Dấu hiệu sớm của đột quỵ | Nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh

Trần Hồng Nụ

11-06-2021

goole news
16

Đột quỵ còn có tên gọi khác là tai biến mạch máu não. Đây là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, xảy ra đột ngột mà không thể lường trước. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và biện pháp phòng tránh đột quỵ sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình một cách chủ động trong mọi tình huống.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là tình trạng tổn thương nghiêm trọng tại não bộ xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị tác nhân nào đó gây gián đoạn hoặc là có một mạch máu trong não bị vỡ. Lúc này, lượng oxy và dưỡng chất nuôi các tế bào não đã bị giảm đáng kể. Chỉ trong khoảng vài phút, các tế bào não sẽ chết dần đi và gây ra nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tới tính mạng người bệnh
Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tới tính mạng người bệnh

Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, có tỉ lệ tử vong cực cao nếu như người bệnh không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mỗi năm ở Việt Nam khoảng trên 200.000 người bị đột quỵ, trong số đó có tới 50% ca tử vong và chỉ có 10% người sống sót, bình phục hoàn toàn. Đáng chú ý, hiện nay bệnh đột quỵ đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, gia tăng mạnh ở độ tuổi từ 40 – 45 tuổi, thậm chí là 20.

Những dạng đột quỵ mà người bệnh thường gặp

Có 3 dạng đột quỵ chính theo từng nguyên nhân gây nên, mỗi loại đều có những đặc điểm riêng biệt

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ khởi phát do tình trạng tắc nghẽn động mạch. Dạng này chiếm khoảng 85% tổng số trường hợp đột quỵ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh bệnh này một cách hiệu quả nếu thực hiện tốt các biện pháp dự phòng.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ lại chia thành 2 dạng là:

  • Đột quỵ do huyết khối: Là tình trạng tắc nghẽn mạch máu do hình thành các cục máu đông hoặc sự xuất hiện của mảng bám tích tụ trong động mạch ở cổ hoặc não bộ.
  • Đột quỵ do tắc mạch: Khởi phát do các cục máu đông hình thành trong cơ thể, thường gặp nhiều nhất là tim. Bằng cách nào đó, chúng đã có thể di chuyển đến não và gây tắc nghẽn mạch máu não.

Đột quỵ do xuất huyết

Đột quỵ do xuất huyết khởi phát do có một vết nứt trên bề mặt não hoặc động mạch não dẫn tới hiện tượng chảy máu. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể là do phình mạch hoặc hệ thống mạch máu não có biểu hiện dạng. Theo thống kê, đột quỵ do xuất huyết chiếm tỉ lệ khoảng 15% số ca đột quỵ.

Đột quỵ do xuất huyết não chiếm 15% tổng số ca bệnh
Đột quỵ do xuất huyết não chiếm 15% tổng số ca bệnh

Đột quỵ do thiếu máu não thoáng qua

Đột quỵ do thiếu máu não thoáng qua thường gọi là đột quỵ nhỏ. Nguyên nhân là do triệu chứng đột ngụy kéo dài rất ngắn, chỉ khoảng vài phút.

Các cơn đột quỵ nhỏ khởi phát do tình trạng thiếu máu não xảy ra. Lưu lượng máu dẫn tới não tạm thời bị cản trở, đã gây ra những triệu chứng tương tự như đột quỵ. Tuy nhiên, khi lưu lượng máu trở về mức bình thường, thì các triệu chứng đó cũng biến mất. Theo các bác sĩ, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một cơn đột quỵ lớn sắp xảy ra trong thời gian tới, vì vậy bạn cần chú ý tới sức khỏe nhiều hơn.

Những di chứng của đột quỵ gây ra

Đột quỵ có để lại những di chứng lâu dài cho người bệnh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là mức độ nguy hiểm của bệnh và việc người bệnh có được can thiệp điều trị kịp thời hay không.

Đột quỵ có thể để lại khá nhiều di chứng làm ảnh hưởng đến các cơ quan, hệ cơ quan khác nhau trên cơ thể bệnh nhân, cụ thể:

Hệ hô hấp

Các tổn thương ở não bộ do đột quỵ có thể khiến người bệnh khó khăn hơn trong việc ăn uống. Đây là biến chứng phổ biến và có thể được khắc phục theo thời gian khi mà cơn đột quỵ đã được điều trị khỏi.

Tuy nhiên, nếu như các tổn thương não xảy ra ngay tại trung tâm điều khiển hoạt động hô hấp của cơ thể thì lại không đơn giản như vậy. Lúc này, người bệnh có thể ngừng hô hấp, thậm chí là tử vong.

Hệ tuần hoàn

Thói quen không ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh có thể khiến bệnh nhân đột quỵ xuất hiện di chứng ở hệ tuần hoàn. Đặc biệt là đối với những người thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, bị tăng huyết áp hoặc tiểu đường. Vì vậy để hạn chế di chứng tới hệ tuần hoàn, người bệnh cần thay đổi lối sống, chế độ ăn cũng như vận động mỗi ngày.

Đột quỵ có thể để lại nhiều di chứng tại các cơ quan, hệ cơ quan
Đột quỵ có thể để lại nhiều di chứng tại các cơ quan, hệ cơ quan

Hệ cơ

Những di chứng của bệnh đột quỵ xảy ra tại hệ cơ bao gồm: Giảm vận động của một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể. Đáng chú ý, không ít trường hợp người bệnh đã bị liệt nửa người hoặc toàn thân.

Hệ tiêu hóa

Một số loại thuốc được áp dụng để điều trị đột quỵ có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Các triệu chứng là táo bón, khó tiêu, đầy hơi,...Bên cạnh đó, bệnh lý này còn có thể gây tổn thương cho vùng não đảm nhiệm chức năng kiểm soát các hoạt động tiêu hóa của ruột. Hệ quả là người bệnh bị hạn chế hoặc mất hoàn toàn chức năng ruột.

Hệ tiết niệu

Đột quỵ có thể tác động xấu đến việc giao tiếp giữa não và hệ tiết niệu, nhất là tại bàng quang. Hệ quả của việc này là khiến cho bệnh nhân phải đi vệ sinh thường xuyên, tiểu tiện mất kiểm soát, thậm chí chỉ cần một kích thích rất nhỏ chẳng hạn như ho hay cười cũng có thể khiến người bệnh tiểu tiện không tự chủ.

Hệ sinh sản

Mặc dù đột quỵ không ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản nhưng lại làm giảm ham muốn tình dục của người bệnh. Nhất là khi họ đang có những rối loạn tâm lý hay đang sử dụng một số loại thuốc điều trị.

Hệ thần kinh

Di chứng mà đột quỵ có thể để lại cho hệ thần kinh là rất nặng nề. Người bệnh thậm chí có thể mất hoàn toàn khả năng cảm nhận nhiệt độ nóng, lạnh hay cảm giác đau… Một số trường hợp khác còn bị suy giảm thị lực nếu như các dây thần kinh vùng mắt bị tổn thương.

Bệnh nhân bị liệt sau cơn đột quỵ
Bệnh nhân bị liệt sau cơn đột quỵ

Ngoài ra, đột quỵ còn gây ra hàng loạt những vấn đề về thần kinh khác, chẳng hạn như: Mất trí nhớ, giảm trí tuệ, dễ nóng giận, bực bội, trầm cảm. Trong trường hợp bệnh này tác động và làm tổn thương các dây thần kinh vận động thì triệu chứng liệt nửa nửa người hoặc toàn thân hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguyên nhân gây ra đột quỵ

Nguyên nhân đột quỵ được chia thành 2 nhóm chính là sinh lý và bệnh lý.

Nguyên nhân sinh lý

Nguyên nhân sinh lý gây ra bệnh đột quỵ có thể bao gồm:

  • Tuổi tác: Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị đột quỵ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, người già có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người trẻ, đặc biệt là những đối tượng từ 55 tuổi trở lên.
  • Giới tính: Nam giới là đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với nữ giới do thói quen sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, áp lực công việc,...
  • Chủng tộc: Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát sơ bộ về mối liên quan giữa đột quỵ với yếu tố chủng tộc. Họ đã phát hiện ra một điều thú vị là người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh này gấp 2 lần so với người da trắng.
  • Tiền sử gia đình: Theo lẽ thông thường, những người có người thân từng bị đột quỵ ít nhất 1 lần trong đời hoặc mắc bệnh nhồi máu cơ tim, thiếu máu não thoáng qua thì sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nếu như so sánh với những người bình thường khác.

Các yếu tố bệnh lý

Đột quỵ có thể là biến chứng của một số bệnh lý như:

  • Cao huyết áp: Bệnh lý này có khả năng gây ra các cục máu đông, cản trở quá trình lưu thông máu tới não bộ đồng thời chúng cũng gây sức ép lên thành động mạch. Hệ quả của tình trạng này là người bệnh bị xuất huyết não.
  • Bệnh về tim mạch: Suy tim, rung tâm nhĩ, rối loạn nhịp tim hay nhiễm trùng tim đều là những bệnh lý nguy hiểm có thể khiến người bệnh tăng nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người bình thường

Suy tim là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đột quỵ
Suy tim là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đột quỵ

  • Đái tháo đường: Các triệu chứng cũng như biến chứng của bệnh đái tháo đường có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ cho người bệnh.
  • Cao huyết áp: Bệnh cao huyết áp đã làm gia tăng sức ép lên thành động mạch. Theo thời gian, tình trạng này sẽ khiến thành động mạch bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, bệnh cao huyết áp còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cục máu đông hình thành. Đây chính là tác nhân gây cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Bởi vậy mà huyết áp cũng là một trong những biện pháp hiệu quả để tìm ra nguyên nhân đột quỵ.
  • Thiếu máu não thoáng qua: Cơn thiếu máu não thoáng qua khi khởi phát có những triệu chứng giống đột quỵ nhưng chỉ kéo dài trong một vài phút và tối đa là dưới 1-2 giờ. Nguyên nhân của bệnh là do sự hình thành các cục máu đông nhỏ và rất nhỏ gây nghẽn mạch máu đến não. Bệnh này được coi là trường hợp đột quỵ nhẹ do chỉ một phần nhỏ của não không được cung cấp đủ máu nuôi dưỡng. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp khắc phục kịp thời thì thiết máu não thoáng qua cũng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
  • Mỡ máu: Khi mỡ máu tăng cao thường xuyên thì chắc chắn người bệnh sẽ có nguy đột quỵ do các cục mỡ đã làm tắc mạch máu, ngăn chặn máu lưu thông tới não.
  • Tiền sử đột quỵ: Những người có tiền sử bị đột quỵ cũng có nguy cơ cao bị mắc lại bệnh này trong tương lai, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Theo các bác sĩ, nguy cơ này có thể kéo dài trong vòng 5 năm và giảm dần theo thời gian.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc đột quỵ, chẳng hạn như:

  • Lối sống thiếu lành mạnh trong thời gian dài: Đó là thói quen ăn uống không điều độ, không đủ dưỡng chất và lười vận động mỗi ngày.
  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới hàng loạt bệnh lý như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch. Dây đều là những bệnh có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
  • Hút thuốc: Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, người hút thuốc lá thường xuyên có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần những người không sử dụng sản phẩm này. Bởi khói thuốc có thể tổn thương thành mạch máu, đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch. Bên cạnh đó, thuốc lá cũng gây hại tới sức khỏe của phổi, tăng huyết áp, khiến tim hoạt động kém hiệu quả hơn.

Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ đột quỵ rất cao
Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ đột quỵ rất cao

Dấu hiệu sớm báo trước cơn đột quỵ

Đột quỵ sẽ được được phát hiện sớm nếu như bạn nắm được 7 dấu hiệu đặc trưng sau đây:

  • Tê hoặc yếu cơ, triệu chứng này thường chỉ xảy ra ở một bên cơ thể
  • Suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt
  • Khó khăn hơn khi nuốt.
  • Đau, nhức đầu nghiêm trọng mà không biết rõ nguyên nhân.
  • Chóng mặt, khó cử động, đi lại khó khăn, chậm chạp hơn.
  • Nói ngọng, khó phát âm, lưỡi bị tê cứng.
  • Trí nhớ đảo lộn.

Chú ý: Các triệu chứng báo hiệu đột quỵ trên thường không kéo dài. Bởi vì thế mà khi phát hiện bất kể một hoặc nhiều biểu hiện bất thường nào của cơ thể thì bạn cũng không nên chủ quan mà hãy thông báo ngay cho bác sĩ để thăm khám và cấp cứu kịp thời nếu cần thiết.

Gần đây các chuyên gia y tế cùng y bác sĩ đầu ngành đã phát minh ra quy tắc “FAST” để nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ. Cụ thể:

  • Face: Thông qua gương mặt người bệnh, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện được bệnh đột quỵ. Cụ thể là tình trạng mất cân đối gương mặt, một bên bị lệch, méo. Đáng chú ý, điều này có thể nhận biết rõ hơn khi bạn cười.
  • Arm: Giơ cả hai tay lên và theo dõi. Bên cánh tay nào yếu hơn và bị rơi xuống trước thì bên đó có nguy cơ bị bị liệt.
  • Speech: Là cách nhận biết cơn đột quỵ thông qua ngôn ngữ. Bạn cần nói lặp lại một câu đơn giản bất kỳ. Nếu giọng nói của bạn không được tròn vành, rõ chữ, nói không lưu loát hoặc thậm chí là không thể nói được thì đây chính là dấu hiệu sớm của đột quỵ.
  • Time: Nếu có cả 3 dấu hiệu kể trên thì bạn có nguy cơ bị đột quỵ rất cao. Lúc này, thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng, người thân cần khẩn trương đưa bạn tới cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Méo mặt - Dấu hiệu đột quỵ dễ nhận biết
Méo mặt - Dấu hiệu đột quỵ dễ nhận biết

Phương pháp chẩn đoán đột quỵ

Mấu chốt để quá trình điều trị bệnh đột quỵ diễn ra thuận lợi chính là yếu tố thời gian. Vậy nên nếu phát hiện càng sớm các triệu chứng bệnh này và khắc phục kịp thời thì cơ hội sống sót của người bệnh càng cao. Dưới đây là 6 phương pháp chính:

  • Xét nghiệm máu: giúp bác sĩ xác định các nguyên nhân tiềm ẩn của đột quỵ, như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, hoặc bệnh tiểu đường.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) não: CT não giúp bác sĩ phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ, như xuất huyết não hoặc tắc mạch máu não.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) não: MRI não cho hình ảnh chi tiết hơn so với CT não. chụp MRI não có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân của đột quỵ, như phình động mạch não hoặc khối u não.

  • Chụp mạch máu não: Phương pháp này giúp bác sĩ xác định tình trạng mạch máu não. Chụp mạch máu não có thể được thực hiện bằng cách sử dụng chụp CT mạch máu não, chụp MRI mạch máu não, hoặc chụp mạch máu não bằng siêu âm Doppler.

  • Siêu âm Doppler động mạch cảnh: đây là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề ở động mạch cảnh, hẹp động mạch cảnh hoặc cục máu đông.

  • Điện tâm đồ (ECG): ECG giúp phát hiện các bất thường về nhịp tim, rung nhĩ,....

Xem thêm:

Cách sơ cứu tại nhà cho người bị đột quỵ khi chờ xe cấp cứu

Gọi xe cứu thương là việc làm đầu tiên cần thực hiện để cứu sống tính mạng của người bệnh đột quỵ. Tiếp đó, những người xung quanh hãy cố gắng áp dụng một số phương pháp sơ cứu khác cho người bệnh theo từng trường hợp như sau:

Người bệnh tỉnh:

  • Bước 1: Kiểm tra mạch đập, huyết áp và cả nhịp tim của người bệnh.
  • Bước 2: Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng, nâng nhẹ và cố định phần đầu để không lắc lư.
  • B3: Lau đờm dãi cùng các dị vật trong có trong miệng người bệnh như răng giả, thức ăn còn sót lại. Chú ý, tuyệt đối không được cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kể thứ gì.
  • B4: Nếu bệnh nhân bị liệt 1 bên, khi vận chuyển hãy đặt người đó nằm nghiêng về bên không bị liệt.

Hãy gọi cấp cứu ngay khi thấy bệnh nhân đột quỵ
Hãy gọi cấp cứu ngay khi thấy bệnh nhân đột quỵ

Người bệnh bị hôn mê:

Trong trường hợp bệnh nhân đột quỵ bị hôn mê, bạn cũng cần sơ cứu theo 4 bước đã kể trên. Ngoài ra, trong trường hợp mạch của người bệnh không đập hoặc bị ngừng thở, thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực theo tỉ lệ 1:5.

Việc sơ cứu đột quỵ sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần giảm nhẹ những di chứng mà bệnh có thể để lại sau này. Không những vậy việc này còn có thể cứu sống bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần một cách kỳ diệu.

Phương pháp điều trị đột quỵ

Theo các chuyên gia, việc điều trị bệnh đột quỵ hiệu quả cần đáp ứng được 2 mục tiêu chính là:

  • Mục tiêu ngắn hạn: Giảm tối đa nguy cơ tử vong đồng thời hạn chế di chứng cho người bệnh.
  • Mục tiêu lâu dài: Phục hồi chức năng của các cơ quan bị ảnh hưởng và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Hiện nay, việc điều trị đột quỵ sẽ áp dụng 2 phương pháp chính là phẫu thuật và dùng thuốc.

Phẫu thuật

Đối với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não do sự hình thành các cục máu đông hoặc mảng bám làm tắc mạch, thì các phương pháp phẫu thuật thường được bác sĩ áp dụng là:

  • Phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh: Đây là phương pháp điều trị mà các chuyên gia sẽ cắt một vết nhỏ ở động mạch cảnh. Lúc này, máu sẽ tạm thời được vận chuyển qua một ống thông và tới não. Sau khi làm sạch mảng bám, bác sĩ sẽ “vá” động mạch cảnh lại bằng một mảnh lót được lấy từ tĩnh mạch.
  • Phẫu thuật làm tan cục máu đông trong động mạch: Đây là phẫu thuật quan trọng thường áp dụng để điều trị đột quỵ. Lúc này, bác sĩ cũng sẽ rạch một đường nhỏ ở động mạch và sau đó luồn ống thông tại đây sao cho hướng đến điểm tắc nghẽn. Lúc này, thuốc làm tan thông qua ống thông sẽ được truyền đến và trực tiếp phá hủy cục máu đông – tác nhân nguy hiểm gây tắc mạch.
  • Dùng stent: Vẫn sử dụng ống thông nhưng ở phương pháp stent, bác sĩ sẽ luồn 1 thiết bị đặc biệt vào động mạch để có thể lấy các cục máu đông ra ngoài.
  • Cắt bỏ túi phình hoặc ổ dị dạng tại động mạch hoặc tĩnh mạch: Đối với đột quỵ ở dạng xuất huyết não, bệnh này thường xảy ra do vỡ túi phình động mạch hoặc đông, tĩnh mạch bị dị dạng. Do vậy, phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trong trường hợp này là cắt bỏ túi phình hoặc ổ dị dạng tại động mạch hoặc tĩnh mạch

Nong và đặt Stent động mạch cảnh giúp điều trị đột quỵ
Nong và đặt Stent động mạch cảnh giúp điều trị đột quỵ

Dùng thuốc

Việc dùng thuốc để điều trị đột quỵ sẽ áp dụng cho những trường hợp bệnh không quá nghiêm trọng, Bên cạnh đó, những người bệnh vừa phẫu thuật xong cũng cần sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh.

Có 3 nhóm thuốc thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân đột quỵ là:

  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Tác dụng của thuốc này là phá vỡ liên kết giữa các tiểu cầu trong máu đồng thời ngăn chặn chúng dính lại với nhau, từ đó làm tan rã cục máu đông. Bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não cục bộ cần uống thuốc chống kết tập tiểu cầu trong thời gian dài.
  • Thuốc chống đông máu: Nhóm thuốc này có thể tác động trực tiếp vào quá trình đông máu, từ đó ngăn ngừa cục máu đông hình thành ở động mạch.
  • Thuốc bảo vệ tế bào não: Tác dụng của thuốc bảo vệ tế bào não là chống lại các gốc tự do, ức chế hiện tượng co mạch, tăng tuần hoàn não. bên cạnh đóm thuốc này cũng có thể cải thiện hiệu quả các triệu chứng của đột quỵ nhue chóng mặt, giảm trí nhớ hay rối loạn cảm xúc,...

Cách phục hồi sau đột quỵ

Bệnh nhân đã sống sót sau đột quỵ có thể phải đối mặt với khá nhiều vấn đề về sức khỏe. Các di chứng sau đột quỵ thể xuất hiện vĩnh viễn hoặc được phục hồi hiệu quả.

Sau đột quỵ, đa số các trường hợp bệnh đều bị suy giảm chức năng nói, vận động và cảm giác. Vậy nên cần thiết phải có những bài tập trị liệu phù hợp để phục hồi hiệu quả các chức năng này.

  • Phục hồi chức năng nói: Phục hồi chức năng nói là việc làm quan trọng trong quá trình hồi phục sau đột quỵ. Với phương pháp này, các nhà trị liệu ngôn giúp người bệnh nhanh hồi phục tiếng nói, bên cạnh đó, việc phát âm cũng trở nên dễ dàng, chuẩn xác hơn.
  • Phục hồi chức năng vận động: Các vấn đề liên quan đến khả năng vận động hay sự mất thăng bằng khi đi, đứng thường hay xảy ra sau khi người bệnh bị đột quỵ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động thường ngày của họ. Bởi vậy vật lý trị liệu là một cách hiệu quả để bệnh nhân sau đột quỵ có thể lấy lại sức mạnh cơ bắp cũng như học cách giữ cơ thể thăng bằng, phối hợp nhuần nhuyễn các cử động trên cơ thể.
  • Phục hồi chức năng cảm giác: Sau đột quỵ, suy nghĩ và cảm nhận của của người bệnh thường thay đổi theo xu hướng tiêu cực. Chẳng hạn như họ cảm thấy sợ hãi, dễ tức giận, lo lắng, hơn và thậm chí là trầm cảm. Để khắc phục di chứng này, các nhà tâm lý học sẽ trò chuyện và giúp người bệnh cách quản lý chính cảm xúc của bản thân.

Người bệnh cần được phục hồi các chức năng ngôn ngữ, vận động sau đột quỵ
Người bệnh cần được phục hồi các chức năng ngôn ngữ, vận động sau đột quỵ

Cách phòng tránh đột quỵ

Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng một số biện pháp sau:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Ăn uống khoa học là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp giảm nguy cơ đột quỵ và ngăn ngừa bệnh này tái phát. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên răng, bạn nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh với các thực phẩm giàu dưỡng chất, giúp tăng sức đề kháng. Đồng thời, cũng cần tránh những món ăn gây hại cho sức khỏe cơ thể:

Các loại thực phẩm cần tăng cường bổ sung để phòng tránh đột quỵ:

  • Thực phẩm giàu Omega-3 (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích,..).
  • Các thực phẩm giàu folate (đậu lăng, rau xanh sẫm, bông cải, măng tây, các loại hạt, củ cải…).
  • Thực phẩm có khả năng làm giảm hàm lượng Cholesterol xấu (yến mạch, đậu nành hay hạnh nhân,...).
  • Thực phẩm giàu magie (ngũ cốc, quả bơ, chuối, mâm xôi, các loại đậu, rong biển,,...).
  • Nước lọc và nước ép hoa quả.

Thực phẩm cần hạn chế để phòng tránh đột quỵ:

  • Thức ăn đóng hộp.
  • Thức ăn chế biến sẵn.
  • Thực phẩm quá mặt như cà muối, dưa muối… dễ khiến huyết áp tăng cao.
  • Hạn chế ăn thịt, sữa vì đây là nguồn thực phẩm chứa nhiều béo bão hòa, không có lợi cho tim mạch.
  • Không ăn quá nhiều trứng, đồ ăn chứa nhiều cholesterol như: bơ thực vật, tôm, gan động vật, khoai tây chiên, phô mai…

Tập thể dục hàng ngày

Để phòng tránh đột quỵ, bạn hãy cố gắng tập thể dục ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần tập kéo dài 30 phút. Điều này không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn có khả năng giảm huyết áp và phòng ngừa bệnh đột quỵ vô cùng hiệu quả. Các chuyên gia khuyên bạn chỉ nên lựa chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, tập dưỡng sinh, yoga.

Đi bộ mỗi ngày giúp giảm nguy cơ đột quỵ
Đi bộ mỗi ngày giúp giảm nguy cơ đột quỵ

Giữ ấm cơ thể

Bệnh đột quỵ thường xuyên xảy ra vào mùa lạnh. Bởi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, nếu cơ thể không đủ ấm sẽ dẫn đến sự hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy, nhiệt độ cứ giảm khoảng 2,9 độ C ngoài trời liên tục trong 24h có thể tăng nguy cơ đột quỵ lên rất cao. Bởi vậy mà bạn hãy chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là trong mùa lạnh. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế đi ra ngoài khi mà nhiệt độ ngoài trời đang xuống thấp, nhất là vào nửa đêm và rạng sáng.

Không hút thuốc lá

Các cuộc khảo sát đã cho thấy, một người hút thuốc lá nhiều hơn 1 bao mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 4 lần so với những người khác. bên cạnh đó, những người đã ngưng sử dụng thuốc lá từ 2 năm trở lên thì nguy cơ đột quỵ cũng giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, những người ngừng hút thuốc được trên 5 năm thì nguy cơ đột quỵ giảm xuống mức bằng với người không hút thuốc từ khi sinh ra.

Bởi vậy, để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, bạn đừng bao giờ hút thuốc lá. Nếu đã trót sử dụng thì hãy cố gắng cai sản phẩm này nhanh nhất có thể.

Không tắm đêm hoặc tắm ngay khi vừa vận động mạnh

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp tắm đêm đột quỵ. Nhất là những người đang có sẵn bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, thiếu máu thoáng qua, tim mạch,...Các chuyên gia cho biết, việc tắm vào buổi đêm dễ khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, làm vỡ các mạch não xơ vữa, mạch não co thắt hay nhồi máu cơ tim,.. do đó để phòng tránh đột quỵ, bạn tuyệt đối không được tắm đêm hay tắm ngay sau khi vận động mạnh.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Việc thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần không chỉ giúp bạn phòng tránh đột quỵ mà còn ngăn chặn được rất nhiều bệnh lý khác. Tại bệnh viện bạn sẽ được bác sĩ phát hiện sớm những chỉ số không tốt của cơ thể bằng những thiết bị y tế hiện đại. Đồng thời, cũng được tư vấn, giải thích cặn kẽ về những dấu hiệu đột quỵ sớm bạn có thể gặp phải. Nếu như nhận thấy bạn đang có những triệu chứng của bệnh, một phác đồ điều trị phù hợp sẽ được đưa ra nhằm ngăn chặn những biến chứng gây hại cho sức khỏe sau này và giảm nguy cơ tử vong xuống mức thấp nhất.

Như vậy có thể thấy đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm mà bất cứ ai cũng không được chủ quan. Hãy chủ động bổ sung những kiến thức liên quan để bệnh lý này, nhất là dấu hiệu đột quỵ sớm để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của bản thân một cách tốt nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
4,610

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám