Chụp MRI cột sống là gì?
Chụp MRI cột sống hay chụp cộng hưởng từ cột sống là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, không xâm lấn, không bức xạ từ để chẩn đoán tình trạng bệnh lý vùng cột sống. Hình ảnh MRI cột sống cho ra sắc nét, giải phẫu chi tiết nên được ứng dụng phổ biến trong y khoa.
(Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống)
Cột sống là bộ phận quan trọng của con người, có hình dạng tương tự chữ S với hai đoạn ưỡn (cổ và thắt lưng) và một đoạn gù ở ngực. Đóng vai trò chống đỡ trọng lượng cơ thế, kết nối các xương xung quanh, bảo vệ tủy sống, bảo vệ nội tạng bên trong ổ bụng và lồng ngực.
Bởi vì đảm nhiệm nhiều hoạt động sống của cơ thể nên cột sống rất dễ bị chấn thương, xuất hiện các tình trạng bệnh lý. Y học hiện đại đã áp dụng nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm, CT nhưng phải đến khi MRI xuất hiện, chấn thương hay sự bất thường bị xương che khuất mới được phát hiện chính xác.
Trường hợp cần chụp MRI cột sống
Chụp MRI cột sống để làm gì? Chụp MRI cột sống thường được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ có tổn thương, bệnh lý tại cột sống và vùng lân cận. Dưới đây là những trường hợp thường thực hiện chụp cộng hưởng từ cột sống:
- Người đau mỏi thắt lưng không rõ nguyên nhân, cơn đau xuất hiện thường xuyên và dữ dội khi mang vác đồ vật nặng, vận động nặng.
- Người đau lưng không dứt, ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
- Chân tay tê bì, có tình trạng ngứa ngáy và châm chích dọc vùng sống lưng.
- Không kiểm soát được tiểu tiện.
- Không thể ngồi hoặc đứng dậy bình thường, đặc biệt gặp khó khăn khi cúi xuống.
- Mỗi khi thời tiết thay đổi, thời tiết giao mùa sẽ đau dữ dội vùng thắt lưng.
- Chấn thương lưng do tai nạn hoặc va chạm ngày thường.
- Xuất hiện tình trạng sưng, viêm bất thường tại vùng đốt sống và mô xung quanh.
- Người bệnh có tiền sử, dấu hiệu phát hiện ung thư não và cột sống.
Với những trường hợp nghi ngờ, có dấu hiệu nêu trên, chụp MRI giúp bác sĩ có hình ảnh giải phẫu cấu trúc vùng cột sống người bệnh, từ đó đưa ra kết luận và phương hướng điều trị phù hợp.
Ngoài ra, chụp cộng hưởng cột sống được chỉ định khi bạn kiểm tra sức khỏe tổng quát, muốn tầm soát sức khỏe nhằm phòng tránh những bệnh lý liên quan.
Các vị trí cần chụp cộng hưởng từ cột sống
Theo như chia sẻ trên của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, chụp cộng hưởng từ cho ra hình ảnh chi tiết và rõ nét về cột sống. Đặc biệt là hai vị trí cột sống thắt lưng và cột sống cổ, đây là hai vùng dễ gặp chấn thương, có tiên lượng xấu.
Cột sống cổ
Chụp MRI cột sống cổ được thực hiện khi:
- Xuất hiện tình trạng đau nhức cổ vai gáy, tê bì chân tay kéo dài.
- Nghi ngờ thoát vị đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh và ống sống.
- Nghi ngờ lồi, phình hoặc thoái hóa cột sống.
- Nghi ngờ xuất hiện khối u trong xương, phần mềm vùng cột sống cổ.
- Nghi ngờ bất thường liên quan đến mạch máu, đám rối thần kinh cánh tay.
- Phát hiện chấn thương, xẹp, trượt đốt sống cổ.
(Chụp MRI cột sống cổ khi có những nghi ngờ, phát hiện chấn thương)
Chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có thể cho ra hình ảnh đa chiều, lát cắt mỏng chỉ 1mm nên bác sĩ có thể quan sát chi tiết tình trạng tại phần mềm và cột sống cổ. Đồng thời, tăng khả năng phát hiện những tổn thương tiềm ẩn trong mạch máu, đám rối thần kinh.
Xem thêm: Thoái hóa cột sống cổ - Những điều cần biết để phòng ngừa và điều trị
Cột sống thắt lưng
Chụp MRI cột sống thắt lưng được chỉ định thực hiện khi:
- Bác sĩ cần đánh giá các bất thường, bệnh lý bẩm sinh tại vùng cột sống thắt lưng.
- Nghi ngờ cột sống thắt lưng mắc các bệnh về chèn ép tủy sống, thoái hóa đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, viêm tủy hoặc u tủy.
- Kiểm tra tình trạng cột sống thắt lưng sau chấn thương, giúp phát hiện sớm các vấn đề tại đĩa đệm, dây chằng, xương và tủy sống.
- Theo dõi và đánh giá dây thần kinh cột sống bị đè nén hoặc viêm nhiễm.
(Đánh giá bệnh lý cột sống thắt lưng qua kỹ thuật chụp MRI)
Hơn hết, hình ảnh cho ra từ MRI có độ tương phản cao, những vùng khó quan sát như tủy xương, dây thần kinh, mô mềm, dây chằng, mấu khớp của thắt lưng thông qua kỹ thuật này trở nên rõ nét, giúp bác sĩ quan sát và phát hiện kịp thời.
Quy trình kỹ thuật chụp MRI cột sống
Kỹ thuật MRI cột sống được thực hiện bởi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và chuyên viên MRI, sử dụng hệ thống máy chụp MRI tiên tiến. Không những vậy, quá trình diễn ra phải được thực hiện trong phòng chụp đạt tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Y tế.
Chuẩn bị chụp
Đầu tiên, người bệnh sẽ được khám sức khỏe cơ bản như trong người có chứa vật kim loại nào không, tiền sự bệnh lý, nghi ngờ mang thai hoặc mang thai,... Nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh, đồng thời giữ cho thiết bị hoạt động ổn định.
Nếu nằm trong trường hợp cần tiêm thuốc tương phản từ, bác sĩ sẽ yêu cầu chữ ký xác nhận đồng ý thực hiện của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Bạn cũng có thể yêu cầu bác sĩ giải đáp, phân tích và chia sẻ thêm về quy trình thực hiện chụp MRI cột sống.
(Bác sĩ chia sẻ, giải đáp thắc mắc về chụp MRI cột sống)
Khi đủ điều kiện thực hiện chụp MRI cột sống, kỹ thuật viên sẽ đề nghị bạn tháo bỏ vật dụng trên người như trang sức, thiết bị điện tử. Cuối cùng, bạn cần thay quần áo chuyên dụng trước khi bước vào phòng máy.
Tiến hành kỹ thuật
Chụp cộng hưởng từ cột sống thường diễn ra trong khoảng 15 - 45 phút, tùy thuộc vào tình trạng bệnh cũng như chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Quy trình thực hiện như sau:
- Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh nằm trên bàn chụp, khi ổn định vị trí sẽ tiến hành tiêm chất đối quang từ với người được chỉ định. Tùy từng cơ sở mà bạn sẽ được đeo tai nghe, bịt tai để giảm tiếng ồn phát ra từ máy MRI.
- Nhân viên y tế tại phòng máy sẽ di chuyển bàn chụp vào bên trong khoang máy MRI, người bệnh có thể thực hiện thêm một số yêu cầu như không nuốt nước bọt, giữ nguyên tư thế, nín thở nhằm cho ra kết quả rõ nét nhất.
Lưu ý: - Vị trí nằm chụp có thể thay đổi theo chỉ định của bác sĩ.
- Đắng lưỡi và cơ thể ấm lên là phản ứng cơ bản sau khi tiêm thuốc tương phản từ, thường biến mất sau khoảng 5 phút.
Chụp MRI cột sống bao lâu có kết quả?
Sau khi chụp MRI cột sống kết thúc, bàn chụp sẽ được di chuyển ra bên ngoài cục nam châm. Thông thường, người bệnh cần chờ 30 phút để nhận kết quả và phim chụp, thời gian có thể thay đổi nếu cần hội chẩn chuyên sâu.
(Chụp MRI cột sống thường trả kết quả sau 30 phút)
Trừ trường hợp dùng thuốc gây mê cần thời gian tan thuốc, mẹ cho con bú ngừng cấp sữa trong 48 giờ thì người bệnh hoàn thành chụp cộng hưởng từ có thể sinh hoạt bình thường.
Lợi thế và hạn chế của chụp MRI cột sống
Chụp MRI cột sống có hạn chế nào không? Đây là thắc mắc của không ít bệnh nhân khi tìm hiểu hoặc nhận chỉ định chụp cộng hưởng từ. Trên thực tế, mọi kỹ thuật đều có ưu và nhược điểm riêng nhưng mặt hạn chế chỉ chiếm một phần nhỏ, không đáng kể.
Lợi thế
Hiện tại, MRI cột sống là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiệu quả nhất, cho phép quan sát rõ ràng tủy sống, dây thần kinh tại cột sống và mô lân cận mà không sử dụng các năng lượng bức xạ, giảm nguy cơ nhiễm phóng xạ cho người bệnh.
Khả năng tương phản hình ảnh của MRI rất tốt, hỗ trợ phát hiện những bất thường bên trong cột sống mà các xét nghiệm khác không cho kết quả. Đặc biệt với những vùng bị xương che khuất, chụp X-quang và chụp CT rất khó thấy được.
(Chụp cộng hưởng từ cột sống giúp phát hiện những bất thường bên trong)
Sử dụng chất tương phản từ gadolinium trong chụp MRI cột sống cũng là một ưu điểm, loại thuốc này ít nguy cơ gây phản ứng dị ứng hơn chất cản quang i-ốt được dùng khi thực hiện X-quang và CT.
Với trường hợp nghi ngờ xuất hiện khối u tại vùng cột sống, chụp MRI có thể đánh giá tốt tình trạng, mức độ xâm lấn, vị trí, kích thước, giúp bác sĩ đánh giá khách quan trước khi thực hiện phẫu thuật.
Ngoài ra, thực hiện chụp MRI cột sống hỗ trợ bác sĩ đánh giá tình trạng nhiễm trùng, áp xe, chảy máu, tái phát thoát vị đĩa đệm. Qua đó xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp, kịp thời để bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Hạn chế
Tính đến thời điểm hiện tại, gần như không có ghi nhận chụp MRI cột sống gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người. Tuy nhiên, kỹ thuật này còn tồn tại một số bất tiện như:
- Thời gian thực hiện lâu hơn chụp CT, X-quang nên không thể áp dụng với trường hợp cấp cứu.
- Tiếng ồn lớn có thể gây khó chịu cho người bệnh, tuy nhiên có thể sử dụng tai nghe hoặc bịt tai để giảm tiếng ồn.
- Chi phí chụp MRI cột sống hơn những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, nhưng kết quả cho ra chất lượng và có giá trị cao.
- Người chứa các mảnh kim loại, từng phẫu thuật cấy ghép kim loại hoặc đặt thiết bị nhân tạo bị hạn chế, chống chỉ định chụp MRI vì có thể tạo xảo ảnh, gây hại sức khỏe.
Chụp MRI cột sống bao nhiêu tiền?
Giá chụp cộng hưởng từ cột sống hiện dao động trong khoảng 1.800.000 - 2.500.000 VNĐ, người bệnh sử dụng thêm chất đối quang từ cần chi trả thêm 300.000 - 600.000 VNĐ. Mức giá giữa các cơ sở y tế có sự chênh lệch nhất định, phục thuộc vào cơ sở vật chất, công nghệ sử dụng, trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ.
Chụp MRI cột sống ở đâu?
Chụp MRI cột sống hiện được sử dụng tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc, tuy nhiên để đảm bảo hình ảnh cho ra có giá trị thì bạn nên lựa chọn đơn vị sử dụng máy MRI 1.5T trở lên, đời máy thấp hơn có thể không phát hiện hết được các bất thường tại vùng cột sống.
(Chụp MRI cột sống tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông)
Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông được trang bị hệ thống máy MRI Multiva 1.5 Tesla đến từ hãng Philips. Kỹ thuật hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chuyên môn giàu kinh nghiệm luôn hết mình trong công tác đánh giá và phát hiện bệnh lý, nhằm tăng tốc quá trình điều trị.
Đặt lịch khám, chụp cộng hưởng từ cột sống và các bệnh lý khác tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc đăng ký trực tiếp tại số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Như vậy, qua bài viết bạn đã biết chụp MRI cột sống là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh, được sử dụng để tầm soát và phát hiện bệnh lý liên quan. Song song với đó là những ưu nhược điểm, quy trình thực hiện, chi phí và địa điểm chụp MRI uy tín.