Chụp MRI toàn thân là gì? Phát hiện ung thư nhờ chụp MRI toàn thân

Phương Loan

12-01-2024

goole news
16

Chụp MRI toàn thân hay Chụp cộng hưởng từ toàn thân là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, có thể cho ra kết quả chi tiết và chính xác nhất hiện nay. Thông qua phương pháp này, người bệnh cũng như bác sĩ có thể phát hiện sớm các khối u để từ đó có phác đồ điều trị chuẩn và nhanh chóng.

Chụp MRI toàn thân là gì?

Chụp MRI toàn thân là một kỹ thuật mới về tạo hình cắt lớp, sử dụng sóng radio và từ trường để tác động lên các bộ phận bên trong cơ thể. Những nguyên tử hydro dưới sức ảnh hưởng của hai loại sóng sẽ hấp thụ và giải phóng năng lượng, thiết bị có trong máy chụp MRI toàn thân sẽ ghi nhận các tín hiệu rồi chuyển đổi thành hình ảnh.

Máy MRI toàn thân sử dụng sóng radio và từ trường

(Máy MRI toàn thân sử dụng sóng radio và từ trường)

Hình ảnh thu được từ máy chụp MRI có độ phân giải cao, cấu trúc cơ thể rõ ràng và sắc nét. Nếu cần thì các bác sĩ có thể tái tạo 3D từ hình ảnh ban đầu, nhằm tăng hiệu suất và chất lượng trong quá trình chẩn đoán bệnh.

Những trường hợp nào cần chụp MRI toàn thân

Chụp MRI toàn thân không chỉ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, mà bệnh nhân còn tránh tiếp xúc với bức xạ ion hóa, không gây nguy hiểm nên được ưa chuộng để kiểm tra cơ thể. Hiện nay, chụp MRI được thực hiện nhằm hai mục đích chính là:

  • Tầm soát bệnh lý thường gặp tại những cơ quan thiết yếu như đầu, cổ, ngực, cột sống, bụng - chậu,...
  • Kiểm tra mức độ di căn của tế bào ung thư trong trường hợp người bệnh không thể hiện hiện kỹ thuật chụp PET - CT.

Chụp cộng hưởng từ toàn thân sẽ do bác sĩ hoặc người có chuyên môn chỉ định, dưới đây sẽ là một số trường hợp sẽ được yêu cầu chụp MRI:

  • Người bệnh được chẩn đoán có khối u nguyên phát, chụp MRI toàn thân giúp bác sĩ đánh giá chuyên sâu hơn về độ lan rộng của khối u trong cơ quan đó hoặc trên tất cả các bộ phận, từ đó phân loại giai đoạn của bệnh.
  • Người bệnh sau khi tiến hành phẫu thuật, hóa hoặc xạ trị, trường hợp này chụp cộng hưởng từ giúp bác sĩ đánh giá lại tình trạng điều trị theo ba cấp (không đáp ứng, đáp ứng một phần, đáp ứng hoàn toàn), đồng thời có thể phát hiện tổn thương mới.
  • Người bệnh xuất hiện tổn thương có tính chất thứ phát, lan rộng toàn thân mà chưa rõ nguyên nhân, trường hợp này được chỉ định chụp MRI để đánh giá toàn diện tình trạng tổn thương ở hiện tại.

Ưu và nhược điểm của chụp MRI toàn thân

Chụp MRI toàn thân có ưu điểm là không sử dụng bức xạ mà vẫn cho ra hình ảnh chi tiết, sắc nét, thậm chí có thể tạo dựng 3D. Song, phương pháp này vẫn còn một số hạn chế gây bất tiện cho người bệnh, cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu trong phần nội dung này.

Ưu điểm

Đầu tiên, lợi thế lớn nhất của chụp cộng hưởng từ toàn thân là độ an toàn, máy chụp MRI toàn thân không sử dụng tia X hay những loại năng lượng xâm lấn. Vậy nên, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này được ưu tiên trong khám sàng lọc, kiểm tra bệnh ở người có sức khỏe ổn định.

Thứ hai, hình ảnh cho ra từ chụp MRI có độ phân giải cao, cấu trúc cơ thể giải phẫu chi tiết mà không cần tiêm thuốc cản quang. Nhờ vậy, những tổn thương, dấu hiệu bất thường, khối u lớn hay những khối u nhỏ hơn 3 mm đều có thể được phát hiện.


(Hình ảnh chụp MRI toàn thân rõ nét)

Cuối cùng, kỹ thuật thực hiện chụp MRI toàn thân tương đối đơn giản khi người bệnh chỉ cần nằm yên trên một mặt phẳng. Kết thúc quá trình, bạn có thể sinh hoạt bình thường thay vì hạn chế tiếp xúc như khi chụp PET - CT.

Nhược điểm

Nhằm thu được hình ảnh chất lượng tốt nhất, bệnh nhân sẽ được yêu cầu không di chuyển, phải nằm bất động ở một tư thế khi chụp MRI toàn thân. Thế nên, chỉ một di chuyển nhỏ trong khi diễn ra cũng có thể ảnh hưởng tới toàn bộ hình ảnh giải phẫu, người bệnh cần chụp lại nếu hình ảnh không đạt.

Chụp MRI toàn thân thường diễn ra trong 40 - 60 phút, tốn nhiều thời gian, nên những trường hợp cấp cứu cần chẩn đoán hình ảnh sẽ không thể sử dụng kỹ thuật hiện đại này để đánh giá tình trạng tổn thương.

Máy MRI được đặt trong một không gian kín, người bệnh sợ không gian kín rất khó thực hiện kỹ thuật này. Cùng với đó là tiếng ồn lớn khi chụp nên có thể gây đau, nhức đầu cho bệnh nhân.

Chụp cộng hưởng từ toàn thân có thể kiểm tra bộ phận nào?

Theo chia sẻ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, chụp MRI toàn thân giúp kiểm tra và đánh giá tất cả các bộ phận bên trong cơ thể. Bao gồm những cơ quan sau đây:

  • Với vùng đầu, chụp MRI có thể phát hiện u não, dị dạng mạch máu não, thoái hóa não, u vùng hàm mặt.
  • Với lồng ngực, chụp MRI giúp kiểm tra hình thái tim, ngoài ra có thể phát hiện u trung thất hay u phổi.
  • Với vùng cổ, kỹ thuật MRI giúp khảo sát tuyến nước bọt, khảo sát phần mềm ở cổ, phát hiện u tuyến giáp, u hầu họng.

Chụp cộng hưởng từ toàn thân có thể kiểm tra 6 bộ phận cùng lúc

(Chụp cộng hưởng từ toàn thân có thể kiểm tra 6 bộ phận cùng lúc)

  • Với xương cột sống, MRI phát hiện lao, khối u, thoát vị đĩa đệm, ung thư cột sống, đánh giá xương cột sống cũng như các dây thần kinh.
  • Với ổ bụng, phương pháp này có thể phát hiện u thận, u tụy, u gan, phúc mạc.
  • Với chậu hông, chụp MRI phát hiện u tử cung, u trực tràng, u buồng trứng, đánh giá các vùng xương chậu, khớp háng, tuyến tiền liệt của nam giới.

Như vậy, chụp cộng hưởng từ toàn thân giúp người bệnh và bác sĩ có thể kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe của sáu bộ phận trong cơ thể chỉ trong một lần thực hiện.

Chụp MRI toàn thân có tác dụng gì?

Không đơn thuần được ưa chuộng vì hình ảnh chi tiết, sắc nét, có thể tái tạo 3D, chụp MRI toàn thân còn áp dụng để phát hiện tế bào ung thư mà người bệnh không phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như CT, X-quang, nội soi hay siêu âm.

Một số bệnh ung thư phát hiện được bằng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ toàn thân như:

  • Những khối u thần kinh nội tiết của cơ quan tụy, tuyến giáp, tuyến thượng thận hoặc u tế bào Merkel.
  • Các loại ung thư xương như Sarcoma xương, đa u tủy xương, lymphoma.
  • Ung thư đường tiết niệu sinh dục như ung thư bàng quang, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư biểu mô tế bào thận (RCC).
  • Ung thư nguyên phát hay gây di căn xương như ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến.
  • Ung thư biểu mô đường tiêu hoa như Carcinoma đại trực tràng, dạ dày.
  • Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), biểu mô đường tiêu hóa.
  • Những khối u phần mềm như u xơ thần kinh, u xơ.

Ngoài những bệnh nhân ung thư, những người có bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, viêm gan hay các khối u lành tính đều có thể chụp cộng hưởng từ để kiểm tra tình trạng bệnh. Vậy nên, chụp cộng hưởng từ toàn thân nói riêng và thăm khám sức khỏe thường xuyên nói chung giúp phát hiện bệnh lý, từ đó điều trị kịp thời và làm tăng khả năng chữa khỏi.

Chụp MRI toàn thân diễn ra như thế nào?

Kỹ thuật chụp MRI cho phép quét toàn bộ cơ thể, thường từ đỉnh đầu đến giữa đùi, chỉ với một chiếc máy. Nội dung tiếp theo đây, Phương Đông sẽ giới thiệu đến bạn quy cách thực hiện, yếu tố ảnh hưởng đến kết quả và lưu ý khi chụp cộng hưởng từ.

Quy cách thực hiện chụp cộng hưởng từ toàn thân

Thông thường, quy cách thực hiện chụp MRI toàn thân sẽ gồm 3 bước như sau:

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm trên bàn chụp, nhân viên kỹ thuật sẽ cố định vị trí bằng dây nhằm đảm bảo nằm yên một vị trí.
  • Bước 2: Những dụng cụ coil có khả năng phát và nhận sóng radio được đặt trùm lên toàn bộ cơ thể, từ đầu đến chân bệnh nhân.
  • Bước 3: Người bệnh sẽ được đưa vào khối nam châm lớn của máy chụp MRI toàn thân, kỹ thuật viên khi đó sẽ thực hiện và điều khiển chụp ở bên ngoài phòng máy.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả MRI

Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nín thở để chụp hình ảnh, nên nếu không nín thở tốt hoặc cử động trong quá trình chụp có thể khiến hình ảnh bị mờ.

Bệnh nhân cần nín thở để đảm bảo chất lượng hình ảnh

(Bệnh nhân cần nín thở để đảm bảo chất lượng hình ảnh)

Những bệnh nhân đã cấy ghép các vật kim loại như đinh nẹp xương, khớp xương, chỏm xương nhân tạo, van tim nhân tạo, kẹp mạch máu, máy trợ thính hoặc máy tạo nhịp tim nhân tạo cũng có thể khiến hình ảnh bị rung. Vậy nên, cần khai báo trung thực để bác sĩ, chuyên gia xem xét khả năng chụp MRI toàn thân.

Những lưu ý khi chụp MRI toàn thân

Ngoài đảm bảo nằm yên một chỗ, nín thở tốt, tiền sử cấy ghép kim loại thì sau đây là những lưu ý mà người bệnh cần biết trước khi chụp MRI toàn thân:

  • Máy chụp MRI toàn thân sử dụng từ trường mạnh nên trước khi thực hiện, bệnh nhân cần bỏ những vật dụng kim loại như đồng hồ, khuyên tai, khuyên mũi, khuyên bụng, nhẫn, vòng cổ hay lắc tay, lắc chân.
  • Xuyên suốt quá trình thực hiện, người bệnh cần nằm yên, phối hợp nhịp thở theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên.
  • Một số dòng máy chụp cộng hưởng từ toàn thân cũ vẫn có thể dùng thuốc cản quang, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, đầy hơi hoặc đau đầu.
  • Chụp MRI thường không phải nhịn ăn, uống, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Đối tượng phụ nữ mang thai, nghi ngờ mang thai cần khai báo với bác sĩ trước khi thực hiện kỹ thuật chụp MRI, nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé.

Chụp MRI toàn thân giá bao nhiêu?

So với phương pháp chụp CT, chụp X-quang, nội soi hay siêu âm, chi phí chụp cộng hưởng từ toàn thân tương đối cao, có thể lên tới 11.000.000 VNĐ cho mỗi lần thực hiện. Mức giá chụp cộng hưởng từ sẽ chênh lệch nhất định, tùy thuộc vào hai yếu tố như sau:

  • Chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ và giá trị của từng bệnh viện cũng sẽ tạo nên sự chênh lệch về chi phí chụp cộng hưởng từ.
  • Loại máy mà bệnh viện sử dụng, người bệnh thực hiện với máy MRI cũ sẽ chi trả mức phí khác biệt nhất định với máy MRI đời mới.

Chụp MRI toàn thân ở đâu?

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hiện là một trong số ít bệnh viện hàng đầu về lĩnh vực y tế, với độ uy tín cao. Sở hữu đội ngũ y tế đầy kinh nghiệm, cùng trang thiết bị hiện đại và hàng đầu thế giới.

Chụp MRI toàn thân tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

(Chụp MRI toàn thân tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông)

Với hệ thống máy chụp MRI Multiva 1.5T đến từ hãng Philips, sử dụng nam châm siêu dẫn có từ lực lớn cho ra hình ảnh sắc nét, chi tiết. Qua đó, hỗ trợ y bác sĩ chẩn đoán hình ảnh về các dị tật hệ thần kinh thai nhi, tế bào ung thư, đánh giá hình thái tim,... nhanh chóng và chính xác.

Bài viết vừa chia sẻ những kiến thức về chụp MRI toàn thân là gì, chụp MRI toàn thân có tác dụng gì, chi phí chụp cộng hưởng từ. Nếu bạn đang nghi ngờ, muốn tầm soát sức khỏe thì hãy liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Phương Đông theo số hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám và tư vấn ngay hôm nay.

1,355

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám