Đau lưng: Nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Doan Nguyen

20-03-2023

goole news
16

Những cơn đau lưng hàng ngày khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong việc sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống của chúng ta. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang mắc phải một số bệnh lý về xương khớp nguy hiểm khác. Vì vậy, không nên “xem nhẹ” tình trạng này và cần đến bác sĩ để thăm khám cũng như có phương pháp điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nặng sau này.

Bệnh đau lưng
Bệnh đau lưng

Tổng quan về bệnh đau lưng

Có thể hiểu một cách đơn giản đau lưng là các cơn đau tê dọc hay gần cột sống của con người. Tùy theo vị trí khác nhau của cơn đau, bác sĩ sẽ phân thành 4 khu vực chính bao gồm đau lưng trên, dưới, giữa hay đau lưng một bên (bên trái hoặc bên phải). Ngoài ra, bệnh này còn phân thành 2 loại, cụ thể là:

  • Đau lưng cấp tính: đây là tình trạng thường bắt đầu một cách đột ngột. Tình trạng này có thể kéo dài từ 6 - 7 tuần.
  • Đau lưng mạn tính: tình trạng này kéo dài trong khoảng 3 tháng và nó phát triển trong một thời gian dài.

Những cơn đau được xác định là cấp tính, bán cấp tính hay mạn tính sẽ tùy vào thời gian đau của người bệnh. Có thể có những cảm giác đau như đau âm ỉ, đau dữ dội hoặc kèm theo cảm giác nóng rát khó chịu. Trong một số trường hợp cảm giác đau có thể lan đến các chi qua đó sẽ gây tê bì tay chân

Nguyên nhân bệnh đau lưng

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau lưng tuy nhiên chúng ta có thể phân thành 2 nhóm nguyên nhân chính:

Do bệnh lý

Bao gồm các bệnh như:

  • Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm S1,L4 hay L5 là một trong những căn bệnh xương khớp thường gặp nhất ở người bệnh. Bệnh nhân thường bị đau lan từ khu vực cột sống thắt lưng xuống đến vùng mông, phía sau ngoài đùi lan đến mặt trước bên cẳng chân, mắt cá ngoài và qua mu chân tới ngón I nếu bị chèn ép ở vùng L5. Nếu như bị tổn thương ở S1 sẽ đau lan xuống mặt sau đùi đến cẳng chân lan tới gân Achille, mắt cá ngoài qua bờ ngoài gan chân và đến ngón V.

Biểu hiện ban đầu mà bệnh nhân gặp phải là cảm giác đau nhức ở vùng cột sống thắt lưng và vùng xương cùng. Ngoài ra, một số người bệnh còn xuất hiện những cơn đau nhức âm ĩ lan xuống các bộ phận khác như mông, đùi và bàn chân.

Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm

  • Thoái hóa cột sống: Với những người ở độ tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng càng tăng nếu không muốn nói là ở mức độ chóng mặt. Biểu hiện rõ nhất là những cơn đau xuất hiện dai dẳng và thường xuyên, kèm theo đó là dáng đi không bình thường gây cảm giác khó chịu. Thêm vào đó lưng có dấu hiệu còng xuống.
  • Loãng xương: Nếu cơn đau của người bệnh diễn ra dữ dội ở phần lưng trên hoặc lưng giữa, kèm theo đó là triệu chứng “lùn” đi khoảng 2cm trở lên...là những dấu hiệu cảnh báo người bệnh đang bị loãng xương.
  • Viêm khớp: Bệnh viêm khớp có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của lưng, nhưng phổ biến nhất vẫn là phần thắt lưng.
  • Sỏi thận: Khi bị sỏi thận, bệnh nhân thường cảm nhận đau từng cơn dữ dội ở vùng thắt lưng. Cơn đau đó xuất phát từ hai hố thắt lưng, sau đó lan ra bụng rồi xuống bụng dưới và xuống đùi của người bệnh.

Do thói quen xấu trong cách sinh hoạt hàng ngày

  • Ngồi quá nhiều: Đây là một trong những hoạt động khiến người trẻ tuổi thường gặp phải những cơn đau dai dẳng ở lưng khi tiêu tốn quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính, laptop hoặc tivi. Khi ngồi nhiều, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn vào hông, mông. Điều đó khiến cột sống phải thực hiện nhiệm vụ chống đỡ, giữ cho lưng được thẳng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài từ 1-2 tiếng khiến lưng trở nên “quá tải” và gây đau nhức liên tục ở vùng cột sống thắt lưng.
  • Ngủ không đúng tư thế: Đây là một trong những thói quen xấu mà chúng ta thường mắc phải. Nhiều người khi ngủ hay có thói quen ngủ nằm úp bụng hoặc đầu không thẳng với cổ. Những tư thế này sẽ làm tăng áp lực lên cột sống, về lâu về dài sẽ trở thành cơn đau mãn tính khó chịu. Nhiều chuyên gia trên thế giới khuyên chúng ta khi ngủ nên nằm ngửa và giữ lưng thẳng để hệ xương khớp được tốt
  • Do chấn thương: Những chấn thương do gặp tai nạn, khi lao động nặng hoặc chơi thể thao dẫn đến bong gân, giãn dây chằng hay nặng hơn là gãy cột sống...đều có thể khiến lưng bạn bị đau từ mức nhẹ đến nặng.

Đối tượng hay mắc bệnh đau lưng

  • Tuổi tác: Các cơn đau lưng thường sẽ xuất hiện ở những người lớn tuổi và phổ biến ở người từ độ tuổi 40 trở lên. Bệnh này không phân biệt nam hay nữ, bất kỳ nam giới hay nữ giới đều có thể mắc bệnh.

Người lớn tuổi bị đau lưng
Người lớn tuổi bị đau lưng
 

  • Lười vận động: Những người có thói quen lười vận động làm cho các cơ dần dần yếu đi do không được sử dụng, đặc biệt là phần cơ bụng và cơ lưng. Tình trạng này có thể dẫn đến các cơn đau nhức âm ĩ cho người bệnh.

Biến chứng của bệnh đau lưng

Đau lưng gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh đã từng bị đau cấp tính hay mạn tính. Người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển và còn bị giới hạn khi thực hiện các công việc tay chân gây sự khó chịu, không thoải mái khi làm việc. Để tránh đau nhức, bệnh nhân thường xuyên phải di chuyển chậm và thụ động. Điều đó khiến cho những hoạt động sinh hoạt hằng ngày cũng diễn ra chậm hơn.

Các cơn đau thắt lưng vào ban đêm thường gây khó ngủ thậm chí là mất ngủ. Theo thời gian, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ khiến người bệnh dễ bị mất tập trung, trí nhớ giảm sút. Nguy hiểm hơn còn dễ dẫn đến chứng bệnh trầm cảm, gây khó khăn trong việc tiếp xúc và giao tiếp. Họ sẽ cảm thấy vô cùng chán nản, tuyệt vọng, rơi vào trạng thái lênh đênh hay ngủ quá nhiều. Ngoài ra bệnh nhân cũng khó kiểm soát cân nặng của mình và mất hứng thú trong cuộc sống.

Chứng bệnh này còn ảnh hưởng đến đời sống tình dục của các cặp đôi. Đối với vợ hay chồng bị đau lưng sẽ tránh đi chuyện chăn gối. Điều này gián tiếp tác động tới mối quan hệ của cả hai, khiến nhiều cặp vợ chồng có cuộc sống không hạnh phúc.

Ngoài ra, nếu trì hoãn điều trị quá lâu, các cơn đau sẽ còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác như yếu các cơ chi dưới, liệt chi, tê bì sau đó mất cảm giác hai chân, mất khả năng vận động ở cả tay và chân. Một số trường hợp bệnh nhân nặng hơn có thể gây chèn ép hệ thần kinh cũng như gây rối loạn tiểu. Hơn thế nữa thời gian điều trị kéo dài dẫn đến kinh phí cũng tăng cao khiến cho tài chính của gia đình hao hụt, trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình của bệnh nhân.

Các phương pháp chẩn đoán

Chụp X-quang

X-quang được xem là phương pháp chẩn đoán áp dụng rất phổ biến với người bệnh đau lưng. Với phương pháp này có thể đánh giá được bệnh nhân trong các trường hợp gãy xương, biến dạng xương gồm những thay đổi do thoái hóa, khe đĩa đệm, chiều cao thân đốt sống vô cùng hữu ích. Đồng thời chụp X-quang còn hỗ trợ đánh giá mật độ và cấu trúc của xương.

Chụp MRI

Chụp MRI là công cụ giúp bác sĩ đánh giá về tình trạng tổn thương phần mô mềm và ống sống. Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp có nghi ngờ về bệnh ác tính, nhiễm trùng hay chèn ép thần kinh… Đối với những trường hợp này nếu chẩn đoán muộn có thể làm mất đi hoàn toàn cơ hội phục hồi của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh khi chụp MRI sẽ không phải tiếp xúc với tia X, vì thế sẽ đảm toàn an toàn hơn.                    

Chụp CT

Chụp CT hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính rất hữu ích trong việc đánh giá mức độ tổn thương xương. Vì thế, nếu nghi ngờ có tình trạng gãy đốt sống, u xương hay cần đánh giá chắc chắn cột sống trước phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp CT.

Điện cơ hoặc EMG

Khi bị đau lưng, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định đo điện cơ (viết tắt là EMG). Việc làm này sẽ giúp bác sĩ phát hiện được sự chèn ép dây thần kinh (nếu có) do thoát vị đĩa đệm hay hẹp ống sống. 

Phương pháp điều trị đau lưng

Tiến hành sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Tùy vào từng trường hợp cụ thể và tính chất cơn đau, bác sĩ phụ trách có thể đề nghị hay chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc như:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn (viết tắt là OTC)
  • Thuốc giảm đau tại chỗ
  • Thuốc giãn cơ
  • Thuốc có chứa opioid
  • Thuốc chống trầm cảm

Vật lý trị liệu

Chuyên viên vật lý trị liệu hay bác sĩ phụ trách có thể hướng dẫn người bệnh thực hiện những bài tập nhằm tăng tính linh hoạt của cơ bụng và cơ lưng, qua đó cải thiện tư thế trong sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.

Việc kiên trì thực hiện thường xuyên những bài tập này có thể giúp người bệnh ngăn ngừa cơn đau dai dẳng tái phát. Ngoài ra, chuyên viên vật lý trị liệu hay bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cách điều chỉnh làm sao để chuyển động khi bạn bị đau lưng được cảm thấy thoải mái nhất. Điều này sẽ tránh được phát sinh những triệu chứng đau khi người bệnh tiếp tục hoạt động sau đó.

Bác sĩ đang tiến hành điều trị vật lí trị liệu cho bệnh nhân đau lưng
Bác sĩ đang tiến hành điều trị vật lí trị liệu cho bệnh nhân đau lưng

Phẫu thuật

Trong nhiều trường hợp chấn thương hay thoát vị đĩa đệm ở mức độ nặng hay khi những phương pháp điều trị nội khoa không còn đem đến sự hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc việc can thiệp phẫu thuật để chữa trị. Tuy nhiên, bác sĩ phụ trách sẽ phải cân nhắc kỹ càng về chỉ định này. Vì việc phẫu thuật cột sống rất phức tạp, nếu không thành công có khả năng xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm trùng, tổn thương thần kinh hay xơ hóa, xuất huyết, yếu cơ, bại liệt, thậm chí là dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng ngừa đau lưng

Để phòng ngừa bệnh đau lưng, trong sinh hoạt hàng ngày hay lao động chúng ta nói chung và người bệnh nói riêng nên lưu ý những điều sau:

  • Cần cẩn trọng khi nâng vác vật nặng
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định
  • Có chế độ ăn uống phù hợp
  • Chọn nệm ngủ phù hợp cho giấc ngủ
  • Người làm văn phòng nên giữ tư thế ngồi đúng (cụ thể là giữ thẳng lưng, bàn làm việc phù hợp với chiều cao của mình, không cao quá cũng không thấp quá để tránh tình trạng gập lưng hoặc cúi quá mức khi làm việc và vị trí ngồi nên có chỗ tựa lưng). Thêm vào đó, bạn cũng nên thường xuyên thay đổi tư thế của mình.
  • Luyện tập thể thao thường xuyên

Kết luận

Qua bài viết này chúng tôi đã cung cấp một số thông tin cần thiết về bệnh đau lưng cũng như giải đáp những thắc mắc về triệu chứng, biến chứng hay phương pháp điều trị cũng như biện pháp phòng ngừa một cách cụ thể. Hy vọng những thông tin được đề cập trong bài viết này sẽ giúp bạn đề phòng cũng như đi đến các trung tâm y tế để thăm khám nếu có các dấu hiệu trên để kịp thời phát hiện và được điều trị sớm nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,229

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám