Đái tháo đường type 1: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Doan Nguyen

21-03-2023

goole news
16

Đái tháo đường hay tiểu đường được xếp vào nhóm các bệnh nguy hiểm nhất thời đại. Không chỉ người lớn tuổi mà tỷ lệ các bạn trẻ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng, trong đó thường gặp nhất có đái tháo đường type 1, type 2 và tiểu đường thai kỳ. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về loại type 1 trong bài viết hôm nay.

Tổng quan về bệnh đái tháo đường type 1 

Đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường là một dạng rối loạn chuyển hóa làm cho nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường, từ đó dẫn tới phát sinh nhiều biến chứng không tốt cho cơ thể. Có 3 dạng đái tháo đường thường gặp là đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2 và tiểu đường thai kỳ.

Đái tháo đường type 1 là dạng bệnh khiến cơ thể người phụ thuộc vào insulin. Đây là bệnh lý mãn tính phát sinh từ việc tuyến tụy không thể tiết ra hormone insulin hoặc sản sinh không đủ lượng insulin cần thiết để điều tiết lượng glucose cần bằng cho cơ thể. Khi không có lượng insulin phù hợp, glucose sẽ tích tụ trong máu dẫn đến tiểu đường. Theo sau bệnh đái tháo đường là các biến chứng gây bệnh liên đới tới các bộ phận khác như tim, hệ thần kinh, mắt, thận,…

Đái tháo đường type 1 vì thiếu hụt hormone insulin
Đái tháo đường type 1 vì thiếu hụt hormone insulin

Đái tháo đường loại này thường được chẩn đoán ở trẻ em hoặc người trẻ tuổi nên còn được gọi là bệnh đái tháo đường vị thành niên. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể khởi phát ở nhiều lứa tuổi khác nhau do nhiều nguyên nhân đặc biệt khác.

Thực tế bệnh đái tháo đường tuýp 1 ít gặp hơn loại tuýp 2. Thống kê cho thấy, đái tháo đường tuýp 1 chỉ chiếm khoảng 5-10% trên tổng số bệnh nhân mắc bệnh này.

Xem thêm: Tiểu đường type 2: Nguyên nhân, dấu hiệu và các biến chứng

Nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường type 1

Dù đái tháo đường tuýp 1 chiếm từ 5%- 10% trong tổng số người mắc bệnh đái tháo đường song nguyên nhân chính là do tế bào beta ở tuyến tụy bị phá hủy, do đó mà cơ thể không còn hoặc không đủ insulin cung cấp cho quá trình vận chuyển lượng đường trong máu để chuyển hóa thành năng lượng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế tự miễn.

Nguyên nhân này chiếm 95% các trường hợp được xét nghiệm thăm khám bệnh đái tháo đường type 1. Lý do cơ thể phát sinh cơ chế tự miễn là do hệ miễn dịch của bệnh nhân đã nhận diện lỗi và tấn công nhầm đối tượng, dẫn tới phá hủy các tế bào đang đảm nhiệm nhiệm vụ tiết ra insulin ở tuyến tụy. Những người bệnh này bắt buộc phải được cung cấp insulin từ bên ngoài vào thay thế cho cơ chế tự sản sinh bên trong cơ thể.

Hiện tại, các chuyên gia y tế vẫn không ngừng nghiên cứu thêm các nguyên nhân khác để hỗ trợ quá trình điều trị. Dựa trên số trường hợp mắc bệnh, các nhà khoa học ghi nhận thêm một tình trạng nữa là: khi gia đình có thành viên mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 thì những người còn lại cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Triệu chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường type 1

Bệnh tiểu đường nói chung thường âm thầm tiến triển trong cơ thể người từ vài tháng đến vài năm trước khi bộc lộ rõ nét các triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng khi khởi phát thì có thể kéo dài trong vài tuần đến vài tháng và nhanh chóng có những triệu chứng nghiêm trọng hơn tùy vào thể trạng cơ thể. Đặc biệt đái tháo đường type 1 thường có những triệu chứng dồn dập và nguy hại hơn so với các loại khác.

Các triệu chứng phổ biến thường gặp của đái tháo đường type 1
Các triệu chứng phổ biến thường gặp của đái tháo đường type 1 

  • Khát nước nhiều bất thường, uống nhiều mà vẫn khát
  • Triệu chứng đi tiểu tiện nhiều hơn bình thường cả ngày đêm
  • Gày rộc và sút cân bất thường: bệnh nhân ăn nhiều nhưng ít hấp thụ, cân nặng xu hướng giảm
  • Có cảm giác đói liên tục, vì thiếu hụt insulin nên glucose không đi vào trong tế bào để tạo năng lượng gây ra cảm giác yếu ớt
  • Mệt mỏi, cảm giác khó chịu và thiếu sức sống
  • Vết thương (nếu có) thường khó lành hơn
  • Tê bì chân tay, ngại vận động
  • Da dẻ khô, nứt nẻ do mất nước nhiều khi tiểu đường
  • Một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân xuất hiện biến chứng cấp tính như: hoa mày, choáng váng, đau đầu, mờ mắt, bứt rứt, lú lẫn, thở gấp, đau bụng, mất ý thức, thậm chí dẫn tới hôn mê…
  • Glucose máu, Hba1c cao và Insulin, C-peptid thấp

Các biến chứng thường gặp của đái tháo đường type 1
Các biến chứng nổi bật của đái tháo đường type 1

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 1

  • Người trẻ tuổi có biểu hiện rối loạn điều tiết insulin
  • Người mắc một số bệnh mãn tính dẫn tới rối loạn chức năng tụy, thận
  • Người bị rối loạn chuyển hóa
  • Người mang di truyền bệnh từ từ thân trong gia đình
  • Người trưởng thành có thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh

Biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường type 1

Nếu bệnh đái tháo đường type 1 không được kiểm soát và điều trị sớm sẽ dẫn tới phát sinh các biến chứng nguy hại cho các bộ phận khác, có thể dẫn tới tàn tật hay nguy hại tới tính mạng:

  • Phát sinh các bệnh mạch vành, đau thắt ngực, tim mạch, tăng huyết áp
  • Tổn thương hệ thần kinh gây tê bì chân tay, đau nhức, kiến cắn, nôn mửa, tiêu chảy…
  • Tổn thương thận, suy thận
  • Tổn thương mắt, có thể mù lòa
  • Nhiễm trùng chân, nhiễm trùng da miệng

Biện pháp chẩn đoán đái tháo đường type 1

Tùy thuộc chẩn đoán ban đầu của bác sĩ mà bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu thông qua phân tích mẫu máu và nước tiểu:

  • Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: Xét nghiệm này đo lượng đường huyết của bệnh nhân tại một thời điểm bất kỳ trong ngày.
  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Sau khi nhịn ăn 8 tiếng, bệnh nhân sẽ được lấy máu để tiến hành đo đường huyết.
  • xét nghiệm HbA1c: HbA1c là chỉ số cho biết mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng gần đây. Nếu mức HbA1c cao hơn 6,5%, điều này có thể là dấu hiệu của Tiểu đường type 1.
  • Xét nghiệm kháng thể…: Bác sĩ có thể kiểm tra mức insulin trong máu của bệnh nhân để xác định liệu họ có đái tháo đường type 1 hay không. Họ cũng có thể kiểm tra sự hiện diện của kháng thể kháng insulin hoặc kháng thể kháng tuyến tụy.
  • Kiểm tra dịch tiểu và máu: Bác sĩ có thể kiểm tra mẫu dịch tiểu và máu để tìm ra các dấu hiệu của đái tháo đường, như tình trạng tiểu nhiều, mức đường huyết cao và khác biệt trong mức đường huyết trước và sau bữa ăn.

Biện pháp điều trị đái tháo đường type 1 phổ biến

Đái tháo đường type 1 khi đã bộc lộ ra ngoài thì các triệu chứng thường rất dồn dập và nguy cấp khiến người bệnh khó lòng thích ứng hay kiểm soát tình hình. Nhiều bệnh nhân khi phát hiện ra thì lập tức phải nhập viện theo dõi do quá nghiêm trọng. Lúc này, bệnh nhân cần đặc biệt nghiêm túc trong việc đo lượng đường huyết thường xuyên hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần cho tới khi ổn định.

Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân bị đái tháo đường type 1 uống các loại thuốc điều trị đặc trị, đồng thời kết hợp một số phương pháp điều trị phổ biến nếu cần khác như sau:

1. Bổ sung Insulin chủ động

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh đái tháo đường tuýp 1. Việc cần làm là bệnh nhân phải được cung cấp đủ nhu cầu insulin cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Liều lượng linh hoạt từng thể trạng mỗi người. Bệnh nhân có thể đến các cơ sở y tế hoặc tự bổ sung insulin qua đường tiêm ở tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ, thường thì mỗi ngày từ 2-3 lần.

2. Chế độ dinh dưỡng chuyên biệt và phù hợp

Mục đích cuối cùng của việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng chuyên biệt chính là điều tiết lượng đường được đưa vào cơ thể mỗi ngày để không bị quá tải. Khi không may bị đái tháo đường loại này thì lời khuyên cho các bệnh nhân là hãy tìm tới chuyên gia dinh dưỡng hoặc xin tư vấn chi tiết từ bác sĩ của mình. Ví dụ như: Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ, nhiều bữa phụ trong ngày, ưu tiên ăn các loại đường đa hay đường đơn, chất béo loại nào thì phù hợp…

Chế độ dinh dưỡng chuyên biệt cho người đái tháo đường type 1
Chế độ dinh dưỡng chuyên biệt cho người đái tháo đường type 1

3. Tập thể dục và điều tiết sinh hoạt hợp lý

Chưa cần tới khi bị bệnh thì việc luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày đã giúp chúng ta tăng sức đề kháng, tăng lưu thông máu và chuyển hóa chất. Người mắc bệnh đái tháo đường được khuyên là thường xuyên áp dụng các bài tập phù hợp mỗi ngày, tuần để kiểm soát lượng đường huyết.

Bên cạnh đó, cần chú ý tới việc kiểm tra mắt, chân tay thường xuyên để ngăn chặn, lường trước các biến chứng ngay từ giai đoạn sớm bằng việc định kỳ thực hiện các sàng lọc và kiểm soát biến chứng.

Bệnh nhân chủ động trang bị cho mình thiết bị đo đường huyết hằng ngày và chăm chỉ kiểm tra sức khỏe khi cần.

Bệnh nhân tự kiểm tra đường trong máu tại nhà
Bệnh nhân tự kiểm tra đường trong máu tại nhà

Biện pháp phòng ngừa đái tháo đường type 1

Điều tối quan trọng với người có nguy cơ tiểu đường là cần duy trì cân nặng hợp lý ổn định và cắt giảm lượng mỡ, tinh bột, đường trong khẩu phần ăn hằng ngày

Lời khuyên chung cho một chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm phòng bệnh đái tháo đường type 1:

  • Giảm lượng đường, tinh bột và đồ ngọt, thay bằng rau xanh, hoa quả, trứng, cá
  • Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên màng cám. Nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều cữ, không ăn quá no
  • Tăng các bữa ăn cá, có thể 2 lần/tuần
  • Giảm thức ăn từ mỡ động vật, nội tạng 
  • Ăn nhạt hơn, không uống nước ngọt có gas, bánh kẹo
  • Hạn chế sử dụng nhiều chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá,...
  • Không chỉ người bệnh mà người chưa mắc bệnh cũng được khuyên nên đi bộ mỗi ngày, lựa chọn môn thể thao yêu thích để hoạt động cơ bắp tối thiểu 30-45 phút mỗi ngày
  • Với những bạn trẻ ngồi lâu trên ghế văn phòng nên nghỉ giữa giờ để đứng lên, đi lại thay vì ngồi lâu một chỗ, tận dụng thang bộ hoặc khu nghỉ ngơi để hoạt động cơ thể nhiều hơn

Tại Việt Nam, đái tháo đường type 1 nói riêng và tiểu đường nói chung nằm trong nhóm 4 bệnh nghiêm trọng có tốc độ phát triển nhanh nhất và gây thiệt hại lớn cho con người và xã hội. Điều cần thiết hiện tại là các cơ quan y tế và mỗi cá nhân cùng chung tay trong việc phát hiện các biểu hiện của tiểu đường type 1 càng sớm càng tốt. Khi đó khả năng chữa bệnh sẽ dễ dàng hơn, hạn chế tối đa các biến chức sức khỏe không mong muốn.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,490

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám