phần của đường ruột đi xuyên qua khu vực yếu của thành bụng và xâm lấn đến ống bẹn (nằm ở 2 bên bụng dưới) gây đau bụng dưới, đau tăng khi trẻ vui chơi, vận động mạnh.

Hẹp phì đại cơ môn vị

Các cơ môn vị (nối liền dạ dày với ruột non) phình to khiến thức ăn từ dạ dày không thể đi xuống ruột non. Biểu hiện là trẻ luôn cảm thấy đói nhưng lại nôn và đau bụng liên tục. Nếu không chẩn đoán và điều trị sớm sẽ khiến trẻ mất nước và suy kiệt nặng.

Lồng ruột

Lồng ruột thường gặp ở trẻ < 2 tuổi, xảy ra khi một phần của ruột lồng vào bên trong phần ruột khác tạo ra nếp gấp dày, gây tắc nghẽn quá trình lưu thông ruột, cơ ruột không co bóp đúng cách khiến thức ăn khó đi qua. Các mạch máu và dây thần kinh tại nếp gấp bị xoắn. Bệnh có thể gây đau bụng từng cơn khiến trẻ khóc thét, da tái, nôn mửa, đi ngoài lẫn máu.

 

Trẻ bị đau bụng do lồng ruột

Trẻ bị đau bụng do lồng ruột

Tình trạng nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ gây đau bụng dưới, đau vùng hông lưng, đau khi đi tiểu, tiểu són, tiểu rắt, mệt mỏi, khó chịu. Nguyên nhân do trẻ không được vệ sinh sạch vùng háng, dùng tã bẩn thường xuyên.

Táo bón

Trẻ bị táo bón thường đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, phân cứng và khô, khó khăn khi đại tiện. Táo bón lâu ngày có thể gây ra các vấn đề như: chảy máu, rách niêm mạc hậu môn, giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng khiến bé chậm lớn, căng thẳng, hay quấy khóc, khó chịu.

Một số nguyên nhân khác gây đau bụng cho trẻ em

  • Say tàu xe, say máy bay, say sóng
  • Áp xe gan, áp xe đường mật
  • Sỏi mật, sỏi tiết niệu
  • Viêm tụy cấp
  • Viêm loét đại tràng
  • Viêm túi thừa Meckel
  • Thủng dạ dày
  • Xoắn thừng tinh (gặp ở trẻ trai), xoắn u nang buồng trứng (gặp ở trẻ gái)
  • Viêm cầu thận, viêm đài bể thận
  • Bệnh Crohn
  • Giun chui ống mật
  • Ăn quá no hoặc quá đói

Hướng dẫn xử lý nhằm giảm đau bụng cho trẻ tại nhà

Trẻ em đau bụng thì phải làm sao? Để giảm đau bụng trẻ em, cần xác định rõ nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em là gì. Cha mẹ có thể đưa bé đi khám bác sĩ để chẩn đoán và có lời khuyên đúng đắn nhất. Trong trường hợp cơn đau bụng của bé không quá nghiêm trọng, gia đình có thể áp dụng các cách làm giảm đau bụng ở trẻ em tại nhà sau đây.

Chườm ấm bụng trẻ

Chườm ấm là một trong những cách giảm đau bụng cho trẻ hiệu quả nhất. Hơi ấm giúp giãn cơ, điều hòa nhu động ruột và tăng tuần hoàn máu, không chỉ giảm cảm giác khó chịu mà còn khắc phục tốt chứng đầy hơi, chướng bụng ở trẻ nhỏ.

Để chườm ấm, ba mẹ cần chuẩn bị một chiếc khăn sạch, ngâm trong nước ấm (không dùng nước quá nóng, có thể dùng tay để kiểm tra nhiệt độ), vắt khô rồi chườm lên bụng cho trẻ, thực hiện từ 2-3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 10-15 phút. 

Massage bụng cho trẻ

Massage là phương pháp giảm đau bụng nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả được nhiều phụ huynh áp dụng. Khi massage, lượng khí do vi khuẩn sinh ra trong hệ tiêu hóa sẽ bị đẩy ra ngoài thông qua việc ợ hơi hay xì hơi do đó có thể làm giảm các triệu chứng đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản, táo bón, khó tiêu cho bé. Ngoài ra, thông qua việc massage, bé có thể cảm nhận được sự yêu thương, dịu dàng qua những cái chạm nhẹ trên cơ thể, từ đó gia tăng tình cảm giữa ba mẹ và bé.

Để thực hiện, trước hết ba mẹ cần rửa tay sạch, cắt ngắn móng tay, tháo bớt các phụ kiện như vòng tay hoặc đồng hồ để tránh làm tổn thương da bé. Sau đó ba mẹ xoa 2 tay vào nhau để làm ấm và chuẩn bị massage cho trẻ. Đặt trẻ nằm tại nơi bằng phẳng, êm ái, trong phòng thoáng mát, sạch sẽ. Tiếp theo, dùng tay nhẹ nhàng xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ. Thực hiện trong khoảng 15 phút và lặp lại vài lần trong ngày, tình trạng đau bụng ở trẻ em sẽ đỡ đi rất nhiều.

Massage giúp giảm đau bụng cho bé hiệu quả

Massage giúp giảm đau bụng cho bé hiệu quả

Giúp tinh thần bé thoải mái

Một trong những cách trị đau bụng ở trẻ em rất hữu ích nữa là hãy để tinh thần bé được thư giãn, thoải mái nhất có thể. Ba mẹ nên dành nhiều thời gian để ôm ấp, chơi với bé, xem phim cùng bé để giúp bé giảm stress, hướng sự chú ý của trẻ vào những việc khác để không còn nghĩ đến việc đau bụng.

Cho trẻ ra ngoài chơi

Hoạt động vui chơi sẽ kích thích hệ tiêu hóa của trẻ làm việc trơn tru, hiệu quả hơn. Cha mẹ có thể cùng con đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng, chơi trò chơi... Tuy nhiên, không nên để bé chạy nhảy, nô đùa quá sức vì có thể khiến tình trạng đau bụng ở trẻ em thêm trầm trọng, khó chữa trị hơn.

Sử dụng thực phẩm giảm đau bụng ở trẻ

Thay đổi chế độ ăn của bé bằng cách bổ sung các thực phẩm có tác dụng giảm đau bụng trong một vài ngày cũng là một trong những biện pháp giảm cơn đau bụng cho trẻ em hiệu quả. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ nên cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, bột ngũ cốc,...

  • Sữa mẹ: Sữa mẹ rất giàu dinh dưỡng, có tác dụng hỗ trợ dạ dày và ruột của bé hoạt động trơn tru, đặc biệt khi bắt đầu ăn dặm. Không chỉ vậy, sữa mẹ còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa lợi khuẩn đường ruột từ mẹ sang cho bé, củng cố hệ tiêu hóa bé khỏe mạnh.
  • Nước trái cây, rau củ: Dinh dưỡng từ trái cây, rau củ rất có lợi cho dạ dày của bé. Khi bé đến tuổi ăn dặm, mẹ nên tăng cường sử dụng các thực phẩm này để bé tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa.
  • Ngũ cốc: Cha mẹ có thể chế biến các món cháo ngũ cốc cho bé ăn. Các loại ngũ cốc đều rất giàu chất xơ, giúp trẻ phòng chống táo bón.
  • Sữa chua: Món ăn nhẹ này sẽ cung cấp các lợi khuẩn giúp điều hòa hoạt động tiêu hóa và ức chế các vi khuẩn có hại trong đường ruột, giúp cơ thể bé cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột, tăng cường đề kháng, hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng, phòng tránh đau bụng ở trẻ em.

Mẹ nên bổ sung những thực phẩm có lợi cho tiêu hóa như sữa chua, ngũ cốc vào chế độ ăn của trẻ

Mẹ nên bổ sung những thực phẩm có lợi cho tiêu hóa như sữa chua, ngũ cốc vào chế độ ăn của trẻ

Sử dụng thuốc giảm đau bụng cho bé - nên hay không?

Khi con bị đau bụng không rõ nguyên nhân, nhiều cha mẹ cảm thấy hoang mang, lo lắng, không biết có nên cho bé uống thuốc để giảm đau hay không, trẻ em đau bụng uống thuốc gì. Theo các bác sĩ khuyến cáo, thuốc giảm đau chỉ nên là lựa chọn sau cùng để chữa đau bụng tại nhà cho trẻ. Một số loại thuốc mà cha mẹ có thể cho bé uống gồm: men vi sinh, siro chứa Domperidon… Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé.

