Phụ nữ khi mang bầu phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, trong đó tình trạng ít gặp như nhau cài răng lược thường gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bà bầu. Việc tự trang bị cho mình những kiến thức cần có trong quá trình mang thai sẽ giúp cả mẹ và bé khỏe mạnh và an toàn vượt cạn.
Nhau cài răng lược là gì?
Nhau cài răng lược là thuật ngữ chỉ một trong những tình trạng không tốt xảy ra trên cơ thể phụ nữ trong quá trình mang bầu sinh con. Nhau thai là bộ phận phát triển bên trong tử cung làm nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng, oxy… nuôi dưỡng bào thai được kết nối qua dây rốn. Khi em bé được sinh ra thì chức năng của nhau thai cũng chấm dứt, đồng nghĩa với việc nó sẽ phải được đào thải hết ra ngoài cơ thể. Nhưng trong một vài trường hợp, nhau thai không tự bong ra một cách tự nhiên mà dính chặt trên thành tử cung, tình trạng này được gọi là nhau cài răng lược.
Dễ hiểu thì lúc này nhau thai như một phần của tử cung, vậy nên nếu không có kỹ thuật tốt để tách bỏ sẽ gây ra chảy máu, băng huyết, hoặc một số vấn đề hậu sản không mong muốn.
Nhau cài răng lược là gì?
Tùy vào mức độ bám chặt, ăn sâu của nhau thai vào thành tử cung mà y học phân nhóm tình trạng bất thường này thành 3 thể như sau:
- Thể bất thường nhẹ hay nhau cài răng lược thể Accreta: nhau thai chỉ bám dính trên bề mặt tử cung. Thể này chiếm từ 75-80% các trường hợp mắc phải.
- Thể bất thường dạng trung bình là Increta: nhau thai bám sâu hơn, ăn vào lớp cơ của tử cung, chiếm khoảng 14% chỉ số nhau cài răng lược khác.
- Thể Percreta là thể nặng nhất: bánh nhau dính chặt và thâm nhập sâu hơn nữa, qua lớp thanh mạc tử cung, thậm chí xâm lấn tới các bộ phận khác của cơ thể. Trường hợp này hiếm gặp hơn mà lại vô cùng nguy hiểm.
- Nhiều chị em mới mang thai lần đầu hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc chưa từng nghe hay gặp tình trạng này. Tuy vậy trong y học thì đây được đánh giá là tình trạng nguy hiểm có thể dẫn tới: sinh non, băng huyết khó cầm, sót rau nhiễm trùng sau sinh, hậu sản, tử vong…
Nhau cài răng lược khi mang thai
Theo thống kê thì chỉ số mắc phải hay tần suất phụ sản bị tình trạng này tăng gấp 3 lần trong vòng 20 năm qua. Tùy tình trạng nặng nhẹ mà việc điều trị, can thiệp khác nhau, có thể sẽ phải cắt bỏ một phần tử cung, thậm chí là các bộ phận liên quan bị nhau thai xâm lấn.
Vậy làm thế nào để sớm biết được mình có rơi vào bệnh lý này không? Hãy cùng tìm hiểu các nội dung hữu ích tiếp theo nhé.
Các cách phát hiện mẹ bầu bị nhau cài răng lược
Câu hỏi đặt ra là nhau cài răng lược có biểu hiện gì ra ngoài cho bà bầu biết hay không? Thường biểu hiện ở giai đoạn nào của thai kỳ? Các cách phát hiện nhau cài răng lược hiện nay?
Đáng tiếc là triệu chứng nhau cài răng lược ít khi có biểu hiện gì đặc biệt trong toàn bộ thai kỳ. Thông thường khi sản phụ thấy xuất hiện tình trạng bất thường như: chảy máu ồ ạt, đau bụng, xuất huyết… thì mới đến bệnh viện để kiểm tra. Lúc này, thông qua việc thăm khám, siêu âm, xét nghiệm thì bác sĩ mới có thể chẩn đoán được rằng liệu bệnh nhân bị chứng nhau cài răng lược hay là một bệnh lý nào khác.
Hình ảnh ba thể nhau cài răng lược
Tin vui là chúng ta có thể phát hiện ra sớm thông qua việc siêu âm. Các chuyên gia Sản khoa Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho biết có thể phát hiện sớm hay không còn phụ thuộc vào tình trạng hay thể nhau cài răng lược. Hình ảnh nhau cài răng lược trên siêu âm đôi khi không rõ ràng, đặc biệt trong những tháng đầu mang bầu.
Việc chẩn đoán này thường chính xác trong thời gian mang bầu tháng thứ 7 trở đi. Rất nhiều trường hợp chủ động theo dõi song vẫn không phát hiện ra cho tới khi phụ sản sinh con mà không thấy bánh nhau ra ngoài.
Một phần bác sĩ chưa có kinh nghiệm, hay máy móc chưa đủ chất lượng hay độ rõ nét để đáp ứng mục đích thăm khám. Bạn cần lựa chọn các cơ sở uy tín để theo dõi sức khỏe thai kỳ.
Các đối tượng có nguy cơ cao bị nhau cài răng lược
Ai sẽ thuộc trường hợp dễ gặp phải rau cài răng lược? Chúng ta cần biết sớm để phòng ngừa và lường trước những biến chứng có thể xảy ra. Các chuyên gia có đưa ra khuyến cáo cho một số trường hợp sau sẽ dễ gặp bệnh lý này:
- Phụ nữ đã từng sinh mổ hoặc có các vết sẹo mổ trên tử cung vì các lý do khác như: mổ điều trị u xơ tử cung, do tai nạn…Sinh mổ càng nhiều thì tỷ lệ xảy ra càng cao. Cứ mỗi lần sinh mổ thì nguy cơ gặp hiện tượng này có thể nhân nhiều lần.
- Phụ nữ nhiều tuổi mang thai: lúc này các bộ phận sinh sản đã không còn khỏe mạnh như khi còn trẻ, có thể là suy giảm nội tiết tố hỗ trợ cho mang bầu sinh con, sự lão hóa và suy giảm chức năng hoặc sự diễn tiến phát sinh bất thường khác…
- Những người nạo thai nhiều lần: đây là tác động gây hư hại nghiêm trọng tới tử cung, gây ra các vết sẹo, làm yếu tử cung, làm ảnh hưởng tới sự phát triển tự nhiên khi thực hiện thiên chức mang bầu.
- Người có tiền sử viêm nhiễm niêm mạc tử cung: Chị em cần hết sức lưu ý về vấn đề viêm nhiễm nói chung, không riêng gì niêm mạc tử cung. Nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ mà còn gián tiếp gây ra các dị tật cho con, ảnh hưởng sự phát triển chung của bào thai. Đây là một lý do để nhau cài răng lược xảy ra.
- Chị em đã sinh con nhiều lần: tử cung sẽ yếu hơn so với bình thường.
- Phụ nữ bị nhau thai tiền đạo: đây lại là một bệnh lý khác song nó liên quan mật thiết tới nguy cơ nhau cài răng lược. Tỷ lệ bị cả hai cùng nhau lên tới 25%.
- Phụ nữ có thói quen sống thiếu khoa học, ăn uống phải nhiều chất độc hại, thực phẩm biến đổi gen hay sống trong môi trường ô nhiễm, thuốc lá, khói bụi…
Siêu âm là cách giúp phát hiện mẹ bầu có bị nhau cài răng lược hay không
Hiện tại các chuyên gia Sản khoa chưa có cách xác định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng này ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên phần lớn các bệnh nhân đều có đặc điểm chung là niêm mạc tử cung yếu. Có thể tình trạng này xuất hiện do bẩm sinh song phần lớn là từ các trường hợp đã liệt kê ở trên.
Cách xử lý nhau cài răng lược ở các giai đoạn thai kỳ
Nhìn những hậu quả nghiêm trọng có thể gặp phải, chắc hẳn các chị em sẽ rất lo lắng. Dẫu vậy thì những gì không mong muốn xảy đến thì đều cần đón nhận. Luôn có cách giải quyết tốt nhất, điều cần thiết là bình tĩnh và tin tưởng.
Đây là hiện tượng bất thường trong thai kỳ đòi hỏi bác sĩ sản khoa phải có kinh nghiệm chuẩn đoán và ra phương án điều trị chính xác. Tùy thuộc tình trạng cụ thể của phụ sản, đặc biệt là thời điểm phát hiện ra nhau cài răng lược.
Trường hợp nhau cài răng lược ít, nhẹ thì có thể yêu cầu chủ động sinh mổ lấy bé sớm. Các bác sĩ chủ động lấy hết phần nhau có thể trên thành tử cung. Phần còn lại dùng thuốc hoặc biện pháp khiến nhau tự tiêu. Đồng thời bổ sung lượng máu cần thiết bù đắp cho cơ thể tự tái tạo và hồi phục. Trong các ca mổ như thế này, bác sĩ trực tiếp cần có kinh nghiệm và hết sức thận trọng, phòng ngừa trường hợp tiến triển xấu vẫn có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật do mất máu.
Nếu phát hiện ra nhau cài răng lược sớm nhưng bánh răng bám quá chặt, ăn sâu, thậm chí xâm lấn sang bộ phận khác như bàng quang… Phụ sản có thể đối mặt với việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung cũng như các bộ phận liên quan bị ảnh hưởng.
Trường hợp cuối cùng là phát hiện ra khi đã sinh em bé. Lúc này việc chuẩn đoán mang tính bị động và cấp bách hơn buộc bác sĩ phải nhanh chóng đưa ra phương án kịp thời, nếu không người mẹ sẽ mất máu rất nhanh.
Hình ảnh nhau cài răng lược nghiêm trọng
Các diễn đàn xoay quanh vấn đề nhau cài răng lược khi mang thai được rất nhiều chị em bàn luận và theo dõi. Các chuyên gia Sản khoa cho biết, thực tế tỷ lệ gặp phải tình trạng này ngày càng tăng, khi mà các bạn gái ngày càng bạo dạn hơn trong vấn đề tình dục mà thiếu trang bị kiến thức bảo vệ cho mình.
Một số bác sĩ khi trả lời thắc mắc của bệnh nhân cũng cho rằng các ca phẫu thuật xử lý nhau cài răng lược thuộc loại khó nhất trong phụ khoa. Cách tốt nhất để chị em phụ nữ phòng ngừa là thực hiện lối sống khoa học, hạn chế nạo phá thai, theo dõi sát sao từng kỳ kiểm tra thai sản, lựa chọn cơ sở y tế uy tín.
Vẫn có câu “cửa sinh là cửa tử” quả thật không sai khi nói về những nguy hiểm khi mang thai và sinh con. Nhau cài răng lược là tình trạng không ai mong muốn khi mang thai. Nó sẽ rất nghiêm trọng nếu không được phát hiện, theo dõi và điều trị kịp thời. Vì thế các chị em càng nên cẩn trọng hơn khi theo dõi thai kỳ, hiểu rõ sức khỏe của mình và bảo vệ cho con yêu chào đời thuận lợi. Hãy giữ một tinh thần tích cực, thoải mái cũng như chuẩn bị chu đáo cho hành trình thực hiện thiên chức đáng quý này!
Nếu vẫn còn thắc mắc, mẹ bầu hãy liên hệ hotline 1900 1806 để được đội ngũ bác sĩ Sản khoa tư vấn, giải đáp trực tiếp.