Bị mụn cóc có nguy hiểm không? Làm sao để chữa khỏi?

Thao Tran

07-08-2023

goole news
16

Mụn cóc là bệnh da liễu phổ biến thứ hai, chỉ xếp sau mụn trứng cá. Theo thống kê, khoảng 75% dân số bị mụn tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Vậy mụn cóc có thể chữa khỏi được không hay làm sao để phòng tránh mắc phải bệnh lý da liễu này, các thông tin sẽ được Bệnh viện Đa khoa Phương Đông chia sẻ trong bài viết ngày hôm nay.

Mụn cóc là gì?

Mụn cóc là bệnh phổ biến và lành tính. Chúng hình thành do thượng bì tổn thương bị nhiễm Human Papilloma Virus (virus HPV), làm kích thích tăng sinh tế bào một cách nhanh chóng. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phát ra hơn 100 loại virus HPV khác nhau, trong đó mụn mọc ở chân, thay thường do nhóm HPV 1, 2, 3, 7, 27, 57 gây ra và mụn cóc sinh dục thường do nhóm virus HPV 6, 11… gây ra.

mụn cócMụn cóc là gì?

Chấn thương nhỏ ở da làm tổn thương, phá vỡ lớp sừng hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Đặc biệt, đối với người có hệ miễn dịch suy giảm (như ghép thận hoặc nhiễm HIV) có nguy cơ cao phát triển các tổn thương gây khó điều trị và mụn cóc cũng thường tái phát lại ở những trường hợp này.

Mụn cóc có nhiều loại và thường được đặt tên theo hình dáng và vị trí xuất hiện. Các vị trí “ưa thích” có thể kể đến như tay, chân, mặt, môi, miệng, lưỡi, cổ họng, bộ phận sinh dục, hậu môn, trực tràng… 

Các loại mụn cóc

Do virus HPV gây bệnh tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể nên có rất nhiều loại mụn cóc, như:

  • Mụn cóc thông thường (common warts): là những khối u xấu xí, màu xám hoặc đen, sần sùi mọc ở ngón chân, bàn chân hay ngón tay, bàn tay và quanh móng. Loại mụn cóc này xuất hiện do virus xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước khi cắn hoặc cắt móng tay, móng chân. Nốt mụn có nhiều kích thước khác nhau, có thể chỉ khoảng 1- 2mm, nhưng có khi lên đến vài chục mm.
  • Mụn cóc phẳng (plane warts): là những khối u có kích thước tương đối nhỏ (thường dưới 5mm) và nhẵn hơn so với các loại khác. Tuy nhiên, dạng này có tốc độ phát triển và khả năng lây lan sang các vùng da lân cận khá nhanh. Đối với nữ thì thường ở bàn chân, nam giới là ở quanh vị trí mọc râu còn trẻ em nổi nhiều ở mặt. 
  • Mụn cóc lòng bàn chân (verruca): là những mụn nổi ở gót chân hay lòng bàn chân khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Mụn gây đau đớn mỗi khi di chuyển và rất dễ vỡ vì chịu áp lực chèn ép của chân với mặt nền.
  • Mụn cóc sinh dục (genital warts): là những nốt mụn xuất hiện ở bộ phận sinh dục và hậu môn. Chúng thường được nhiều người gọi với cái tên quen thuộc là bệnh sùi gà (một bệnh STDs phổ biến hiện nay). Bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc với dịch tiết, vùng da bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể bị lây truyền từ mẹ trong quá trình sinh nở.

một số loại mụn cóc thường gặp

Hình ảnh một số loại mụn cóc thường gặp

Ngoài ra, mụn cóc còn có ở dạng sợi mảnh, dài trên da, thường gặp ở miệng, mũi, mí mắt và phát triển cực kỳ nhanh chóng.

Nguyên nhân gây mụn cóc

Khi virus HPV xâm nhập vào cơ thể qua những vết tổn thương trên da sẽ gây nhiễm trùng và hình thành mụn cóc. Virus HPV lây đến các bộ phận khác nhau của cơ thể hoặc từ người sang người thông qua:

  • Tiếp xúc trực tiếp mụn cóc.
  • Dùng chung vật dụng vệ sinh cá nhân với người nhiễm bệnh như dao cạo râu, khăn tắm…
  • Quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh (mụn cóc sinh dục).

Bên cạnh đó, một yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh như:

  • Tổn thương ngoài ra.
  • Nhiễm trùng da.
  • Vùng da thường ẩm ướt, chân hoặc tay đổ nhiều mồ hôi.
  • Thường đi chân trần.
  • Tác động đến vùng mụn làm cho chúng lây lan như gãi, cào, nặn…
  • Bơi ở bể bơi công cộng.

virus HPV nguyên nhân gây mụn cócMột số Type HPV phổ biến gây mụn cóc ở người

Dấu hiệu bị mụn cóc

Mụn cóc giống một nốt sần sùi màu xám trắng hoặc da. Hình dạng của chúng đôi khi giống một bông hoa súp lơ sần sùi, một số loại thì phẳng. Chúng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến người bệnh cảm thấy khó chịu:

  • Gây đau khi đi lại hoặc đi vệ sinh, một số trường hợp có thể không gây đau.
  • Chảy máu nhẹ.
  • Cảm giác bỏng rát ở vị trí bị nổi mụn và khu vực xung quanh.
  • Bộ phận sinh dục bị ngứa, kích ứng, khó chịu.

Bên cạnh những loại mụn cóc có kích thước khá lớn và mọc tập hợp thành nhóm thì cũng có một số loại rất nhỏ nhưng người bệnh vẫn có thể cảm nhận hoặc nhìn thấy được.

Nếu có bất kì thắc mắc, dấu hiệu bệnh nào, quý khách hàng có thể liên hệ số điện thoại tổng đài 19001806 để được tư vấn cụ thể hoặc để lại thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám để đặt lịch khám tại bệnh viện đa khoa Phương Đông.

Bị mụn cóc có nguy hiểm không?

Đa phần mụn cóc không gây nguy hiểm và sẽ biến mất sau một thời gian được điều trị. Tuy nhiên, đôi khi chúng vẫn có thể gây ra những triệu chứng nặng như:

  • Ung thư: virus HPV và mụn cóc sinh dục có liên quan đến một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư vòm họng, …
  • Nhiễm trùng: nếu người bệnh tác động đến các nốt mụn như cắt, cạy, nặn… thì sẽ hình thành các vết nứt trên da, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng.
  • Gây đau đớn: mụn cóc thường không gây đau nhưng khi móc ở lòng bàn chân sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và đau, đặc biệt là khi di chuyển.
  • Biến dạng: những người dễ nổi mụn cóc như có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể khiến tay, mặt và cơ thể bị biến dạng.

ung thư cổ tử cung - biến chứng nguy hiểm do mụn cóc gây raUng thư cổ tử cung - Một trong những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của chị em phụ nữ

Phương pháp chẩn đoán

Việc chẩn đoán mụn cóc thường dựa trên các triệu chứng lâm sàng và ít khi dùng đến sinh thiết.

  • Có một vết sưng nhỏ nổi trên da.
  • Kích thước trung bình trong khoảng 1 - 10 mm.
  • Bề mặt mụn có thể sần sùi hoặc nhẵn nhụi.
  • Mụn mọc đơn lẻ hoặc tập hợp theo cụm.
  • Có thể bị ngứa trong một số trường hợp.
  • Mặt bàn tay, bàn chân, đầu gối thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngoài ra, việc chẩn đoán cần phải phân biệt với u mềm lây, dày sừng da dầu và mắt cá, vết chai.

  • U mềm lây là bệnh lý ngoài da do virus lành tính thuộc nhóm Poxvirus gây nên. Tổn thương là các nốt sần chắc và lõng giữa có màu hồng nhạt, vàng hoặc trắng đục, đôi khi như màu da bình thường, đường kính khoảng 2 - 6mm và đứng riêng rẽ hoặc thành nhóm.
  • Dày sừng da dầu (dày sừng tiết bã) là tình trạng xuất hiện những đốm mụn thịt vô hại, hình thành do các tế bào sừng ở thượng bì tăng đột biến, tăng sinh tế bào hắc sắc tố.
  • Mắt cá, vết chai: do sự tăng dày sừng tại một vị trí phải chịu áp lực và ma sát liên tục.

Cách điều trị mụn cóc

Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Một số ít trường hợp mụn cóc có thể tự biến mất (rất hiếm) nhưng cũng có những trường hợp người bệnh không điều trị hoặc điều trị tại nhà khiến bệnh trở nặng và gây ra những biến chứng nặng nặng nề. Một số phương pháp điều trị như:

Sử dụng thuốc trị mụn cóc

Acid salicylic và Cantharidin là 2 loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn cóc .

Acid salicylic

khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh nên ngâm mụn cóc trong nước ấm trước, sau đó thoa trực tiếp acid salicylic lên vị trí bị tổn thương, thời gian dùng trong 2- 3 tháng để đạt được hiệu quả. 

Lưu ý: tuyệt đối không để thuốc lan sang vùng da xung quanh, nắp kín sau sử dụng và bảo quản ở nơi thoáng mát. Không sử dụng acid salicylic cho những người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường hay mụn cóc nhiễm trùng… Trong trường hợp thuốc dây vào mắt, cần phải rửa với nước sạch trong 15 phút và sau đó nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cantharidin

Đây là loại chất béo không màu, không mùi và có nguồn gốc từ bọ cánh cứng. Cantharidin chứa các thành phần khiến vùng da tổn thương quanh mụn cóc phồng rộp và sau đó mụn sẽ bong ra. 

Nếu điều trị mụn cóc bằng thuốc Cantharidin thì cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu để tránh gây kích ứng da. Bên cạnh đó, Cantharidin cũng có thể gây khó chịu và đau cho người bệnh trong quá trình điều trị. Với mụn ở lòng bàn chân, nếu không vệ sinh sạch sẽ thì việc dùng Cantharidin có thể gây nhiễm trùng hoặc viêm mô tế bào.

thuốc điều trị mụn cócSử dụng thuốc chữa mụn cóc

Các phương pháp điều trị mụn cóc tại cơ sở y tế

Bên cạnh sử dụng thuốc điều trị thì khi đến cơ sở y tế người bệnh sẽ được thực hiện một số phương pháp sau:

Áp lạnh

Điều trị mụn cóc bằng áp lạnh được chia thành nhiều lần. Mỗi lần, bác sĩ sẽ thực hiện phun nitơ lỏng vào mụn, dẫn đến hình thành 1 vết phồng. Sau một thời gian, vết phồng rộp, nốt mụn sẽ tự bong tróc ra.

Áp lạnh bằng nitơ lỏng có thể gây sẹo, không có cảm giác tạm thời, mất sắc tố da vĩnh viễn. Chính vì vậy, người bệnh có da qua sẫm màu hoặc da quá sáng màu không nên điều trị áp lạnh, nhất là người bị ở mặt. Kỹ thuật này cũng không được dùng để điều trị mụn cóc ở trẻ em vì có thể gây đau.

Cắt bỏ

Phương pháp này thường được chỉ định loại bỏ mụn cóc dạng nhú (filiform ). Bác sĩ dùng dao mổ để cắt bỏ hoặc cạo chúng. 

Phẫu thuật điện/nạo

Phương pháp kết hợp giữa nạo thủ công và đốt cháy bằng điện được áp dụng để điều trị những mụn cóc ở vị trí bằng phẳng, kích thước nhỏ hơn 20mm. Người bệnh sẽ được thực hiện gây tê tại chỗ trước khi phẫu thuật loại bỏ mụn. Đây là phương pháp ít gây nhiễm trùng và vết thương lành nhanh nhưng dễ tái phát do nhân và rễ không được lấy sạch hoàn toàn.

đốt mụn cócĐốt bỏ mụn cóc là phương pháp được được nhiều người lựa chọn để chữa trị bệnh lý da liễu này

Laser

Đây là cách sử dụng ánh sáng từ máy Laser CO2 Fractional để đốt nóng, phá hủy các mạch máu nhỏ trong mụn cóc và được áp dụng cho những trường hợp nặng nhằm mục đích loại bỏ triệt để các nốt sần trên da, ngăn chặn lây lan sang vùng da xung quanh. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây đau và để lại sẹo trên da.

Bleomycin

Bleomycin là một kháng sinh thuộc nhóm glycopeptid tan trong nước, có tác dụng gây độc với tế bào, được dùng để chữa mụn cóc cho những trường hợp không đáp ứng được với các phương pháp khác. Bleomycin giúp ức chế sự tăng sinh, phát triển của tế bào. Tuy nhiên, việc sử dụng bleomycin có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau trong và sau khi tiêm, để lại sẹo, thay đổi sắc tố… Tuyệt đối, không sử dụng loại thuốc này cho phụ nữ đang mang thai.

Liệu pháp miễn dịch

Với những mụn cóc “cứng đầu”, việc áp dụng các phương pháp điều trị truyền thống không đáp ứng thì liệu pháp miễn dịch sẽ tác động đến virus gây bệnh và cải thiện tình trạng. Bác sĩ sẽ sử dụng một số loại hóa chất để làm cho mụn biến mất, chằng hạn như diphencyprone (DCP).

Làm sao để phòng ngừa bệnh mụn cóc?

Chủ động phòng ngừa là cách hữu hiệu giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh cũng như hạn chế mụn cóc tái nhiễm. Các biện pháp phòng ngừa gồm:

  • Bỏ thói quen cạo lớp biểu bì hoặc cắn móng tay.
  • Không dùng chung các đồ dùng cá nhân, khăn tắm, bấm móng tay, quần áo, dao cạo râu với người khác, đặc biệt là người bị nhiễm bệnh.
  • Không trực tiếp chạm vào mụn cóc của người khác.
  • Tiêm phòng vaccine HPV và quan hệ tình dục có sử dụng biện pháp an toàn để ngăn ngừa mụn cóc sinh dục.
  • Nên đi dép hoặc giày khi sử dụng phòng thay đồ công cộng.

phòng ngừa mụn cócTình dục an toàn - Cách phòng tránh đơn giản nhưng hiệu quả

Lối sống dành cho người bệnh

Người bị mụn cóc nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu sự lây lan của nốt mụn và giúp mụn nhanh lành. Ví dụ như:

  • Bổ sung trái cây tươi, rau, các loại ngũ cốc.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để duy trì sức khỏe khỏe mạnh.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, đặc biệt là vào buổi tối nhằm thúc đẩy chức năng miễn dịch, phục hồi.

Mụn cóc gây mất mỹ, làm cho người bệnh mất đi sự tự tin, e ngại tiếp xúc với người khác. Chính vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm, càng tốt để được tư vấn hướng điều trị phù hợp. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông quy tụ đội ngũ bác Da liễu giỏi, vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị tiên tiến hỗ trợ tối đa trong quá trình thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Nếu bạn còn có thắc mắc nào khác, có nhu cầu đặt lịch khám cùng bác sĩ da liễu hãy bấm ngay đến tổng đài 19001806 để được tư vấn chi tiết hoặc để lại thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám để đặt lịch khám ngay hôm nay.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

1,923

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám