Giang mai bẩm sinh là bệnh lý nguy hiểm, có thể được nghi ngờ với các biểu hiện bong vảy ở lòng bàn chân, bàn tay. So với tình trạng bệnh lý ở người trưởng thành, trẻ sơ sinh bị giang mai có phần nguy hiểm hơn vì tổn thương đa nội tạng, chậm phát triển, thậm chí có thể tử vong ngay sau sinh.
Bệnh giang mai bẩm sinh là gì?
Thế nào là bệnh giang mai bẩm sinh?
Giang mai bẩm sinh (Congenital syphilis) xảy ra khi thai phụ mắc bệnh giang mai truyền vi khuẩn gây bệnh qua nhau thai cho con. Thông thường, em bé bị lây nhiễm xoắn khuẩn giang mai vào tháng thứ 4 - 5 của thai kỳ. Điều này khiến em bé từ khi sinh ra đã mắc bệnh giang mai bẩm sinh.
(Hình 1 - Giang mai bẩm sinh khiến bé gặp các vấn đề về da, gan, tim mạch, thần kinh, não bộ ngay từ khi ra đời)
Giang mai bẩm sinh có nguy hiểm không?
Đây là bệnh nguy hiểm. Bởi nếu người trưởng thành lây nhiễm qua quan hệ tình dục thì em bé lại bị lây nhiễm qua đường nhau thai với số lượng xoắn khuẩn lớn. Đây cũng là lý do tính chất tổn thương đa nội tạng của giang mai bẩm sinh rõ ràng hơn. Các bác sĩ có thể phát hiện các bất thường sớm nhất vào tuần thứ 17 của thai kỳ.
Tất nhiên, phụ thuộc vào mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào thai nhi, bé có thể bị: sảy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non, nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong ngay sau khi sinh.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng ghi nhận không ít các trường hợp trẻ sơ sinh bị giang mai gặp các biến chứng như:
- Biến dạng xương
- Thiếu máu nặng
- Phì đại gan và lá lách
- Vàng da và vàng mắt
- Bất thường về thần kinh như viêm màng não, mù, điếc,...
- Viêm da
Thực tế lâm sàng cũng ghi nhận các trường hợp em bé mới sinh ra không có biểu hiện của giang mai. Tuy nhiên, sau vài ngày hoặc vài tháng thì mới xuất hiện các vết săng giang mai đầu tiên. Ngược lại, một số bé mắc giang mai bẩm sinh nhưng chỉ biểu hiện thành triệu chứng khi trẻ lên 2, thậm chí 5 - 6 tuổi.
Cách nhận biết giang mai bẩm sinh
Như đã đề cập, mặc dù không phải tất cả trường hợp mắc bệnh đều có triệu chứng ngay sau đó. Nhưng nhìn chung, để đề phòng các biến chứng nguy hiểm, bạn nên tham khảo các triệu chứng của bệnh như sau:
Biểu hiện của giang mai bẩm sinh sớm
Nếu bé có biểu hiện giang mai sớm (xuất hiện trong 2 năm đầu đời, sớm nhất là 3 tháng đầu), mẹ có thể quan sát thấy các bất thường:
- Xuất hiện các nốt phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân
- Bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân
- Sổ mũi, khụt khịt mũi
- Viêm xương sụn, giả liệt Parrot
- Bé sinh ra thường nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng to
- Gan, lách to
(Hình 2 - Lột da ở bàn tay, bàn chân và một số biểu hiện sớm của giang mai)
Biểu hiện của giang mai bẩm sinh muộn
Theo Thống kê của các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP HCM, khoảng 40% bệnh nhân có biểu hiện muộn, sau khoảng 3 - 4 năm. Các triệu chứng cụ thể như sau:
- Thần kinh: chậm phát triển trí tuệ, liệt thần kinh sọ
- Mắt: sẹo giác mạc, teo thần kinh thị. Cha mẹ có thể quan sát con có bị nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên hay không? Theo thời gian, nếu không chữa trị, con bạn có thể bị mù, lác quy tụ
- Tai: điếc đột ngột vào khoảng 8 - 10 tuổi
- Da: nứt da quanh miệng, gôm da - niêm mạc
- Mặt: mũi dạng yên ngựa, xương hàm ngắn
- Xương - răng: răng hàm hình dâu tây, răng Hutchinson, viêm khớp Clutton
(Hình 3 -Một số bất thường về ngoại hình ở trẻ em bị giang mai muộn)
Ngoài ra, các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu TW khi nghiên cứu về bệnh này còn phát hiện trẻ có thể có các dị hình như:
- Thủng vòm miệng
- Trán dô
- Xương chày lưỡi kiếm…
Xem thêm: Giai đoạn bệnh giang mai: Khi nào điều trị được dứt điểm?
Cách chẩn đoán giang mai bẩm sinh
Tương tự như chẩn đoán giang mai ở người trưởng thành, trẻ em bị nghi ngờ bệnh giang mai bẩm sinh sẽ được chỉ định:
- Khai thác tầm soát và thực hiện xét nghiệm giang mai cho mẹ
- Xét nghiệm huyết thanh học giang mai không đặc hiệu RPR, VDRL và đặc hiệu TPI, TPHA, FTA, ELISA
- Tìm xoắn khuẩn giang mai qua kính hiển vi đen, nhuộm thấm bạc Fontana Tribondeau
- Phân tích dịch não tuỷ
- Công thức máu
- Xét nghiệm khác như đánh giá chức năng gan, hình ảnh học thần kinh, kiểm tra thị lực,....
(Hình 4 - Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm RPR để chẩn đoán bệnh giang mai)
Phương pháp điều trị giang mai bẩm sinh
Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc đặc hiệu Benzathin penicilin G. Thuốc sẽ được tiêm vào người bệnh nhi với liều lượng phù hợp:
- Dịch tinh thể Penicillin G 200.000 - 300.000 đơn vị/kg/ngày tiêm mạch chậm, dùng 50.000 đơn vị/kg mỗi 4 - 6 giờ trong 10 ngày
- Nếu đánh giá bình thường chỉ cần dùng 50.000 đơn vị/kg/liều trong 3 tuần
Sau đó, bé sẽ phải duy trì khám, xét nghiệm giang mai mỗi 3 tháng và thực hiện theo các hướng xử trí y tế phù hợp.
(Hình 5 - Penicillin G đặc trị cho bệnh nhân giang mai)
Làm thế nào để phòng ngừa giang mai bẩm sinh?
Xét nghiệm giang mai tiền hôn nhân hoặc trước khi mang thai
Đây là phương pháp tốt nhất để điều trị bệnh giang mai bẩm sinh. Tất cả sản phụ nên xét nghiệm giang mai chậm nhất ở lần khám thai đầu tiên. Thời gian lý tưởng để thực hiện tầm soát là bạn nên đánh giá các bệnh lý xã hội tiền hôn nhân và trước khi mang thai.
Xét nghiệm VDRL sẽ giúp mẹ bầu xác định mình có bị giang mai hay không. Nếu kết quả VDRL dương tính, bạn sẽ được điều trị với phác đồ có Penicillin trong 4 tuần trước khi chuyển dạ.
Xem thêm: Những triệu chứng của bệnh giang mai ở nữ giới
Các biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai trước và trong khi mang thai
Sản phụ cần thực hiện các biện pháp dưới đây để làm giảm các nguy cơ mắc bệnh giang mai:
- Quan hệ tình dục chung thuỷ, lâu dài với chồng/bạn tình đã được xét nghiệm và khẳng định không mắc giang mai
- Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ
(Hình 6 - Ngay cả trước, trong và sau mang thai, người phụ nữ cần duy trì đời sống tình dục lành mạnh)
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có cung cấp Gói khám sức khỏe tiền hôn nhân, đầy đủ các bước chẩn đoán hình hình ảnh để đánh giá chức năng ổ bụng, tuyến giáp, vú, tinh hoàn, tử cung… Đồng thời, các xét nghiệm HIV Ab test nhanh, Syphilis test nhanh, tổng phân tích tế bào máu ngoại vi,... cũng hỗ trợ đánh giá sức khỏe sinh sản và sàng lọc các bệnh xã hội kịp thời.
Có thể nói, giang mai bẩm sinh là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể gây tổn thương đa tạng và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của thai nhi. Chính vì thế, bạn nên dự phòng bệnh từ sớm và thực hiện đầy đủ các biện pháp ngăn chặn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.