Cách tự khám vú tại nhà hỗ trợ tầm soát ung thư

Võ Thu Thảo

22-10-2023

goole news
16

Tự khám vú tại nhà là phương pháp giúp phụ nữ nhận biết sớm các thay đổi bất thường trên tuyến vú trong đó có hiểu hiện sớm của ung thư. Tự khám vú tuy đơn giản, không tốn kém nhưng các chị em cần lưu ý tham khảo cách làm và quy trình chính xác để việc tự kiểm tra tình trạng vú có hiệu quả. Tại bài viết dưới đây, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ đưa ra những thông tin bạn cần biết khi thực hiện tự khám vú.

Tại sao cần tự khám vú

Tự khám vú là phương pháp giúp phát hiện những thay đổi của nhu mô vú, được thực hiện qua việc quan sát và sờ nắn vú.

Tầm quan trọng của phương pháp tự thăm khám chính là nhằm phát hiện sớm hơn những dấu hiệu, triệu chứng bất thường xảy ra với tuyến vú. Nếu gặp những bất thường báo bệnh, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám để chẩn đoán kỹ hơn và tiếp nhận điều trị kịp thời.

Chị em phụ nữ nên thực hiện tự khám vú tại nhà thường xuyên.

Thời điểm tự khám vú thích hợp

Lưu ý đầu tiên chị em cần biết chính là thời điểm thích hợp để tự khám vú. Chị em nên tiến hành phương pháp đều đặn hàng tháng, vào khoảng từ 7 đến 10 ngày sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt. Đây là thời điểm vàng, khi vú của bạn mềm nhất, có thể dễ dàng sờ và phát hiện các thay đổi bất thường nếu có. Phụ nữ mãn kinh có thể tự khám bất kỳ ngày nào trong tháng, không nhất thiết phải hết hành kinh.

Chi tiết 5 bước tự khám vú tại nhà

Các thao tác tự khám vú tại nhà được thực hiện rất đơn giản. Tuy nhiên chị em phụ nữ cần nắm rõ trình tự và cách làm chính xác ngay từ ban đầu, để giúp việc thăm khám có hiệu quả. Điều này rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiểm tra đúng và toàn diện những dấu hiệu của bệnh khi còn sớm.

Cách tự khám vú tại nhà được tiến hành bao gồm 5 bước chi tiết sau đây:

Bước 1:

Bạn đứng trước gương, tập trung quan sát vùng ngực. Tư thế đứng 2 vai suôn thẳng, 2 bàn tay chống 2 bên hông.

Bạn cần ghi nhận những biểu hiện bình thường như:

  • Kích thước, hình dáng, màu sắc của vú bình thường, không có gì thay đổi
  • Hai bên vú đồng đều, không biến dạng hoặc sưng phù bất thường

Ngược lại, trong trường hợp nhận thấy những thay đổi bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất. 

  • Núm vú có tình trạng lõm vào trong, thay đổi vị trí so với bình thường
  • Đau, đỏ mẩn, sưng phù các phần của vú
  • Da vú nhăn nhúm, co lại hoặc phồng lên

Cách tự khám vú tại nhà rất đơn giản.

Bước 2:

Sau khi đã biết về những dấu hiệu bình thường và không bình thường ở bước 1, bạn giơ 2 cánh tay cao lên, và tìm kiếm những thay đổi như đã liệt kê ở trên.

Bước 3:

Bạn tiếp tục nhìn vào gương, theo dõi sự chảy dịch từ núm vú. Khi có bệnh, núm vú có thể tiết ra chất lỏng có màu trắng đục, màu vàng hoặc nghiêm trọng hơn là ra máu.

Bước 4:

Sau đó, bạn hãy nằm xuống, tư thế nằm ngửa. Dùng tay phải để sờ nắn vú trái và thực hiện ngược lại.

Bạn cần lưu ý những điều sau khi sờ nắn vú:

  • Thao tác nhẹ nhàng, nhưng vẫn chắc chắn
  • Dùng đầu ngón tay, luôn giữ cho các ngón tay thẳng và khép lại với nhau
  • Đưa bàn tay di chuyển theo chuyển động vòng tròn: ¼ vú cho đến hết cả bầu ngực
  • Thực hiện theo trình tự: từ trên xuống dưới, từ bên này sang bên khác.

Một cách sờ nắn khác mà chị em có thể tham khảo chính là: chọn vị trí bắt đầu ở núm vú, di chuyển theo vòng tròn lớn hơn cho đến khi hết bầu vú. Bạn cũng có thể di chuyển ngón tay lên xuống theo chiều dọc hoặc chiều ngang.

Trong quá trình sờ nắn, bạn hãy đảm bảo chắc chắn cảm nhận được các mô:

  • Đối với da và mô ngay dưới bên da: sử dụng áp lực nhẹ
  • Đối với mô ở giữa ngực: sử dụng áp lực trung bình
  • Đối với mô sâu ở phía sau: sử dụng áp lực lớn

Khi đạt đến mô sâu, bạn sẽ cảm nhận được áp lực tác động xuống các xương lồng ngực của mình.

Bước 5:

Cuối cùng, hãy thay đổi tư thế sang đứng hoặc ngồi. Đừng bỏ sót bất cứ phần nào của vú. Sử dụng các động tác tay theo trình tự được mô tả trong bước 4.

Nhiều chị em phụ nữ nhận thấy rằng, cảm nhận ngực khi da ướt và trơn sẽ có hiệu quả hơn. Vậy nên họ chọn thực hiện tự khám vú khi tắm. 

Cách tự khám vú phải được làm theo thứ tự đã quy định.

Những dấu hiệu bất thường ở vú

Sau khi tự thăm khám, bạn có thể phát hiện được những dấu hiệu bất thường. Vậy những triệu chứng đó báo hiệu cho bệnh gì? 

Cục cứng trong vú

Xuất hiện cục cứng trong vú là u lành tính, có thể biểu hiện cho một số bệnh:

  • Xơ nang tuyến vú: bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 30-35, do rối loạn nội tiết gây ra. Biểu hiện là sự xuất hiện của những vùng hoặc cục cứng ở một bên hay cả 2 bên vú. Xơ nang tuyến vú có thể gây đau kèm theo biểu hiện đau bụng, đau lưng nhiều khi hành kinh.
  • Bướu sợi tuyến vú: bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ trẻ có độ tuổi từ 18 đến 40. Ở một vài trường hợp, bệnh cũng có thể gặp ở phụ nữ sau mãn kinh. Biện hiện bệnh là tình trạng bướu vú cứng, hình dạng tròn, có thể di động và không gây đau.
  • Viêm tuyến vú: thường gặp ở nhóm phụ nữ mới sinh, đang cho con vú. Biểu hiện khi bị viêm tuyến vú là xuất hiện u cục, đau vú, sốt, tắc tia sữa, sưng đỏ vú…

Đau nhói cục cứng khi cho con bú cũng là một dấu hiệu của bệnh lý cần được thăm khám.

Cục cứng ở vú là u ác - ung thư vú: Theo nghiên cứu, khoảng 80-90% bệnh nhân ung thư vú xuất hiện khối u có thể sờ nắn được bằng tay (khi kích thước từ 1cm trở lên).

Da vùng vú bị thay đổi

  • Vết lõm da vú: dấu hiệu của cả IBC và bệnh Paget ở vú.
  • Da có nếp gấp: là dấu hiệu nhỏ cho thấy một khối u đang hình thành bên dưới da vú.
  • Dày da vú: có thể là dấu hiệu cảnh báo IBC.
  • Da đổi màu: màu da trên vú đỏ hoặc sẫm màu có thể là dấu hiệu của IBC hoặc bệnh Paget. 

Hình thái vú thay đổi

  • Thay đổi kích thước, hình thái hoặc độ cân xứng của hai vú: Nếu bạn không sử dụng biện pháp nào để tăng kích thường vòng một, không trong thời kỳ dậy thì, mang thai, cho con bú hoặc tăng cân mà vòng một ngày càng to không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
  • Trường hợp kích thước vòng một ngày càng nhỏ lại: có thể do hội chứng buồng trứng đa nang. Ngực của hầu hết phụ nữ không hoàn toàn cân xứng là sự thật phổ biến. Tuy nhiên, kích thước hai bên ngực chênh lệch nhau quá nhiều là bất thường.

Đau vú, đau trong vú

Hiện tượng đau vú có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như: nang vú, viêm nhiễm trùng khi cho con bú, … và nguy cơ mắc K vú (ung thư vú). Tuy nhiên dấu hiệu đau vú không rõ ràng để kết luận bệnh nhân đang mắc bệnh lý nào đó. Chị em cần đi khám để có chẩn đoán chính xác hơn từ bác sĩ.

Những dấu hiệu báo hiệu mắc ung thư vú.

Co kéo núm vú

Các bất thường co kéo núm vú cần chú ý như: quẹo, đẩy ra hướng khác, lún vào trong. Đây là biểu hiện cho thấy có thể các ống tuyến vú bị tắc, nhiễm trùng, thậm chí là dấu hiệu của ung thư vú.

Dịch tiết ra ở núm vú 

Núm vú có thể tiết ra một chút dịch khi có kích thích. Tuy nhiên, hiện tượng này thường xuyên xảy ra có thể là cảnh báo bệnh lý nguy hiểm ở vú. Nếu gặp trường hợp dịch tiết ra có màu đỏ như máu thì bạn nên khám bác sĩ ngay.

Làm gì khi phát hiện bất thường ở vú

Sau khi tiến hành cách tự khám vú theo chỉ dẫn 5 bước trên, nếu bạn phát hiện nhiều hơn một triệu chứng bất thường ở vú, việc đầu tiên chị em cần làm là thăm khám tại các cơ sở ý tế chuyên khoa như Khoa Phụ sản- bệnh viện Phương Đông.

Một số phương pháp và xét nghiệm giúp chẩn đoán ung thư vú, các bệnh lý về tuyến vú mà bác sĩ có thể chỉ định như: siêu âm vú, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm dịch từ núm vú, sinh thiết vú,…

Hy vọng qua những thông tin về cách tự khám vú tại nhà, các chị em có thể tự thực hiện phương pháp theo đúng quy trình. Khi xác định được những biểu hiện bất thường, hãy đến thăm khám ngay tại các cơ sở y tế và phòng khám chuyên khoa, bệnh viện uy tín để điều trị kịp thời bệnh lý.

Tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, với đội ngũ bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm và cơ sở vật chất tiêu chuẩn, chúng tôi cam kết sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề về sức khỏe kịp thời. Liên hệ ngay cho hotline 19001806 hoặc tại đây để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám tại bệnh viện.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

637

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám