Chỉ số PCT có trong công thức máu là một chỉ số khá quan trọng trọng trong công thức máu để đánh giá sự hiện diện của nhiễm khuẩn. Vậy thực hiện xét nghiệm chỉ số PCT diễn ra như thế nào? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu nồng độ PCT trong máu qua bài viết dưới đây.
1. Chỉ số PCT trong xét nghiệm máu là gì?
Chỉ số PCT là gì?
PCT (viết tắt của Procalcitonin) là tiền chất của hormone calcitonin, được cấu tạo từ 116 acid amin. Nó thường được sản xuất bởi các tế bào C trong tuyến giáp, tuỵ, phổi và hiện diện trong máu với nồng độ thấp. Nồng độ PCT trong máu tăng có thì có khả năng người bệnh đã bị nhiễm trùng.
Xét nghiệm nồng độ PCT trong máu giúp xác định tình trạng nhiễm khuẩn của người bệnh
Vai trò của chỉ số PCT trong xét nghiệm máu
Xác định nồng độ Procalcitonin trong máu giúp bác sĩ có thể xác định được người bệnh có bị nhiễm khuẩn hay không hoặc kết hợp với các chẩn đoán lâm sàng khác để theo dõi tình trạng bệnh viêm do nhiễm khuẩn:
- Phân biệt được giữa viêm không do nhiễm khuẩn và viêm do nhiễm khuẩn.
- Theo dõi các trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm biến chứng nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn toàn thân của người bệnh đang được chăm sóc đặc biệt.
- Đánh giá diễn biến, tiên lượng của tình trạng viêm nặng.
- Đánh giá hiệu quả của kháng sinh và lựa chọn liệu trình phù hợp cho người bệnh
Đọc chỉ số PCT trong xét nghiệm máu
Khoảng tham chiếu các giá trị chỉ số PCT trong máu phản ánh mức độ nhiễm khuẩn như sau:
- Nồng độ Procalcitonin < 0.05 ng/ml: Chỉ số bình thường, không nhiễm khuẩn.
- Nồng độ Procalcitonin < 0.1 ng/ml: Không khuyến cáo sử dụng kháng sinh trong trường hợp này.
- Nồng độ Procalcitonin > 0.25 ng/ml: Có thể mắc nhiễm khuẩn khu trú, cần thực hiện một một số xét nghiệm chuyên sâu để xác định. Cân nhắc cho người bệnh sử dụng kháng sinh.
- Nồng độ Procalcitonin > 0.5 ng/ml: Bắt buộc chỉ định dùng kháng sinh.
- Nồng độ Procalcitonin từ 0.5 - 2 ng/ml: Có khả năng bị nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng khu trú.
- Nồng độ Procalcitonin 2 - 10 ng/ml: Có nguy cơ nhiễm trùng máu và viêm màng não cao, chưa có dấu hiệu suy đa tạng.
- Nồng độ Procalcitonin > 10ng/ml: Nhiễm khuẩn huyết kèm sốc nhiễm trùng nặng, có dấu hiệu suy đa tạng dẫn đến tăng nguy cơ tử vong.
Với người bệnh đang được điều trị nhiễm trùng, chỉ số PCT cần dược theo dõi thường xuyên, chặt chẽ. Nếu chỉ số của kết quả xét nghiệm đang ổn định hoặc tăng, có nghĩa là điều trị chưa đạt hiệu quả tốt, cần điều trị thêm, có trường hợp cần xem xét tăng liều kháng sinh.
Chỉ số PCT cần được theo dõi thường xuyên đối với người bệnh đang điều trị nhiễm trùng
2. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm PCT?
Hiện nay, xét nghiệm kiểm tra nồng độ PCT thường được chỉ định thực hiện để chẩn đoán có viêm do nhiễm khuẩn hay không, đồng thời theo dõi diễn biến của bệnh để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Ngoài ra, các trường hợp khác như chấn thương, tổn thương do nhiễm khuẩn cũng được kiểm tra nồng độ Procalcitonin để phòng ngừa chẩn đoán nhiễm khuẩn thứ cấp.
Xét nghiệm định lượng Procalcitonin cũng được thực hiện khi có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm khuẩn như:
- Viêm, sưng mủ tại vị trí bị tổn thương (đối với tổn thương ngoài)
- Sốt, kèm những cơn ớn lạnh.
- Đổ mồ hôi.
- Đau nhức dữ dội tại vùng hoặc cơ quan bị viêm.
- Khó thở
- Nhịp tim nhanh, đập loạn.
- Huyết áp thấp.
- Đi tiểu ít.
3. Quy trình thực hiện xét nghiệm nồng độ PCT
Quy trình xét nghiệm PCT được tiến hành theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Lấy mẫu máu đường tĩnh mạch khoảng 3ml, máu không được vỡ hồng cầu.
- Bước 2: Ly tâm mẫu bệnh phẩm, tách lấy huyết tương hoặc huyết thanh.
- Bước 3: Sử dụng hệ thống tự động, nhập thông tin về mẫu bệnh phẩm và cài đặt chương trình xét nghiệm PCT.
- Bước 4: Đưa mẫu bệnh phẩm vào máy
- Bước 5: Máy tiến hành phân tích mẫu bệnh phẩm.
- Bước 6: Máy cho ra kết quả phân tích, bác sĩ tiến hành đọc và đưa ra phác đồ điều trị bệnh phù hợp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm chuyên sâu khác.
Quy trình thực hiện xét nghiệm nồng độ PCT được tiến hành tự động
4. Ý nghĩa của chỉ số PCT trong xét nghiệm máu
Kết quả xét nghiệm nồng độ Procalcitonin chỉ có giá trị bổ sung, do vậy, chúng không phải là cơ sở để chẩn đoán và điều trị bệnh.
Yếu tố ảnh hưởng khiến Procalcitonin trong máu tăng
Ngoài nhiễm khuẩn, có một số yếu tố cũng có thể khiến cho nồng độ procalcitonin tăng, cụ thể là:
- Sử dụng thuốc gây sốc không do nhiễm trùng.
- Người bệnh mắc ung thư, đặc biệt là ung thư biểu mô tế bào C tuỷ ở tuyến giáp hoặc ung thư phổi tế bào nhỏ.
- Có chấn thương, vừa trải qua phẫu thuật lớn hoặc bị bỏng nặng.
- Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.
- Cơ thể có kháng thể Heterophile gây dương tính giả.
- Mức Procalcitonin cao trong máu không rõ nguyên nhân ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trước khi chẩn đoán bệnh, cần xem xét và loại trừ các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm để đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
Yếu tố ảnh hưởng khiến nồng độ Procalcitonin trong máu giảm
Kết quả xét nghiệm nồng độ procalcitonin có thể không đánh giá chính xác được tình trạng bệnh trong một số trường hợp như:
- Xét nghiệm được thực hiện sớm trong quá trình tiến triển bệnh. Nồng độ PCT trong máu có thể tăng sau vài giờ, thậm chí là sau vài ngày.
- Bệnh nhân chưa trải qua điều trị nhưng vẫn có triệu chứng và chỉ số PCT trong máu thấp thì khả năng gây bệnh là do virus. Cần chẩn đoán chính xác, cẩn thận các trường hợp nghi ngờ đồng nhiễm virus và vi khuẩn.
Trong điều trị nhiễm trùng, nếu mức Procalcitonin giảm ổn định thì điều đó chứng tỏ bệnh nhân đang đáp ứng tốt với phương pháp điều trị, có thể giảm liều kháng sinh khi cần thiết.
Nồng độ PCT trong máu hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán và theo dõi tình trạng của người bệnh
5. Những lưu ý khi xét nghiệm chỉ số PCT trong máu
Khi thực nghiệm xét nghiệm Procalcitonin, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
- Xét nghiệm này không bị ảnh hưởng bởi tán huyết, mỡ máu, biotin, vàng da,...
- Không nên lấy mẫu xét nghiệm với người bệnh sử dụng Biotin liều cao (>5mg/ngày), ít nhất 8 giờ sau khi dùng liều Biotin cuối.
- Kết quả xét nghiệm chỉ số PCT không ảnh hưởng bởi thấp khớp với nồng độ 1500 IU/ml.
Một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm nồng độ PCT trong máu
Chỉ số PCT trong xét nghiệm máu là chỉ số hỗ trợ bác sĩ có căn cứ chẩn đoán nhiễm khuẩn và phân biệt mức độ nhiễm khuẩn. Mặc dù vậy, kết quả xét nghiệm được bác sĩ đánh giá trên bệnh sử và các chẩn đoán cận lâm sàng khác.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng bạn đọc có những thông tin hữu ích về chỉ số PCT trong máu. Nồng độ Procalcitonin cùng các kết quả xét nghiệm khác chính là cơ sở để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và điều chỉnh liều lượng kháng sinh sử dụng. Nhờ đó giảm thời gian sử dụng kháng sinh, giảm tình trạng nhiễm khuẩn và giúp người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh.