Khớp cắn sâu là một sai lệch phổ biến trong cấu trúc hàm, xảy ra khi răng hàm trên che phủ quá mức răng hàm dưới, gây mất cân đối khớp cắn. Dù không phải lúc nào cũng đi kèm cảm giác đau nhức, nhưng khớp cắn sâu có thể dẫn đến hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng như mòn răng, sai lệch khớp thái dương hàm, khó phát âm và ảnh hưởng đến thẩm mỹ gương mặt.
Khớp cắn sâu là gì?
Khớp cắn sâu xảy ra khi hàm trên che phủ quá nhiều hàm dưới khi miệng được đóng lại
Khớp cắn sâu (tiếng Anh: deep bite hoặc deep overbite) là một dạng sai lệch khớp cắn theo chiều đứng, đặc trưng bởi tình trạng răng cửa hàm trên che phủ quá mức răng cửa hàm dưới khi hai hàm ở tư thế cắn khít trung tâm.
Ở người bình thường, mức độ che phủ dọc này thường dao động từ 2–3 mm (tương đương khoảng 20–30% chiều cao lâm sàng của răng cửa hàm dưới). Tuy nhiên, khi mức phủ này vượt quá giới hạn sinh lý, thường trên 4mm hoặc chiếm trên 40–50% chiều cao răng cửa hàm dưới thì được xem là khớp cắn sâu. Nếu kéo dài không can thiệp, khớp cắn sâu còn có thể tiến triển thành sai hình răng hàm nghiêm trọng hơn do sự tác động qua lại giữa chức năng và cấu trúc răng – xương – cơ.
Các loại khớp cắn sâu và nguyên nhân cụ thể
Tùy thuộc vào mức độ và vị trí chạm của các răng, khớp cắn sâu có thể được phân loại thành: Khớp cắn sâu do răng và khớp cắn sâu do xương. Cụ thể:
- Khớp cắn sâu do răng: Chủ yếu do vấn đề từ răng sữa hoặc răng vĩnh viễn. Chẳng hạn như răng mọc lệch, bị mòn hoặc mọc chen chúc. Điều chỉnh tình trạng này bằng cách niềng răng.
- Khớp cắn sâu do xương: Xảy ra do sự bất thường trong quá trình phát triển xương hàm. Khi xương hàm dưới xoay đóng quá mức, kích thước dọc không đạt đủ, khoảng mọc răng hai hàm bị bó hẹp lại, hàm dưới lùi sau, nhỏ và ngắn, trục răng cửa quặp,... dẫn đến hàm lệch hoặc hàm không phát triển đầy đủ. Thường gặp ở những ca bệnh hạng II chi 2 Trường hợp này cần phẫu thuật để chỉnh hàm và cải thiện khớp cắn.
Dấu hiệu nhận biết bạn bị khớp cắn sâu
Trong một số trường hợp, khớp cắn sâu thường bị nhầm lẫn với răng hô vì có những dấu hiệu bên ngoài khá tương đồng. Một số đặc điểm giúp bạn nhận biết tình trạng khớp cắn sâu như:
Dấu hiệu nhận biết khớp cắn sâu và khớp cắn bình thường
- Đường cong cắn khớp không phẳng;
- Góc môi cằm sâu - cằm bị lẹm;
- Răng cửa hàm dưới cắn vào vùng lợi của hàm trên, răng cửa hàm trên cũng có thể trồi và xuất hiện cười hở lợi;
- Tầng mặt dưới ngắn, gương mặt tròn, 2 bên góc hàm tức là phần má bị bành ra, những người cắn sâu vì vậy có gương mặt hơi già so với tuổi một chút.
Khớp cắn sâu nếu không điều trị sớm có gây biến chứng gì?
Khớp cắn sâu nếu không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, cả về chức năng, thẩm mỹ lẫn sức khỏe toàn thân.
- Tổn thương mô quanh răng: Khi răng hàm trên phủ quá mức lên hàm dưới, có thể gây cọ xát vào vùng nướu hoặc mặt trong của môi dưới, lâu dài dẫn đến viêm loét niêm mạc, tụt lợi, tiêu xương răng và đau nhức khi nhai…
- Ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm: Sự lệch tương quan giữa hai hàm có thể khiến lực nhai phân bố không đều, dẫn đến tình trạng rối loạn khớp hàm với biểu hiện như đau hàm, tiếng lục cục khi há miệng, mỏi cơ nhai hoặc đau lan vùng thái dương.
- Ảnh hưởng đến phát âm và chức năng ăn nhai: Trẻ em bị khớp cắn sâu nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể gặp khó khăn khi phát âm các âm như “s”, “z”, “th”, dễ bị nói ngọng, mất tự tin trong giao tiếp. Đồng thời, lực cắn không cân đối cũng khiến quá trình nhai trở nên kém hiệu quả, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày do thức ăn không được nghiền kỹ trước khi nuốt.
- Mất thẩm mỹ: Khớp cắn sâu khiến gương mặt thiếu hài hòa, làm ngắn nửa dưới khuôn mặt, môi dưới bị đẩy vào trong hoặc biến dạng. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì.
Có cần điều trị khớp cắn sâu nếu không đau nhức hay không?
Mặc dù không gây ra đau nhức nhưng khớp cắn ngược vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và chức năng nhai của bạn. Việc điều trị khớp cắn sâu là cần thiết để ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn trong tương lai, như mòn men răng, viêm nướu hoặc thậm chí là các vấn đề về khớp hàm. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong việc phân phối lực nhai, gây ra các biến chứng không mong muốn. Do đó, ngay cả khi không có triệu chứng đau, việc thăm khám và tư vấn từ bác sĩ nha khoa là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe răng miệng lâu dài.
Để được tư vấn chính xác về trường hợp cụ thể của bạn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu quý khách hàng có các thắc mắc nào khác cần giải đáp thì đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của BVĐK Phương Đông để được hỗ trợ.
Cách điều chỉnh khớp cắn sâu
Cách khắc phục khớp cắn sâu phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra. Theo các chuyên gia, đối với trẻ nhỏ, việc chỉnh nha nên đợi đến khi trẻ được 7 tuổi trở lên mới tìm cách điều trị – khi răng sữa bắt đầu rụng và răng vĩnh viễn mọc lên. Người lớn vẫn còn thể điều trị, tuy nhiên sẽ bị hạn chế vì răng và hàm đã phát triển đầy đủ. Tuỳ thuộc vào từng ca bệnh, phẫu thuật thường là cần thiết cho người lớn.
Trường hợp khớp cắn sâu do xương
Phẫu thuật có thể là lựa chọn cần thiết trong những trường hợp nghiêm trọng, nhằm điều chỉnh cấu trúc xương và cải thiện khớp cắn
Bắt nguồn từ nguyên nhân do xương nên việc niềng răng sẽ không mang lại hiệu quả tốt nhất. Trường hợp này bạn cần phải phẫu thuật để điều chỉnh xương hàm về đúng tỉ lệ chuẩn.
Bác sĩ sẽ tiến hành cắt rời xương hàm trên hoặc ghép xương hàm dưới để 2 hàm trở nên cân xứng hơn. Sau đó mới tiến hàng niềng răng để điều chỉnh hàm về đúng vị trí chuẩn.
Trường hợp khớp cắn sâu do răng
Niềng răng hoặc mặt khay trong suốt cũng rất hiệu quả trong việc điều chỉnh khớp cắn
Giải pháp tối ưu nhất chính là thực hiện niềng răng khớp cắn sâu. Bác sĩ sẽ sử dụng các khí cụ chỉnh nha như dây cung, mắc cài,...để tạo áp lực lên răng để giúp răng dịch chuyển về đúng vị trí chuẩn trên khớp cắn trên hàm.
Niềng răng sẽ giúp cho răng hàm trên và dưới trở nên hài hoà hơn, khắc phục được những khuyết điểm cắn sâu do răng một cách hiệu quả.
Thời gian niềng phụ thuộc vào mức độ cắn sâu nặng hay nhẹ, tay nghề của bác sĩ và cách tự chăm sóc tại nhà. Thông thường thời gian sẽ kéo dài từ 6 tháng – 3 năm. Trong quá trình niềng, bạn cần tái khám đúng lịch để theo dõi hiệu quả chỉnh nha và có những điều chỉnh cần thiết (nếu có).
Phòng ngừa khớp cắn sâu bạn cần biết
- Vệ sinh răng miệng 2 lần/ngày, kết hợp cùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch các mảng bám và vi khuẩn;
- Sử dụng dụng cụ bảo vệ hàm nếu bạn có thói quen đẩy lưỡi hoặc nghiến răng khi ngủ.
- Thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để có thể sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời;
- Với trẻ em, tránh sử dụng ti giả từ 3 tuổi trở đi, không cho trẻ mút ngón tay và khám nha khoa định kỳ từ khi trẻ 1 tuổi.
Xem thêm:
Kết luận
Dù không gây đau ngay lập tức, khớp cắn sâu vẫn là một tình trạng cần được theo dõi và điều trị sớm để phòng ngừa các biến chứng lâu dài như mòn men răng, rối loạn khớp hàm và suy giảm chức năng ăn nhai. Điều trị không chỉ giúp cải thiện sức khỏe răng miệng mà còn mang lại sự hài hòa về thẩm mỹ và tự tin trong giao tiếp. Nếu bạn nhận thấy mình có dấu hiệu khớp cắn sâu, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và lên kế hoạch can thiệp kịp thời.