Thoái hóa cột sống cổ - Những điều cần biết để phòng ngừa và điều trị

Thao Tran

11-08-2023

goole news
16

Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, lao động… bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Chính vì vậy, việc nắm được thông tin và cách phòng ngừa về bệnh là điều vô cùng quan trọng. Đừng bỏ qua bài viết ngày hôm nay của BVĐK Phương Đông để hiểu rõ hơn về thoái hóa cột sống cổ. 

Tìm hiểu thông tin chung về thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ (Cervical spondylosis) bệnh lý mạn tính phổ biến, tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động và biến dạng cột sống nhưng không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp hoặc địa đệm cột sống cổ kết hợp với những thay đổi ở màng dịch hoạt và phần xương dưới sụn. Có thể gặp ở thoái hóa ở bất kỳ đoạn nào, song thường gặp nhất là ở đoạn C5 - C6 - C7.

thoái hóa cột sống cổThoái hóa cột sống cổ - Căn bệnh nguy hiểm và có xu hướng gặp ngày càng nhiều ở giới trẻ

Các triệu chứng bệnh thoái hóa cột sống cổ thường gặp

Biểu hiện của bệnh thoái hóa cột sống cổ rất đa dạng, thường gồm 4 hội chứng sau: 

  • Hội chứng cột sống cổ: Đau nhức và có thể kèm theo co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ; triệu chứng đau tăng lên khi cúi đầu kéo dài hoặc tư thế cổ thẳng, căng thẳng, mệt mỏi, lao động nặng, thời tiết thay đổi đặc biệt là bị nhiễm lạnh; có điểm đau ở cột sống cổ; vận động cột sống cổ gặp khó khăn.
  • Hội chứng rễ thần kinh cổ: Cơ đau có thể lan từ xuống tay hoặc đau quanh khớp vai, đau vùng gáy; đau sâu trong cơ xương khiến người bệnh có cảm thấy nhức nhối và có thể kèm cảm giác kiến bò, tê rần dọc cánh tay và lan đến ngón tay; đau răng lan khi vận động cột sống cổ ở các tư thế (quay, nghiêng, cúi, ngửa) hoặc ngồi lâu, hắt hơi, ho…. Có thể kèm hiện tượng chóng mặt, yếu cơ hoặc teo cơ tại cánh tay, vai bên tổn thương. 
  • Hội chứng động mạch đốt sống: nhức đầu vùng chẩm, thái dương, hai hố mắt và trán thường xảy ra vào buổi sáng; có thể kèm u tai, hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt, nuốt vướng; đau tai, lan ra sau tai và đau khi để đầu ở một tư thế nhất định.
  • Hội chứng ép tủy: Tùy mức độ, vị trí tổn thương mà biểu hiện chỉ ở chi trên hoặc cả chi dưới và toàn thân. Đi lại khó khăn, dáng đi không vững; yếu hoặc liệt chi, teo cơ ngọn chi và tăng phản xạ gân xương.
  • Biểu hiện khác: Tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ và giảm năng suất lao động…

Các biểu hiện trên có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời tùy theo vị trí cột sống cổ bị tổn thương.

Biểu hiện của thoái hóa đốt sống cổ Biểu hiện của thoái hóa đốt sống cổ tương đối đa dạng 

Một số nguyên nhân gây bệnh thoái hóa cột sống cổ

Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa đốt sống cổ là do quá trình lão hóa của tổ chức sụn, tế bào, tổ chức khớp và quanh khớp (thần kinh, dây chằng, cơ cạnh cột sống…) hoặc tình trạng sụn khớp phải chịu áp lực quá tải trong thời gian dài.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc thoái hóa đốt sống cổ là người lớn tuổi từ 40 - 50 tuổi và bao gồm cả nam, nữ. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa (từ 25 - 30 tuổi) bởi những thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng như làm việc thiếu khoa học.

Một số yếu tố, thói quen dẫn đến nguy cơ dễ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ gồm:

  • Ít vận động, tập thể thao.
  • Nằm và ngồi sai tư thế trong một thời gian dài.
  • Tiền sử chấn thương vùng cổ.
  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học, không bổ sung đủ vitamin D và các chất như canxi và magie.
  • Người béo phì - thừa cân.
  • Do đặc thù công việc: mang vác vật nặng hay ngồi máy tính nhiều…
  • Có bố mẹ, ông bà và người thân trong gia đình bị thoái hóa đốt sống cổ.

nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổMột số nguyên nhân gây bệnh thoái hóa đốt sống cổ

Bệnh thoái hóa cột sống cổ có nguy hiểm không? 

Đây là một bệnh nguy hiểm. Nếu không được điều trị đúng cách thì thoái hóa đốt sống cổ sẽ tiến triển và gây ra những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người bệnh. 

  • Chèn ép thần kinh gây ra hội chứng cánh vai cánh tay một bên hoặc cả hai bên. 
  • Chèn ép các động mạch đốt sống khiến người bệnh bị chóng mặt và đau đầu.
  • Chèn ép tủy gây đau nhức, yếu tứ chi, đi lại gặp nhiều khó khăn hoặc thậm chí là bại liệt không thể vận động được.

Chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh thoái hóa cột sống cổ, thay vì quá lo lắng thì bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đầu tiên bác sĩ sẽ thực hiện thăm hỏi tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh và kiểm tra lâm sàng cho người bệnh, sau đó sẽ thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Cận lâm sàng

  • Tiến hành xét nghiệm bilan viêm và các xét nghiệm cơ bản nhằm loại trừ những bệnh lý như viêm nhiễm, bệnh ác tính.
  • Chụp X-quang cột sống cổ với các tư thế: thẳng, nghiêng, chếch 3/4 phải và trái để phát hiện các bất thường như gai xương ở thân đốt sống, giảm chiều cao đốt sống, đĩa đệm, mất đường cong sinh lí, đặc xương dưới sụn, hẹp lỗ liên hợp…
  • Chụp cộng hưởng từ cột sống cổ nhằm xác định chính xác vị trí của rễ bị chèn ép, vị trí của khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, mức độ hẹp ống sống, đồng thời có thể phát hiện các nguyên nhân ít gặp khác ( khối u, viêm đĩa đệm đốt sống…).
  • Chụp CT- scan: chỉ định khi không có điều kiện chụp cộng hưởng từ vì có hiệu quả chẩn đoán kém chính xác.
  •  Điện cơ: giúp phát hiện, đánh giá tổn thương của các rễ thần kinh.

Chẩn đoán xác định

Cho đến nay, vẫn chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán xác định thoái hóa đốt sống cổ. Việc chẩn đoán cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng như:

  • Đau tại vùng cột sống cổ và có một hoặc nhiều hơn các triệu chứng thuộc 4 hội chứng: hội chứng cột sống cổ, hội chứng rễ thần kinh cổ, hội chứng động mạch đốt sống và hội chứng ép tủy.
  • X-quang cột sống cổ bình thường hoặc có triệu chứng của thoái hóa. 
  • Chụp cộng hưởng tử hoặc CT-san: vị trí và mức độ thần kinh bị chèn ép, nguyên nhân chèn ép (gai xương, thoát vị đĩa đệm…).
  • Cần lưu ý: gần đây có trường hợp người bệnh không sốt, tình trạng bệnh toàn thân không bị thay đổi, không có rối loạn chức năng thuộc bất kỳ cơ quan nào mới xuất hiện, không có các biểu hiện đau các vùng cột sống: cổ, lưng, sườn, khớp khác… Các xét nghiệm viêm và bilan phospho-calci cho kết quả âm tính.

Xem thêm: Chụp cộng hưởng từ (MRI): Tất tần tật về quy trình và ưu nhược điểm

Chẩn đoán phân biệt

Việc thực hiện chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ cần được phân biệt với:

  • Các chấn thương vùng cột sống cổ gây tổn thương đĩa đệm, xương.
  • Các bệnh lý tủy xương lành tính hoặc ác tính, các ung thư xương hoặc di căn xương.
  • U thần kinh, u nội tủy…
  • Các bệnh lý hệ động mạch sống nền.

Bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể chữa khỏi được không?

"Thoái hóa đốt sống cổ có thể chữa khỏi được không" là một trong những mối quan tâm hàng đầu của những ai không may gặp phải bệnh lý này. Câu trả lời là thoái hóa đốt sống cổ không thể chữa trị dứt điểm hoàn toàn, giúp đốt sống bị thoái hóa trở về trạng thái giống như ban đầu. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm thì người bệnh có thể phục hồi, kiểm soát tốt các triệu chứng và hạn chế mức độ tiến triển của bệnh.

Chình vì vậy, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh thoái hóa đốt sống cổ thì bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được thăm khám và điều trị ngay, tránh để bệnh kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt và công việc.

Điều trị thoái hóa cột sống cổ 

Nguyên tắc chung

  • Phối hợp giữa điều trị nội khoa với phục hồi chức năng, luyện tập và thay đổi lối sống nhằm mục đích bảo vệ cột sống và tránh bệnh tái phát.
  • Áp dụng các liệu pháp giảm đau theo các mức độ nhẹ - vừa - nặng và hạn chế sử dụng trong thời gian dài.
  • Tăng cường sử dụng các nhóm thuốc điều trị bệnh theo nguyên nhân.

Điều trị cụ thể

Điều trị nội khoa

Các thuốc thường được sử dụng trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ gồm:

  • Paracetamol: Là lựa chọn ưu tiên với sự cân bằng giữa hiệu quả mong muốn và tác dụng phụ. Có thể dùng đơn chất hoặc phối hợp cùng với các chất giảm đau trung ương như dextropropoxiphene, codein…
  • Tramadol: Có hiệu quả, chỉ dùng khi nhóm giảm nêu trên không đáp ứng và không nên dùng kéo dài. Một số trường hợp hữu hạn, thể tăng đau có thể chỉ định dùng opioids ngắn ngày với liệu ít nhất có thể.
  • Nhóm thuốc giảm đau, chống viêm steroid liều thấp dùng theo đường uống hoặc dạng bôi: các dạng kinh điển (ibuprofen, diclofenac, naproxen…) hoặc các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (etoricoxib, celecoxib…). Tuy nhiên, cần thận trọng ở người bệnh lớn tuổi, có bệnh tiêu hóa, thận mạn tính hoặc tim mạch.
  • Thuốc giãn cơ.
  • Nhóm thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm.
  • Tiêm Glucocorticoid cạnh cột sống: Cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không tiêm quá 3 lần/năm trên cùng một khớp. Trường hợp chèn ép rễ, có thể tiêm thẩm phân corticosteroid tại rễ theo hướng dẫn của CT.

thuốc chữa thoái hóa đốt sống cổNhiều người quan tâm thuốc chữa thoái hóa đốt sống cổ nào tốt

Phục hồi chức năng

  • Luyện tập các bài tập vận động vùng cổ, nhất là người bệnh đã mang nẹp cổ trong thời gian dài, người bệnh có công việc ít vận động vùng cổ. 
  • Nghỉ ngơi, giữ ấm và tránh thay đổi đột ngột tư thế cột sống cổ.
  • Các liệu pháp vật lý trị liệu: sử dụng sóng siêu âm, nhiệt… Có thể kéo giãn cột sống cổ nhưng nên thực hiện với mức độ tăng dần một cách từ từ. 

Điều trị ngoại khoa

Chỉ chỉ định trong các trường hợp có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống đã tiến triển nặng, trượt đốt sống độ 3 - 4 hoặc đã điều trị nội khoa và phục hồi chức năng thất bại sau 03 tháng.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ là căn bệnh khó tránh khỏi với người cao tuổi khi cơ thể già đi. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể làm chậm quá trình lão hóa, phòng ngừa bệnh ở người trẻ, giảm triệu chứng ở người già bằng các biện pháp tích cực sau:

Chế độ ăn hợp lý, dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng tốt giúp duy trì sức khỏe nói chung và sức mạnh cơ xương khớp nói riêng. Vì vậy, đây là biện pháp quan trọng để phòng ngừa thoái hóa cột sống cổ. Chế độ dinh dưỡng tốt cho xương khớp cần lưu ý:

  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin D, canxi có trong sữa, trứng, các loại hạt…
  • Thực phẩm nhiều chondroitin, omega-3, glucosamine… có trong cá biển, gân, sụn động vật để ngăn ngừa yếu tố phá hủy sụn khớp.
  • Tăng cường các loại trái cây, rau củ quả giàu vitamin C để cung cấp chất oxy hóa cơ thể, chống viêm và tăng sức đề kháng.
  • Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, thực phẩm cay nóng, chiên rán và đồ ăn nhanh.

Điều chỉnh các tư thế sinh hoạt thiếu lành mạnh

Bao gồm cả tư thế học tập, làm việc, ngủ nghỉ, ăn uống, khuân vác vật nặng… đều cần phải điều chỉnh tốt cho cột sống và làm chậm quá trình lão hóa.

  • Khi đứng hoặc ngồi nên thẳng lưng để vừa giúp cơ thể thoải mái, vừa có tính thẩm mỹ cao.
  • Khi khuân vác vật nặng nên nhờ sự hỗ trợ của người khác hoặc dùng công cụ hỗ trợ để tránh tải trọng lớn làm tổn thương tới cột sống cổ.
  • Khi làm việc liên tục với máy tính, nên vận động đi lại sau khoảng 1 tiếng.

Tăng cường hoạt động thể chất

Thường xuyên rèn luyện thể thao giúp tăng cường sức khỏe và duy trì độ bền chắc cho hệ xương khớp. Bạn có thể lựa chọn một số môn thể thao yêu thích và luyện tập đều đặn hằng tuần như đạp xe, bơi lội, yoga, dưỡng sinh…

phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổNhững bài tập yoga nhẹ nhàng giúp phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ

Thăm khám, điều trị sớm các dị tật của cột sống cổ

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường tại cột sống cổ, bạn nên chủ động đến đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán tình trạng và tích cực điều trị. Điều này giúp hạn chế các dị tật tiến triển nặng hơn gây ra những ảnh hưởng và biến chứng nghiêm trọng.

Sức khỏe cột sống và xương khớp là yếu tố quan trọng giúp bạn có được một sức khỏe toàn diện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, người bệnh thoái hóa cột sống cổ cần tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ, tái khám định kỳ theo lịch hẹn để có được quyết định điều trị tiếp theo.

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là địa chỉ khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Khi đến đây, khách hàng chắc chắn sẽ hài lòng với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và  vững chuyên môn, được đào tạo bài bản về cơ xương khớp cùng hệ thống trang thiết hiện đại hỗ trợ tối đa cho quá trình thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị.

Để đặt lịch khám, tư vấn cùng bác sĩ chuyên khoa hàng đầu tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 1900 1806 hoặc để lại thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

831

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám