Tìm hiểu bệnh ho gà ở trẻ em
Ho gà (tên Tiếng Anh là Whooping Cough) là một bệnh truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn Bordetella pertussis tấn công vào đường hô hấp. Khi xâm nhập, vi khuẩn này bám chặt vào lông mao ở đường hô hấp trên, sau đó giải phóng độc tố tấn công hệ hô hấp và làm sưng nề đường thở.
Bệnh rất dễ lây lan thành dịch thông qua đường hô hấp như tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua vật tiếp xúc như bàn ghế, đồ dùng cá nhân,... Chính vì vậy, bệnh ho gà ở trẻ em rất dễ bùng phát thành dịch khi ở cùng một không gian như trường học, nhà ở.
Bệnh ho gà ở trẻ có thể kéo dài hàng tháng và rất nguy hiểm với trẻ sơ sinh.
Giai đoạn đầu, bệnh thường có biểu hiện giống với cảm lạnh thông thường như hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt nhẹ. Nếu điều trị sớm bệnh thường có đáp ứng tốt và khỏi chỉ khoảng 5 ngày. Ngược lại, điều trị muộn, sau khoảng 1 - 2 tuần, triệu chứng bệnh ho gà sẽ nặng hơn thậm chí kéo dài hàng tháng gây biến chứng nguy hiểm. Đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi chưa được tiêm phòng vắc xin, ho gà có thể gây khó thở và dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân nào dẫn tới ho gà ở trẻ em?
Bệnh ho gà được gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis, loại vi khuẩn hình dạng trực khuẩn hai đầu nhỏ và không có khả năng di chuyển. Dù có thể tồn tại bên ngoài môi trường, vi khuẩn này rất dễ bị tiêu diệt và có thể bị hủy hoại trong vòng 1 giờ khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, ánh sáng mặt trời trực tiếp, hoặc các loại thuốc sát khuẩn thông thường.
Tuy nhiên, vi khuẩn Bordetella pertussis có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ dàng truyền từ trẻ này sang trẻ khác qua các giọt bắn phát tán khi trẻ tiếp xúc gần. Khi vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ, nó có thể gây viêm và sản sinh ra chất nhầy, làm cản trở quá trình hô hấp của trẻ.
Đối tượng nào dễ mắc ho gà?
Do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, khiến chúng kém khả năng chống lại vi khuẩn và virus gây bệnh, nên hơn 90% các ca ho gà được ghi nhận ở trẻ em dưới 10 tuổi. Trẻ em sinh ra từ bà mẹ bị ho gà trong thời kỳ mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hơn nữa, nếu trẻ sống trong các khu vực đông đúc hoặc thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh ho gà, nguy cơ bị nhiễm bệnh cũng sẽ tăng lên.
Trẻ em có hệ miễn dịch yếu, đang sốt, hoặc mắc các bệnh về phổi, tim mạch, thận, hoặc tiểu đường cũng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Hơn nữa, việc vô tình tiếp xúc với khói bụi, hóa chất và các chất độc hại khác trong môi trường xung quanh (như khói thuốc lá) cũng làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh ho gà.
Đối tượng nào dễ mắc ho gà?
Ho gà ở trẻ em lây qua con đường nào?
Bệnh ho gà ở trẻ em lây qua những con đường sau:
Tiếp xúc gần
Trẻ có thể bị nhiễm bệnh khi có sự tiếp xúc gần với người bị ho gà, như trong các tình huống ôm, hôn, hoặc sử dụng chung quần áo.
Trẻ hít phải các giọt bắn chứa vi khuẩn
Khi người mắc ho gà ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện, các giọt bắn chứa vi khuẩn có thể phát tán vào không khí. Khi trẻ hít phải những giọt bắn này, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và gây bệnh.
Lây truyền qua đường hô hấp
Vi khuẩn Bordetella pertussis có thể lây truyền qua không khí đến người chưa bị nhiễm, vì vi khuẩn này có khả năng tồn tại trong đường hô hấp. Theo Bộ Y Tế, tỷ lệ lây truyền rất cao, đặc biệt khi tiếp xúc với giọt nước bọt của người bệnh hoặc khi sống cùng không gian kín trong thời gian dài. Tỷ lệ nhiễm bệnh của những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân trong gia đình dao động từ 90- 100%.
Triệu chứng của bệnh ho gà ở trẻ em
Dấu hiệu trẻ bị ho gà ở trẻ em tiến triển khác nhau ở mỗi giai đoạn, cụ thể như sau:
Giai đoạn ủ bệnh
Thời gian này kéo dài trung bình từ 9 - 10 ngày và chưa có triệu chứng gì đặc biệt để nhận biết bệnh.
Giai đoạn viêm long đường hô hấp
Có thể kéo dài khoảng 1 - 2 tuần với các triệu chứng giống như viêm đường hô hấp thông thường như: sốt nhẹ, ho húng hắng, hắt hơi, chảy nước mũi, cuối giai đoạn này ho nặng thành từng cơn.
Giai đoạn khởi phát
Kéo dài từ 1- 6 tuần hoặc trên 10 tuần với một số trường hợp đặc biệt. Biểu hiện thường thấy là ho rũ rượi thành, tiếng ho gà thành từng con, mỗi cơn ho kéo dài từ 15 - 20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau tiếng ho yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ yếu dần, có thể ngừng thở do thiếu oxy.
Bên cạnh cơn ho liên tục mặt trẻ sẽ tím tái hoặc đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, nước mắt, nước mũi chảy ra. Cuối mỗi cơn ho là tiếng thở rít vào nghe như tiếng gà. Kết thúc cơn ho trẻ có thể khạc đờm trắng, trong đờm có chứa vi khuẩn ho gà.
Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn khởi phát này, tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần. Tuy nhiên bệnh có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị.
Cách nhận biết ho gà ở trẻ là gì?
Giai đoạn phục hồi
Giai đoạn này cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt, ba mẹ tưởng bé đã khỏi bệnh tuy nhiên sau đó nhiều tháng, ho có thể tái phát lại và gây ra viêm phổi.
Triệu chứng bệnh ho gà ở người lớn và trẻ vị thành niên thường nhẹ hơn, ít gặp cơn ho điển hình và kéo dài hoặc là không có triệu chứng. Người bệnh thường khỏi sau 7 ngày.
Đặc biệt, ho gà ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm nếu trẻ chưa được tiêm vắc xin kịp thời hoặc không có kháng thể từ mẹ truyền sang (nếu mẹ tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà trong thời gian mang thai). Ở trẻ sơ sinh đôi khi có thể xuất hiện những cơn ngừng thở hẳn. Giữa các cơn ho, trẻ vẫn sinh hoạt bình thường. Ngoài ra, trong giai đoạn kịch phát bệnh, trẻ còn có thể có các triệu chứng như bầm tím quanh mi mắt dưới, chảy máu cam hoặc xuất huyết kết mạc.
Giai đoạn lây nhiễm bệnh ho gà
Bệnh lây nhiễm mạnh nhất trong thời gian 2 tuần đầu ở giai đoạn khởi phát. Sau 5 ngày nếu được điều trị kháng sinh phù hợp, bệnh nhân có thể không gây lây nhiễm bệnh cho người khác.
Con đường lây nhiễm ho gà ở trẻ là do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao và nhanh, có thể lây cho 12- 17 người, nhất trẻ ở cùng lớp học hay những người sống cùng nhà.
Ho gà ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Phương pháp chẩn đoán ho gà ở trẻ em
Bệnh ho gà ở trẻ giai đoạn đầu khó phân biệt với cảm cúm, cảm lạnh thông thường. Việc điều trị ở giai đoạn này có thể khỏi bệnh dứt điểm nhưng lại khó để chẩn đoán chính xác bệnh. Các phương pháp chẩn đoán ho gà có thể kể đến như:
- Xét nghiệm ho gà: Xét nghiệm máu được chỉ định, nếu lượng bạch cầu trong máu cao (> 10g/L) báo hiệu có thể bạn đang có một tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn. Cùng với các triệu chứng khác hoặc chẩn đoán lâm sàng bác sĩ sẽ phát hiện bệnh ho gà cho trẻ.
- Xét nghiệm dịch: Dịch được lấy ở mũi hoặc họng trẻ, sau đó được phết lam kính và nhuộm soi trên kính hiển vi quang học. Bác sĩ sẽ quan sát sự có mặt hay không của hình ảnh của vi khuẩn.
- Chụp X - quang: Nhằm đánh giá tình trạng bệnh thông qua kiểm tra mức độ viêm và lượng dịch có trong phổi bệnh nhân.
- Ngoài ra phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử PCR cho độ nhạy, độ đặc hiệu cao và thu về kết quả nhanh chóng sau 1 - 2 ngày.
Khi nào nên xét nghiệm ho gà? Ba mẹ nên quan sát trẻ với các dấu hiệu bệnh, nếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần đi xét nghiệm ngay nếu ho kéo dài, ho rít và có con ngừng thở. Bởi nếu xét nghiệm sớm để tìm ra bệnh việc điều trị được kịp thời sẽ nhanh khỏi và tránh biến chứng nặng nề.
Đi khám sớm để được điều trị kịp thời sẽ tránh biến chứng bệnh ho gà.
Cách chữa ho gà ở trẻ là gì?
Ho gà là căn bệnh có nguy cơ lây lan rất cao nhất là ở trẻ nhỏ, vì vậy khi phát hiện trẻ bị bệnh nên cách ly trẻ để tránh lây lan sang người khác.
Các bậc cha mẹ cần lưu ý tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán sớm và điều trị theo phương pháp như:
- Điều trị nguyên nhân: Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh trước khi cơn ho xuất hiện. Đặc biệt đối với ho gà ở trẻ sơ sinh điều trị sớm ngay khi thấy dấu hiệu đầu tiên bằng kháng sinh là rất quan trọng nhằm làm giảm nhanh các triệu chứng, loại bỏ các vi khuẩn và rút ngắn thời gian điều trị.
- Điều trị triệu chứng: Một số trường hợp ho gà nặng trẻ có thể xuất hiện co giật, vì vậy lúc này các thuốc chống co giật như: phenobarbital, seduxen là cần thiết.
- Kết hợp điều trị bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng cho trẻ: Những cơn ho nhiều ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của trẻ, ho nhiều bé hay bị nôn trớ. Vì vậy, ba mẹ cần lưu ý một số mẹo chữa ho gà cho trẻ tại nhà như: Cho bé uống thuốc theo đơn của bác sĩ, để trẻ nghỉ ngơi nhiều, tránh tiếp xúc với khói thuốc, bụi bẩn hay hoá chất, nên chia nhỏ bữa ăn, cho con ăn đầy đủ chất, sau mỗi cơn ho của bé mẹ cần vệ sinh sạch đờm ở miệng của trẻ, cách ly trẻ bị ho gà ít nhất 4 tuần kể từ khi xuất hiện cơn ho điển hình.
- Khi nào ho gà ở trẻ cần phải nhập viện: Nếu trẻ có một trong những biểu hiện sau cần nhập viện ngay: Có nhiều cơn ho, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, trẻ ăn kém li bì, thở nhanh, khó thở,...
Biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Bệnh ho gà rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm phế quản
- Viêm phổi
- Xẹp phổi
- Thiếu oxy, suy hô hấp
- Thoát vị ruột
- Sa trực tràng
- Viêm não - đây là biến chứng nguy hiểm với nguy cơ di chứng và tử vong cao.
- Đặc biệt, trẻ sơ sinh bị ho gà sẽ rất nặng nề. Ho kéo dài, khiến trẻ ngừng thở là biến chứng nghiêm trọng nhất, có thể gây tử vong, nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi.
Những cơn ho kéo dài, thở rít có thể khiến trẻ suy hô hấp.
Biện pháp phòng ngừa ho gà ở trẻ em
Mẹ bầu trước khi mang thai cũng nên tiêm phòng vắc xin phối hợp ho gà - bạch hầu - uốn ván để truyền kháng thể sang con trong khoảng thời gian mang thai và ngay sau sinh.
Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất cho trẻ em. Trẻ cần được tiêm đủ và đúng lịch 3 mũi vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu chưa tiêm đủ và đúng lịch thì khả năng phòng bệnh yếu hoặc mắc bệnh sẽ có nguy cơ tiến triển nặng thêm.
Ở nước ta, vắc xin ho gà có trong các vắc xin kết hợp như: vắc xin 6 trong 1 Hexaxim hoặc Infanrix Hexa, vắc xin 5 trong 1, vắc xin 4 trong 1 hoặc vắc xin 3 trong 1.
Vắc xin 6 trong 1 và 5 trong 1 cần được tiêm đủ và đúng lịch như sau:
- Mũi thứ 1: 2 tháng tuổi.
- Mũi thứ 2: Sau mũi đầu tiên 1 tháng.
- Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng.
- Mũi thứ 4: Là mũi nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
Hiện nay, Trung tâm tư vấn tiêm chủng vắc xin bệnh viện Phương Đông có đầy đủ các mũi vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa, 6 trong 1 Hexaxim được nhập khẩu hoàn toàn.
Ngoài ra trung tâm còn có đủ vắc xin Pentaxim (5 in 1), Tetraxim (4 in 1), Boostrix (3 in 1) để khách hàng thoải mái lựa chọn.
Bệnh viện Phương Đông sẵn đủ các loại vắc xin 6in1, 5in1 phòng ho gà cho trẻ.
Vì ho gà rất dễ lây do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh bị ho, hắt hơi, nên cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa khác như:
- Rửa sạch tay bằng xà phòng thường xuyên
- Tập cho trẻ thói quen che miệng khi ho hay hắt hơi
- Ba mẹ nên dùng nước muối sinh lý ấm vệ sinh mũi họng thường xuyên cho con
- Giữ cho nhà ở và trường lớp học sạch sẽ
- Hạn chế để bé tiếp xúc nơi đông người, nhất là những người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp
- Tăng cường dinh dưỡng để con ăn đủ chất và nâng cao miễn dịch ở trẻ
Bệnh ho gà ở trẻ em diễn biến phức tạp có thể kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, đặc biệt là lây lan rất cao. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh bằng tiêm vắc xin nên được đề cao. Bên cạnh đó nếu trẻ có dấu hiệu bệnh ba mẹ nên cho bé đi khám sớm để phát hiện và điều trị sớm nhất có thể.
Nếu cần thêm thông tin tư vấn Quý khách hàng có thể đăng ký trực tiếp tại phần để đặt lịch khám tại Phương Đông hoặc gọi số hotline 19001806.