Sử dụng thuốc giảm đau bụng cho trẻ cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ

Sử dụng thuốc giảm đau bụng cho trẻ cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ

Phòng ngừa nguy cơ đau bụng cho trẻ

Cha mẹ có thể phòng ngừa nguy cơ đau bụng ở trẻ em bằng cách thực hiện một số biện pháp đơn giản sau đây:

  • Đảm bảo an toàn thực phẩm: Không để trẻ ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc Khi chế biến thức ăn cho trẻ, cần đảm bảo vệ sinh, nấu chín kỹ. Đối với trái cây, cần rửa sạch, gọt vỏ trước khi cho bé ăn. Ngoài ra cần nhận biết xem trẻ dị ứng hoặc không tiêu hóa được loại thực phẩm nào để tránh cho trẻ ăn những thực phẩm đó.
  • Cho bé ăn/bú đúng cách: Chú ý điều chỉnh tư thế và cách cho bú để bé không nuốt quá nhiều không khí gây đầy hơi, chướng bụng, đau bụng.
  • Giữ vệ sinh môi trường và cơ thể bé: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, tắm bé hàng ngày, thay tã ngay khi bẩn giúp ngăn chặn việc tiếp xúc với vi khuẩn.
  • Thăm khám định kỳ cho bé: Trẻ nhỏ là những đối tượng nhạy cảm, hệ miễn dịch còn non yếu, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện vì vậy dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Quan sát, chú ý và đưa bé đi thăm khám định kỳ với bác sĩ có chuyên môn sẽ giúp ba mẹ nắm rõ tình trạng sức khỏe của con, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường để có phương pháp xử trí kịp thời.

Khi nào trẻ bị đau bụng phải gặp bác sĩ để điều trị?

Thông thường cơn đau bụng trẻ em chỉ thoáng qua và thường nằm ở giữa bụng hoặc xung quanh rốn. Tuy nhiên nếu tình trạng đau bụng ở trẻ em thuộc các trường hợp dưới đây, cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám ngay:

  • Đau bụng bên phải, vị trí dưới rốn hoặc đau kéo dài trên 24 giờ và đau ngày càng tăng. Trường hợp đau bụng này có thể do bé bị viêm ruột thừa.
  • Trẻ nôn ói liên tục hoặc kéo dài hơn 24 giờ, nôn ra tất cả mọi thứ sau khi ăn uống. Dịch nôn màu xanh hoặc vàng, lẫn máu đỏ tươi hoặc máu đông.
  • Trẻ bị tiêu chảy kéo dài từ 1-3 ngày sau khi hết đau bụng. Có biểu hiện mất nước, phân mùi hôi tanh và lẫn máu.
  • Trẻ đau bụng kèm theo sốt cao, tiêu chảy.
  • Đau bụng lan xuống bẹn, đi tiểu khó khăn, da nổi mẩn. 
  • Đau bụng dai dẳng khiến bé không ăn ngủ được.
  • Trẻ bị chướng bụng, có thể là dấu hiệu bí tiểu do nhiễm trùng hoặc bé bị chấn thương. 
  • Nhịp tim yếu, hôn mê.

Trẻ đau bụng dữ dội, kèm theo các triệu chứng bất thường cần được đưa đi khám ngay

Trẻ đau bụng dữ dội, kèm theo các triệu chứng bất thường cần được đưa đi khám ngay

Để xác định chính xác nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định cho bé thực hiện các xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm phân, chụp X-quang bụng, siêu âm… Tùy theo nguyên nhân đau bụng ở trẻ em cụ thể mà hướng xử trí sẽ khác nhau: dùng thuốc, tiếp tục theo dõi hay nhanh chóng phẫu thuật. 

Hy vọng những cách chữa đau bụng ở trẻ em trên đây sẽ giúp ba mẹ có phương pháp giảm đau cho bé hiệu quả. Tuy nhiên nếu thấy trẻ đau bụng dữ dội kèm theo các triệu chứng bất thường, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Để đặt lịch thăm khám với bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, quý cha mẹ vui lòng liên hệ hotline 19001806 hoặc để lại thông tin tại Đặt lịch khám.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
14,780

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám