Liệt mặt (Liệt Bell): Điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu hay phẫu thuật?

Nguyễn Phương Thảo

04-04-2025

goole news
16

Liệt mặt (Liệt Bell) là tình trạng gây yếu cơ hoặc mất khả năng cử động một bên mặt, thường do viêm dây thần kinh số bảy. Nguyên nhân chính vẫn chưa rõ ràng, nhưng thường liên quan đến các bệnh virus. Với sự gia tăng số ca mắc, việc tìm hiểu các phương pháp điều trị như thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật trở nên cần thiết. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá các lựa chọn điều trị hiệu quả nhất cho tình trạng liệt mặt, từ đó đưa ra quyết định phù hợp để phục hồi sức khỏe.

Tìm hiểu về bệnh liệt mặt

Liệt mặt, hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII hoặc liệt Bell, là tình trạng yếu hoặc liệt tạm thời các cơ ở một bên mặt do rối loạn chức năng hoặc viêm sưng dây thần kinh sọ số 7, điều khiển các cơ bắp ở mặt. 

Liệt mặt là tình trạng gây yếu cơ hoặc mất khả năng cử động một bên mặt, thường do viêm dây thần kinh số bảyLiệt mặt là tình trạng gây yếu cơ hoặc mất khả năng cử động một bên mặt, do viêm dây thần kinh số 7

Dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII) có chức năng chi phối vận động các cơ bám da mặt, cơ bám da cổ và cơ xương bàn đạp ở tai giữa. Ngoài ra, nó còn tham gia vào cảm giác vị giác ở hai phần ba trước lưỡi và cảm giác ở vùng ống tai ngoài cũng như vùng da nhỏ phía sau vành tai. Liệt mặt nguyên phát diễn ra đột ngột, thường ảnh hưởng đến một bên mặt và có thể gây mất hoặc giảm khả năng nhăn trán, nháy mắt và nhăn mặt. Trong những trường hợp nặng, khe mắt mở rộng và mắt nhắm không kín, thường gây kích ứng kết mạc và làm khô giác mạc. 

Liệt mặt thường xuất hiện đột ngột, tiến triển trong vòng vài giờ và thường đạt mức tối đa trong vòng 48 đến 72 giờ. Đau sau tai thường xuất hiện trước liệt mặt ở liệt dây thần kinh số VII nguyên phát. 

Mặc dù liệt Bell thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và thẩm mỹ của người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng vài tuần đến vài tháng. 

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh liệt mặt 

Liệt mặt được đặc trưng bởi tình trạng mặt bị sụp xuống một bên xuất hiện trong vòng 72h. Trong những trường hợp hiếm gặp (<1%), tình trạng này có thể xảy ra ở cả hai bên dẫn đến tê liệt toàn bộ khuôn mặt. 

Dây thần kinh mặt kiểm soát nhiều chức năng, chẳng hạn như: Chớp mắt và nhắm mắt, mỉm cười, cau mày, chảy nước mắt, chảy nước dãi, nở lỗ mũi, nhướng mày. Nó cũng dẫn truyền cảm giác vị giác từ ⅔ phía trước của lưỡi, thông qua dây thần kinh Chorda tympani (một nhánh của dây thần kinh mặt). Chính vì lý do này, những người bị liệt dây thần kinh số VII có thể bị mất cảm giác vị giác ở phần lưỡi bị ảnh hưởng. 

Mặc dù dây thần kinh mặt chi phối cơ bàn đạp của tai giữa (thông qua nhánh nhĩ), độ nhạy âm thanh, khiến âm thanh bình thường được cảm nhận là rất to (tăng độ nhạy cảm với âm thanh) và chứng khó nghe có thể xảy ra nhưng hiếm khi có bằng chứng lâm sàng. 

Nguyên nhân gây ra bệnh liệt mặt (liệt Bell)

Hiện tại, nguyên nhân dẫn đến bệnh liệt cơ mặt vẫn chưa được xác định chính xác. Song các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một số bệnh nhiễm trùng do virus có thể gây viêm dây thần kinh sọ não thứ VII gây ra chứng liệt cơ mặt. Chúng bao gồm:

  • Herpes simplex 1 (một loại virus gây nhiễm trùng miệng, giống như mụn rộp);
  • Virus Varicella - zoster (bệnh thuỷ đậu và bệnh zona); 
  • Virus Epstein - Barr (bệnh bạch cầu đơn thân); 
  • Adenovirus (bệnh đường hô hấp);
  • Rubella (bệnh sởi)
  • Cúm B; 
  • Coxsackievirus (bệnh tay chân miệng);
  • Nhiễm trùng Cytomegalovirus;
  • COVID - 19 

Các tác nhân kích thích khác có thể bao gồm hệ thống miễn dịch suy yếu do: 

  • Stress;
  • Bệnh lý tự miễn; 
  • Thiếu ngủ;
  • Chấn thương vật lý; 
  • Tình trạng tự miễn dịch. 

Những yếu tố nguy cơ gây liệt mặt Bell:

  • Bệnh tiểu đường;
  • Mang thai. Đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ hoặc trong tuần đầu tiên sau khi sinh; 
  • Tiền sản giật; 
  • Béo phì (BMI từ 30 trở lên); 
  • Huyết áp cao;
  • Nhổ răng; 
  • Lupus ban đỏ hệ thống; 
  • Bệnh viêm não thân não; 
  • Bệnh Hansen; 
  • Bệnh phong; 
  • Gãy xương nền sọ; 
  • Hội chứng Moebius; 
  • Bệnh bạch cầu; 
  • Hội chứng Guillain - Barre; 
  • Hội chứng Miller - Fisher; 
  • Đã có tiền sử từng bị liệt dây thần kinh số VII.

Những biến chứng do bệnh liệt mặt để lại 

Bệnh liệt cơ mặt có thể để lại nhiều hệ lụy đối với bệnh nhân. Nhẹ nhất là làm mất tính thẩm mỹ, khiến họ cảm thấy bị tự ti khi giao tiếp. Nặng hơn có thể gặp nhiều di chứng nặng nề như: 

Bệnh liệt mặt có thể gây ra các biến chứng về mắtBệnh liệt mặt có thể gây ra các biến chứng về mắt 

  • Viêm giác mạc, viêm kết mạc, lộn mí, loét giác mạc,...;
  • Hội chứng co thắt nửa mặt sau (thường xảy ra ở những ca bệnh nặng do sự phân bố lại thần kinh một phần); 
  • Đồng vận (người bệnh bị co cơ không tự chủ khi nhắm mắt, mép sẽ bị kéo lại. Biến chứng này không thể chữa khỏi, cần phải phục hồi chức năng); 
  • Bị chảy nước mắt trong khi ăn (hay còn gọi là hội chứng nước mắt cá sấu, biến chứng này ít khi xảy ra).

Xem thêm:

Cách chẩn đoán bệnh liệt mặt (Liệt Bell)

Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào kết quả thăm khám lâm sàng. Không có xét nghiệm cụ thể nào có thể giúp chẩn đoán hiệu quả. 

Tuy nhiên, để loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự và đánh giá mức độ liệt hoặc tổn thương thần kinh khác, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm như: 

  • Điện cơ (EMG): Xác định mức độ ảnh hưởng của dây thần kinh; 
  • Xét nghiệm máu: Loại trừ các bệnh lý khác như bệnh tiểu đường/bệnh nhiễm trùng gây bệnh cảnh tương tự; 
  • Chụp CT scan hoặc Chụp MRI: Loại trừ các nguyên nhân khác chèn ép lên dây thần kinh mặt như khối u, chấn thương sọ não, vỡ hộp sọ.

Thăm khám và điều trị bệnh liệt mặt (liệt Bell)

Hầu hết các trường hợp liệt cơ mặt thường khỏi trong vòng vài tuần, có thể cần hoặc không cần điều trị. Hiếm khi bệnh tái phát trở lại. Nếu tái phát, người bệnh thường có tiền sử gia đình mắc bệnh liệt mặt ngoại biên. 

Điều trị nội khoa 

  • Thuốc giảm phù nề: Thường dùng corticoid sớm, liều 1mg prednisolon/kg cân nặng để giảm phù nề ép trong ống xương, đặc biệt đối với liệt cơ mặt vô căn. 
  • Chống virus: Được dùng trong những trường hợp có nhiễm virus hay đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác vùng mặt. 

Lưu ý: Thuốc sử dụng cần được kê đơn và có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm túc theo đơn thuốc. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu nhận thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường. 

Điều trị ngoại khoa

Được chỉ định trong các trường hợp:

  • Liệt mặt xảy ra ngay sau chấn thương xương đá;
  • Sau phẫu thuật tai;
  • Do cholesteatoma; 
  • Do lạnh hoặc khi điều trị nội khoa trên 6 tuần không có hiệu quả, khi bệnh đã tiến triển gây biến chứng. 

Châm cứu 

Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy châm cứu mang lại tác dụng phục hồi vận động dây thần kinh mặt. Tuy nhiên, châm cứu lại là một trong những phương pháp điều trị hỗ trợ truyền thống của người phương Đông. Châm cứu kết hợp cùng các bài tập cơ mặt có thể giúp giữ trương lực cơ và phân bố mạch để chống teo cơ. 

Châm cứu cơ mặt có thể là một phương pháp hữu ích giúp cải thiện triệu chứng và tăng cường khả năng phục hồi.Châm cứu cơ mặt có thể là một phương pháp hữu ích giúp cải thiện triệu chứng và tăng cường khả năng phục hồi. 

Chăm sóc mắt  

Một trong những vấn đề lớn nhất của bệnh liệt mặt là các tổn thương ở mắt do mắt nhắm không kín và phản xạ nhắm mắt chậm. Vì thế, bệnh nhân cần phải bảo vệ và chăm sóc kỹ lưỡng cho mắt, nhằm tránh biến chứng dẫn đến suy giảm chức năng mắt. 

Bệnh nhân nên bảo vệ giác mạc để khỏi bị mất nước, khô hoặc trầy xước bằng thuốc mỡ tra mắt ban ngày và ban đêm theo chỉ định của bác sĩ. 

Đồng thời, bệnh nhân nên đeo kính mỗi khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại như nắng, gió và khó bụi. 

Quý khách có nhu cầu thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có thể liên hệ qua Hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được bộ phận hỗ trợ và tư vấn nhanh chóng

Câu hỏi thường gặp về bệnh liệt cơ mặt

  • Bệnh liệt cơ mặt có di truyền không? 

Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy liệt mặt có tính di truyền. Tuy nhiên, theo một phân tích tổng hợp về nghiên cứu kết hợp trên toàn bộ bộ gen ( genome - wide association study - GWAS) đã xác định mối tương quan rõ ràng đầu tiên giữa yếu tố di truyền và liệt mặt ngoại biên. Dễ hiểu hơn là, nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh thì nguy cơ bạn bị liệt cơ mặt là rất cao.

  • Có nguy hiểm không nếu không điều trị liệt mặt?

CÓ. Nếu không được điều trị, liệt mặt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Một số rủi ro bao gồm như co thắt cơ mặt, gây mất cân bằng và thay đổi vĩnh viễn về thẩm mỹ khiến người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc ăn uống và giao tiếp, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý. Do đó, việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe tổng thể và cải thiện chất lượng cuộc sống.

  • Tắm gội đêm có gây ra liệt cơ mặt hay không? 

Mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra lệch mặt. Nhưng thói quen tắm đêm lại chính là một trong những yếu tố liên quan tới nguy cơ mắc bệnh cao hơn so hơn với những người khác. 

Kết luận

Điều trị liệt mặt (Liệt Bell) cần sự kết hợp giữa nhiều phương pháp để đạt hiệu quả tốt nhất. Trong khi thuốc giúp kiểm soát viêm và hỗ trợ phục hồi, vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong việc lấy lại chức năng cơ mặt. Phẫu thuật chỉ được xem xét khi có tổn thương nghiêm trọng hoặc biến chứng kéo dài. Quan trọng nhất là phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng cách và kiên trì luyện tập để cải thiện khả năng vận động của khuôn mặt.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

35

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám