Như thế nào là khớp cắn ngược?
Phân biệt tình trạng khớp cắn bình thường và khớp cắn ngược
Khớp cắn ngược (hay còn gọi là răng móm) là tình trạng nhóm răng cửa hàm dưới phủ ngoài nhóm răng cửa hàm trên khi hai hàm ở tư thế cắn khít, xảy ra khi hàm dưới phát triển lớn hơn hàm trên.
Ở người có khớp cắn chuẩn, răng cửa hàm trên sẽ phủ ngoài răng cửa hàm dưới với tỷ lệ từ 1/3 đến 1/2 thân răng, đảm bảo sự hài hòa về chức năng ăn nhai và thẩm mỹ khuôn mặt. Tuy nhiên, trong khớp cắn ngược, sự đảo lộn này gây nên tình trạng tương quan bất thường giữa hai hàm khiến cho hàm dưới đưa ra trước.
Phân loại các dạng khớp cắn ngược
Khớp cắn ngược được chia thành 2 loại chính:
Khớp cắn ngược do răng
Khớp cắn ngược do răng là một dạng sai lệch khớp cắn mà nguyên nhân xuất phát từ sự sai lệch vị trí mọc hoặc hướng mọc của răng, trong khi tương quan xương hàm trên và hàm dưới vẫn bình thường. Đây là hình thái phổ biến hơn so với khớp cắn ngược do xương và thường dễ điều trị hơn, đặc biệt nếu được phát hiện sớm.
Khớp cắn ngược do xương
Khớp cắn ngược do xương là một dạng sai lệch khớp cắn trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bất tương xứng trong sự phát triển của xương hàm trên và/hoặc xương hàm dưới, khiến cho hàm dưới đưa ra trước bất thường so với hàm trên, dù vị trí mọc của răng có thể vẫn đúng. Đây là dạng khớp cắn ngược có tính chất xương và thường phức tạp hơn khớp cắn ngược do răng vì liên quan đến cấu trúc xương nền sọ – hàm.
Tiêu chí
|
Khớp cắn ngược do răng
|
Khớp cắn ngược do xương
|
Tương quan xương hàm
|
Bình thường
|
Bất thường (hàm dưới phát triển quá mức hoặc hàm trên kém phát triển)
|
Biểu hiện
|
Một vài răng cửa hàm dưới phủ ngoài hàm trên
|
Toàn bộ cung răng hàm dưới chìa ra trước
|
Nhận diện khuôn mặt
|
Gần như bình thường
|
Góc mặt nghiêng, cằm nhô rõ
|
Mức độ phức tạp khi điều trị
|
Dễ điều trị (chỉnh nha đơn thuần)
|
Thường cần phối hợp phẫu thuật chỉnh hình hàm
|
Bảng phân biệt nhanh với khớp cắn ngược do xương
Các tác nhân có thể dẫn đến khớp cắn ngược ở trẻ nhỏ
Khớp cắn ngược có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:
Do di truyền
Yếu tố này chiếm khoảng 70%. Các cấu trúc như răng, sự phát triển của xương hàm và thứ tự mọc răng thường do yếu tố di truyền quyết định. Vì vậy, nhiều trường hợp khớp cắn ngược di truyền từ người thân.
Ngoài ra, một số hội chứng có thể dẫn đến khớp cắn ngược như: Hội chứng Treacher Collin, hội chứng Rabson-Mendenhall, Binder, to đầu chi,...
Do thói quen khi còn nhỏ
Cụ thể như thói quen chống cằm, thở bằng miệng, mút tay, đẩy lưỡi răng cửa hàm dưới, nghiến răng, cai ti giả muộn,...trong giai đoạn trẻ đang phát triển răng và cấu trúc xương thì những tác động trên nếu duy trì trong thời gian dài sẽ dẫn đến khớp cắn ngược loại 3.
Do chấn thương
Tình trạng xương hàm bị gãy nhưng không được phẫu thuật, điều trị, chăm sóc phục hồi đúng cách cũng có thể dẫn đến khớp cắn ngược.
Do môi trường
Một số yếu tố như thói quen thở bằng miệng ở trẻ, đường thở bị tắc nghẽn cho viêm VA hay bệnh đường hô hấp, trẻ thở mũi khó khăn khiến xương hàm trên kém phát triển. Hoặc vị trí lưỡi của trẻ đặt sai vị trí, tật đẩy lưỡi ra phía trước làm xương hàm dưới phát triển hơn xương hàm trên.
Do mất răng sớm
Mất răng sữa sớm có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của răng, khiến cho răng mọc lệch lạc, lộn xộn không đúng vị trí trên khuôn hàm, làm mất đi sự tương quan vốn có của xương hàm trên và dưới.
Nhận biết các dấu hiệu trẻ bị khớp cắn ngược
Khớp cắn ngược là một dạng sai lệch khớp cắn phổ biến ở trẻ, nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng ăn nhai, phát âm và thẩm mỹ gương mặt. Một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị khớp cắn ngược mà cha mẹ cần lưu ý bao gồm:
- Răng hàm trên thụt vào trong so với hàm dưới: Đây là đặc điểm điển hình nhất, khiến cho gương mặt của trẻ có thể bị lệch, trông mặt gãy hoặc dài hơn bình thường.
- Răng cửa hàm dưới phủ ra ngoài răng cửa hàm trên: Khi trẻ cắn lại, răng hàm dưới có xu hướng chạm hoặc va mạnh vào răng hàm trên, gây sai lệch khớp cắn và ảnh hưởng đến ăn nhai.
- Răng hàm dưới chìa ra trước rõ rệt: Trong nhiều trường hợp, răng hàm dưới mọc chìa hẳn ra ngoài, còn răng hàm trên lại lùi sâu vào trong, không thể khép kín hai hàm lại với nhau một cách tự nhiên.
- Kích thước răng hàm dưới nhỏ hơn hàm trên: Sự mất cân đối giữa hai hàm về kích thước cũng là dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng sai lệch khớp cắn.
- Cằm nhô ra trước khi nhìn nghiêng: Khi quan sát nghiêng, bạn có thể thấy phần cằm của trẻ nhô ra nhiều hơn bình thường, tạo nên sự mất cân đối vùng hàm mặt – một đặc trưng rõ nét của khớp cắn ngược do xương hàm.
Khớp cắn ngược ở trẻ nhỏ
Nếu nhận thấy trẻ có bất kỳ biểu hiện nào kể trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời. Phát hiện sớm khớp cắn ngược sẽ giúp can thiệp hiệu quả, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt và chức năng ăn nhai sau này.
Để được tư vấn chính xác về trường hợp cụ thể của bạn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu quý khách hàng có các thắc mắc nào khác cần giải đáp thì đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của BVĐK Phương Đông để được hỗ trợ.
Khớp cắn ngược có nguy hiểm không?
Có. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, tình trạng này có thể gây ra nhiều hệ quả lâu dài, cả về mặt chức năng, thẩm mỹ và tâm lý cho trẻ.
Ảnh hưởng đến sự phát triển xương hàm và khuôn mặt
Ở trẻ em, xương hàm còn đang phát triển nên khớp cắn ngược sẽ tạo áp lực bất thường lên xương hàm trên, làm chậm hoặc lệch phát triển. Về lâu dài, điều này khiến xương hàm dưới phát triển quá mức, hàm trên bị tụt, dẫn đến biến dạng khuôn mặt với biểu hiện hàm dưới nhô ra, mặt lưỡi cày, mất cân đối vùng mặt dưới.
Gây rối loạn chức năng ăn nhai và phát âm
Khớp cắn ngược làm cho hai hàm không tiếp xúc đúng cách, khiến việc nhai thức ăn không hiệu quả, tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ bị sai khớp cắn có thể gặp khó khăn trong phát âm, đặc biệt là các âm cần đến tiếp xúc môi - răng (như “f”, “v”) do sự thay đổi vị trí hàm và răng cửa.
Làm tăng nguy cơ mòn răng, sâu răng và bệnh nha chu
Khi khớp cắn không chuẩn, lực ăn nhai bị phân bố không đều, khiến một số nhóm răng phải chịu tải lớn hơn bình thường. Về lâu dài, điều này gây mòn men răng sớm, tổn thương tủy, tụt nướu, và tăng nguy cơ viêm quanh răng, viêm nha chu, thậm chí mất răng sớm nếu không được điều trị.
Tác động tâm lý của trẻ
Sai khớp cắn có thể gây mất thẩm mỹ vùng miệng – mặt, làm trẻ tự ti khi giao tiếp, đặc biệt ở độ tuổi đi học là giai đoạn hình thành tính cách và mối quan hệ xã hội. Các nghiên cứu cho thấy trẻ có bất thường răng – hàm – mặt thường ít cười, ngại thể hiện bản thân, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý – xã hội.
Gây lệch hàm chức năng và loạn năng khớp thái dương hàm
Nếu trẻ phải liên tục nghiêng hàm sang một bên để cắn hoặc nhai, lâu dài sẽ hình thành lệch hàm chức năng, gây mất cân xứng mặt. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này còn liên quan đến rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ), với biểu hiện đau khớp, há miệng kêu, khó ăn nhai trong tương lai.
Xem thêm:
Cách xử lý tình trạng bị khớp cắn ngược
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây khớp cắn ngược ở trẻ là gì mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể:
Trường hợp bị khớp cắn ngược do răng
Niềng răng là giải pháp tối ưu nhất dành cho trường hợp khớp cắn ngược
Với sự hỗ trợ của hệ thống mắc cài, dây cung hoặc khay niềng trong suốt, các răng sẽ được nắn chỉnh sao cho về đúng vị trí mong muốn trên cung hàm.
Điều trị bằng niềng răng mang lại hiệu quả khá cao, đặc biệt là trong độ tuổi từ 12–16 tuổi. Khi mà răng sữa đã được thay thế hoàn toàn bằng răng vĩnh viễn. Thời gian niềng răng trong trường hợp này dao động từ 1–2 năm. Tuỳ vào mức độ phức tạp của khớp cắn mà thời gian niềng có thể ngắn hoặc dài hơn.
Trường hợp bị khớp cắn ngược do hàm
Phẫu thuật chỉnh hình hàm có thể được xem xét để tái cấu trúc hàm và cải thiện sự hài hòa giữa hai hàm
Nếu khớp cắn ngược là do cấu trúc xương hàm thì chỉnh nha là hoàn toàn không khả thi. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể khuyến khích thực hiện phẫu thuật hàm móm (nếu trẻ đủ tuổi thực hiện) để khắc phục nhược điểm.
Bác sĩ sẽ tiến hành cắt và trượt xương hàm dưới về đúng vị trí. Việc nhổ răng hoặc không nhổ có thể làm cho tương quan hàm trên hàm dưới được hài hoà hơn. Từ đó sẽ khắc phục được tình trạng khớp cắn ngược, cải thiện chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ khuôn mặt.
Trường hợp bị khớp cắn ngược do răng và hàm
Trường hợp này, người bệnh sẽ được yêu cầu chỉnh nha trước, sau đó mới tiến hành phẫu thuật để trả lại khuôn hàm cân đối, hài hoà.
Một số câu hỏi thường gặp
- Trẻ bao nhiêu tuổi mới đủ điều kiện để phẫu thuật hàm cắn ngược?
Để đủ điều kiện phẫu thuật, trẻ em thường phải đạt độ tuổi từ 12 –16 tuổi, khi mà sự phát triển của xương hàm đã gần hoàn tất. Tuy nhiên, quyết định cụ thể về thời điểm phẫu thuật còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng quát của trẻ, mức độ nghiêm trọng của tình trạng cắn ngược và sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
- Chi phí điều trị khớp cắn ngược là bao nhiêu?
Chi phí điều trị khớp cắn ngược có thể dao động tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của tình trạng, phương pháp điều trị được áp dụng và địa điểm điều trị. Thông thường, chi phí có thể từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Nếu sử dụng niềng răng, chi phí có thể dao động từ 20 – 60 triệu đồng, tùy thuộc vào loại niềng và thời gian điều trị. Ngoài ra, các phương pháp phẫu thuật có thể có chi phí cao hơn, thường từ 50 triệu trở lên. Quan trọng là người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để có kế hoạch điều trị phù hợp và ước lượng chi phí chính xác hơn.
- Thời gian niềng răng ở trẻ bị khớp cắn ngược là bao lâu?
Thời gian niềng răng ở trẻ bị khớp cắn ngược thường dao động từ 18 tháng – 3 năm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và độ tuổi của trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, xương hàm vẫn đang phát triển, điều này có thể giúp quá trình niềng răng diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, trong những trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể cần áp dụng các phương pháp điều trị bổ sung như phẫu thuật hoặc sử dụng các khí cụ hỗ trợ khác. Việc theo dõi định kỳ và thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ cũng rất quan trọng để đảm bảo kết quả điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.
Kết luận
Khớp cắn ngược không phải là vấn đề có thể “tự hết” theo thời gian, mà cần được phát hiện và can thiệp sớm để ngăn ngừa biến chứng lâu dài cho trẻ. Khi điều trị đúng thời điểm, đặc biệt là trong giai đoạn đang phát triển của hàm, trẻ sẽ có cơ hội sở hữu một khuôn mặt hài hòa, khả năng ăn nhai và phát âm ổn định.