Khi nào cần cắt tử cung? Phương pháp này có an toàn?

Nhật Mai

26-12-2022

goole news
16

Cắt tử cung được xem là một cuộc đại phẫu đối với phụ nữ với những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm lý. Liệu chị em mắc bệnh gì sẽ cần thực hiện cắt bỏ tử cung? Hiện nay có những phương pháp nào và cơ thể thay đổi ra sao sau phẫu thuật? Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ giúp bạn có được thông tin chi tiết nhất về can thiệp này.

Thông tin chung về phương pháp cắt tử cung

Tử cung, còn gọi là dạ con, đây là một bộ phận quan trọng trong hệ thống cơ quan sinh dục của phụ nữ, nằm giữa bàng quang (phía trước), trực tràng (phía sau), quai ruột và kết tràng xích ma (phía trên) và âm đạo (phía dưới). Phần trên là đáy tử cung, hai ống dẫn trứng hai bên nối ra hai buồng trứng và phần dưới nhỏ dài chính là cổ tử cung.

Tử cung chính là nơi trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển về làm tổ, nuôi dưỡng phôi thai cho đến khi thai nhi chào đời. Cổ tử cung có chức năng đưa máu ra ngoài, giúp trứng gặp tinh trùng và ngăn cản vi trùng xâm nhập vào tử cung.

Tử cung là bộ phận nuôi dưỡng bào thai từ khi trứng làm tổ đến khi bé chào đời

Tử cung là bộ phận nuôi dưỡng bào thai từ khi trứng làm tổ đến khi bé chào đời

Cắt cổ tử cung là một phương pháp phẫu thuật phụ khoa, có liên quan tới việc cắt đi phần cổ tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng và các cấu trúc xung quanh. Phương pháp này chia làm 3 dạng:

  • Cắt tử cung bán phần: Cắt bỏ phần thân tử cung đến eo tử cung, phần cổ tử cung được giữ lại.
  • Cắt tử cung toàn phần: Thực hiện cắt bỏ cả tử cung và cổ tử cung.
  • Cắt tử cung hoàn toàn và 2 phần phụ: Bao gồm tử cung, cổ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.

Trường hợp chỉ định phẫu thuật cắt tử cung

Người bệnh sau khi được thực hiện điều trị bằng các phương pháp khác mà không giải quyết được bệnh sẽ được chỉ định phương án cuối cùng là cắt tử cung. Các trường hợp được chỉ định cắt bỏ tử cung gồm:

Bị u xơ tử cung giai đoạn nặng

Triệu chứng ở giai đoạn này là u phát triển kích thước lớn, gây chảy máu nghiêm trọng, đau đớn khi quan hệ, kỳ kinh nguyệt kéo dài, đi tiểu nhiều, táo bón,...

Ung thư phụ khoa

Gồm ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung, ung thư vòi trứng, ung thư ống dẫn trứng. Bệnh ở giai đoạn nặng, khi này cắt bỏ một phần nơi khu trú của ung thư hoặc toàn phần là cắt tử cung hoàn toàn nếu đã di căn tới các tổ chức xung quanh. Đây được xem là lựa chọn duy nhất để giữ lại tính mạng của bệnh nhân.

Viêm vùng chậu (PID)

Đây là bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng cơ quan sinh sản, giai đoạn sớm của bệnh sẽ được điều trị đơn giản bằng kháng sinh, tuy nhiên nếu phát hiện muộn sẽ rất nghiêm trọng. Khi này viêm nhiễm sẽ lây lan khiến tử cung bị tàn phá, gây đau đớn cho bệnh nhân. Khi này chỉ định phẫu thuật cắt tử cung sẽ được thực hiện.

U xơ tử cung giai đoạn nặng cần cắt bỏ sớm để tránh gây đau đớn cho bệnh nhân

U xơ tử cung giai đoạn nặng cần cắt bỏ sớm để tránh gây đau đớn cho bệnh nhân

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các tế bào niêm mạc trong của lòng tử cung phát triển ngoài lòng tử cung (như bàng quang, phúc mạc, trực tràng, vòi trứng, buồng trứng, âm đạo,...). Phẫu thuật cắt bỏ tử cung sẽ được xem xét để loại bỏ vùng mô nội mạc tử cung.

Sa sinh dục

Sa sinh dục là tình trạng dây chằng và mô hỗ trợ tử cung sau khi sinh bị yếu ớt. Biểu hiện của bệnh là đau đớn khi quan hệ, rò nước tiểu, đau buốt lưng,... Ngoài ra chấn thương vùng cơ chậu trong quá trình sinh nở gây ảnh hưởng đến chức năng ruột và bàng quang hay băng huyết khi sinh cũng cần cắt bỏ tử cung.

Phương pháp phẫu thuật cắt tử cung

Hiện nay cắt tử cung được các bệnh viện lớn thực hiện với các phương pháp sau đây tùy vào các yếu tố thuận lợi hay bất lợi cho người bệnh.

Cắt tử cung qua vết mổ mở

Mổ mở để cắt tử cung là phương pháp truyền thống, bác sĩ sẽ rạch một đường ngang ở bụng dưới và cắt đi tử cung sau đó khâu lại. Phương pháp mổ này gây đau đớn cho người bệnh do vết rạch lớn nên yêu cầu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân phải tốt. Thời gian thực hiện mổ và phục hồi sau phẫu thuật cũng lâu hơn.

Cắt tử cung sẽ được thực hiện sau khi bệnh nhân và người nhà đồng ý

Cắt tử cung sẽ được thực hiện sau khi bệnh nhân và người nhà đồng ý

Cắt bán phần tử cung qua đường âm đạo

Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật qua đường âm đạo, dụng cụ được đưa vào và cắt tử cung. Vị trí này có lỗ hở thông trực tiếp với tử cung (qua cổ tử cung) nên sẽ không cần phải rạch mổ, không để lại sẹo. Tuy nhiên không phải ca bệnh nào cũng áp dụng phương pháp này được bởi mặc dù can thiệp đường âm đạo nhưng dụng cụ nội soi lại cắt qua thành bụng nên gây bất tiện cho cả y bác sĩ lẫn người bệnh.

Cắt tử cung nội soi qua thành bụng

Cắt tử cung nội soi qua thành bụng là phương pháp xử lý loại bỏ cổ tử cung ít xâm lấn và giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân nên được ứng dụng phổ biến nhất hiện nay. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bụng, sau đó dùng ống nội soi có gắn camera ở đầu cùng dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng vào trong tử cung. Thông qua camera, tín hiệu hình ảnh sẽ được truyền về màn hình giúp bác sĩ quan sát rõ ràng và cận cảnh nhất giúp thực hiện cắt tử cung chính xác và đưa ra ngoài.

Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật này để lại ít sẹo, rút ngắn thời gian thực hiện phẫu thuật và phục hồi sau phẫu thuật. Nhờ đó tiết kiệm chi phí mổ và phục hồi sau đó. Phương pháp cắt tử cung áp dụng cho cả bệnh lý ác tính và lành tính.

Phẫu thuật loại bỏ tử cung được thực hiện bằng nhiều phương pháp

Phẫu thuật loại bỏ tử cung được thực hiện bằng nhiều phương pháp

Cắt tử cung bằng robot

Đây là phương pháp phẫu thuật mới nhất với quy trình tương tự với mổ nội soi. Khi này một loại robot đặc biệt sẽ được đưa vào trong lòng tử cung, thông qua điều khiển của bác sĩ và thực hiện cắt bỏ các tổ chức cần can thiệp. Phương pháp này tại Việt Nam chưa phổ biến nhưng sẽ được xem xét áp dụng trong trường hợp có độ khó cao và yêu cầu kỹ thuật mổ thật chính xác.

Cắt tử cung có ảnh hưởng gì không?

Có thể nói đây là biện pháp can thiệp sản khoa không mong muốn nhất của cả người bệnh và bác sĩ. Bởi vậy mà sau khi áp dụng điều trị bằng tất cả các phương pháp khác không có dấu hiệu khả quan thì phương án cắt tử cung mới được chỉ định thực hiện. Tuy nhiên chúng ta cũng cần đánh giá khách quan về phương pháp này, bởi hiệu quả đem lại là cách giảm thiểu đau đớn do bệnh cũng như đảm bảo tính mạng và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân khi tình trạng bệnh lý đã tiến triển quá nặng.

Những hệ quả của việc cắt bỏ tử cung đó là:

Mất đi khả năng “làm mẹ”

Đây chính là hệ quả “đáng buồn” nhất hậu phẫu cắt tử cung. Tử cung chính là nơi làm tổ của trứng và nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thời kỳ mang thai. Việc cắt bỏ bán phần hay toàn phần cơ quan này đều làm mất đi nơi bao bọc và lớn lên của bào thai, do đó phụ nữ sẽ mất đi khả năng mang thai.

Phụ nữ sẽ không còn khả năng mang thai sau khi cắt đi tử cung

Phụ nữ sẽ không còn khả năng mang thai sau khi cắt đi tử cung

Không còn diễn ra chu kỳ kinh nguyệt

Cắt tử cung bán phần có kinh nguyệt không? Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường diễn ra đều đặn hàng tháng ở một phụ nữ có sức khỏe sinh sản ổn định, gây ra do hormone sinh dục nữ estrogen bị sụt giảm đột ngột. Điều này khiến cho niêm mạc tử cung bị bong ra, gây xuất huyết - đây chính là máu kinh. Do đó khi thực hiện cắt tử cung, dù lượng hormone trong cơ thể vẫn có biến động nhưng khi này tử cung đã không còn nên sẽ không diễn ra kinh nguyệt như nữ giới bình thường nữa.

Ảnh hưởng tâm lý

Đa phần chị em sau khi thực hiện cắt tử cung đều có những ảnh hưởng về tâm lý nhất định. Phương án điều trị bệnh này sẽ thường mang đến tâm lý căng thẳng và buồn chán ở những phụ nữ chưa có con hoặc mới sinh được một bé. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, đây chính là giải pháp tối ưu và chị em nên đón nhận với tâm thế vui vẻ nhất.

Những biến chứng sau khi cắt tử cung

Sau khi thực hiện phẫu thuật này, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng hậu phẫu như:

  • Biến chứng do gây mê: Gây mê có thể gây tổn thương thần kinh, dị ứng hoặc thậm chí tử vong (rất ít). Những người có sức khỏe tốt trước khi phẫu thuật thường sẽ ít gặp các biến chứng này.
  • Chảy máu: Thường chảy trong khoảng vài ngày vài tuần sau phẫu thuật, tuy nhiên cũng có trường hợp bị chảy máu ồ ạt (rong huyết, băng huyết) hoặc kéo dài hơn 6 tuần thì cần nhập viện gấp.
  • Tổn thương cơ quan xung quanh như niệu quản, bàng quang, ruột,... gây nên các triệu chứng như đau bụng tiểu lẫn máu, tiểu không kiểm soát, sốt…
  • Nhiễm trùng: Xảy ra tại vết mổ hoặc đường tiết niệu.
  • Hình thành cục máu đông: Hình thành trong tĩnh mạch dẫn đến cản trở lưu thông máu và oxy, người bệnh nên tập vận động nhẹ càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật hoặc sẽ được can thiệp tiêm thuốc chống đông máu.
  • Âm đạo liên kết với tử cung nên khi tử cung bị cắt bỏ lâu dài sẽ dẫn đến sa trễ âm dạo.
  • Suy buồng trứng: Chưa tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng này.
  • Mãn kinh sớm do sự thay đổi hormone estrogen và buồng trứng ngừng rụng trứng.
  • Tăng cân sau phẫu thuật cắt tử cung: một số chị em sau phẫu thuật này bị tăng cân nhanh so với trước đó do ảnh hưởng đến nội tiết tố.

Bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng sau khi phẫu thuật cắt tử cung

Bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng sau khi phẫu thuật cắt tử cung

Thắc mắc liên quan đến phẫu thuật cắt tử cung

Những câu hỏi liên quan đến phương pháp phẫu thuật này sẽ được chúng tôi giải đáp dưới đây:

Sau khi cắt tử cung bán phần có mang thai được không?

Bản chất của cắt tử cung bán phần đó chính là cắt đi buồng tử cung và chỉ giữ lại phần cổ tử cung. Chức năng cư trú và nuôi dưỡng thai lại được thực hiện tại buồng tử cung, do đó mà khi cắt tử cung bán phần thì bệnh nhân cũng sẽ không thể mang thai như khi can thiệp cắt bỏ toàn phần.

Cắt bỏ tử cung có quan hệ được không?

Nữ giới sau khi cắt tử cung vẫn hoàn toàn có ham muốn và quan hệ thuận lợi như bình thường. Lý do là bởi hoạt động tình dục sẽ diễn ra tại phần âm đạo, còn tử cung và cổ tử cung sẽ nằm ở phía trên, thuộc vùng chậu nên không hề ảnh hưởng đến chuyện “chăn gối”.

Cần làm gì trước khi phẫu thuật cắt tử cung?

Đây là một cuộc đại phẫu có ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm lý, chức năng và sức khỏe của phụ nữ. Do đó trước khi quyết định phẫu thuật, bạn hãy thực hiện những điều sau đây:

  • Nắm vững được những hệ quả về sức khỏe sau khi phẫu thuật để chuẩn bị tâm lý tốt nhất. Bạn đời của bạn cũng cần được biết và cùng tham gia vào quyết định này.
  • Thăm khám bệnh tại nơi uy tín để đảm bảo rằng loại bỏ tử cung là phương án cuối cùng hay không và liệu có cách điều trị nào thay thế phù hợp.
  • Nên tìm hiểu về các liệu pháp thay thế nội tiết tố nếu được chỉ định phương án cắt bỏ tử cung hoàn toàn cùng với buồng trứng.

Chăm sóc sau phẫu thuật cắt bỏ tử cung như thế nào?

Sau khi phẫu thuật, cơ thể người bệnh sẽ khá yếu và được truyền dịch, truyền máu hoặc có thể được đặt ống thông tiểu. m đạo sẽ bị ra máu và dịch trong khoảng 1-2 ngày sau khi phẫu thuật nên cần vệ sinh kỹ lưỡng tránh viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, người bệnh cần thực hiện như sau:

  • Uống ít nhất 2 lần/ngày đối với thuốc giảm đau và uống trước khi ngủ.
  • Vùng mổ cần thay băng gạc mỗi buổi sáng.
  • Trong 2 ngày đầu tiên, người bệnh nên ăn cháo loãng, nước súp,... Sau khi trung tiện (xì hơi/đánh rắm) thì sẽ chuyển qua đồ ăn đặc, nên có thịt, cá, rau để tăng cường bổ sung dinh dưỡng.
  • Uống nhiều nước và các loại nước trái cây để bù lại lượng nước đã mất trong thời gian làm phẫu thuật.
  • Sau khi rút ống thông tiểu, người bệnh nên tập đi tiểu, không được nhịn tiểu dễ gây viêm đường tiết niệu.
  • Nên dùng băng lót vệ sinh 3 lần/ngày hoặc tốt nhất là dùng quần lót dùng một lần.
  • Về vận động: Ngày 1 nên đổi tư thế trên giường, buổi chiều nên tập ngồi dậy với sự trợ giúp của người nhà hoặc y tá. Từ ngày thứ 2, bệnh nhân nên đi lại khi có người dìu, buổi chiều nên tự tập đi trong phòng.
  • Sau khi xuất viện, bệnh nhân nên ăn uống nhẹ nhàng để tránh táo bón. Khoảng 1 tuần thì có thể sinh hoạt bình thường.

Ăn uống đầy đủ và vận động nhẹ sau phẫu thuật để cơ thể nhanh hồi phục

Ăn uống đầy đủ và vận động nhẹ sau phẫu thuật để cơ thể nhanh hồi phục

Sau cắt tử cung bao lâu thì quan hệ được?

Cắt tử cung toàn phần bao lâu mới hồi phục? Thông thường sau khoảng 2 tuần khi làm phẫu thuật thì bệnh nhân đã có thể sinh hoạt, làm việc như bình thường. Tuy nhiên để tử cung ổn định và vết mổ lành lặn hoàn toàn thì quan hệ vợ chồng nên kiêng cữ ít nhất 3 tháng.

Khi nào cần kiểm tra và tái khám sau phẫu thuật?

Nếu cơ thể ổn định và không có bất thường thì chị em nên tái khám sau 1 tháng. Tuy nhiên nếu có các biểu hiện sau đây cần nhanh chóng đến viện để khám và can thiệp kịp thời:

  • Vết cắt trong và ngoài không lành, ra dịch đục, có mùi hôi ở âm đạo, sốt, ớn lạnh kéo dài trên 3 ngày.
  • Tình trạng đau bụng nhiều.
  • Máu chảy âm đạo nhiều.
  • Các biểu hiện không bình thường khác.

Chị em nên tái khám sau 1 tháng phẫu thuật và đến viện ngay nếu có bất thường

Chị em nên tái khám sau 1 tháng phẫu thuật và đến viện ngay nếu có bất thường

Đa số chỉ định cắt tử cung đều thực hiện khi người bệnh mắc bệnh lý nghiêm trọng không thể điều trị bằng can thiệp y khoa thông thường. Quyết định cắt bỏ hay không sẽ đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, do vậy người bệnh hãy cùng gia đình cân nhắc kỹ lưỡng để không hối hận về sau này.

Bấm số hotline 1900 1806 để đặt lịch tầm soát ung thư cổ tử cung với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,996

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám