Chửa ở vết mổ - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Doan Nguyen

27-07-2023

goole news
16

Chửa ở vết mổ là biến chứng sản khoa nguy hiểm.Tuy hiếm gặp nhưng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản, sức khỏe lâu dài, trong đó, nghiêm trọng nhất là băng huyết, vỡ tử cung, phải cắt bỏ tử cung,...

Tổng quan về chửa ở vết mổ

Chửa ở vết mổ cũ được hiểu là việc người phụ nữ có dấu hiệu mang thai nhưng đây là một thai kỳ bất bình thường. Thay vì việc trứng được thụ tinh bám vào đáy tử cung làm tổ và sinh trưởng thì nó lại làm tổ tại eo tử cung - nơi có vết sẹo mổ đẻ cũ trên cơ tử cung rồi phát triển túi thai tại đó. 

Thực tế, vết sẹo mổ cũ làm cơ tử cung tại đó không thể co giãn, mềm mại như cơ tử cung bình thường. Nên việc túi thai làm tổ và phát triển tại vị trí cơ bị tổn thương, diện tích chật hẹp sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm: Rách vết mổ dẫn đến sảy thai, vỡ tử cung, băng huyết, phải cắt bỏ tử cung,... 

Chửa ở vết mổ cũ là một dạng của chửa ngoài tử cung.

Chửa ở vết mổ cũ là một dạng của chửa ngoài tử cung.

Nguyên nhân gây chửa ở vết mổ

Theo các chuyên gia sản phụ khoa, hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể gây ra chửa ở vết mổ cũ. Bởi bệnh lý này xảy ra do sai sót trong quá trình di chuyển làm tổ của phôi thai. Việc trứng không đến làm tổ tại đáy tử cung mà lại làm tổ tại eo tử cung nơi có vết sẹo mổ cũ.  

Dấu hiệu nhận biết chửa ở vết mổ 

Hầu hết các trường hợp chửa ở vết mổ cũ đều được phát hiện qua việc thăm khám thai định kỳ mà không có dấu hiệu điển hình nào cả. Do đó, để tránh những rủi ro của biến chứng sản khoa này thì mỗi người phụ nữ nên đi khám thai định kỳ ngay khi xuất hiện các dấu hiệu của việc mang thai. Đặc biệt là các dấu hiệu sau: Chậm kinh, cảm thấy đau râm ran bụng dưới, bị ra máu âm đạo.  

Đối tượng có nguy cơ bị chửa ở vết mổ

Như đã nói từ đầu, chửa ở vết mổ cũ rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Căn nguyên của bệnh là việc phôi thai làm tổ sai vị trí, làm tổ trên vết sẹo mổ cũ nên các chị em đã từng sinh mổ sẽ dễ bị bệnh hơn. 

Vì thế, sau khi đã sinh mổ lần đầu, các lần mang thai tiếp theo, chị em nên đi khám, kiểm tra thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa để phòng tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra, hoặc điều trị sớm ngừa các hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe.  

Biến chứng thường gặp của chửa ở vết mổ  

Cũng giống như chửa ngoài tử cung, chửa tại vết mổ cũ được xếp vào danh sách biến chứng sản khoa nặng nề. Bệnh nhân gặp phải trường hợp này có thể phải đối mặt với biến chứng nghiêm trọng dưới đây: 

  • Băng huyết do sảy thai tự nhiên.
  • Vỡ tử cung do nhau thai phát triển đâm thủng tử cung tại vết mổ cũ.
  • Phải cắt bỏ tử cung hoàn toàn.
  • Nguy hiểm đến tính mạng do bị mất máu nhiều, không được phát hiện, xử trí kịp thời.  

Biện pháp chẩn đoán chửa tại vết mổ cũ hiệu quả 

Hiện nay, để chẩn đoán trường hợp mang thai tại vết mổ cũ, các bác sĩ thường dựa vào biểu hiện của người bệnh, kèm theo là thăm khám lâm sàng, siêu âm, xét nghiệm máu.  

  • Nghe bệnh nhân kể về tình trạng sức khỏe, tiền sử sinh nở.  
  • Thực hiện xét nghiệm máu.  
  • Tiến hành siêu âm ổ bụng để kiểm tra vị trí phôi thai làm tổ, từ đó phát hiện chính xác tình trạng bệnh qua hình ảnh siêu âm.  

Hình ảnh siêu âm cho thấy túi thai không nằm trong tử cung.

Hình ảnh siêu âm cho thấy túi thai không nằm trong tử cung.

Trong quá trình thăm khám, siêu âm, nếu bác sĩ thấy buồng tử cung trống, không thấy túi ối trong buồng tử cung nhưng lại thấy tim thai nằm ở thành trước đoạn eo tử cung có cơ tử cung phân cách giữa túi thai và bàng quang thì khả năng cao là bệnh nhân đã bị chửa tại vết mổ cũ.  

Phương pháp điều trị chửa ở vết mổ 

Chửa tại vết mổ cũ là một thai kỳ bất thường, nên người mang thai cần chấp nhận việc bỏ thai đó để tiến hành điều trị. Nguyên tắc điều trị là lấy túi thai ra trước khi vỡ, mục tiêu bảo tồn khả năng sinh sản. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. 

Các phương pháp điều trị

  • Nạo hút thai: Được chỉ định khi thai còn nhỏ, chưa xâm lấn sâu vào vết mổ đẻ cũ, chưa gây ra biến chứng gì. Phương pháp này tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết nên để hạn chế chảy máu, có thể bác sĩ sẽ đặt sonde cầm máu vào tử cung người bệnh.  
  • Phẫu thuật (Mổ mở) tương tự như một cuộc sinh mổ bình thường. Bác sĩ sẽ mổ để lấy khối nhau thai ra ngoài, để bảo toàn tử cung và khả năng sinh sản. Phương pháp này thường được chỉ định khi khối nhau đã lớn, xâm lấn nhiều, không đáp ứng điều trị nội khoa. Bên cạnh đó, phẫu thuật còn được chỉ định để cầm máu khi không thể cầm máu bằng phương pháp thông thường.  

Tiếp theo, sau khi đã lấy được túi thai ra ngoài thì bệnh nhân sẽ được điều trị kết hợp hóa trị nhằm giảm sự phân bố mạch máu ở khối thai và tiêu hủy tế bào nhau thai.

Theo dõi và phục hồi sau điều trị

Sau quá trình điều trị chửa ở vết mổ cũ, người bệnh cần tiếp tục được nghỉ ngơi, giữ tâm lý thoải mái cho tới khi hoàn toàn bình phục. Đảm bảo kết quả điều trị, người bệnh nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, hoặc nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu gì bất thường.  

Các bác sĩ khuyến cáo, người vừa điều trị chửa ở vết mổ xong nên tránh mang thai trong 3 năm bằng các biện pháp tránh thai an toàn, trừ đặt vòng. Các lần mang thai tiếp theo, hãy đi khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để đảm bảo có thai kỳ khỏe mạnh thực sự.  

Biện pháp phòng ngừa chửa ở vết mổ

Để phòng ngừa chửa tại vết mổ cũ, chị em đã từng sinh mổ nên thăm khám sau sinh, siêu âm kiểm tra xem vết mổ đã thực sự ổn. Trong các lần mang thai sau đó, cần đi siêu âm định kỳ để kiểm tra vị trí của thai nhi từ sớm. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ siêu âm doppler hoặc có thể tiến hành hội chẩn thêm để tìm ra biện pháp điều trị hạn chế biến chứng, bảo tồn khả năng sinh sản.  

Khi phát hiện chửa tại vết mổ cũ, chị em hãy nghe theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc gây sảy thai tự nhiên vì điều này có thể dẫn tới nguy cơ vỡ tử cung, băng huyết, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. 

4,005

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám