Dấu hiệu tim bẩm sinh trẻ em - Nguyên nhân và cách điều trị

Hương Thắm

23-08-2022

goole news
16

Bệnh tim bẩm sinh trẻ em hay dị tật tim bẩm sinh là một hoặc nhiều vấn đề bất thường tại tim, xuất hiện khi trẻ chào đời. Vấn đề này có thể ảnh hưởng đến van tim, các mạch máu, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng trẻ. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về bệnh tim bẩm sinh này và bảo vệ sức khoẻ của trẻ toàn diện hơn nhé!

Thế nào là bệnh tim bẩm sinh trẻ em?

Bệnh tim bẩm sinh trẻ em hay dị tật tim bẩm sinh là những dị dạng ở tim, xảy ra từ khi sinh ra. Những bất thường này xuất hiện khi tim hoặc mạch máu không hình thành bình thường trong tử cung người mẹ.

So với các dị dạng bẩm sinh khác, tim bẩm sinh là bệnh thường gặp nhau, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tuy nhiên, cũng có một số khiếm khuyết tim bẩm sinh rất đơn giản, không cần can thiệp điều trị mà trẻ vẫn có thể phát triển bình thường.

Hiện nay, cha mẹ có thể phòng ngừa trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh bằng cách khám thai định kỳ. Công nghệ kỹ thuật siêu âm hiện đại, có khả năng phát hiện dị tật bẩm sinh từ tuần thứ 18 của thai kỳ.

Bệnh tim bẩm sinh trẻ em thường xảy ra từ khi trẻ chào đời

 

(Bệnh tim bẩm sinh trẻ em thường xảy ra từ khi trẻ chào đời)

 

Phân loại tim bẩm sinh trẻ em

Bệnh tim bẩm sinh là thuật ngữ chung, chỉ một loạt các dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tim. Theo điều tra, tại Anh cứ 100 trẻ sinh ra sẽ có gần 1 trẻ bị ảnh hưởng, hay trong khoảng 1000 trẻ sơ sinh ở Mỹ sẽ có ít nhất 8 trẻ bị dị tật tim.

Hiện nay, vấn đề dị tật ở tim được phân loại thành 2 dạng như sau:

Bệnh tim bẩm sinh tím

Bệnh tim bẩm sinh tím là tình trạng các khuyết tật về tim làm thay đổi dòng chảy, khiến máu thiếu oxy đi ra ngoài nuôi cơ thể. Trẻ sinh ra mắc bệnh thường có da niêm màu hơi xanh, do máu không đủ oxy, hay còn gọi chứng xanh tím.

Tứ chứng Fallot là bệnh thường gặp nhất trong nhóm tim bẩm sinh tím, với 4 dị tật:

  • Hẹp đường thoát thất phải.
  • Thông liên thất.
  • Động mạch chủ “cưỡi ngựa” lên vách liên thất.
  • Phì đại thất phải.

Triệu chứng của bệnh xuất hiện rõ ràng, điển hình nhất sau khi trẻ chào đời được 4 - 6 tháng. Tứ chứng Fallot cũng thường đi kèm với một số bệnh liên quan đến đột biến nhiễm sắc thể như bệnh Down, hở hàm ếch.

Bệnh tim bẩm sinh tím gây chứng xanh tím ở trẻ

(Bệnh tim bẩm sinh tím gây chứng xanh tím ở trẻ)

Bệnh tim bẩm sinh không tím

Bệnh tim bẩm sinh không tím bao gồm các khuyết tật không ảnh hưởng đến lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Đây cũng là dị dạng tim bẩm sinh thường gặp, có mức độ nguy hiểm thấp, bao gồm các vấn đề bất thường như:

  • Thông liên thất.
  • Thông liên nhĩ.
  • Hẹp eo động mạch chủ.
  • Hẹp van động mạch chủ.
  • Phổi bẩm sinh.

Ở giai đoạn mới sinh, do bệnh không có triệu chứng cụ thể nên rất khó để phát hiện, hoặc chỉ biểu hiện khi trẻ lớn lên. Cha mẹ có thể dựa vào những dấu hiệu nghi ngờ như khóc ít hơn bình thường, không đủ sức để bú sữa, chậm phát triển thể chất, thở nhanh, khó thở, cần lập tức di chuyển đến bệnh viện vì trẻ có nguy cơ suy tim.

Bệnh tim không có Shunt

Bệnh tim không có Shunt là dị tật bẩm sinh trong tim hoặc trên các mạch máu lớn không có Shunt như hẹp eo động mạch chủ, hẹp dưới van chủ hay phổi,... Mỗi trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau, một số trẻ xuất hiện tiếng thổi tại tim hoặc chênh lệch cường độ mạch, nhưng cũng có trẻ bị tím nặng, suy tim, suy tuần hoàn.

Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh trẻ em

Để tìm ra nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh, cha mẹ cần biết về cách thức hoạt động của tim. Theo cấu trúc thông thường, tim được chia thành 4 ngăn, gồm 2 ngăn bên phải và 2 ngăn bên trái, mỗi ngăn có nhiệm vụ khác nhau nhưng đảm bảo máu được bơm đi khắp cơ thể.

Cấu tạo và chức năng của một trái tim bình thường

(Cấu tạo và chức năng của một trái tim bình thường)

Cụ thể, phía bên phải sẽ đưa máu đến phổi thông qua động mạch phổi, tại đây máu lấy oxy rồi quay trở lại tim trái qua các tĩnh mạch phổi. Tiếp đến là nhiệm vụ của phần bên trái, tim sẽ bơm máu qua động mạch chủ của cơ thể và đi đến phần còn lại của cơ thể.

Trong 6 tuần đầu tiên của thai kỳ, trái tim của trẻ sẽ bắt đầu hình thành và đập. Các mạch máu chính chạy đến, đi từ tim cũng dần phát triển trong thời điểm quan trọng này. Đây cũng là lúc những khuyết tật tim bẩm sinh có thể xuất hiện, ảnh hưởng bởi một hoặc nhiều các tác nhân dưới đây.

Do di truyền

Di truyền là một trong những yếu tố hàng đầu gây dị tật bẩm sinh, trong đó có bệnh về tim. Nếu trẻ có bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình tiền sử bệnh tim bẩm sinh, nguy cơ mắc bệnh luôn cao hơn.

Trong trường hợp, bố mẹ của trẻ mang gen bệnh nhưng không bị tim bẩm sinh thì con sinh ra, vẫn có khả năng bị khuyết tật tim. Hoặc tình trạng di truyền trong gia đình, khiến nhiều thế hệ bị bệnh nhưng nguyên nhân này chỉ chiếm 3% trong các trường hợp.

Trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc bệnh có nguy cơ bị tim bẩm sinh

(Trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc bệnh có nguy cơ bị tim bẩm sinh)

Do nhiễm độc thai

Trong quá trình mang thai, mẹ sử dụng chất kích thích có thể khiến tim thai nhi không thể hình thành bình thường. Ví dụ như tình trạng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, hoặc uống rượu, bia, hút thuốc, hút ma túy,...

Ngoài ra, mẹ tiếp xúc với tia X-quang, chất phóng xạ hay đơn giản sống trong môi trường độc hại có thể bị nhiễm độc thai kỳ. Từ đó, dẫn đến việc trẻ bị dị tật bẩm sinh, đặc biệt là tim ngay từ khi còn trong tử cung.

Mẹ nhiễm bệnh trong thời gian mang thai

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ nhiễm virus Herpes, Rubella, Cytomegalo,... làm tăng nguy cơ trẻ mắc các dị tật, trong đó có dị tật tim. Hoặc trường hợp thai phụ bị đái tháo đường, Lupus ban đỏ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, khiến trẻ có thể bị khuyết tật tim bẩm sinh.

Dấu hiệu tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh

Trường hợp dị tật tim bẩm sinh nghiêm trọng thường được phát hiện ngay sau sinh hoặc trong vài tháng đầu đời. Một số dấu hiệu bệnh tim ở trẻ em có thể xuất hiện:

  • Môi, lưỡi hoặc móng tay màu xám hoặc xanh nhạt (tím tái).
  • Thở nhanh.
  • Sưng chân, bụng hoặc quanh vùng mặt.
  • Khó thở khi bú, dẫn đến chậm tăng cân.

Bé gái Adelyn được chẩn đoán mắc bệnh tim khi còn trong bụng mẹ

(Bé gái Adelyn được chẩn đoán mắc bệnh tim khi còn trong bụng mẹ)

Còn với các khuyết tật tim bẩm sinh ít nghiêm trọng, việc chẩn đoán có thể trì hoãn đến khi trẻ lớn hơn. Ở giai đoạn này, biểu hiện tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường bao gồm:

  • Thường khó thở, mệt mỏi khi tập thể dục hoặc hoạt động.
  • Ngất xỉu khi tập thể dục hoặc hoạt động.
  • Sưng ở tay, mắt cá chân hoặc bàn chân.

Nếu nghi ngờ, nhận thấy bất kỳ dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh hoặc triệu chứng nào nêu trên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên môn để được kiểm tra, tìm ra nguyên nhân gây bệnh là khuyết tật tim bẩm sinh hay do bệnh lý liên quan khác. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hay điều trị bằng phương pháp dân gian tại nhà.

Biến chứng của bệnh tim bẩm sinh

Các biến chứng tiềm ẩn của dị tật tim bẩm sinh bao gồm:

  • Suy tim sung huyết: Đây là biến chứng nghiêm trọng, thường phát triển ở trẻ có tình trạng dị tật nặng. Dấu hiệu nhận biết bao gồm thở nhanh, thở hổn hển, chậm tăng cân.
  • Nhiễm trùng tim: Dị tật tim bẩm sinh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mô tim (viêm nội tâm mạc), làm nảy sinh các vấn đề mới về van tim.
  • Nhịp tim không đều: Biến chứng này còn được gọi là loạn nhịp tim, thường do dị tật tim bẩm sinh hoặc sẹo phẫu thuật tim, gây ra các thay đổi về nhịp tim.
  • Chậm phát triển: Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng thường phát triển, tăng trưởng chậm hơn so với những đứa trẻ có sức khỏe bình thường cùng tuổi. Nếu hệ thần kinh cũng bị ảnh hưởng, trẻ có thể học đi và học nói muộn.
  • Đột quỵ: Biến chứng này không phổ biến nhưng một số trẻ sơ sinh bị bệnh tim vẫn có thể đột nguy cao, do cục máu đông di chuyển qua lỗ trên tim và lên não.
  • Rối loạn sức khỏe tâm thần: Một số trường hợp dị tật tim bẩm sinh gây hình thành lo âu, căng thẳng do chậm phát triển, khiến trẻ gặp hạn chế hoạt động hoặc khó khăn trong học tập.

Nhìn chung, các biến chứng do bệnh tim bẩm sinh gây ra tương đối nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển và tính mạng của trẻ. Vậy nên, sàng lọc trước sinh và sau sinh luôn được khuyến khích, cần thiết để có phương án điều trị kịp thời.

Báo vệ bé khỏi những biến chứng nguy hiểm của bệnh tim bẩm sinh

(Báo vệ bé khỏi những biến chứng nguy hiểm của bệnh tim bẩm sinh)

Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu?

Như các bạn đã tìm hiểu sự nguy hiểm của bệnh tim bẩm sinh gây ra cho bé những hiện nay, nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công là rất cao. Dựa vào loại dị tật và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ chuẩn đoán được tiên lượng sống của bé. 

Điển hình như một vài trường hợp nhẹ như các bệnh tim bẩm sinh thường gặp sau: 

  • Thông liên thất
  • Thông liên nhĩ lỗ nhỏ 

Thì thời gian sống được tiên lượng như người bình thường.

Nhưng trong đó không thể không nhắc đến một số bệnh nặng như hội chứng thiếu sản tim trái thì tiên lượng sống là rất thấp. 

Chính vì thế, để trả lời cho câu hỏi trẻ bị bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu, các nhà nghiên cứu đã thống kê thông số thực tế và kết luận:

Có nhiều trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh có thể sống đến 75 tuổi (+/- 11 tuổi). Đặc biệt hơn là họ chỉ sống kém 4 tuổi so với những người khoẻ mạnh bình thường không bị mắc bệnh tim bẩm sinh. 

Giải thích cho kết luận về tỷ lệ sống cao đó là do những yếu tố sau:

  • Hiện nay công nghệ Y học phát triển nên những chuẩn đoán đều rất chính xác từ ngay khi thai nhi còn trong bụng mẹ. Ví dụ công nghệ siêu âm có thể phát hiện dấu hiệu bệnh của thai nhi khi được 18 tuần tuổi
  • Những trẻ bị bệnh hoàn toàn có thể thực hiện phẫu thuật khi đủ điều kiện sức khoẻ dù còn nhỏ tuổi
  • Có nhiều phương pháp phẫu thuật mới và hiệu quả ra đời
  • Quy trình chăm sóc trẻ sau phẫu thuật được chú trọng và gúp tăng tỷ lệ sống, phục hồi khoẻ mạnh cho bé

Hình ảnh siêu âm tim thai: Thông liên thất

(Hình ảnh siêu âm tim thai: Thông liên thất)

Cách điều trị bệnh tim bẩm sinh là gì?

Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nếu phát hiện, điều trị kịp thời và theo đúng quy trình thì vẫn có thể phát triển bình thường. Tùy thể trạng, tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ phù hợp.

Hiện nay, điều trị khuyết tật tim bẩm sinh thường áp dụng 1 hoặc kết hợp 3 phương pháp sau đây:

Dùng thuốc đặc trị

Sử dụng thuốc điều trị thường được áp dụng với trẻ bị khuyết tật bẩm sinh nhẹ, được phát hiện kịp thời, sức khỏe không ảnh hưởng quá nhiều và không cần phẫu thuật ngay. Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thuốc để điều hòa, ổn định nhịp tim, đây là phương pháp ít gây tác động nhất với trẻ.

Can thiệp tim mạch

Can thiệp tim mạch hay thông tim chỉ áp dụng được cho một số trường hợp cụ thể như thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp van động mạch chủ, tồn tại ống động mạch, hẹp van động mạch phổi. Đổi lại, phương án này không cần phẫu thuật mở ngực, giảm nguy cơ nhiễm trùng và có thời gian hồi phục ngắn.

Để thực hiện can thiệp tim mạch, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ và dài, đi từ các mạch máu bên ngoài để vào tim. Kỹ thuật này có thể cải thiện lưu thông máu, đóng các lỗi thông tim khi cần thiết.

Các tiến bộ trong can thiệp tim mạch điều trị bệnh tim mạch bẩm sinh

Các tiến bộ trong can thiệp tim mạch điều trị bệnh tim mạch bẩm sinh

Phẫu thuật tim

Đối với trường hợp bệnh tim bẩm sinh không thể can thiệp thông tim, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để đóng các lỗ thông tim, mở rộng động mạch phổi, khắc phục tình trạng hẹp eo động mạch chủ và nhiều vấn đề khác. Với tình trạng khuyết tật tim bẩm sinh nặng, không thể điều trị bằng phương pháp nêu trên thì bác sĩ có thể đề xuất cấy ghép tim.

Trước đây, phần lớn các ca phẫu thuật tim đều diễn ra với phương pháp mổ phanh lồng ngực, gây đau, tiết máu nhiều, lâu hồi phục cũng như để lại sẹo. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật mổ nội soi ít xâm lấn đã khắc phục phần lớn các nhược điểm nêu trên.

Bệnh nhi Adelyn trong và sau khi điều trị dị tật tim bẩm sinh bằng phương pháp phẫu thuật

(Bệnh nhi Adelyn trong và sau khi điều trị dị tật tim bẩm sinh bằng phương pháp phẫu thuật)

Cách chăm sóc và cải thiện sức khỏe cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có tình trạng sức khỏe đặc thù, vậy nên việc chăm sóc cần được ưu tiên hơn hết. Gia đình có thể tham khảo một số gợi ý sau để giúp trẻ cải thiện sức khỏe:

  • Tuân thủ lịch tiêm vaccine.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
  • Áp dụng biện pháp phòng ngừa, điều trị hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Hạn chế, tránh các hoạt động thể thao mạnh, thi đấu đối kháng, đặc biệt trong giai đoạn điều trị hoặc phục hồi.
  • Ưu tiên các hoạt động thể dục duy trì sức khỏe như bơi lội, đạp xe, đi bộ, chơi cầu lông,...

Để phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng như phương pháp điều trị, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ điều trị để xây dựng kế hoạch sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp, giúp trẻ có thể năng động và phát triển giống như bạn bè đồng trang lứa.

Phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh

Phần lớn nguyên nhân gây khuyết tật tim bẩm sinh chưa được xác định hoàn toàn, nên khả năng ngăn ngừa tương đối hạn chế. Nếu cha mẹ có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh cao thì có thể làm xét nghiệm, sàng lọc di truyền ngay trong thai kỳ.

Phòng ngừa khuyết tật tim bẩm sinh trước và trong thai kỳ

(Phòng ngừa khuyết tật tim bẩm sinh trước và trong thai kỳ)

Bên cạnh đó, một số cách có thể giúp gia đình giảm nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ nhỏ như:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ trong thời kỳ mang thai, đảm bảo mẹ và bé khỏe mạnh.
  • Uống vitamin tổng hợp chứa Axit Folic mỗi ngày được chứng minh làm giảm dị tật bẩm sinh ở tim, não và tủy sống.
  • Không uống rượu hoặc hút thuốc, thói quen sinh hoạt này có thể gây hại cho sức khỏe của thai nhi. Đồng thời tránh khói thuốc từ những người xung quanh.
  • Tiêm vaccine Rubella trước khi mang thai, bởi nếu bị nhiễm Rubella khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tim trẻ.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt với người tiểu đường, giúp làm giảm nguy cơ dị tật tim bẩm sinh.
  • Kiểm soát bệnh mạn tính, nên trao đổi với bác sĩ để có hướng điều trị và quản lý chúng, tránh tình trạng gia tăng gây ảnh hưởng đến trẻ.
  • Tránh xa các chất có hại như sản phẩm lau chùi, sơn sửa có mùi nồng.

Lưu ý: Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào trong thời kỳ mang thai, các mẹ đều cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Hãy trao đổi với bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn dùng, bao gồm thuốc không cần kê đơn.

BVĐK Phương Đông - Địa chỉ khám sàng lọc tim uy tín

Tại BVĐK Phương Đông, gói khám Sàng lọc tim bẩm sinh được xây dựng cho các bé dưới 6 tuổi. Gói khám giúp đánh giá sức khỏe trái tim bé; chuẩn bị sẵn sàng cho cả những tình huống xấu nhất, với các ưu điểm vượt trội:

Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Phương Đông

(Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Phương Đông)

  • Đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch. Tiêu biểu phải kể đến BS CKII Trần Kinh Trang, PGS.TS.BS Phạm Hữu Hòa, các bác sĩ đều từng giữ chức vụ Trưởng khoa Tim mạch - Bệnh viện Nhi Trung Ương.
  • Hệ thống trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm hiện đại.
  • Thủ tục nhanh gọn, linh hoạt, đặt lịch trước qua tổng đài.
  • Quy trình phòng dịch, chống lây nhiễm chéo nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Bộ Y tế.

Đăng ký gói khám, trẻ sẽ được thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hiện tại như điện tâm đồ kiểm tra rối loạn nhịp tim, siêu âm Doppler sàng lọc dị tật tim bẩm sinh. Sau cùng, gia đình sẽ được tư vấn về tình trạng, chức năng tim, cung cấp giải pháp điều trị nếu có vấn đề bất thường tại tim mạch.

Kết lại, bệnh tim bẩm sinh trẻ em là một trong những loại dị tật bẩm sinh phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tim ngay từ khi trẻ sinh ra. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị theo đúng quy trình có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
5,888

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKII

TRẦN KINH TRANG

Giám đốc Trung tâm sàng lọc Tim mạch và các bệnh bẩm sinh

BS.CKII

TRẦN KINH TRANG

Giám đốc Trung tâm sàng lọc Tim mạch và các bệnh bẩm sinh
19001806 Đặt lịch khám