Hở van hai lá do nguyên nhân nào? Điều trị ra sao?

Thiên Hương

28-12-2022

goole news
16

Hở van hai lá còn gọi là hở van tim hai lá, suy van hai lá, trào ngược van hai lá, thiểu năng van hai lá. Đây là tình trạng máu chảy ngược vào buồng tim do van hai lá của tim không đóng chặt, tim làm việc trong điều kiện áp lực lớn và lâu dần dẫn tới suy tim. Bệnh có biểu hiện như thế nào? Phương pháp chẩn đoán và điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu nhé!

Tổng quan về bệnh hở van hai lá

Cấu tạo của tim con người gồm 4 ngăn gồm nhĩ phải, nhĩ trái, thất phải và thất trái. Nhĩ phải và thất phải thông nhau bởi van 3 lá, nhĩ trái thông với thất trái là van 2 lá. Hai van này có nhiệm vụ đóng mở và cho phép máu đi một chiều từ tâm nhĩ xuống tâm thất ở các bên tương ứng. Tâm nhĩ trái bơm máu tới tâm thất trái, tâm nhĩ phải bơm máu tới tâm thất phải; tâm thất trái sau đó bơm máu cho động mạch nuôi cơ thể, tâm thất phải bơm máu cho động mạch phổi để trao đổi khí ở cơ quan này.

Cấu tạo chung của tim con người gồm 4 ngăn.

Cấu tạo chung của tim con người gồm 4 ngăn.

Hở van hai lá là gì? Hở van 2 lá là tình trạng 2 lá van giữa nhĩ trái và thất trái không thể đóng kín, khi tim co bóp sẽ khiến máu trào ngược từ tâm thất trái lên tâm nhĩ trái. Do máu trào ngược kết hợp với quá trình máu đổ từ phổi qua tĩnh mạch vào tâm nhĩ trái của tim khiến nhĩ trái và thất trái giãn lớn.

Nguyên nhân hở van hai lá

Van 2 lá có cấu trúc gồm vòng van, lá van, dây chằng và cơ trụ. Chức năng của van sẽ bị ảnh hưởng khi bất cứ cấu trúc nào bị tổn thương. Nguyên nhân khiến tim hở van hai lá thường gặp đó là:

  • Hở van tim hai lá hậu thấp: Thường gặp ở trẻ lớn và thanh thiếu niên từ 5-15 tuổi bị bệnh thấp tim. Hở van tiến triển hậu thấp đa phần gặp về sau có kèm hẹp van 2 lá hoặc hở/hẹp van tim khác (ở độ tuổi 30-60 tuổi).
  • Thoái hoá nhầy: Bệnh nhân thường ở độ tuổi trung niên trở lên, khi này các lá van dày lên gây đứt dây chằng hoặc sa lá van khiến lá van lật vòng trong lòng nhĩ trái khiến tình trạng van bị hở nặng.
  • Thoái hoá vôi: Là nguyên nhân khiến van bị hở, hạn chế cử động do lá van và vòng van bị vôi hoá. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
  • Do bẩm sinh: Van 2 lá bị sa, chẻ giữa lá van, dây chằng van ngắn bất thường. Nguyên nhân này gây hở van hai lá ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
  • Nhiễm trùng van tim (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng): Lá van bị thủng, rách, đứt dây chằng do vi trùng tấn công.
  • Nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim: Thành tim co bóp bất thường gây thiếu máu nuôi, giãn thất trái làm dây chằng, cơ trụ bị đứt.
  • Bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn nở: Vòng van bị giãn, tâm thất trái co bóp bất thường, áp lực trong buồng tim bất thường.
  • Thoái hoá dạng mucin, chấn thương, viêm trong Lupus ban đỏ, xơ cứng bì, hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers Danlos…

Các giai đoạn bệnh

Hở van hai lá được chia làm 4 độ gồm:

  • Hở van hai lá 1/4: Hở van nhẹ hoặc rất nhẹ, có khoảng 75 – 80% người bình thường có tình trạng này.
  • Hở van hai lá 2/4: Hở van trung bình.
  • Hở van hai lá 3/4: Hở van nặng, 19% người bình thường bị hở độ 2/4 và 3/4.
  • Hở van hai lá 4/4: Hở van rất nặng, khoảng 3.5% người bị hở độ 3/4 và 4/4.

Bệnh diễn tiến theo 4 giai đoạn gồm:

Giai đoạn A

Siêu âm tim cho thấy van 2 lá bị hở nhẹ, chức năng tim tốt, buồng tim không giãn. Người bệnh hầu như không biểu hiện bệnh và chưa cần thiết phải điều trị. Bệnh nhân đôi khi sẽ thấy tình trạng mệt mỏi, đau ngực, khó thở cần sử dụng thuốc, tuy nhiên đa số sẽ chỉ cần theo dõi lối sống để kiểm soát bệnh.

Giai đoạn B

Mức độ hở van trung bình, chức năng tim vẫn còn tốt, buồng tim giãn nhẹ, bệnh nhân chưa có biểu hiện bệnh, tuy nhiên có khả năng chuyển biến xấu hơn. Nếu hở van 2 lá 2/4 có kèm theo hở van 3 lá hoặc bệnh mạch vành, tăng huyết áp thì sẽ cần can thiệp điều trị sớm.

Giai đoạn C

Siêu âm tim cho thấy van 2 lá hở độ 3/4-4/4. Khi này chức năng tim đã có sự thay đổi, thất trái và nhĩ trái giãn lớn… Người bị bệnh hở van hai lá có thể xuất hiện các biểu hiện như khó thở, đánh trống ngực, mệt mỏi, ho khan, đau thắt ngực. Bác sĩ có khả năng chỉ định thay van tim.

Giai đoạn D

Bệnh đã ở giai đoạn nguy hiểm, có triệu chứng suy tim, thất trái và nhĩ trái giãn lớn, chức năng co bóp thất trái giảm, tăng áp động mạch phổi, giảm khả năng gắng sức, có dấu hiệu khó thở. Biến chứng có thể gặp là suy tim, rối loạn nhịp tim, phù phổi cấp, xuất hiện cơn hen cấp tính có khả năng dẫn tới tử vong nếu không được thay van tim và điều trị tích cực.

Hở van hai lá diễn biến chia thành 4 giai đoạn.

Hở van hai lá diễn biến chia thành 4 giai đoạn.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh hở van hai lá

Bệnh hở van hai lá có nguy hiểm không? Các triệu chứng của bệnh sẽ có thể chưa xuất hiện hoặc từ nhẹ đến nặng dựa vào mức độ bệnh. Một số biểu hiện thường gặp đó là:

Triệu chứng cơ năng

  • Phù phổi cấp: Thở nhanh, khó thở, vã mồ hôi, khạc đờm bọt hồng. 
  • Sốc tim do giảm thể tích tống máu.
  • Bệnh nhân nhói ngực, thở hụt hơi, hồi hộp.
  • Đau thắt ngực, mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức.
  • Khó thở kể cả khi làm việc nhẹ, nằm nghỉ ngơi.
  • Khó thở kịch phát vào ban đêm khiến bệnh nhân phải ngồi dậy đi lại để thở.
  • Phù chân.
  • Hở van tim mãn tính thường không biểu hiện triệu chứng trong thời gian dài. Cho đến khi bệnh tiến triển nặng sẽ gây suy tim với biểu hiện là khó thở khi gắng sức hoặc kể cả khi nghỉ ngơi, có thể xuất hiện cơn phù phổi cấp, mệt mỏi do giảm chức năng tim, ứ dịch ngoại biên do tăng áp lực động mạch phổi, đánh trống ngực, loạn nhịp tim…

Triệu chứng thực thể

  • Mỏm tim đập ngắn và mạnh, khi thất trái giãn thì mỏm tim lệch trái, sờ thấy nhịp tim bị rối loạn.
  • Nghe tim: tiếng T1 mờ (khi hở van hai lá mãn tính), tiếng T2 tách đôi, có thể nghe thấy tiếng T3 khi có tăng dòng chảy tâm trương. Tiếng thổi tâm thu âm sắc cao, nghe rõ ở mỏm tim, lan tới nách. 

Hở van 2 lá gây suy tim còn có các triệu chứng như tĩnh mạch cổ nổi, tổn thương phổi, huyết áp thấp, tràn dịch đa màng, gan to…

Hở van hai lá có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh

Các giai đoạn đầu của bệnh thường chưa có triệu chứng nên nhiều bệnh nhân rất chủ quan và không chủ động điều trị. Do đó khi bệnh đã nặng lên, việc chữa trị sẽ trở nên khó khăn hơn và khả năng gặp phải các biến chứng sau đây: 

Ảnh hưởng tới việc sinh nở

Người bị hở van tim 2 lá ảnh hưởng tới việc sinh nở, đặc biệt là nếu bệnh nặng thì rất dễ gặp biến chứng nặng khi sinh. Bệnh nhân nữ nếu có ý định mang thai sẽ cần thực hiện phẫu thuật để sửa hoặc thay van tim. Nếu đã có thai, phẫu thuật van tim không được khuyến cáo, trừ trường hợp cấp cứu.

Rung nhĩ

Đây là biến chứng khá phổ biến. Với bệnh nhân ở giai đoạn nặng, tâm nhĩ trái đã bị giãn rất nhiều, mất chức năng co bóp, chỉ “rung” chứ không thể “co bóp” bơm máu. Hậu quả là lượng máu xuống thất trái bị giảm, tim đập không đều, hồi hộp, xuất hiện triệu chứng suy tim. 

Máu từ nhĩ trái xuống thất trái giảm khiến ứ trệ máu, có thể tạo cục máu đông trong nhĩ trái. Các cục máu đông này di chuyển theo dòng máu gây tắc mạch máu khắp nơi, nguy hiểm nhất là tắc mạch máu não dẫn tới đột quỵ, tắc mạch trong ổ bụng dẫn tới hoại tử ruột, tắc mạch ở chân gây hoại tử chân hoặc liệt chân…

Rung nhĩ là biến chứng khá phổ biến của bệnh hở van hai lá.

Suy tim

Hở van 2 lá kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng giãn nhĩ trái và thất trái, khi này thất trái phải bơm máu cật lực, lâu ngày dẫn đến giảm chức năng co bóp bơm máu, không thể bù trừ dẫn đến suy tim. Khi thất trái suy nặng, khả năng bơm máu < 20% thì bệnh tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao, khi cấp cứu phẫu thuật có nguy cơ gặp biến chứng ca. Sau mổ, tim cũng không thể hồi phục chức năng như bình thường.

Đột tử

Những bệnh nhân bị suy tim mạch, đặc biệt là ở những người kết hợp mắc bệnh mạch vành có thể bị đột tử. Ngoài ra người bị sa van 2 lá cũng có thể bị đột tử.

Chẩn đoán hở van hai lá bằng cách nào?

Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, ngoài thăm khám triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp sau đây:

Siêu âm tim

Đây là cách chẩn đoán hiệu quả nhất để xác định bệnh, đo lường mức độ bệnh cũng như tìm ra nguyên nhân trong hầu hết các trường hợp bệnh. Các bác sĩ sẽ dựa vào siêu âm 2D, siêu âm Doppler xung, Doppler màu, Doppler. Thông qua siêu âm sẽ xác định được mức độ là hở van hai lá nhẹ, vừa và nặng. Đồng thời, siêu âm tim còn giúp đánh giá áp lực động mạch phổi qua chức năng thất phải và dòng hở van 3 lá. 

Thông tim

Buồng thất trái được chụp trên thông tin giúp đo lường mức độ hở van hai lá theo phân độ của Seller, cụ thể:

  • Hở van 2 lá 1/4: Chỉ xuất hiện vệt cản quang mờ vào nhĩ trái, không rõ hình nhĩ trái.
  • Hở van 2 lá 2/4: Vệt cản quang toàn bộ nhĩ trái nhưng không đậm bằng thất trái, sau 2-3 lần bóp sẽ biến mất.
  • Hở van 2 lá 3/4: Độ đậm cản quang ở cả thất trái và nhĩ trái bằng nhau.
  • Hở van 2 lá 4/4: Độ cản quang ở nhĩ trái đậm hơn thất trái, xuất hiện cản quang ở cả tĩnh mạch phổi.

Chụp X quang tim phổi

Khi tình trạng hở van hai lá cấp hoặc bệnh gây suy tim thì khi chụp X quang phổi sẽ cho thấy hình ảnh tim lớn, ứ/tràn dịch màng phổi, phù phế nang, phù mô kẽ.

Điện tâm đồ

Hình ảnh từ điện tâm đồ sẽ giúp bác sĩ xác định ảnh hưởng của bệnh đến cấu trúc tim và các tổn thương hẹp tắc động vành. Đồng thời sẽ phát hiện các rối loạn nhịp tim kèm theo.

Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số các xét nghiệm và đo lường khác như chụp MSCT động mạch vành cản quang, trắc nghiệm gắng sức, chụp mạch vành qua thông tim trong trường hợp hở van 2 lá gây nên do bệnh mạch vành.

Điện tâm đồ giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim.

Điện tâm đồ giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim.

Phương pháp điều trị hở van 2 lá

Để điều trị hở van hai lá, hiện nay sẽ áp dụng các phương pháp sau:

Điều trị hở van hai lá cấp tính

Người bị hở van 2 lá cấp tính thường có biểu hiện nặng nề, do đó, phương án điều trị nội khoa ở thời điểm này nhằm mục đích ổn định triệu chứng và huyết động để chuẩn bị phẫu thuật. 

  • Khi đã ổn định huyết động, bệnh nhân có thể được dùng thuốc giãn mạch như thuốc nitroglycerin để giảm hậu gánh. 
  • Nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp sẽ được kết hợp với thuốc vận mạnh như Dobutamine.
  • Trường hợp bệnh nặng có tụt huyết áp, sốc tim, phù phổi không đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ chỉ định đặt bóng đối xung động mạch chủ.
  • Nếu hở van 2 lá do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng kháng sinh.
  • Phẫu thuật gấp (sửa van hoặc thay van) trong trường hợp bệnh nặng, cấp tính.

Điều trị hở van hai lá mãn tính nguyên phát

  • Trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần theo dõi định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần và tái khám khi có dấu hiệu bất thường.
  • Trường hợp bệnh nhẹ cần theo dõi bằng siêu âm tim, khám lâm sàng hàng năm và tái khám khi có các triệu chứng cơ năng.
  • Trường hợp bệnh có xuất hiện triệu chứng sẽ được xem xét phẫu thuật kể cả khi chức năng tim chưa suy giảm.
  • Hiện nay chưa có phương pháp điều trị nội khoa, bác sĩ có thể dùng thuốc ức chế thụ thể hoặc ức chế men chuyển, tạo nhịp 2 buồng thất, chẹn beta nếu bị rối loạn chức năng tâm thu thất trái.
  • Để giảm triệu chứng, bác sĩ có thể dùng các thuốc như thuốc giãn mạch nhóm nitrat và thuốc lợi tiểu giúp giảm ứ huyết phổi; thuốc ức chế men chuyển làm tăng thể tích tống máu và giảm thể tích dòng hở; thuốc chống rối loạn nhịp như nhóm chẹn kênh calci, chẹn beta giao cảm, digitalis, amiodarone giúp kiểm soát tần số thất ở bệnh nhân rối loạn nhịp tim; thuốc chống đông cho bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ bị tắc mạch. 
  • Chỉ định mổ để sửa/thay van 2 lá. Bệnh nhân sau mổ sẽ được theo dõi lâm sàng và siêu âm định kỳ để đánh giá chức năng của van tim và tim.

Điều trị hở van hai lá thứ phát

Điều trị suy tim là phương án cốt lõi giúp kiểm soát tình trạng hở van 2 lá do rối loạn chức năng tâm thất trái nặng. Chỉ định phẫu thuật van 2 lá có phẫu thuật phối hợp bệnh tim khác như mổ bắc cầu nối chủ vành, mổ van động mạch chủ hoặc ở người bệnh đã được điều trị nội khoa nhưng không đáp ứng.

Cách phòng ngừa bệnh hở van tim 2 lá

Để phòng ngừa nguy cơ bị chứng hở van hai lá, bạn hãy thực hiện theo các khuyến cáo sau đây:

  • Giữ gìn nơi ở sạch sẽ, thoáng đãng, tránh nơi ở chật chội để phòng tránh bệnh thất tim.
  • Sử dụng kháng sinh phòng thấp tim tái phát nếu nguyên nhân do hậu thấp.
  • Giữ vệ sinh răng miệng, điều trị bệnh về răng định kỳ 6 tháng/lần để phòng ngừa nhiễm trùng van 2 lá do nguyên nhân có tới 75% vi khuẩn tại răng miệng và vùng hầu họng theo đường máu, bám lên van tim gây viêm nhiễm, áp xe.
  • Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn tim mạch, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim…  Đây là các bệnh lý có nguy cơ cao gây hở van 2 lá.
  • Không hút thuốc lá, uống bia rượu.
  • Xây dựng chế độ ăn tốt cho tim mạch.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 45 phút mỗi ngày đều đặt.
  • Tránh thừa cân, béo phì.
  • Thực hiện khám sức khỏe định kỳ.

Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tốt cho hệ tim mạch và sức khoẻ.

Khám và điều trị hở van hai lá ở đâu?

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn cao, đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp tầm soát và điều trị hiệu quả các bệnh lý về tim mạch trong đó có hở van tim. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, bệnh viện sẽ giúp chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả nhất, giúp kiểm soát bệnh lâu dài, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy đến, tránh nguy cơ tái phát giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và trở về cuộc sống bình thường.

Hở van hai lá thường chỉ được can thiệp điều trị khi đã tiến triển ở giai đoạn nặng do bệnh ở giai đoạn nhẹ thường không biểu hiện thành triệu chứng. Để tránh bị biến chứng nặng và không thể phục hồi, bệnh nhân hãy thực hiện khám định kỳ sức khỏe tổng quát để phát hiện những bất thường và điều trị kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

1,229

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám