Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh là tình trạng các lá van bị thay đổi cấu trúc do những khiếm khuyết trong quá trình hình thành bào thai. Điều này khiến các van tim không mềm mại như bình thường mà bị dày lên, xơ cứng hoặc dính lại với nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người người bệnh. Do vậy, hiểu rõ hơn về bệnh hẹp van tim ở trẻ sơ sinh là cần thiết, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh là gì?
Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh là tình trạng mà các lá van tim không thể mở ra hết trong quá trình lưu thông máu qua van. Tình trạng này xảy ra là do trong quá trình hình thành bào thai đã gặp những khiếm khuyết, khiến các van không còn mềm mại mà trở nên dính lại với nhau.
Nhiều người hay nhầm lẫn giữa hẹp van tim và hở van tim. Hở van tim là tình trạng tim bị dị dạng và không thể đóng kín như bình thường, khiến cho một lượng máu quay trở lại tâm nhĩ phải. Còn hẹp van tim là tình trạng van tim không thể mở hoàn toàn, ngăn cản sự lưu thông máu.
Trẻ sơ sinh bị khuyết tật tim ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Nguyên nhân gây ra hiện tượng hẹp van tim ở trẻ sơ sinh là gì?
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh hẹp van tim ở trẻ sơ sinh là do bẩm sinh. Thường gặp nhất là do bất thường về cấu trúc van động mạch chủ, van hai lá,....làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cấu trúc tim. Do đó, các chức năng và hoạt động của tim cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, bệnh hẹp van tim ở trẻ em có thể là do một số nguyên nhân sau:
- Di truyền, trong gia đình có người bị bệnh tiền sử hoặc bố mẹ mang gen bệnh, mặc dù không phải bị các bệnh lý về tim bẩm sinh nhưng sinh con sẽ có khả năng mắc bệnh cao.
- Sử dụng một số loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ trong khi mang thai khiến trẻ có nguy cơ bị khuyết tật tim cao hơn.
- Sử dụng rượu hoặc ma túy bất hợp pháp khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ bị khuyết tật tim ở trẻ.
- Mẹ bị nhiễm virus trong ba tháng đầu của thai kỳ có nhiều khả năng sinh ra trẻ bị các bệnh liên quan đến tim.
Sử dụng rượu bia khi mang thai có nguy cơ trẻ mắc các bệnh về tim
Các triệu chứng thường gặp của hẹp van tim ở trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh, các biểu hiện bệnh hẹp van tim bao gồm:
- Khó thở
- Thở nhanh
- Bú ít
- Bú ngắt quãng, cữ bú kéo dài.
Khi trẻ được một vài tháng tuổi sẽ có những biểu hiện rõ rệt hơn:
- Ho nhiều
- Thở khò khè
- Có những triệu chứng của bệnh viêm phổi.
Hơn thế nữa, trẻ có thể chậm phát triển thể chất, da xanh xao, hay vã mồ hôi, tay chân lạnh, một số trẻ tim bẩm sinh tím sẽ dễ quan sát thấy môi, đầu ngón tay và chân chuyển sang tím.
Dấu hiệu thường gặp khi trẻ bị khuyết tật tim
Ngoài ra, các triệu chứng của khuyết tật tim ở trẻ có thể không biểu hiện triệu chứng rõ ràng khiến việc phát hiện bệnh chậm trễ. Điều này có thể dẫn đến tử vong hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: tim đập quá nhanh hoặc quá chậm hoặc không đều.
Thống kê cho thấy, khoảng 10 – 15% các trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh cần được điều trị thuốc hoặc phẫu thuật ngay trong tháng đầu đời.
Điều trị bệnh hẹp van tim ở trẻ sơ sinh
Phương pháp điều trị hẹp van tim bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc không phải là cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh hẹp van tim. Tuy nhiên, đây vẫn là phương pháp chủ yếu để điều trị bệnh lý này.
Phương pháp này thường được điều trị trong những trường hợp hẹp van từ mức độ trung bình (2/4) đến mức độ nặng (3,5/4).
Phương pháp điều trị hẹp van tim nội khoa
Phương pháp này giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh và phòng ngừa những biến chứng do thiếu máu cơ tim và hình thành huyết khối gây ra.
Với những trường hợp van tim hẹp rất nặng, điều trị nội khoa không thể đáp ứng được hoặc trẻ đã xuất hiện các biến chứng như suy tim, tăng áp động mạch phổi, phù phổi,.. thì trẻ sơ sinh có thể phải tiến hành biện pháp can thiệp phẫu thuật hẹp van tim.
Phương pháp phẫu thuật điều trị hẹp van tim
Nong van tim được thực hiện bằng cách luồn một ống thông nhỏ và rỗng, đầu ống gắn 1 quả bóng đi qua động mạch hoặc tĩnh mạch đùi của trẻ tới vị trí van tim bị hẹp. Tiếp đó, bóng sẽ được bơm căng lên để làm rộng các van. Khi van được nong đến kích thước phù hợp, bóng sẽ được tháo hơi ra để nhỏ lại trước khi tiến hành rút ra ngoài.
Phẫu thuật sửa van tim nhằm mục đích sửa chữa van tim bị lỗi. Mổ tim sửa van bị khiếm khuyết do hẹp hoặc trào ngược. Nếu không thể sửa van, các bác sĩ sẽ thay thế nó bằng một van sinh học (của người hoặc động vật) hoặc cơ học (van nhân tạo).
Quá trình thay van tim là loại bỏ van tim và bộ máy dưới van tự nhiên khiếm khuyết và được thay thế bằng một van tim khác. Van tim được thay thế sẽ khâu theo đường vòng vào vị trí của van tim tự nhiên. Đồng thời, van tim thay thế cần được đảm bảo có thể tương ứng với cơ thể của trẻ, nghĩa là trẻ cần được đảm bảo van tim mới này sẽ không bị hệ miễn dịch từ chối và đào thải.
Khi trẻ có có các biến chứng nặng thì cần phải phẫu thuật
Vấn đề cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị hẹp van tim
Trẻ sơ sinh bị hẹp van tim thì nguy cơ nhiễm khuẩn tim mạch hay còn gọi là viêm nội tâm mạc cũng tăng lên. Vi khuẩn sẽ từ các vùng khác qua máu xâm nhập vào các khu vực trong tim.
Viêm nội tâm mạc có thể gây các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng trẻ. Để ngăn ngừa nhiễm khuẩn này hãy vệ sinh răng miệng cho trẻ để phòng tránh các nhiễm trùng răng miệng là hết sức quan trọng.
Vệ sinh răng miệng là điều cần thiết cho trẻ
Trẻ sơ sinh bị hẹp van tim nên ăn gì
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nuôi bằng sữa mẹ hoặc bổ sung thêm sữa bột đều tốt cho trẻ bị khuyết tật tim. Nhưng cần linh hoạt trong cách và thời điểm cho ăn. Một số trường hợp đặc biệt còn cần phải sử dụng phương pháp đặt sonde dạ dày từ mũi để cho ăn qua đường này.
Trẻ em bị bệnh hẹp van thường cần tăng bữa ăn, cho trẻ ăn thành từng bữa nhỏ khoảng mỗi 2 giờ sẽ tốt cho trẻ hơn là cho trẻ ăn một bữa lớn kéo dài sẽ khiến trẻ mệt mỏi.
Đối với trẻ đã được 6 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi việc duy trì một chế độ ăn uống hợp lý có vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị bệnh hẹp và hở van tim nói riêng và các bệnh liên quan đến tim mạch nói chung .Do đó, cần quan tâm đến chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ như:
- Trẻ vẫn nên được bú mẹ cả ngày lẫn đêm bất cứ lúc nào trẻ muốn.
- Thức ăn dặm của trẻ cần đầy đủ thành phần và giàu dinh dưỡng.
- Cho trẻ ăn dặm 3 bữa mỗi ngày khi vẫn còn bú mẹ và 5 bữa mỗi ngày nếu trẻ đã ngừng bú, mỗi bữa ăn khoảng 1 bát nhỏ các thức ăn này.
- Bổ sung thêm cho trẻ các loại hoa quả có sẵn ở gia đình như chuối, đu đủ, cam, xoài,..
Sữa mẹ chính là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ
Bài viết phía trên là những kiến thức cơ bản về bệnh hẹp van tim ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo chứ không thể thay thế các chẩn đoán y khoa đúng hoàn toàn.
Để biết mẹ có mắc bệnh không hoặc muốn xem bé có khả năng mắc bệnh hẹp van tim ở trẻ em không, hãy nên thăm khám sớm tại các chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và tư vấn hiệu quả.