Hội chứng ổ khuyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nguyễn Phương Thảo

05-04-2025

goole news
16

Hội chứng ổ khuyết là một dạng đột quỵ nhỏ nhưng có thể để lại hậu quả lớn. Dù tổn thương chỉ khu trú tại các mạch máu nhỏ trong não, nhưng nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, bệnh có thể gây suy giảm chức năng vận động, cảm giác và thậm chí làm tăng nguy cơ đột quỵ nặng hơn trong tương lai. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng nguy hiểm này để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Hội chứng ổ khuyết là gì? 

Hội chứng ổ khuyết (lacunar syndrome) là thuật ngữ y khoa mô tả các tổn thương nhỏ, dạng hốc trong mô não, hình thành do nhồi máu hoặc hoại tử, thường xuất hiện khi các nhánh động mạch xuyên nhỏ bị tắc nghẽn. 

Hình ảnh minh hoạ từ chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởngHình ảnh minh hoạ từ chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng 

Ghi chú:

  • (A–C): Xuất huyết não do tăng huyết áp (ICH) ở hạch nền bên trái (mũi tên lớn). Một số chảy máu vi thể sâu (MB) (mũi tên nhỏ), tăng tín hiệu chất trắng quanh não thất (mũi tên cong) và một lỗ khuyết sâu (đầu mũi tên) cũng được nhìn thấy. 
  • (D–F): Vị trí hỗn hợp của ICH và MB (mũi tên nhỏ). Có một số lỗ khuyết (đầu mũi tên) và các khoảng quanh mạch máu mở rộng có thể nhìn thấy trên MRI gần hạch nền (mũi tên cong) ở cùng một bệnh nhân.

Các nhánh động mạch này có đường kính rất nhỏ, khoảng 108- 400 micromet, và khi bị tắc, chúng gây ra những ổ tổn thương nhỏ trong não, thường có kích thước dưới 15mm. Những tổn thương này thường xuất hiện ở các vùng sâu của não như hạch nền, đồi thị, bao trong và cầu não. Hội chứng này là một dạng đột quỵ thiếu máu cục bộ, chiếm khoảng 25% tổng số ca đột quỵ do thiếu máu não. 

Đặc điểm của hội chứng này là không có dấu hiệu rối loạn chức năng vỏ não, như mất ngôn ngữ hoặc mất thị lực, mà thường gây ra các triệu chứng như liệt vận động hoặc mất cảm giác ở một bên cơ thể. 

Nguyên nhân của hội chứng ổ khuyết 

Hội chứng ổ khuyết xảy ra do thiếu lưu lượng máu trong các động mạch nhỏ hơn cung cấp cho các cấu trúc não sâu. Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất dẫn đến đột quỵ ổ khuyết là huyết áp cao mãn tính. Tình trạng này có thể khiến các động mạch bị hẹp lại, khiến các mảng cholesterol hoặc cục máu đông dễ chặn dòng máu đến các mô não sâu hơn.

Các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi hội chứng ổ khuyếtCác khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi hội chứng ổ khuyết

Ai có nguy cơ bị hội chứng ổ khuyết? 

Một số nhóm người khác nhau có thể nguy cơ bị đột quỵ ổ khuyết cao hơn những người khác. Cụ thể: 

  • Người lớn tuổi; 
  • Những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ;
  • Những người gặp vấn đề sức khỏe mãn tính gây ra nhồi máu ổ khuyết như một biến chứng bao gồm: Huyết áp cao mãn tính, rối loạn tim, bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh động mạch ngoại biên;
  • Người có nồng độ cao của một loại axit amin gọi là homocysteine thường gợi ý tình trạng thiếu vitamin B12 hoặc folate tiền sử bị các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc đột quỵ nhỏ; 
  • Người da đen: Theo đánh giá của Trusted Source đã so sánh hai nghiên cứu. Một nghiên cứu đã diễn ra trong một cộng đồng chủ yếu là người da đen và các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ 100.000 người thì có 52 người bị đột quỵ ổ khuyết. Một nghiên cứu khác sử dụng mẫu có phần lớn là da trắng và phát hiện ra tỷ lệ mắc là 29/100.000 người;
  • Những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ cũng có nguy cơ cao hơn so với người bình thường. 

Yếu tố khác

Các yếu tố bổ sung làm tăng khả năng bị đột quỵ ổ khuyết bao gồm: 

  • Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá; 
  • Sử dụng quá nhiều rượu và ma tuý; 
  • Mang thai; 
  • Sử dụng thuốc tránh thai; 
  • Lối sống ít vận động; 
  • Chế độ ăn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng; 
  • Cholesterol cao

Xem thêm:

Triệu chứng lâm sàng của Hội chứng ổ khuyết thường gặp 

Đa phần các trường hợp đột quỵ não thể nhồi máu nhỏ thường không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi tổn thương xảy ra tại những vị trí nhất định trong não, người bệnh có thể gặp phải một số hội chứng lâm sàng đặc trưng. Hiện nay, y văn đã mô tả hơn 20 dạng hội chứng liên quan đến các tổn thương này, nhưng trong đó, 5 nhóm hội chứng chính được công nhận rộng rãi và có ý nghĩa lâm sàng quan trọng nhất. Cụ thể:

  • Liệt vận động nửa người đơn thuần (Pure Motor Hemiparesis): Đây là thể phổ biến nhất, đặc trưng bởi tình trạng liệt vận động một bên cơ thể, bao gồm tay, chân và mặt, mà không kèm theo rối loạn cảm giác hay triệu chứng vỏ não như thất ngôn, bán manh, hay mất nhận thức nửa người. Tình trạng liệt có thể hoàn toàn hoặc một phần, thường gặp ở cả tay và chân (50%), chỉ tay và mặt (29%), hoặc chỉ một chi (18%). Tổn thương hay xảy ra tại bao trong, nhưng cũng có thể xuất hiện tại các vùng khác dọc theo đường dẫn truyền vỏ - tủy. Một số bệnh nhân có thể bị thiếu hụt vận động đơn độc hoặc xuất hiện sau cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) ở một bên cơ thể.
  • Đột quỵ não cảm giác đơn thuần (Pure Sensory Stroke): Chiếm khoảng 7 – 18% tổng số hội chứng ổ khuyết và đặc trưng bởi tình trạng tê bì hoặc rối loạn cảm giác ở một bên cơ thể, bao gồm mặt, tay và chân, nhưng không có biểu hiện liệt hay triệu chứng vỏ não. Các dạng rối loạn cảm giác có thể liên quan đến cảm giác nông, cảm giác sâu hoặc cả hai. Tổn thương có thể khu trú tại cầu não hoặc đồi thị, gây ra rối loạn cảm giác khu trú hoặc lan tỏa nửa người.
  • Liệt nửa người kèm thất điều (Ataxic Hemiparesis): Chiếm 3 – 18% các trường hợp. Đặc điểm chính là sự kết hợp giữa liệt nửa người và thất điều (rối loạn phối hợp vận động) ở chi cùng bên. Tình trạng này là kết quả của tổn thương bó vỏ - tiểu não, gây mất liên động, giảm trương lực cơ và động tác quá tầm. Một số bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong phát âm (nói khó), rối loạn vận nhãn (nystagmus), hoặc dáng đi lệch về bên bị ảnh hưởng. Như các hội chứng ổ khuyết khác, thể này không có triệu chứng vỏ não đi kèm.
  • Đột quỵ não vận động - cảm giác (Sensorimotor Stroke): Chiếm 15 – 20% các trường hợp, biểu hiện bằng tình trạng liệt nửa người đi kèm rối loạn cảm giác (tê bì) ở mặt, tay và chân cùng bên, nhưng không có dấu hiệu vỏ não. Nguyên nhân thường do nhồi máu tại vùng sau bên của đồi thị và cánh tay sau của bao trong. Cơ chế bệnh sinh liên quan đến tổn thương mạch máu nhỏ, đặc biệt là các nhánh động mạch xiên từ động mạch não sau cấp máu cho đồi thị và các nhánh đậu vân từ động mạch não giữa cấp máu cho bao trong. Tuy nhiên, mối liên hệ chính xác giữa tổn thương mạch máu và biểu hiện lâm sàng vẫn còn đang được nghiên cứu.
  • Hội chứng nói khó - bàn tay vụng về (Dysarthria - Clumsy Hand Syndrome): Đây là thể ít phổ biến nhất, chiếm khoảng 2 – 6% tổng số ca bệnh. Đặc trưng bởi các triệu chứng như nói khó từ mức độ nhẹ đến nặng, yếu nhẹ tay kèm theo vụng về khi thực hiện các động tác tinh tế như viết chữ. Một số bệnh nhân còn có biểu hiện tăng phản xạ gân xương, khó nuốt, nhưng không có rối loạn cảm giác hoặc triệu chứng vỏ não đi kèm.

Chẩn đoán và điều trị hội chứng ổ khuyết 

Bước đầu, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán đột quỵ ô khuyết bằng cách khám thần kinh, khám sức khoẻ và xét nghiệm. Một số xét nghiệm mà bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thực hiện bao gồm:

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp chụp chính xác hơn để phát hiện nhồi máu ổ khuyếtChụp cộng hưởng từ là phương pháp chụp chính xác hơn để phát hiện nhồi máu ổ khuyết

  • Chụp CT não: Trong giai đoạn cấp tính, tổn thương ổ khuyết có thể không rõ trên CT. Sau vài tuần, có thể thấy vùng nhồi máu nhỏ dưới vỏ não hoặc ở các nhân xám trung ương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh khuếch tán (DWI) có thể phát hiện sớm ổ nhồi máu nhỏ. MRI cũng giúp phân biệt với các bệnh lý mạch máu nhỏ khác như bệnh mạch máu não do amyloid.
  • Siêu âm Doppler động mạch cảnh và động mạch xuyên: Đánh giá tình trạng hẹp động mạch lớn và vi tuần hoàn não.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Hội chứng ổ khuyết có tiên lượng khá tốt nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, nhưng vẫn có nguy cơ tái phát nếu không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ mạch máu.

Phương pháp điều trị hội chứng ổ khuyết

  • Liệu pháp tiêu huyết khối: Đây là những loại thuốc làm tan cục máu đông. Bác sĩ thưởng chỉ sử dụng nếu người bệnh có triệu chứng đột quỵ chưa đầy bốn giờ vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong nguy hiểm. 
  • Cắt bỏ huyết khối cơ học: Phương pháp phẫu thuật này để loại bỏ cục máu đông. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống nhỏ, mỏng vào mạch máu ở một nơi khác trong cơ thể. Sau đó, sẽ luồn ống thông vào cục máu đông trong não của bệnh nhân để hút cục máu đông thành một mảnh hoặc phá vỡ nó ra và hút các mảnh. Dựa vào tình hình thực tế, bác sĩ sẽ đề xuất các phương án phẫu thuật cụ thể. 
  • Thuốc làm loãng máu: Giúp ngăn ngừa tình trạng đông máu quá dễ dàng. 
  • Kiểm soát huyết áp: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để kiểm soát huyết áp và giữ huyết áp ở mức an toàn. 

Để ngăn ngừa hình thành thêm cục máu đông bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc làm loãng máu trong ít nhất 90 ngàyĐể ngăn ngừa hình thành thêm cục máu đông bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc làm loãng máu trong ít nhất 90 ngày

Phục hồi chức năng đột quỵ 

Phục hồi chức năng là một phần quan trọng trong điều trị hội chứng ổ khuyết. Bạn có thể kết hợp: 

  • Liệu pháp ngôn ngữ: Giúp lấy lại hoặc cải thiện khả năng ngôn ngữ, nói, thở, ăn, và nuốt.
  • Vật lý trị liệu: Tăng cường cơ bắp, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và vận động tay chân. 
  • Liệu pháp nghề nghiệp: Giúp bệnh nhân có thể hoàn thành các công việc hàng ngày một cách an toàn, đặc biệt là công việc nhà hoặc hoạt động cần chuyển động cơ thể chính xác. 
  • Phục hồi nhận thức: Giúp cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung. 

Quý khách có nhu cầu thăm khám tại Bệnh viện Phương Đông có thể liên hệ ngay tới đường dây nóng: 1900 1806 hoặc đặt lịch khám để nhận sự tư vấn miễn phí.

Hội chứng ổ khuyết có thể diễn tiến âm thầm nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ. Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường và mỡ máu cao đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh. Đồng thời, khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường về vận động hoặc cảm giác, việc thăm khám sớm và tuân thủ phác đồ điều trị sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

23

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám