Hướng dẫn chăm sóc theo dõi và phòng bệnh tay - chân - miệng tại nhà

Phan Minh Ánh

15-05-2025

goole news
16

Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Mẹ có thể nhận biết qua dấu hiệu điển hình là vùng miệng, bàn tay, bàn chân đều nổi đầy mụn nước. Bệnh gây nhiều khó chịu cho trẻ kèm theo biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng (Hand, foot, and mouth disease) là bệnh truyền nhiễm lây truyền từ người sang người dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra.

Bệnh chủ yếu lây truyền theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ bệnh. Bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.

Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A6, A10, A16 và Enterovirus 71 (EV71).


Xuất hiện những đốm đỏ trên tay chân miệng của bé khi mắc bệnh.

Biểu hiện bệnh tay chân miệng

Biểu hiện lâm sàng

  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy
  • Loét miệng
  • Phát ban dạng phỏng nước hoặc ban sẩn trong lòng bàn tay, chân, gối, mông,…
  • Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp: thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5

Phân độ lâm sàng

Độ 1: Chỉ loét miệng và/hoặc tổn thương da

tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do virus gây ra.

Độ 2

Độ 2a: Có một trong các dấu hiệu sau:

  • Bệnh sử có giật mình < 2 lần trong vòng 30 phút và không ghi nhận lúc khám
  • Sốt trên 2 ngày hay sốt > 39 độ C, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ

Độ 2b: Có dấu hiệu thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2

Nhóm 1: Có 1 trong các dấu hiệu sau:

  • Giật mình ghi nhận lúc khám
  • Bệnh sử có giật mình ≥ 2 lần trong vòng 30 phút
  • Bệnh sử có giật mình kèm theo 1 trong các dấu hiệu sau:
    • Ngủ gà
    • Mạch nhanh > 130 lần/phút (khi trẻ nằm yên, không sốt)

Nhóm 2: Có 1 trong các dấu hiệu sau:

  • Sốt cao ≥ 39.5 độ C (đo nhiệt độ ở hậu môn), không đáp ứng với thuốc hạ sốt
  • Mạch nhanh > 150 lần/phút (khi trẻ nằm yên, không sốt)
  • Thất điều: run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng
  • Rung giật nhãn cầu, lác mắt
  • Yếu chi hoặc liệt chi
  • Liệt thần kinh sọ: nuốt sặc, thay đổi giọng nói,…

Xét nghiệm chẩn đoán tay chân miệng

Các xét nghiệm có thể được chỉ định trong bệnh lý tay chân miệng là:

  • Công thức máu, CRP, đường huyết, điện giải đồ, Xquang ngực
  • Khí máu (khi có suy hô hấp)
  • Siêu âm tin (nghi ngờ viêm cơ tim hoặc sốc)
  • Dịch não tủy (khi có biến chứng thần kinh)
  • Xét nghiệm phát hiện virus (nếu có điều kiện): lấy bệnh phẩm dịch hầu họng, phỏng nước, trực tràng, dịch não tủy để thực hiện xét nghiệm RT PCR hoặc phân lập virus
  • MRI sọ não khi cần chẩn đoán phân biệt

tay chân miệngBệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Điều trị tay chân miệng

Hướng điều trị

  • Bệnh nhân cần được cách ly
  • Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ
  • Theo dõi diễn tiến, chăm sóc và điều trị biến chứng
  • Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng

Điều trị cụ thể

 Độ 1: Điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở

  • Dinh dưỡng đầy đủ, thức ăn lỏng, dễ tiêu, để người mát, chia nhiều bữa nhỏ. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ
  • Giảm đau, hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần (uống) mỗi 4-6 giờ hoặc Ibuprofen 5-10 mg/kg/lần mỗi 6-8 giờ
  • Làm dịu vết loét miệng bằng thuốc băng niêm mạc đường tiêu hóa antacid
  • Vệ sinh răng miệng
  • Nghỉ ngơi, tránh kích thích
  • Chăm sóc tổn thương da: không làm vỡ các mụn nước, có thể bôi dung dịch sát khuẩn vào các mụn nước vỡ như dung dịch Povidone - iodine, xanh methylene
  • Cho trẻ nghỉ học, sau 7-10 ngày kể từ khi phát bệnh mới cho trẻ đi học lại
  • Tránh lây lan bệnh cho các thành viên khác trong gia đình, không dùng chung đồ dùng cá nhân, rửa tay trước sau chăm sóc trẻ, vệ sinh môi trường
  • Cho trẻ nhập viện khi: người nhà lo lắng, nhà xa, không đủ điều kiện theo dõi.
  • Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 7-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ

Tay chân miệng gây triệu chứng sốt và phát ban điển hình ở vùng miệng, lòng bàn chân, lòng bàn tay.

Cần tái khám ngay khi có ≥ 1 dấu hiệu:
• Bỏ ăn, bú kém
• Nôn ói nhiều, nôn hết mọi thứ
• Sốt cao ≥ 39 độ C hoặc kéo dài trên 48 giờ không đáp ứng với thuốc hạ sốt
• Thở nhanh, khó thở
• Da nổi vân tím
• Giật mình, run chi
• Li bì hoặc kích thích
• Co giật, hôn mê

Độ 2 trở lên: Điều trị nội trú tại bệnh viện

Phòng ngừa tay chân miệng

Nguyên tắc phòng bệnh

Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hóa, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

Trẻ nên rửa tay đúng cách thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Phòng bệnh ở cộng đồng

  • Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt)
  • Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà
  • Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác
  • Hạn chế tiếp xúc trẻ bệnh tại nhà
  • Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 7-10 ngày đầu của bệnh

Tay chân miệng ở trẻ nhỏ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên cha mẹ cần theo dõi sát sao tình hình bệnh tình của bé. Ngay khi phát hiện con có các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xử lý.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

31

Bài viết hữu ích?

Chủ đề bệnh trẻ em

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKII

NGUYỄN THỊ THU YẾN

Trưởng Liên Chuyên khoa Mắt - TMH - RHM

BS.CKII

NGUYỄN THỊ THU YẾN

Trưởng Liên Chuyên khoa Mắt - TMH - RHM
19001806 Đặt lịch khám