Cách nhận biết dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu

Thanh Tuyền

11-10-2022

goole news
16

Suy thận là bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở người, tuy nhiên một số dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Bài viết này sẽ giúp mọi người nhận biết và phát hiện sớm những dấu hiệu suy thận.

Bệnh lý suy thận là gì?

Thận thực hiện nhiệm vụ lọc máu và đào thải các chất độc ra ngoài, chính vì vậy khi cơ quan này gặp rắc rối sẽ gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một trong những bệnh lý nguy hiểm dễ thấy mắc phải là suy thận, đây là bệnh lý khi thận suy giảm chức năng dẫn tới chất thải trong máu sẽ bị tích tụ lại kèm theo một loạt các biến chứng khác.

Thận giữ chức năng lọc máu và đào thải các chất độcThận giữ chức năng lọc máu và đào thải các chất độc

Suy thận gồm 2 loại: 

  • Suy thận mạn tính: thận bị xơ hóa và tổn thương, chức năng thận bị suy giảm, không thể hồi phục được, suy thận mạn phát triển qua từng giai đoạn và trong thời gian dài từ tháng cho đến năm.
  • Suy thận cấp tính: chức năng chính của thận là lọc và đào thải nước, muối và các chất độc dư thừa có trong máu. Khi các chức năng đó mất đột ngột và tiến triển một cách nhanh chóng trong vài giờ đến vài ngày, cơ thể sẽ gặp tình trạng rối loạn cân bằng nước - điện giải.

Nguyên nhân gây suy thận

Nhiều bệnh nhân suy thận nhưng không biết rõ nguyên nhân, dẫn tới việc không biết phòng tránh. Dưới đây là những nguyên nhân gây suy thận phổ biến:

  • Đối với những người được chẩn đoán có huyết áp cao đều cần chụp ảnh thận và kiểm tra chi tiết các chức năng của thận. Khi chức năng thận bị suy giảm, các mạch máu nhỏ ở thận bị chịu áp lực trong thời gian dài, gây tổn thương và suy giảm chức năng thận, nước và muối natri bị giữ lại dẫn tới tình trạng cao huyết áp.  
  • Tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây nên suy thận. Bệnh nhân bị tiểu đường có đường huyết cao, dẫn tới việc hỏng màng đáy của cầu thận và làm thận xơ hóa theo thời gian. Ngoài ra bệnh tiểu đường còn gây nhiều biến chứng lên các cơ quan khác trong cơ thể như tim mạch, thần kinh, mắt…

Tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây nên suy thậnTiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây nên suy thận

  • Sử dụng thuốc có tác dụng phụ gây độc tính ảnh hưởng tới thận và không đúng liều lượng trong thời gian dài sẽ gây nên tình trạng suy thận. Các loại thuốc gây hại cho thận như: thuốc kháng viêm không chứa Steroid, thuốc kháng lao, thuốc kháng sinh nhóm Aminoglycosid…
  • Người có các bệnh lý như hội chứng thận hư, viêm thận bể thận, sỏi thận, viêm cầu thận… không kiểm soát tốt dễ gây áp lực lên hoạt động của thận, từ đó dẫn tới suy thận mạn tính.
  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: ăn nhiều dầu mỡ, muối, đường…, ít rau củ quả khiến thận hoạt động khó khăn hơn.

Các dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu 

Phát hiện sớm các dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng hơn trong việc điều trị và phục hồi.

  • Da khô, phát ban gây ngứa ngáy

Đây là một trong các dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu, thận hoạt động kém dẫn tới việc các chất độc trong máu không được lọc, khiến cơ thể ngứa ngáy toàn thân, nổi mẩn như bị dị ứng, có mùi hôi. Suy thận càng nặng thì mức độ ngứa càng trầm trọng hơn.

  • Đau lưng hoặc đau bụng dưới

Đau lưng hoặc phần hông có thể được nhận biết là dấu hiệu ban đầu của tổn thương cấu trúc thận như viêm bể thận, sỏi thận. Đau bụng dưới được nhận biết là bạn có thể mắc sỏi niệu quản hoặc nhiễm trùng bàng quang.

Các triệu chứng như vậy cần được chú ý, bạn nên tới các địa chỉ bệnh viện hoặc phòng khám uy tín để khảo sát thêm bằng công cụ hình ảnh như chụp X-quang hoặc siêu âm bụng.

Đau lưng là dấu hiệu suy thận giai đoạn đầuĐau lưng là dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu

  • Tay chân phù nề

Biểu hiện sưng phù do việc tích tụ chất lỏng trong các mô mềm và tế bào là một trong những dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu mà bạn cần biết. 

Tình trạng này thể hiện rõ ràng nhất ở những người bị thất thoát protein qua thận như trong hội chứng thận hư. Mất protein trong cơ thể dẫn tới giảm áp lực nội mạch khiến chất lỏng tích tụ ngoài mạch ở các vị trí khác nhau như xung quanh mắt, mu bàn tay, bàn chân.

  • Chán ăn, buồn nôn 

Chán ăn, dễ buồn nôn hầu như là một dấu hiệu phổ biến của suy thận giai đoạn đầu, khi các chức năng thận bị rối loạn nghiêm trọng, triệu chứng này càng trở nên rõ ràng. 

Các chất độc như ure, creatinin và các axit amin khác tích tụ khiến cơ thể cảm thấy chán ăn, làm thay đổi về vị giác, miệng có vị kim loại, dễ gây buồn nôn và nôn vào sáng sớm. 

  • Đi tiểu nhiều, nước tiểu có màu bất thường

Một trong những cảnh báo bạn đang mắc dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu là đi tiểu thường xuyên hơn, khi đi vệ sinh có cảm giác căng tức khó chịu, đặc biệt vào ban đêm do thận suy yếu, chức năng lọc bị hạn chế.

Cơ chế lọc của thận bị tổn thương dẫn tới tình trạng thất thoát protein và tế bào máu vào nước tiểu khiến nước tiểu bị sủi bọt, có màu đậm. Ngoài việc báo hiệu bệnh thận, máu lẫn trong nước tiểu có thể là cảnh báo bạn có thể bị u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng. 

Nước tiểu có màu bất thườngNước tiểu có màu bất thường

  • Mệt mỏi, cơ thể suy nhược

Người bị suy thận luôn cảm thấy mệt mỏi và đuối sức, phải nghỉ ngơi thường xuyên hơn và không thể thực hiện được các hoạt động gắng sức. Ngoài ra bệnh nhân suy thận còn gặp phải tình trạng khó thở, hụt hơi do thiếu máu hoặc tích tụ các chất lỏng còn thừa trong phổi.

Biến chứng của bệnh suy thận 

Không nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như:

  • Cơ thể dễ gặp phải các tình trạng nhiễm trùng do hệ thống miễn dịch bị suy giảm.
  • Hệ thần kinh bị tổn thương khiến trí nhớ suy giảm, tính cách thay đổi bất thường, tiêu cực, nóng nảy, dễ cáu giận.
  • Ham muốn tình dục bị suy giảm do chức năng thận suy yếu, lượng testosterone giảm sút và không được sản sinh thêm, khiến cơ thể rệu rã, mệt mỏi không có sức lực.
  • Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và xương khớp tăng.

Chế độ dinh dưỡng khi mắc dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu 

Những bệnh nhân mắc dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu thường có nhiều thắc mắc và kiêng dè trong chế độ ăn hàng ngày, tuy nhiên việc này không thực sự đúng. Các bạn cần cung cấp đầy đủ, khoa học 4 nhóm chất dưới đây:

  • Tinh bột

Nên lựa chọn các loại lương thực có hàm lượng đường thấp như bột sắn dây, miến dong, gạo trắng xay… Ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám cũng là nguồn cung cấp năng lượng và chất xơ dồi dào rất tốt cho bệnh nhân mắc suy thận. 

Bánh mì nguyên cám là thực phẩm rất tốt với bệnh nhân suy thận Bánh mì nguyên cám là thực phẩm rất tốt với bệnh nhân suy thận 

  • Chất đạm

Bệnh nhân suy thận nên lựa chọn thịt trắng thay cho thịt đỏ, hạn chế sử dụng thịt gia súc và tăng sử dụng thịt gia cầm hơn, ít ăn đồ chiên rán, có thể thay thế bằng việc nướng.

  • Chất béo

Đặc biệt hạn chế sử dụng mỡ động vật vì có nhiều chất béo no, thay vì vậy bệnh nhân mắc các dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu hãy lựa chọn các loại dầu tốt cho sức khỏe như dầu oliu, dầu hạnh nhân, dầu mè…

  • Vitamin, chất xơ

Bổ sung nhiều loại rau và trái cây vào thực đơn hàng ngày để cung cấp đủ chất xơ và vitamin, hạn chế các loại hoa quả có vị ngọt đậm.

Cách phòng ngừa bệnh suy thận 

Suy thận và các biến chứng suy thận gây nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. Chính vì vậy chúng ta cần biết phòng ngừa một cách khoa học để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh như:

  • Thay đổi lối sống ít vận động, tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh và năng động
  • Cân bằng hợp lý giữa việc hoạt động và ngủ nghỉ. Nên tập thể dục khoảng 45-60 phút mỗi ngày như đạp xe, chạy bộ, bơi lội... Ngoài ra cần phải ngủ đủ 8 giờ/ngày và chất lượng giấc ngủ được đảm bảo là điều cần thiết để duy trì sức khỏe.
  • Tạo dựng thói quen ăn uống khoa học 
  • Ăn ít muối: kiểm soát chặt chẽ lượng muối natri đưa vào trong cơ thể, không nên sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn và đóng hộp, hạn chế nêm gia vị vào đồ ăn. Việc ăn ít muối giúp giảm áp lực lên hoạt động của thận, ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp và làm giảm sự tiến triển của bệnh suy thận.
  • Uống nhiều nước: cách đơn giản và phổ biến nhất giúp thận luôn khỏe mạnh. Uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày, đặc biệt là nước ấm giúp cơ thể loại bỏ được ure, natri và các chất độc hại khác.
  • Bỏ hút thuốc: hút thuốc mang đến nhiều tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến thận, phổi, gan, tim mạch... Vì vậy cần ngừng hút thuốc lá ngay lập tức, điều này không chỉ tốt cho thận mà sức khỏe tổng thể cũng được duy trì ổn định.

Uống nhiều nước tốt cho chức năng của thậnUống nhiều nước tốt cho chức năng của thận

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc khi cơ thể gặp các dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu để có phương pháp điều trị kịp thời.
  • Theo dõi huyết áp thường xuyên và giữ trong tầm kiểm soát. Đối với các trường hợp bị tăng huyết áp, có thể sử dụng thuốc ổn định huyết áp theo lời khuyên và chỉ định của bác sĩ. Huyết áp ở mức bình thường đạt <120/80. Huyết áp cao cũng dễ gây nên nguy cơ rối loạn thận, đau tim, đột quỵ…
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ổn định và ăn uống kiểm soát. Thường xuyên kiểm tra mức cholesterol trong cơ thể để ngăn ngừa sự lắng đọng trong các động mạch thận. Ngoài ra cần loại bỏ chất béo bão hòa khỏi chế độ ăn uống và nhấn mạnh vào việc sử dụng thêm nhiều trái cây, rau củ quả cho bữa ăn hàng ngày. Trọng lượng cơ thể tăng lên dẫn tới tải trọng thận cũng tăng lên

Duy trì cân nặng cơ thể giúp phòng ngừa suy thận Duy trì cân nặng cơ thể giúp phòng ngừa suy thận 

  • Thường xuyên kiểm tra, theo dõi lượng đường trong máu và giữ ở mức tối ưu. Bệnh thận do tiểu đường rất dễ xảy ra nếu không được phát hiện và ngăn ngừa sớm. Do vậy nên hạn chế ăn ngọt, thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu và cần giữ HBA1C ở mức dưới 6.0.
  • Kiểm tra chức năng thận nên được thực hiện thường xuyên hàng năm, nhất là người bị cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, người trên 60 tuổi. Trong trường hợp phát hiện rò rỉ protein trong nước tiểu, cần đến bệnh viện ngay để có hướng điều trị kịp thời.

Nhận biết được dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu mang lại nhiều lợi ích trong quá trình điều trị và giúp tăng khả năng phục hồi. Hy vọng với những chia sẻ từ bệnh viện, các bạn sẽ có thêm những kiến thức về căn bệnh nguy hiểm này. Nếu như cần giải đáp thắc mắc và được tư vấn, bạn vui lòng  liên hệ ngay theo số hotline 19001806 của Bệnh viện đa khoa Phương Đông nhé!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
4,681

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám