Nước tiểu có bọt như xà phòng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý sức khỏe, liên quan đến hệ tiết niệu của cơ thể. Nếu thường xuyên mệt mỏi, buồn nôn, mất ngủ, phù nề,... đi kèm với tiểu tiện có bọt thì cần thăm khám sớm, nhận chẩn đoán và tư vấn điều trị từ bác sĩ.
Nước tiểu có bọt như xà phòng là bệnh gì?
Nước tiểu có bọt như xà phòng là hiện tượng bất thường, do nhiều nguyên nhân gây nên như nhiều protein, cơ thể mất nước hoặc bệnh lý. Nước tiểu bình thường có màu từ trong suốt đến hổ phách, song đa phần là vàng nhạt. Vậy nên khi nghi ngờ, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Tiểu tiện lực mạnh
Trường hợp bàng quang chứa nhiều nước tiểu, kết hợp với việc nhịn vệ sinh quá lâu sẽ khiến nước tiểu được đẩy ra ngoài với áp lực mạnh và nhanh, khiến nước tiểu nổi bọt. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, bạn có thể hạn chế bằng cách tiểu tiện ngay khi thấy buồn.
(Tiểu mạnh khiến nước có bọt như xà phòng)
Nhịn tiểu lâu không chỉ làm nước tiểu có nhiều bọt, lâu ngày còn tích tụ nước tiểu dẫn đến sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu hay tiểu không tự chủ. Như vậy, đi tiểu ngay khi buồn vệ sinh cũng là một cách phòng tránh các bệnh liên quan đến thận.
Cơ thể mất nước
Uống ít nước, tham gia hoạt động trong thời gian dài khiến cơ thể mất nước, làm thành phần có trong nước tiểu trở nên cô đặc và gây có bọt như xà phòng. Bằng giác quan bình thường, bạn có thể nhận thấy màu sắc sẫm, mùi nặng hơn so với bình thường.
(Cơ thể mất nước khiến nước tiểu có bọt)
Nếu nước tiểu có nhiều bọt do nguyên nhất mất nước, bạn cần cân bằng lại lượng nước trong cơ thể, duy trì uống 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày. Việc làm này giúp hạn chế tình trạng mất nước do thể dục thể thao, hoạt động cần dùng sức. Bổ sung khi cần vận đồng nhiều, đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ nước.
Protein trong nước tiểu tăng cao
Protein là một thành phần có trong nước tiểu nhưng với hàm lượng thấp. Nếu chức năng cầu thận bị rối loạn, protein sẽ đào thải trực tiếp qua đường nước tiểu thay vì được lọc qua màng lọc thận và giữ lại trong cơ thể.
(Nước tiểu có bọt khi protein đào thải trực tiếp qua đường nước tiểu)
Ngoài ra, hàm lượng protein trong nước tiểu tăng cao, gây bọt như xà phòng có thể là dấu hiệu sớm của bệnh thận, tiểu đường hoặc huyết áp cao. Nếu là nguyên nhân này, người bệnh cần sớm di chuyển đến bệnh viện để được kiểm tra, đánh giá và nhận phác đồ điều trị kịp thời.
Xuất tinh ngược dòng
Xuất tinh ngược là tình trạng tinh dịch không đi ra ngoài mà ngược dòng vào bàng quang khi nam giới xuất tinh. Vậy nên, sau khi quan hệ tinh trùng sẽ di chuyển vào nước tiểu, khiến nước tiểu đục và có bọt.
Nhiễm trùng đường tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu hay nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý phổ biến, do vệ sinh không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm tấn công bàng quang. Bạn có thể nhận biết qua các triệu chứng như tiểu tiện có bọt như xà phòng, tiểu kèm máu, tiểu đau, nước tiểu đục.
(Nhiễm trùng đường tiết niệu làm xuất hiện tình trạng nước tiểu có bọt)
Dù vậy, để biết chính xác bản thân có bị nhiễm trùng đường tiểu hay không thì bạn cần thăm khám lâm sàng, xét nghiệm hệ tiết niệu và nước tiểu. Dựa vào kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán, từ đó tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị.
Đái tháo đường
Đái tháo đường là tình trạng người bệnh không thể kiểm soát đường huyết trong cơ thể, nồng độ đường trong máu quá cao khiến thận gặp khó khăn trong chuyển hóa, lọc phân tử. Bệnh khiến đường và protein đào thải qua đường nước tiểu, dẫn đến hiện tượng có bọt như xà phòng.
(Nước tiểu có bọt như xà phòng là biểu hiện của bệnh đái tháo đường)
Người bệnh tiểu đường, có mức đường trong máu cao còn thường xuyên cảm thấy khát, đói, mệt mỏi, ngứa da, tiểu buốt và mờ mắt. Khi nhận thấy các triệu chứng trên, chưa được chẩn đoán bởi bác sĩ thì bạn nên sắp xếp thời gian thăm khám, tuân thủ điều trị.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là tình trạng tăng liên tục huyết áp tâm thu lúc nghỉ hoặc huyết áp tâm trương lúc nghỉ. Bệnh lý này có thể làm tổn thương thận, tạo thành microalbumin khiến đi tiểu có bọt như xà phòng.
(Tăng huyết áp hình thành microalbumin khiến đi tiểu có bọt)
Hiện tượng này xuất phát từ tổn thương các mao mạch nhỏ trong thận, protein đào thải qua đường nước tiểu. Người bệnh nên kiểm soát huyết áp, giữ chỉ số ở mức ổn định để tránh tiểu tiện có bọt, giảm áp lực cho thận.
Biện pháp cải thiện nước tiểu có bọt như xà phòng
Nếu muốn điều trị dứt điểm tình trạng tiểu tiện có bọt như xà phòng, trước tiên bạn cần phải xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tiếp đến, tuân thủ hướng dẫn, phác đồ điều trị của bác sĩ về liều lượng, lịch trình tái khám.
Tùy bệnh lý mà hướng cải thiện triệu chứng tiểu sủi bọt như sau:
- Do bệnh đái tháo đường: Người bệnh cần được kiểm soát đường huyết, giữ mức ổn định bằng cách xây dựng chế độ ăn ít tinh bột, nhiều chất xơ, tránh dùng đồ uống có gas và cồn. Đồng thời tập thể dục thể thao hàng ngày, vừa sức.
- Do bệnh cao huyết áp: Quản lý huyết áp là hướng xử lý tiên quyết và quan trọng, tuân thủ chế độ ăn dinh dưỡng và thể dục thể thao đều đặn. Bạn nên hạn chế sử dụng muối, protein để giảm áp lực cho thận.
- Do xuất tinh ngược: Bác sĩ có thể chỉ định nam giới dùng một số loại thuốc có công dụng đóng cổ bàng quang, ngăn tinh dịch chảy ngược vào bàng quang. Tiêu biểu gồm imipramine, phenylephrine, brompheniramine, pseudoephedrine, chlorpheniramine.
(Những cách gợi ý cải thiện triệu chứng tiểu sủi bọt)
Dù nguyên nhân gây nước tiểu có bọt như xà phòng là bệnh lý nào, người bệnh đều cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi hoặc ngừng thuốc. Chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu gặp tác dụng phụ cần nhanh chóng thông báo với bác sĩ.
Tổng kết lại, nước tiểu có bọt như xà phòng vừa là hiện tượng sinh lý bình thường, vừa là triệu chứng của một số bệnh lý như huyết áp cao và đái tháo đường. Chuyên gia y tế khuyến cáo nên thăm khám y tế khi tình trạng không cải thiện, kéo dài, phòng tránh diễn tiến biến chứng nguy hiểm.