Mộng mắt (mộng thịt): Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Ngọc Lan

29-07-2023

goole news
16

Mộng mắt là một bệnh lý hay gặp ở mắt, mặc dù khá lành tính nhưng vẫn gây ra khó chịu và ảnh hưởng tầm nhìn. Vậy nguyên nhân dẫn đến mộng thịt mắt là gì, có dấu hiệu nào để nhận biết, bác sĩ chẩn đoán và điều trị ra sao? Để có thể giải đáp được tất cả những thắc mắc này, cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu trong bài viết sau.

Mộng mắt là gì?

Mộng mắt (còn được gọi là mộng thịt), đây là một trong những loại bệnh về mắt phổ biến. Đơn giản là tình trạng một màng trắng hoặc mô mỏng xuất hiện và phát triển trên bề mặt kết mạc. Thông thường bệnh bắt đầu từ góc trong của mắt và sau một thời gian nó lan rộng, bao phủ một phần của tròng trắng gây ảnh hưởng đến tầm nhìn. Mộng thịt thường chỉ xảy ra ở một mắt, tuy nhiên vẫn có trường hợp bị ở cả hai mắt và được gọi là mộng song phương.

Mộng mắt

Mộng thịt mắt – Bệnh lý ở mắt gây sưng, cộm ảnh hưởng tầm nhìn

Bản chất của bệnh là một khối u mô màu hồng nhạt trong mắt, mặc dù bề ngoài có vẻ đáng sợ nhưng không phải là u ung thư. Mộng mắt thường có hình dạng tam giác, sưng nhẹ, tạo thành một u nhô lên so với bề mặt kết mạc. Bệnh thường bắt đầu từ góc trong mắt bên phải và theo thời gian sẽ phát triển, lan rộng dần che phủ giác mạc của bệnh nhân. 

Mộng thịt thường phát triển từ một u mỡ trên kết mạc. Quá trình sưng mộng mắt có thể diễn ra chậm và dừng lại sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân mắc phải tình trạng nặng, mộng thịt che mất phần giác mạc và lan vào vùng con ngươi. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến tầm nhìn và suy giảm thị lực một cách đáng kể, tác động đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Các loại mộng thịt mắt

Tình trạng mộng thịt mắt hiện nay được phân chia thành nhiều loại dựa theo các tiêu chí khác nhau. Cụ thể: 

Theo Tổ chức YTTG (WHO)

  • Độ 1: Mộng thịt mắt xâm lấn đến rìa giác mạc. 
  • Độ 2: Mộng thịt mắt lan đến giữa rìa giác mạc và bờ đồng tử. 
  • Độ 3: Mộng thịt mắt xâm lấn đến bờ đồng tử. 
  • Độ 4: Mộng thịt mắt xâm lấn, bao phủ qua đồng tử.

Theo mức độ xâm lấn giác mạc

Mộng mắt dựa vào độ xâm lấn được chia thành 3 cấp độ theo vị trí so với trung tâm của giác mạc: 

  • Độ 1 (<2mm). 
  • Độ 2 (2 - 4mm). 
  • Độ 3 (>4mm).  

Theo giải phẫu

Mộng thịt ở mắt theo giải phẫu được phân loại dựa trên bán kính của giác mạc: 

  • Độ 1: Đầu mộng mắt lan đến rìa giác mạc. 
  • Độ 2: Đầu mộng thịt mắt lan <1/2 bán kính giác mạc. 
  • Độ 3: Đầu mộng thịt lan vượt >1/2 bán kính giác mạc. 
  • Độ 4: Đầu mộng thịt mắt lấn đến đồng tử. 

Theo mức độ tiên lượng

Mộng thịt ở mắt được chia thành 2 loại dựa trên khả năng tiên lượng:

  • Mộng thịt mắt tiến triển có đầu như hình răng cưa, thân dày, nhiều mạch máu, sau phẫu thuật dễ tái phát. 
  • Mộng thịt mắt xơ có đầu hình tròn, màu trắng đặc, không tiến triển, ít tái phát.

Nguyên nhân gây ra bệnh mộng mắt

Đến hiện tại nguyên nhân gây ra bệnh mộng thịt ở mắt vẫn chưa được các chuyên gia khẳng định chính xác. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này, bao gồm: 

Tia cực tím

Đây được coi là một nguy cơ chính liên quan đến yếu tố môi trường gây bệnh và đã được nhiều nhà nghiên cứu công bố. Mộng thịt thuộc nhóm bệnh mắt liên quan đến ánh sáng mặt trời, tương tự như đục thủy tinh thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc mộng thịt là rất cao đối với những người tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. 

Tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím

Tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím dễ dẫn đến mộng thịt mắt

Yếu tố gen

Một số tài liệu nghiên cứu tại các bệnh viện đã cho thấy bệnh mộng mắt có tính chất di truyền trong gia đình, có thể liên quan đến các gen lặn. Tuy nhiên số lượng nghiên cứu về yếu tố này còn hạn chế nên thường được coi là tương đồng với môi trường sống và ảnh hưởng từ tia cực tím. 

Các yếu tố nguy cơ khác

Các biểu hiện viêm kết mạc mãn tính có thể góp phần vào sự phát triển và nặng hơn của mộng thịt. Ngoài ra bụi, độ ẩm thấp và các chấn thương bề mặt nhãn cầu như bị cát, khói bay vào mắt cũng đã được chứng minh là những yếu tố nguy cơ cao gây ra mộng thịt.

Những dấu hiệu nhận biết mộng mắt

Mộng thịt là một loại bệnh về mắt không có những triệu chứng rõ ràng hoặc đặc trưng. Ngoại trừ một dấu hiệu riêng là sự xuất hiện của một lớp màng kết mạc mọc lan trên bề mặt mắt. Thông thường một số triệu chứng thường gặp khi mắc mộng thịt có thể bao gồm: 

  • Mắt đỏ không rõ nguyên nhân và không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. 
  • Tầm nhìn bị mờ hơn so với trạng thái bình thường. 
  • Cảm giác ngứa và thấy bị cộm mắt nhẹ. 
  • Kích ứng và cảm giác cháy rát trong mắt. 
  • Thường xuyên cảm thấy khô và khó chịu trong mắt.

Tầm nhìn mờ, ngứa và cộm

Mộng thịt mắt thường khiến tầm nhìn mờ, ngứa và cộm rất khó chịu

Đối tượng nào dễ bị mộng mắt?

Tất cả mọi người đều có thể mắc phải mộng thịt nhưng có những yếu tố về độ tuổi, giới tính và vị trí địa lý có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh: 

  • Người trong độ tuổi từ 20 đến 40 có khả năng cao hơn mắc phải mộng thịt. 
  • Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mộng thịt gấp đôi so với nữ giới. 
  • Những người sống gần khu vực xích đạo có nguy cơ cao hơn do tiếp xúc với mức độ ánh sáng cực tím mạnh hơn.
  • Người tiếp xúc trực tiếp và nhiều với khói, bụi, gió lớn và các tia cực tím.
  • Người thường xuyên bị khô mắt.
  • Người bị di truyền.
  • Người làm việc ở môi trường đặc thù như: kho hàng, khai thác cát, xưởng cưa...

Nếu bạn cảm thấy mắt ngứa hoặc khó chịu và nghi ngờ bị mắt mộng thịt nên đi khám sớm nhất có thể. Bệnh mộng thịt là một bệnh lành tính và có thể điều trị được. Tuy nhiên nếu để bệnh kéo dài có thể gây ra khó chịu và ảnh hưởng đến thị lực trong tương lai.

Chẩn đoán mộng thịt ở mắt

Để chẩn đoán mắt bị mộng thịt, bác sĩ sẽ sử dụng đèn khe, một thiết bị giúp kiểm tra giác mạc và mộng mắt thủy tinh thể của bệnh nhân. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung như sau: 

  • Kiểm tra thị lực: Bác sĩ sẽ kiểm tra tầm nhìn của bệnh nhân để xem liệu họ có thể nhìn thấy các chữ cái hoặc biểu tượng trên biểu đồ từ khoảng cách 6 mét. 
  • Đánh giá hình dạng giác mạc: Sử dụng máy tính để tạo bản đồ 3D của giác mạc nhằm phát hiện sự bất thường. 
  • Chụp hình ảnh mộng mắt: Bác sĩ có thể chụp ảnh mắt của bệnh nhân để theo dõi sự phát triển của mộng thịt theo thời gian. 
  • Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác nhằm loại trừ các tình trạng khác, ví dụ như bệnh ung thư ảnh hưởng đến mắt.

Đèn khe soi mắt

Bác sĩ sử dụng đèn khe soi mắt để chẩn đoán bệnh

Cách điều trị mộng mắt như thế nào?

Việc điều trị mộng thịt ở mắt thực tế còn tùy thuộc vào từng triệu chứng, nguyên nhân của bệnh. Thông thường bệnh nhân sẽ được chỉ định với những phương pháp dưới đây:

Không dùng thuốc

Nếu tình trạng mộng thịt mắt còn nhỏ, bệnh nhân không cần phải điều trị gì. Thông thường bác sĩ sẽ khuyên khi đi ra ngoài nắng và gió cần đeo kính râm có tròng kính to. Điều này nhằm mục đích bảo vệ mắt khỏi các tia cực tím và tránh bụi bay vào mắt. Đồng thời cũng cần đội mũ có vành rộng để che bớt nắng, tránh ánh sáng mạnh chiếu vào mắt.

Dùng thuốc

Khi mộng mắt gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến thị lực, người bệnh nên đến bác sĩ để được tư vấn. Bị viêm mộng thịt mắt có thể sẽ cần sử dụng các loại thuốc tra mắt nhằm giảm các triệu chứng như: 

  • Thuốc nhỏ mắt trị mộng thịt giúp bôi trơn và cung cấp nước mắt nhân tạo. 
  • Thuốc mỡ giúp cung cấp độ ẩm cho mắt. 
  • Thuốc nhỏ mắt chứa steroid, có tác dụng làm dịu viêm và thường được sử dụng trong thời gian ngắn. 

Đối với mộng mắt nhẹ thường có thể điều trị bằng cách sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc tra mắt. Tuy nhiên cần lưu ý rằng người bị mộng thịt không nên lạm dụng thuốc nhỏ mắt vì điều này có thể gây tình trạng co mạch mắt.

Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc – Phương pháp thường được chỉ định với bệnh mộng thịt mắt 

Thực hiện phẫu thuật loại bỏ mộng thịt

Mộng mắt rất có thể sẽ phát triển mạnh và tấn công bề mặt lòng đen của mắt. Khi đó người bệnh cần đến bệnh viện chuyên khoa mắt để kiểm tra và tiến hành phẫu thuật để loại bỏ mộng. Phương pháp cắt mộng mắt này nhằm loại bỏ toàn bộ mộng, khôi phục lại đôi mắt ban đầu, cải thiện tầm nhìn và phục hồi thị lực. Đồng thời ngăn ngừa biến chứng nặng gây mất thị lực. Đặc biệt sau phẫu thuật nguy cơ tái phát bệnh sẽ giảm đi. 

Có nhiều phương pháp phẫu thuật để cắt bỏ mộng mắt như: cắt bỏ đơn thuần, ghép kết mạc hoặc phẫu thuật kết hợp với các biện pháp điều trị bổ sung (chiếu tia laser, tia X, sử dụng thuốc có chứa corticoid hoặc thuốc chống chuyển hóa). Tùy thuộc vào phương pháp điều trị được lựa chọn, tỷ lệ tái phát bệnh có thể khác nhau.

Phẫu thuật mộng thịt phát triển

Mộng thịt mắt phát triển, tấn công đến lòng đen cần được phẫu thuật

Một cuộc phẫu thuật mộng mắt thông thường chỉ mất khoảng 30 - 45 phút. Sau thủ thuật bệnh nhân thường không cần phải nằm viện. Mặc dù mộng thịt có thể không gây ảnh hưởng nhiều nhưng nó có thể được loại bỏ vì mục đích thẩm mỹ. Sau phẫu thuật mộng thịt, bệnh nhân sẽ được yêu cầu đeo miếng bịt mắt để bảo vệ trong khoảng 1 - 2 ngày. 

Lời kết

bệnh mộng mắt không thực sự nguy hiểm nhưng vẫn gây ra những ảnh hưởng đến tầm nhìn, sức khỏe và thẩm mỹ. Do đó, khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Khoa mắt của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có rất nhiều y bác sĩ giàu kinh nghiệm, máy móc hiện đại chắc chắn sẽ sớm giúp bạn điều trị nhanh chóng, hiệu quả. Liên hệ sớm đến đường dây nóng 1900 1806 để được tư vấn và đặt lịch thăm khám.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,704

Bài viết hữu ích?

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn

19001806 Đặt lịch khám