Chắp và lẹo là hai bệnh khác nhau thường gặp ở bờ mi mắt, nó khiến bờ mi bị đau, phù nề dẫn tới hạn chế tầm nhìn của người bệnh, ảnh hưởng tới sinh hoạt và làm mất thẩm mỹ. Nhiều người vẫn lầm tưởng 2 bệnh này là một dẫn tới việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Bài viết dưới đây sẽ giải thích chi tiết cũng như hướng dẫn cách điều trị hiệu quả nhất cho bạn.
Lẹo mắt, chắp là gì?
Lẹo mắt
Lẹo mắt là chứng viêm bờ mi cấp tính do nhiễm trùng tụ cầu gây nên, nó thường xuất hiện ở mí mắt, vị trí sát bờ mi và dính chặt vào da. Lẹo mắt khiến người bệnh có cảm giác cộm như có sạn bên trong mắt, mi mắt sưng đỏ, ngứa và đau nhức. Lẹo mắt xuất hiện ở mi trên gọi là lẹo mi trên, mi dưới gọi là lẹo mi dưới.
Lẹo mắt khiến người bệnh thấy khó chịu vì nó sưng đỏ, đau nhức và ngứa
Lẹo thường có mủ, nhìn như mụn nhọt, nên người ta thường thấy nổi hạt trắng ở trong mí mắt trên hoặc dưới. Nó sẽ xẹp xuống khi mủ vỡ ra nhưng lại dễ tái phát ở vị trí khác trên bờ mi. Mụn lẹo ở mắt không ảnh hưởng tới thị lực, người ta chia lẹo thành 3 loại:
- Lẹo ngoài mí mắt: mọc bên ngoài bờ mi, nguyên nhân chính là do nhiễm trùng từ tuyến Zeiss.
- Lẹo trong mi mắt: mọc bên trong bờ mi, chủ yếu là do nhiễm trùng từ tuyến Meibomius gây nên.
- Đa lẹo: là tình trạng nhiều đầu lẹo xuất hiện trên một mi, hai mi hoặc cả hai mắt.
Triệu chứng phổ biến nhất khi bị lẹo mắt là:
- Tấy đỏ
- Mí mắt bị sưng
- Chảy nước mắt, rỉ dịch
- Nhạy cảm với ánh sáng.
Lẹo mắt vỡ mủ sau 4- 6 ngày và các triệu chứng tại chỗ sẽ giảm đi.
Chắp mắt
Chắp mắt là chứng sưng phù trên mi mắt, nguyên nhân là do tắc nghẽn tuyến dầu trên mi mắt. Nếu chắp sưng quá to sẽ ảnh hưởng đến thị lực người bệnh dẫn đến nhìn mờ. Thời gian chắp sưng trên mắt khoảng 2- 8 tuần, rất ít trường hợp lâu hơn.
Chắp mắt sưng to hơn lẹo nhưng ít hoặc không gây đau
Sự khác nhau giữa chắp và lẹo là chắm sưng to hơn tuy nhiên lại ít đau hơn hay thậm chí là không đau.
Trường hợp lẹo không lành và xẹp hẳn thì chỗ sưng có thể bị tắc và biến chứng thành chắp. Chắp mắt bị vỡ có thể làm tổn thương, gây loét da và để lại sẹo trên mi mắt.
Cả chắp và lẹo mắt đều không lây nhiễm.
Nguyên nhân gây chắp, lẹo mắt
Nhiều người vẫn đang nhầm lẫn lẹo với chắp mắt do nó đều là những “khối u” nổi lên trên hoặc ngay bờ mi mắt. Vậy lẹo và chắp khác nhau như thế nào?
Chắp, lẹo ở mắt gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh
- Lẹo hình thành chủ yếu là do tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi gây viêm nhiễm cấp tính nên thường tạo cảm giác đau, khó chịu. Ngoài ra còn có thể do sự viêm nhiễm lan rộng từ tình trạng viêm bờ mi sẵn có hoặc trong các ống tuyến nhờn bị nhiễm trùng.
- Còn chắp thì hình thành từ sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mi mắt nên không gây cảm giác đau đớn. Chắp còn là biến chứng của lẹo khi không được điều trị dứt điểm, các tuyến bị chèn ép.
Che mất tầm nhìn vì chắp, lẹo ở mắt (biến chứng)
Ban đầu khi bị chắp, mi mắt sưng tỏa lan, thỉnh thoảng mi mắt còn bị sưng phồng gây sụp mi hoàn toàn làm che đi tầm nhìn. Khi bị chắp mà người bệnh không điều trị, điều trị không đúng cách,... dẫn tới tình trạng bệnh ngày một nặng lên, các u ở bờ mi dần to lên, hoặc do vị trí mọc nguy hiểm làm cho chắp đè lên giác mạc dẫn tới nhìn mờ nhẹ, tầm nhìn thu hẹp. Đây là biến chứng thường gặp nhất ở chắp mắt.
Còn lẹo thì u nhỏ hơn chắp nên nếu chỉ có 1 nốt lẹo thì cũng không ảnh hưởng gì tới thị lực, nhưng khi bệnh kéo dài, xuất hiện biến chứng thì lẹo sẽ mọc nhiều nốt ở mi trên, mi dưới thậm chí là cả 2 mắt làm che đi tầm nhìn.
Điều trị lẹo và chắp mắt
Chườm ấm
Để giảm đau và sự khó chịu do bệnh gây ra, hãy dùng chiếc khăn sạch hoặc bông dùng 1 lần nhúng vào nước ấm hoặc nước muối ấm, đặt lên mi mắt trong khoảng 10- 15 phút, mỗi ngày làm như vậy 3- 5 lần cho đến khi chắp hoặc lẹo tan đi. Cách này dùng trong trường hợp chắp mắt nhỏ.
Chườm ấm trị lẹo, chắp mắt trong trường hợp u nhỏ
Nhờ vào độ ấm của khăn giúp giãn nở các đầu ống tuyến dầu ở bờ mi, từ đó các chất nhầy trắng hoặc vàng sẽ dễ thoát ra hơn. Khi chườm thì bạn nên mát xa nhẹ nhàng để việc thoát lưu được dễ dàng hơn.
Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi "chắp mắt có tự khỏi không?"
Tra thuốc kháng sinh dạng mỡ
Trường hợp khối lẹo vẫn không cải thiện sau khi chườm nóng, lẹo tái phát hoặc khối chắp nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc kháng sinh.
Kháng sinh điều trị lẹo mắt dùng cho uống là nhóm macrolid (erythromycin, azithromycin) hoặc nhóm betalactam giúp lẹo nhanh khỏi hơn. Dùng bôi tại chỗ nhóm quinolon, các sulfamid, neomycin và tobramycin dạng mỡ đều áp dụng được.
Rạch thoát lưu
Hay còn gọi là mổ chắp mắt. Khi lẹo, chắp không tan sau thời gian dài hoặc quá to gây chèn ép bề mặt nhãn cầu làm khuất tầm nhìn, ảnh hưởng đến thị lực thì bác sĩ sẽ tiến hành chích tê và rạch thoát lưu cho bạn để nạo thật sạch các chất nhầy và mủ để tránh tái phát.
Trong trường hợp chắp tái phát tại một vị trí nhất định, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn làm sinh thiết khối chắp, tức là lấy một mẩu mô nhỏ tại khối chắp để khảo sát thêm về tế bào. Mục đích là để loại trừ những vấn đề nghiêm trọng khác.
Vậy mổ chắp mắt bao lâu thì khỏi? Mổ chắp mắt là tiểu phẫu đơn giản nên sau mổ 3 ngày bạn có thể đi làm, đi học trở lại.
Làm gì khi bị chắp, lẹo mắt?
Khi mắt có chắp hoặc lẹo sẽ gây khó chịu, làm mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Tuy nhiên bạn cũng tuyệt đối không nặng hay làm vỡ u này. Vì việc đó vừa không làm khỏi bệnh mà còn gây nhiễm trùng, lan rộng ra mô xung quanh. Ngoài ra bạn cũng cần nhớ một số điều dưới đây:
- Ngoài việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ thì người bệnh cũng cần chú ý rửa tay sạch sẽ trước khi tra thước.
- Không trang điểm hoặc tẩy trang vùng mắt khi đang bị lẹo, chắp.
- Hạn chế tối đa việc để mắt tiếp xúc với nước bẩn, không khí ô nhiễm, bụi bặm hay ánh sáng mặt trời.
- Đeo kính chống bụi, chống tia UV mỗi khi ra ngoài.
- Sau khi ra ngoài về hãy rửa mi mắt bằng nước sạch và tra kết mạc bằng dung dịch Natri Clorid 0,9%.
Rửa nước muối sinh lý cho mắt sau khi ra ngoài về
- Hạn chế hoặc bỏ ngay thói quen dùng tay dụi mắt.
- Hạn chế dùng kính áp tròng trong thời gian bị lẹo, chắp mắt.
Bị lẹo chắp mắt kiêng gì?
Bị lẹo mắt kiêng gì? Chế độ ăn của người bị lẹo mắt không quá khắt khe nhưng bạn cũng cần nhớ một số lưu ý khi ăn uống:
Tránh xa đồ cay nóng để tránh làm gia tăng sự viêm sưng
- Hạn chế ăn đồ ăn có tính nhiệt vì nó sẽ làm gia tăng sự viêm sưng trong cơ thể. Ngoài ra việc dùng thuốc điều trị chắp mắt có thể khiến cơ thể nóng trong nên hãy tránh các loại trái cây nhiệt như xoài, nhãn, vải, ổi hoặc đồ cay nóng, hành, tiêu, thịt dê, hải sản,...
- Đồ ăn thức uống nhiều đường cũng nên được hẹn chế để tránh làm suy giảm hệ miễn dịch cơ thể, làm vết thương lâu lành hơn.
- Tránh các món ăn nhiều nitrat như thịt xông khói, hotdog, thực phẩm đóng hộp vì nó làm cản trở lưu thông máu đến mắt, khiến xuất hiện nhiều cục máu đông trong cơ thể và sự viêm nhiễm.
Ngoài ra bạn hãy chú ý một số điều sau để ngăn ngừa bệnh tái phát:
- Giữ vệ sinh mắt và bờ mi sau mỗi khi đi ra ngoài về, nhất là khi đi qua những vùng bụi bặm.
- Không tự ý chữa lẹo, chắp mắt bằng cách nặn mủ, đắp lá hay tra thuốc khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Việc này không chỉ không có hiệu quả mà còn gây nguy hiểm cho mắt của bạn.
Cách ngăn phòng ngừa chắp lẹo ở mắt
Mặc dù chắp lẹo không ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh nhưng nó ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn, do vậy hãy ngăn ngừa ngay từ bây giờ bằng cách:
Không đưa tay dụi mắt là 1 trong những cách phòng chắp lẹo hiệu quả
- Không đưa tay dụi, chà mắt để tránh gây kích ứng mắt và làm nhiễm khuẩn lây lan.
- Đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường, tránh xa những nơi không khí bị ô nhiễm nặng nề.
- Rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay, nhất là khi bạn đang chăm sóc người bị mụn lẹo ở mắt.
- Tẩy trang vùng mắt sạch sẽ hàng ngày, thay mascara ít nhất 6 tháng/lần bởi vi khuẩn có thể phát triển khi mắt được trang điểm.
- Khăn rửa mặt, đồ trang điểm mắt không dùng chung để giữ vệ sinh.
Bài viết trên đây chia sẻ về 2 bệnh lý thường gặp ở mắt là chắp, lẹo và cách điều trị. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho những ai đang bị bệnh hoặc có người thân, bạn bè bị bệnh này. Mọi thông tin chi tiết về dịch vụ khám chữa bệnh, vui liên hệ 1900 1806 để được giải đáp nhanh nhất.