U nang buồng trứng có nguy hiểm không? Cách điều trị dứt điểm

Trần Hồng Nụ

12-06-2024

goole news
16

U nang buồng trứng là căn bệnh xuất hiện khá phổ biến và thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Một số dạng của bệnh này hoàn toàn không nguy hiểm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một vài dạng u nang buồng trứng khác lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chị em, thậm chí dẫn tới vô sinh.

U nang buồng trứng là gì?

Không ít chị em phụ nữ tới thời điểm hiện tại vẫn thắc mắc u nang buồng trứng là gì? Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là một loại khối u hình thành trong buồng trứng của nữ giới, chứa dịch lỏng bên trong và có vỏ bọc bên ngoài. U này có thể phát triển từ các loại mô có tại buồng trứng hay từ mô của một số cơ quan khác.

Đây là loại u sinh dục phổ biến ở nữ giới. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh này ở đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 3.6% trong số các bệnh lý phụ khoa. Con số này nhiều hơn bất kỳ khối u nào khác tại đường sinh dục.

Sự khác biệt giữa buồng trứng bình thường và buồng trứng bị u nang
Sự khác biệt giữa buồng trứng bình thường và buồng trứng bị u nang

Phân loại bệnh u nang buồng trứng

Các nhà khoa học đã phân u nang buồng trứng thành 2 loại là u nang cơ năng và u nang thực thể với các đặc điểm riêng biệt như sau:

U nang cơ năng

Đây là dạng u nang có khối u được hình thành từ sự rối loạn hoạt động nội tiết của buồng trứng. Hệ quả của tình trạng này là biến đổi chức năng buồng trứng.

U nang buồng trứng cơ năng thường chỉ có kích thước nhỏ và nằm giải ở hai bên buồng trứng. U này là loại lành tính, có thể tự biến mất trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng mà người bệnh không cần can thiệp điều trị.

U nang thực thể

U nang buồng trứng thực thể xuất hiện do tổ chức buồng trứng bị thay đổi bất thường và có nguy cơ ung thư hóa. Bởi vậy mà khi bị loại u này, người bệnh cần thiết phải theo dõi thường xuyên.

Trong u nang thực thể còn được chia làm 3 dạng nhỏ khác là:

  • U nang nước buồng trứng: Đây là dạng u nang thực thể phổ biến nhất, chiếm khoảng 40%. Bên trong loại u nang này có chứa dịch trong và có nguy cơ gây ung thư cực kỳ cao nếu xuất hiện các mạch máu tăng sinh hình lược nằm rải rác trên bề mặt hoặc trong lòng buồng trứng.
  • U nang nhầy buồng trứng: Loại u nang này chiếm khoảng 20% và bên trong nó có chứa dịch nhầy.
  • U nang bì buồng trứng: Chiếm khoảng 25% các loại u nang. Là loại khối u đặc, phát triển ngay từ từ mô thượng bì trong thời phôi thai. Đa số các u bì đều lành tính.

U nang buồng trứng thực thể nguy hiểm hơn dạng u nang cơ năng
U nang buồng trứng thực thể nguy hiểm hơn dạng u nang cơ năng

Lưu ý: Ngoài 2 dạng u buồng trứng trên, chị em cũng có thể mắc phải căn bệnh lạc nội mạc tử cung dưới dạng u nang. Đây là hiện tượng lớp nội mạc tử cung khi bị bong tróc ra không theo máu kinh để đào thải ra ngoài mà lại đi lạc vào buồng trứng. Nội mạc tử cung theo thời gian sẽ tích tụ nhiều tại buồng trứng và tạo thành khối nang gây đau đớn dữ dội, thậm chí có thể làm tắc vòi trứng dẫn tới vô sinh.

Những nguyên nhân gây u nang buồng trứng

Theo các bác sĩ chuyên khoa,bệnh thường khởi phát do những nguyên nhân chính sau:

  • Hormone thay đổi bất thường: Các khối u nang có thể xuất hiện do chị em gặp những vấn đề về hormone hoặc đang sử dụng các thuốc hỗ trợ rụng trứng.
  • Lạc nội mạc tử cung: Các mô lạc nội mạc tử cung có khả năng bám vào buồng trứng, tại đây nó sẽ hình thành khối u. Những u nang này thường gây cho chị em cảm giác đau rát khi quan hệ tình dục và cả trong suốt kỳ kinh nguyệt.
  • Mang thai: Thông thường, một vài nang buồng trứng vẫn có thể tự nhiên xuất hiện ở giai đoạn đầu thai kỳ. Mục đích của việc này là để hỗ trợ cho bào thai cho đến khi nhau thai được hình thành hoàn thiện. Tuy nhiên, một số ít trường hợp, u nang còn xuất hiện cho đến hết thai kỳ.
  • Nhiễm trùng vùng chậu: Tình trạng nhiễm trùng vùng chậu có thể lan ra buồng trứng và vòi trứng và hình thành ổ áp-xe - đây là tổ chức có hình thái tương tự khối u nang.

Đối tượng có nguy cơ bị bệnh cao

Khối u nang tại buồng trứng là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi phụ nữ, không phân biệt tuổi tác. Nguyên nhân là do trong buồng trứng phụ nữ chứa rất nhiều nang trứng. Một khi các nang này phát triển không đầy đủ và không hấp thu đủ chất dinh dưỡng trong buồng trứng sẽ dẫn hình thành các u nang.

Phụ nữ thừa cân béo phì là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh u nang buồng trứng
80% phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang là do thừa cân hoặc béo phì

Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh u nang cao hơn, đó là:

  • Phụ nữ có tiền sử mắc bệnh u nang.
  • Người có chu kỳ kinh nguyệt không đều.
  • Người bị thừa cân, béo phì.
  • Trong gia đình từng có người bị bệnh khối u nang tại buồng trứng.

Ngoài ra, mỗi loại u nang buồng trứng sẽ có đối tượng khác nhau:

  • U nang cơ năng: Thường xảy ra chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân là do trong thời kỳ kinh nguyệt, buồng trứng đã không phóng noãn. Qua nhiều chu kỳ kinh như vậy, nang noãn tăng dần kích thước và trở thành u buồng trứng.
  • U nang thực thể: Bệnh u nang cơ năng có thể gặp ở mọi đối tượng, kể cả bé gái chưa dậy thì cho đến phụ nữ tiền mãn kinh. Khối u này phát triển to dần từ buồng trứng có thể do hiện tượng viêm nhiễm, khối u lạc nội mạc tử cung, khối u biểu mô, u tế bào mầm và cả u mô đệm,…

Dấu hiệu cảnh báo bệnh u nang buồng trứng

Dấu hiệu u nang buồng trứng chủ yếu xuất hiện ở cơ quan sinh dục gây đau đớn, khó chịu. Cụ thể:

Đau khu vực xương chậu

Người có khối u nang tại buồng trứng sẽ có cảm giác đau rất rõ ràng ở vùng xương chậu, có thể ở vùng bên phải hoặc bên trá, thậm chí là cả hai bên khu vực này. Ngày hành kinh chính là thời điểm thường diễn ra cơn đau này ở những người bình thường. Tuy nhiên, với bệnh nhân u nang thì không, dù đang không có kinh thì cơn đau vùng chậu vẫn xảy ra dữ dội.

Đau vùng chậu là dấu hiệu cảnh báo u nang buồng trứng
Đau vùng chậu là dấu hiệu cảnh báo u nang buồng trứng

Chú ý: Những cơn đau vùng chậu quá dữ dội cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo tình trạng u nang buồng trứng xoắn. Đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh xảy ra do quá trình cung cấp máu tới buồng trứng bị cản trở. Nếu bị xoắn buồng trứng, bệnh nhân cần phải được đưa đến bệnh viện để cấp cứu ngay lập tức để tránh nguy hiểm tới sức khỏe cũng như tính mạng.

Đau rát khi quan hệ tình dục

Xuất hiện u nang ở buồng trứng cũng khiến chị em bị đau rát ở vùng kín và cả vùng chậu khi quan hệ vợ chồng. Mặc dù có khá nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến triệu chứng trên tuy nhiên, nếu thấy biểu biểu hiện bất thường này bạn cũng nên đi đến bệnh viện để kiểm tra sớm.

Rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu u nang buồng trứng điển hình, rất dễ nhận biết. Đây là tình trạng kinh nguyệt không đều, tháng có tháng không, lúc dài lúc ngắn, bên cạnh đó lượng máu kinh cũng lúc ít lúc nhiều. Kèm theo triệu chứng này là những cơn đau quặn thắt trong suốt chu kỳ kinh.

Đi tiểu liên tục

Tiểu tiện bất thường cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh u nang. Đây là tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt, đi tiểu nhiều lần hoặc thậm chí là không buồn tiểu trong thời gian dài. Nguyên nhân chính dẫn đến triệu chứng này là do khối u lớn dần và gây chèn ép bàng quang.

Khó chịu ở tử cung, buồng trứng

Biểu hiện dễ nhận biết khác của buồng trứng có u nang ở phụ nữ đó là cảm giác khó chịu trong tử cung, buồng trứng. Nguyên nhân là kích thước khối u to dần sẽ khiến buồng trứng chèn ép lên các bộ phận lân cận và gây đau, tức bụng.

Nhanh no, đầy bụng

Những khối u nang tại buồng trứng sẽ khiến chị em cảm thấy tức, nặng bụng. Đây là một dấu hiệu bệnh khá phổ biến mà bất cứ người bệnh nào cũng có thể mắc phải. Ở một số trường hợp khi khối u có kích thước to và chèn ép vào trực tràng thì bạn còn cảm thấy mình đang bị táo bón, dù vẫn đi vệ sinh như bình thường.

Người bị u nang buồng trứng thường xuyên bị chướng bụng, ăn nhanh no
Người bị u nang buồng trứng thường xuyên bị chướng bụng, ăn nhanh no

Chú ý: Ngay khi có một trong những triệu trứng u nang buồng trứng trên, chị em bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa phụ sản để được thăm khám, chẩn đoán và nghe tư vấn từ bác sĩ.

Bệnh u nang buồng trứng có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp

Bệnh u nang buồng trứng có nguy hiểm không là thắc mắc chung của rất nhiều chị em. Theo các bác sĩ chuyên khoa, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào tính chất của khối u nang.

Thông thường, u nang cơ năng thường lành tính nên không nguy hiểm cho người bệnh và có thể biến mất sau khoảng 2,3 vòng kinh nguyệt mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, với loại u nang thực thể thì cần phải chữa trị dứt điểm càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nghiêm trọng phát sinh.

Một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh có thể gây ra là:

  • U nang gây chèn ép các bộ phận xung quanh: U nang phát triển trong thời gian dài chắc chắn sẽ gia tăng kích thước và gây chèn ép lên bàng quang gây triệu chứng đái rắt. Bên cạnh đó, nó cũng chèn ép lên trực tràng khiến người bệnh đại tiện khó, chèn ép lên niệu quản gây ra hiện tượng bể thận ứ nước, thậm chí là chèn ép lên tĩnh mạch chủ dưới làng ngưng trệ tuần hoàn máu gây phù chân, chướng cổ…
  • Xoắn nang: Buồng trứng có ung nang có cuống dài không dính vào nhau có thể di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu trong khung chậu gây nên biến chứng xoắn nang hoặc xoắn ống dẫn trứng. Xoắn nang khiến tuần hoàn máu bị ngưng trệ - nguyên nhân chính dẫn đến các dữ dội, buồn nôn, chuếnh choáng. Tình trạng này nếu không được can thiệp điều trị ngay sẽ bị hoại tử buồng trứng.
  • Vỡ nang: Khối u nang sẽ rất dễ bị vỡ nếu tích tụ quá nhiều dịch. Chất dịch này khi chảy ra ngoài sẽ khiến bệnh nhân đau đớn, có nguy cơ nhiễm khuẩn. Thậm chí, tình trạng vỡ nang nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng người bệnh.
  • Ung thư buồng trứng: Khoảng 2-3% trường hợp người bệnh có khối u nang ở buồng trứng có nguy cơ ung thư hóa, nhất là dạng u nang nước. Đặc biệt, những chị em bị vô sinh, kỳ kinh thưa, hút thuốc lá và có người nhà bị ung thư thì nguy bị bệnh cơ bị biến chứng ung thư buồng trứng do u nang cũng cao hơn.

Ung thư buồng chứng là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh u nang
Ung thư buồng chứng là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh u nang

Chú ý: Ở giai đoạn khởi phát, bệnh u nang buồng trứng tiến triển âm thầm nên rất khó nhận biết. Bệnh này đa số được chị em phát hiện tình cờ thông qua việc đi khám phụ khoa. Tuy nhiên, với các khối u nang ác tính thì lại tiến triển rất nhanh với các biểu hiện lâm sàng rầm rộ. Việc phát hiện ở buồng trứng có khối u nang sớm thực sự có ý nghĩa rất lớn, giúp chị em hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm, nhất là ung thư buồng trứng.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh 

Như đã đề cập ở trên, u nang buồng trứng thường chỉ được phát hiện khi chị em thăm khám phụ khoa định kỳ. Việc thăm khám lâm sàng khó có thể giúp chẩn đoán chính xác bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh thông qua các xét nghiệm như:

  • Siêu âm: Đây là phương pháp quan trọng giúp chẩn đoán khối u nang. Kỹ thuật này giúp cho ra những hình ảnh chân thực, rõ nét tại buồng trứng và các cơ quan khác trong hệ sinh dục của nữ giới. Từ đó cho phép bác sĩ xác định cụ thể vị trí, hình dạng, kích thước và cả tính chất dịch bên trong khối u.
  • Xét nghiệm máu: Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu nhằm mục đích đo lượng chất Alpha Feto Protein (CA 125). Từ đó có thể chẩn đoán chính xác loại u nang mà họ đang mắc phải là lành tính hoặc ác tính.
  • Các xét nghiệm khác: Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp điện toán …cũng có thể được bác sĩ áp dụng thêm để chẩn đoán u nang buồng trứng nếu cần thiết.

Siêu âm bụng giúp chẩn đoán u nang buồng trứng
Siêu âm bụng giúp chẩn đoán u nang buồng trứng

Phương pháp điều trị u nang buồng trứng

Cách trị u nang buồng trứng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như độ tuổi, kích cỡ, hình dạng nang hay triệu chứng và biến chứng của bệnh. Cụ thể:

Để u nang tự tiêu

Việc để u nang tự tiêu sẽ được áp dụng cho những người bệnh có khối u lành tính và kích thước nhỏ. Tuy nhiên, trong thời gian này, bác sĩ sẽ cần quan sát, kiểm tra thường xuyên trong vòng một tháng hoặc lâu hơn. Nếu như u nang không thể tự tiêu thì một số biện pháp điều trị khác có thể được sử dụng như dùng thuốc hay phẫu thuật.

Dùng thuốc chữa u nang buồng trứng

Thuốc chữa nang buồng trứng chủ yếu là thuốc tránh thai. Mục đích của việc này là ngăn trứng rụng để giảm thiểu tối đa nguy cơ u nang mới có thể tái phát trong chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Ngoài ra, thuốc tránh thai cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc biến chứng ung thư buồng trứng.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc làm teo, vỡ khối u hoặc một số thực phẩm chức năng khác. Mục đích là để cân bằng nội tiết tố nữ, thúc đẩy cơ thể chị em sản sinh ra chất để tiêu diệt khối u nang

Phương pháp mổ u nang buồng trứng

Các trường hợp được chỉ định mổ u nang buồng trứng là những người có u nang to nhanh, xuất hiện lâu nghi ngờ có biến chứng ung thư hoặc đã kiểm tra thấy tế bào ung thư. Cụ thể:

  • U nang xuất hiện và tồn tại trong 2 hoặc 3 chu kỳ kinh nguyệt.
  • Buồng trứng có khối u nang kích thước bao nhiêu thì mổ?: U nang khi có kích thước lớn trên 10cm bắt buộc phải mổ bởi nó có thể chèn ép nội tạng xung quanh, gây ra các triệu chứng vô cùng khó chịu cho người bệnh.
  • U nang có nguy cơ phát triển thành loại u ác tính hoặc bác sĩ đã tìm thấy sự xuất hiện của tế bào ung thư trong nó.
  • U nang hình thành do lạc nội mạc tử cung cũng cần phải phẫu thuật cắt bỏ để tránh nguy cơ vô sinh cho người bệnh.
  • U nang đã gây ra biến chứng xoắn hoặc vỡ, dễ gây hiện tượng nhiễm trùng cấp tính cùng cần loại bỏ ngay bảo toàn tính mạng người bệnh.

Phương pháp mổ nội soi u nang buồng trứng
Phương pháp mổ nội soi u nang buồng trứng

Hiện nay có 2 hình thức phẫu thuật u nang buồng trứng đó là:

  • Mổ nội soi: Với phương pháp mổ này, bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ phẫu thuật nội soi thông qua một vài vết rạch nhỏ để xác định chính xác vị trí u nang. Tiếp đó là bước cắt bỏ khối u hoặc lấy mẫu để sinh thiết. Mổ nội soi khối u giúp người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chỉ sau 3 ngày. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng không ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ và khả năng sinh sản của chị em.
  • Mổ mở: Phương pháp mổ mở thường chỉ áp dụng khi nghi ngờ u nang là ung thư. Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ rạch một vết lớn trên thành bụng, tiếp đó là bước cắt bỏ u nang và đem đi sinh thiết. Sau khi áp dụng phương pháp mổ mở, sức khỏe người bệnh thường phục hồi sau khoảng 5 đến 7 ngày. Nếu như kết quả sinh thiết xác định u nang là ung thư thì chị em bắt buộc phải cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng và thậm chí là cả tử cung.

Xem thêm:

Phòng tránh u nang buồng trứng

Để phòng ngừa hiệu quả bệnh u nang, chị em cần thực hiện đồng thời các biện pháp sau:

  • Ăn uống dinh dưỡng, khoa học: Để phòng ngừa u nang và nhiều bệnh lý phụ khoa khác, chị em cần ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều rau tươi, trái cây, thực phẩm giàu protein, uống đủ 1,5 – 2 lít nước/ ngày. Bên cạnh đó hãy tránh xa các thực phẩm giàu chất béo.
  • Tăng cường vận động: Thường xuyên tập thể dục sẽ giúp chị em tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Bên cạnh đó, thói quen này cũng giúp lưu thông khí huyết, giảm lượng mỡ thừa và phòng tránh nhiều bệnh. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc tập thể dục 30 phút mỗi ngày có thể giúp chị em giảm nguy cơ mắc u xơ tử cung tới 30% - 40%.
  • Không nạo phá thai: Việc phá thai có thể gây ứ máu trong buồng tử cung hoặc dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, rách cổ tử cung, chảy máu và nhiễm trùng máu….Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các bệnh về buồng trứng và tử cung. Biện pháp tốt nhất để hạn chế nạo phá thai là sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục, tránh mang thai ngoài ý muốn.

Hạn chế nạo phá thai giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản và ngăn ngừa nhiều bệnh lý
Hạn chế nạo phá thai giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản và ngăn ngừa nhiều bệnh lý

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp chị em kiểm tra cấu tạo, kích thước và vị trí của các cơ quan như sinh dục, trong đó có tử cung, buồng trứng…. Từ đó, những dấu hiệu bất thường từ bộ phận này có thể được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
  • Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách là điều rất quan trọng giúp ngăn chặn được vi khuẩn, tránh nguy cơ viêm nhiễm xảy ra,...
  • Quan hệ tình dục lành mạnh: Việc quan hệ tình dục lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng có thể giúp chị em hạn chế nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục. Nhờ đó nguy cơ mắc bệnh cũng được đẩy lùi.

[Giải đáp] một số thắc mắc về u nang buồng trứng

U nang buồng trứng có thai được không?

Việc người bệnh có thai còn phụ thuộc vào loại u nang, kích thước khối u. Cụ thể:

  • Người bị u nang cơ năng có kích thước khối u nhỏ vẫn có khả năng mang thai bình thường.
  • Người bị u nang một bên có kích thước lớn đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ u vẫn có khả năng mang thai.
  • Người bị u nang cả hai bên nhưng 1 bên lành tính và không bị cắt thì vẫn có thể mang thai. Tuy nhiên, khả năng thụ thai rất thấp.
  • Người mắc phải khối u thực thể nếu lành tính vẫn có thể mang thai. Ngược lại, khi u này là ác tính và phải cắt bỏ toàn bộ 2 bên nang trứng thì chắc chắn chị em sẽ không thể làm mẹ.

Mổ u nang buồng trứng có thể mang thai sau bao lâu?

Thực sự rất khó để có lời giải đáp chính xác cho câu hỏi này. Đa số người bệnh có ca mổ thành công sẽ có thể thụ thai sau 3 tháng. Tuy nhiên, điều này còn phải phụ thuộc khá nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng phục hồi sức khỏe của chị em. Lời khuyên dành cho cho tất những người ý định mang thai sau khi mổ u nang chính là hãy đi khám tổng quát trước và nghe sự tư vấn của bác sĩ.

Mổ u nang buồng trứng có thể mang thai sau bao lâu phụ thuộc vào khả năng hồi phục sức khỏe của người bệnh
Mổ u nang buồng trứng có thể mang thai sau bao lâu phụ thuộc vào khả năng hồi phục sức khỏe của người bệnh

Mổ u nang buồng trứng kiêng quan hệ bao lâu?

Đối với trường hợp khối u nhỏ thì người bệnh không cần kiêng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc tránh thai vì có thể khiến u nang phát triển nhanh chóng. Còn trong trường khối u chuyển biến phức tạp và có kích thước lớn thì chị em nên kiêng quan hệ tình dục để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm. 

Vậy sau khi mổ khối u nang ở buồng trứng kiêng quan hệ bao lâu? Lúc này, chị em cần kiêng quan hệ vợ chồng cho tới khi vết thương lành hẳn và sức khỏe cũng hồi phục đáng kể.

Người bị u buồng trứng phải kiêng gì trong vấn đề ăn uống?

Một số loại thực phẩm mà người bị u buồng trứng cần hạn chế, bao gồm:

  • Thịt đỏ: Các loại thịt đỏ là nguồn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Người bị bệnh nếu ăn quá nhiều thịt đỏ có thể khiến bệnh tiến triển nhanh hơn.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Xúc xích, thịt xông khói, bít tết,… có hàm lượng chất béo cao rất không tốt cho sức khỏe con người.
  • Thực phẩm nhiều đường: Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa nhiều đường sẽ làm cho chỉ số đường huyết cao, làm trầm trọng thêm nhiều bệnh.

Vậy người bị u nang buồng trứng nên ăn gì? Các chuyên gia khuyên bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, như hoa quả, rau củ, các loại hạt… Đặc biệt, rau xanh là nguồn thực phẩm có hàm lượng chất xơ, vitamin, sắt, magie, canxi… rất cao nên có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các biến chứng của u nang. Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn nhiều thực phẩm chứa omega 3 như cá hồi, dầu oliu, dầu hạt cải, dầu vừng, bơ thực vật…

Việc nắm rõ các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh u nang buồng trứng sẽ giúp chị em chủ động bảo vệ bản thân trước căn bệnh nguy hiểm này. Tốt nhất, bạn hãy tới bệnh viện để thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường tại cơ quan sinh dục và sớm có biện pháp khắc phục kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
12,428

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám