Khớp cắn đối đầu không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nụ cười mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây lệch mặt nếu không được can thiệp đúng cách. Khi răng hàm trên và dưới va chạm trực tiếp thay vì khớp đều nhau, lực nhai không được phân bổ hợp lý, lâu dài có thể khiến cơ hàm mất cân đối và khuôn mặt trở nên méo lệch. Đây là tình trạng sai khớp cắn phổ biến nhưng thường bị bỏ qua do triệu chứng ban đầu không rõ rệt. Vậy cách xử lý như thế nào? Cùng theo dõi ngay trong bài viết dưới đây.
Khớp cắn đối đầu là gì?
Khớp cắn đối đầu (tiếng Anh: Edge-to-edge bite) là một dạng sai khớp cắn trong đó các rìa cắn của răng cửa hàm trên và hàm dưới tiếp xúc trực tiếp với nhau theo phương thẳng đứng, thay vì có sự chồng phủ nhẹ của răng hàm trên lên răng hàm dưới như ở người có khớp cắn lý tưởng. Trong tình trạng này, mặt cắn của răng không có khoảng trượt chức năng tự nhiên, làm mất đi sự hài hòa giữa các đơn vị răng khi thực hiện động tác nhai và cắn.
Khớp cắn đối đầu liên quan đến sự tiếp xúc giữa các răng trên hàm trên và hàm dưới khi miệng được đóng lại không được cân bằng và hài hoà
Khác với khớp cắn ngược, trong khớp cắn đối đầu, răng hàm trên không bị tụt ra sau hoàn toàn, mà vẫn giữ vị trí thẳng hàng với răng dưới nhưng không tạo ra được độ phủ cắn dọc. Điều này làm mất đi chức năng bảo vệ của răng trước trong các vận động hàm, từ đó tăng nguy cơ mòn răng hoặc rạn nứt mô răng cứng do lực nhai dồn trực tiếp lên rìa cắn.
Mặc dù không phải dạng sai khớp cắn nghiêm trọng nhất, nhưng khớp cắn đối đầu đây là biểu hiện thiếu tương hợp chức năng giữa hai cung hàm, ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm cũng như phân bố lực trong hoạt động ăn nhai.
Nhận biết khớp cắn chuẩn
Một khớp cắn được xem là chuẩn khi các răng giữa hai hàm trên – dưới khớp nhau hài hòa cả về thẩm mỹ lẫn chức năng nhai. Cụ thể, nhóm răng cửa hàm trên sẽ phủ ra ngoài nhóm răng cửa hàm dưới nhưng không che quá 25% chiều cao thân răng dưới khi ở trạng thái nghỉ. Các răng hàm phía sau cũng phải tiếp xúc đều nhau tại mặt nhai, giúp phân bổ lực nhai một cách cân bằng.
Khi cắn lại, bệnh nhân sẽ cảm nhận được sự khít chặt, không có cảm giác cộm, lệch hay khó chịu. Ngoài ra, răng ở một bên hàm sẽ nằm đối xứng với chiếc răng tương ứng ở hàm đối diện, tạo nên sự hài hòa về khớp cắn cả hai bên.
Dấu hiệu bạn bị khớp cắn đối đầu
Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo bạn có thể đang mắc phải khớp cắn đối đầu:
- Rìa răng cửa trên và dưới chạm trực tiếp khi cắn lại: Đây là đặc trưng nổi bật nhất của khớp cắn đối đầu. Khi khép hai hàm lại, răng cửa hàm trên và hàm dưới không có sự chồng lấp như bình thường, mà chạm mép với nhau theo kiểu “rìa đối rìa”.
- Răng cửa bị mòn, sứt cạnh bất thường: Do lực cắn tập trung trực tiếp vào mép răng cửa, người bị khớp cắn đối đầu thường gặp tình trạng răng bị mài mòn, sứt cạnh, hoặc xuất hiện các vết nứt nhỏ dọc men răng. Đây là một hậu quả phổ biến, đặc biệt ở người trưởng thành không điều trị sớm từ nhỏ.
Khớp cắn đối đầu liên quan đến sự tiếp xúc giữa các răng trên hàm trên và hàm dưới khi miệng được đóng lại không được cân bằng và hài hoà
- Khó khăn khi cắn hoặc xé thức ăn bằng răng cửa: Người có khớp cắn đối đầu có thể gặp khó khăn khi ăn các loại thức ăn cần cắn xé như bánh mì, táo, thịt khô…, do rìa cắn không tiếp xúc đúng cách để tạo lực xé tự nhiên.
- Đau, mỏi cơ hàm hoặc khớp thái dương hàm: Do khớp cắn sai lệch khiến hoạt động đóng mở hàm trở nên bất cân xứng, người bệnh có thể bị mỏi hàm khi nhai lâu, đau khớp thái dương hàm, có tiếng “lục cục” khi mở miệng
- Thẩm mỹ gương mặt mất cân đối: Khớp cắn đối đầu có thể làm vùng cằm nhô ra nhẹ, khiến gương mặt trông góc cạnh, không hài hòa. Đặc biệt, nếu kết hợp với thiếu sản xương hàm trên hoặc phát triển quá mức xương hàm dưới, khuôn mặt sẽ bị méo lệch rõ rệt khi nhìn nghiêng hoặc chụp ảnh.
- Răng bị xoay, chen chúc hoặc lệch lạc đi kèm: Khớp cắn đối đầu thường không xuất hiện đơn lẻ mà có thể đi kèm các sai lệch răng như chen chúc răng cửa, xoay răng cửa, thiếu chỗ mọc răng
Khớp cắn đối đầu có gây lệch mặt không?
Khớp cắn đối đầu có thể gây ra tình trạng lệch mặt nếu không được điều chỉnh kịp thời
Câu trả lời là Có.
Khi khớp cắn không đều, lực tác động không được phân phối đều trên các răng và hàm, dẫn đến việc một bên của khuôn mặt có thể phát triển hơn bên kia. Điều này có thể gây ra sự lệch lạc của mặt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng nhai. Nếu không được điều trị kịp thời, khớp cắn đối đầu có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như đau hàm, viêm khớp thái dương hàm và các vấn đề về phát âm. Do đó, việc thăm khám và điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa những biến chứng này.
Xem thêm:
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khớp cắn đối đầu
Khớp cắn đối đầu (khớp cắn đối đỉnh) là tình trạng mà khi hàm trên và hàm dưới gặp nhau, các răng không khớp đúng vị trí. Giải thích cho vấn đề này có thể đến từ nhiều nguyên do khác nhau, cụ thể:
Di truyền: Có khoảng 70% trường hợp khớp cắn đối đầu là do yếu tố di truyền. Nếu người thân trong gia đình bạn có hàm răng không chuẩn, khả năng cao bạn cũng sẽ mắc phải tình trạng tương tự. Các loại khớp cắn khác như khớp cắn hở, khớp cắn chéo, khớp cắn sâu cũng đều bắt nguồn từ di truyền.
Sai lệch xương hàm: Khi hàm và răng có sự phát triển không đồng đều, xương hàm trên hẹp và ngắn hơn hoặc hàm dưới tăng trưởng quá mức, nhô ra ngoài hơn so với bình thường. Điều này sẽ dẫn đến việc các răng cửa không khớp đúng cách.
Thói quen xấu khi còn nhỏ: Chẳng hạn như mút tay, đẩy lưỡi hay sử dụng ti giả trong thời gian dài,...cũng có thể ảnh hưởng đến vị trí của răng, làm thay đổi khớp cắn, dẫn đến khớp cắn đối đầu.
Mất răng sớm: Khi mất răng sớm, các răng xung quanh có thể di chuyển vào chỗ trống để lấy đầy khoảng trống. Việc răng chạy có thể tạo áp lực lên xương hàm, khiến cho xương hàm phát triển không bình thường, các răng sau vĩnh viễn mọc lệch lạc, không đúng vị trí.
Cách khắc phục tình trạng khớp cắn đối đầu
Tuỳ vào tình trạng răng của mỗi cá nhân, sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định một trong những phương pháp điều trị sau:
Niềng răng
Đây là một phương pháp được đánh giá cao, có thể khắc phục được gần như triệt để tình trạng khớp cắn đối đầu. Bác sĩ sẽ sử dụng hệ thống các khí cụ chỉnh nha chuyên dụng để tạo lực kéo giúp các răng dịch chuyển về đúng vị trí chuẩn khớp cắn.
Niềng răng giúp điều chỉnh vị trí của các răng để tạo ra khớp cắn đúng cách
Có 3 phương pháp niềng răng phổ biến hiện nay bao gồm:
- Niềng răng mắc cài kim loại: Phương pháp này sử dụng mắc cài được làm bằng thép không gỉ và dây cung để dịch chuyển các răng. Ưu điểm của niềng răng bằng mắc cài kim loại là chi phí rẻ, hiệu quả cao.
- Niềng răng mắc cài sứ: Tương tự với mắc cài kim loại, điểm khác biệt của phương pháp này chính là sử dụng mắc cài có chất liệu sứ cao cấp, có màu gần giống với màu răng để đảm bảo tính thẩm mỹ tốt.
- Niềng răng trong suốt: Là một phương pháp chỉnh nha hiện đại, mang lại hiệu quả chỉnh khớp cắn và tính thẩm mỹ cao. Niềng răng trong suốt sử dụng khay niềng trong suốt, làm từ nhựa cao cấp với thiết kế ôm khít răng, tạo cảm giác “vô hình” trong quá trình niềng. Khay niềng có thể dễ dàng tháo gỡ khi ăn uống, vệ sinh răng miệng, mang đến cho người chỉnh nha cảm giác thoải mái nhất.
Bọc sứ
Ở mức độ nhẹ, bọc răng sứ có thể là giải pháp phù hợp nhất. Bác sĩ sẽ tiến hành mài đi lớp men răng nhất định, sau đó gắn mão sứ lên răng. Răng sau khi bọc sẽ đều và chuẩn khớp cắn hơn.
Phẫu thuật hàm
Với trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật hàm. Bác sĩ sẽ cắt và đưa xương hàm về vị trí phù hợp để khôi phục khớp cắn chuẩn.
Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng khớp cắn đối đầu do răng lẫn xương hàm, bệnh nhân cần kết hợp thực hiện cả 2 phương pháp niềng răng và phẫu thuật hàm để đem lại hiệu quả tối ưu.
Để được tư vấn chính xác về trường hợp cụ thể của bạn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu quý khách hàng có các thắc mắc nào khác cần giải đáp thì đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của BVĐK Phương Đông để được hỗ trợ.
Kết luận
Khớp cắn đối đầu hoàn toàn có thể dẫn đến lệch mặt nếu không được điều trị kịp thời. Việc phát hiện sớm và lựa chọn đúng phương pháp can thiệp là yếu tố then chốt để khôi phục sự cân đối của khuôn mặt và chức năng nhai. Nếu bạn đang nghi ngờ mình gặp tình trạng này, hãy thăm khám chuyên khoa sớm để được chẩn đoán và tư vấn lộ trình điều trị