Phổi tắc nghẽn mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thu Hiền

11-08-2023

goole news
16

Phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến quá trình hô hấp của cơ thể với các biểu hiện lâm sàng như: Ho, khó thở, thở khò khè… Nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, nếu bạn đang muốn tìm hiểu thông tin về căn bệnh này thì hãy theo dõi nội dung dưới đây.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được gọi bằng tên viết tắt là COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease). Khi bị COPD, đường thở của người bệnh sẽ bị thu hẹp so với bình thường do viêm niêm mạc gây ra tình trạng khó thở. Thậm chí, có thể là suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời. Khi phát hiện sớm và áp dụng phác đồ điều trị tích cực có thể làm chậm tiến triển của bệnh, đồng thời giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng. 

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng đường thở bị thu hẹp so với bình thườngBệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng đường thở bị thu hẹp so với bình thường

Tỷ lệ mắc phổi tắc nghẽn mạn tính cao

Theo nghiên cứu mới đây, COPD có tỷ lệ mắc khá cao bởi chiếm 5,65% dân số tại Hải Phòng2% dân số tại Hà Nội. Đây là bệnh lý phổ biến, có tỷ lệ điều trị không hề nhỏ trong khoa hô hấp của các bệnh viện lớn. Trên thực tế, con số mắc bệnh có thể cao hơn bởi nhiều người chủ quan không đi khám khi có dấu hiệu điển hình hoặc có người không kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Phân loại COPD

COPD được phân biệt bằng hai dạng chính bao gồm:

  • Khí phế thũng

Bệnh xảy ra do các túi phổi bị tổn thương kéo dài, gây nên tình trạng khó thở. Lúc này, túi phổi có thể suy yếu, dẫn đến giảm lượng oxy vào máu do diện tích bề mặt phổi bị thu hẹp. Trường hợp túi phổi bị vỡ sẽ chèn ép và chiếm phần lớn diện tích trong khoang phổi cũng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.

  • Viêm phế quản mạn tính

Phế quản bị viêm lâu ngày làm cho lớp niêm mạc và lớp lót trong ống phế quản bị đỏ, sưng tấy và chứa chất nhầy. Nếu chất nhầy quá nhiều sẽ làm cho đường thông khí bị hẹp lại là nguyên nhân gây thở khò khè.

Dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Phổi tắc nghẽn mạn tính khi phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện sức khỏe và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Với những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc hoặc hút thuốc lá thì bệnh có thể trầm trọng theo thời gian. Tùy theo từng mức độ, diễn biến của bệnh mà dấu hiệu lâm sàng của mỗi người cũng có sự khác biệt. 

Triệu chứng sớm COPD

Những người mới bị COPD hoặc người đang trong giai đoạn cấp tính đến ổn định thường có dấu hiệu lâm sàng sau:

  • Mệt mỏi, khó chịu, tức ngực và cảm thấy lúc nào cũng thiếu năng lượng.
  • Ho có đờm, ho khan, ho dai dẳng, cảm giác như có gì đó vướng trong họng kéo dài.
  • Trong trường hợp bội nhiễm, người bệnh có thể cảm thấy ớn lạnh hoặc sốt nhẹ.
  • Khó thở là triệu chứng thường gặp và là dấu hiệu quan trọng để xác định bệnh. Người bệnh khó thở khi làm việc nặng hay gắng sức. Tình trạng này có thể tăng lên từng cơn, sau đó giảm dần nếu được nghỉ ngơi.
  • Các đợt suy hô hấp bất chợt có thể xảy ra với người bệnh trong giai đoạn này.

Khó thở là triệu chứng điển hình của phổi tắc nghẽn mạn tínhKhó thở là triệu chứng điển hình của phổi tắc nghẽn mạn tính

Các dấu hiệu kể trên giống với bệnh viêm phế quản thông thường nên nhiều người lầm tưởng dẫn đến chủ quan. COPD nếu không được can thiệp kịp thời thì bệnh trở nên trầm trọng với tần suất các cơn khó thở tăng lên. 

Triệu chứng giai đoạn nặng

Phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn trở nặng sẽ làm chức năng của phổi bị suy giảm trầm trọng. Bệnh xảy ra đột ngột và người bệnh cũng phải nhập viện thường xuyên để điều trị. Dấu hiệu COPD giai đoạn này có thể kể đến như:

  • Nhịp tim đập loạn bất thường.
  • Khó thở kéo dài, thở rít, khò khè.
  • Đau đầu tăng lên vào mỗi buổi sáng.
  • Đau tức ngực, nặng ngực thường xuyên hơn.
  • Nói chuyện khó khăn, thường thều thào và bị ngắt quãng.
  • Thường xuyên trong trạng thái lơ mơ, mệt mỏi.
  • Ngọn chi, môi nhợt nhạt, tím tái cho thiếu oxy lâu ngày.
  • Có cảm giác chán ăn, không muốn ăn, dẫn đến cân nặng có dấu hiệu giảm.

Khi có bất kỳ dấu hiệu kể trên, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu không được can thiệp thì sức khỏe sẽ trở nên trầm trọng hơn và có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng người bệnh như: suy tim, suy hô hấp,…

Nguyên nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện vẫn chưa được xác định, thế nhưng dưới đây là một số yếu tố nguy cơ chính:

  • Do bản thân người bệnh bị khuyết tật hay thiếu hụt về gen, điển hình như Alpha 1 Antitrypsin.
  • Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn so với người bình thường lên đến 90%. Trong đó, số người hút từ 20 điếu mỗi ngày trở lên chiếm khoảng 20 – 30% sẽ có biểu hiện sớm của bệnh.
  • Người làm việc trong môi trường bị nhiễm độc không khí có thể làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển của bệnh mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp. Trường hợp này chỉ chiếm 10%, thế nhưng người bệnh có thể bị suy hô hấp nặng và nguy cơ tử vong cao. 
  • Bụi silic, các sản phẩm than đá, xi măng, khí độc... có thể là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
  • Người làm việc tại các xưởng luyện kim, thợ mỏ, nông dân... thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân kích thích phế quản.

Một số biến chứng có thể gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu phát hiện và điều trị từ sớm sẽ hồi phục nhanh chóng, ổn định. Trường hợp chủ quan, không phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng làm giảm chất lượng cuộc sống. Bao gồm:

Bệnh tim

Khi bệnh tiến triển nặng sẽ làm cho niêm mạc ở phế quản sưng tấy, chèn ép đường thở. Từ đó, làm cho lượng không khí ra vào phổi bị hạn chế đáng kể. Các túi khí của phổi hay phế nang cũng bị phá hủy khiến cho sự trao đổi khí gặp nhiều khó khăn. Lúc này, nồng độ oxy trong máu bị thiếu hụt, dẫn đến Cacbonic bị đọng lại bên trong làm ảnh hưởng tới hoạt động của tim.

Phổi tắc nghẽn mạn tính có thể dẫn đến bệnh timPhổi tắc nghẽn mạn tính có thể dẫn đến bệnh tim

Tình trạng tổn thương phế nang và phế quản kéo dài làm tăng áp lực máu trong tuần hoàn phổi. Điều này sẽ khiến cho tim phải hoạt động liên tục dẫn đến giãn và suy tim.

Tràn khí màng phổi

Tắc nghẽn đường thở kéo dài khi bị COPD giai đoạn nặng sẽ khiến cho người bệnh không thể thở được hết ra ngoài lượng khí vừa hít vào. Việc tích tụ khí lâu ngày sẽ khiến cho phế nang mỏng dần, căng giãn và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Từ đó, gây nên tràn khí màng phổi. Nếu không khắc phục được tình trạng này mà để kéo dài thì người bệnh sẽ bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Giảm tuổi thọ của bệnh nhân

Đa số người bị COPD đều phát hiện bệnh ở giai đoạn nặng. Tuy nhiên, nếu mắc phổi tắc nghẽn mãn tính thì người bệnh ở bất kỳ mức độ nặng hay nhẹ đều bị giảm tuổi thọ so với bình thường. Đặc biệt, bệnh càng nghiêm trọng thì thời gian sống càng giảm. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người bị COPD nặng là 70% và giảm xuống còn 30% đối với trường hợp rất nặng.

Bệnh nhân COPD chết vì suy tim chiếm 13% và 30% do suy hô hấp. Một số trường hợp tử vong khác đáng chú ý như: Nhồi máu phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, ung thư phổi, nhịp nhanh tim kịch phát...

Tàn phế

Tàn phế là một trong những biến chứng nặng của COPD. Không chỉ làm giảm sức khỏe mà bệnh còn làm tăng nguy cơ tàn phế gồm:

  • Tàn phế về mặt xã hội

Bởi chính bản thân người bệnh có cảm giác mình bị cô lập, tách biệt với những người xung quanh. Mọi hoạt động cá nhân, sinh hoạt hàng ngày đều phải có người khác hỗ trợ. Nếu kéo dài cảm giác này sẽ dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí là trầm cảm. 

Đối với những bệnh nhân được chỉ định thở oxy dài hạn thường phải nằm tại chỗ tối đa 18 giờ mỗi ngày cũng là yếu tố làm tình trạng trầm cảm gia tăng.

  • Tàn phế về mặt hô hấp: Với các biểu hiện đau cơ, khó thở. Các triệu chứng này làm người bệnh cảm thấy khó chịu và không muốn vận động.

Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Khi bị COPD sẽ làm cho phổi bị tổn thương không hồi phục. Vì thế, phổi tắc nghẽn mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn mà người bệnh sẽ được điều trị để cải thiện triệu chứng và làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại. Để duy trì trình trạng tốt nhất cho phổi, các bác sĩ sẽ điều trị người bệnh COPD như sau:

Dùng thuốc giãn phế quản

Dùng thuốc giãn phế quản ở nhiều dạng khác nhau tùy từng tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người như: Khí dung, dạng hít, dạng xịt. Kết hợp thuốc cùng các biện pháp phục hồi chức năng đường hô hấp sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn. 

Thuốc giãn phế quản giúp người bệnh dễ thở hơnThuốc giãn phế quản giúp người bệnh dễ thở hơn

Cai thuốc lá

Nguyên nhân chủ yếu gây COPD là do hút thuốc nên bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh ngừng hút thuốc. Ngoài ra, thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi như: viêm phế quản, viêm phổi, ung thư phổi... Vì thế, từ bỏ việc hút thuốc là yếu tố quan trọng để cải thiện sức khỏe.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp được áp dụng khi bệnh COPD trở nặng. Tùy theo thể trạng cũng như tình hình sức khỏe cụ thể mà các bác sĩ sẽ thực hiện để cứu sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Các phương pháp khác

Ngoài các biện pháp điều trị trên, bác sĩ sẽ cân nhắc tình hình của người bệnh để kết hợp thêm những phương pháp khác. Đó là:

  • Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cho phổi hàng ngày.
  • Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc, kháng sinh nếu có bội nhiễm hoặc nhiễm trùng.
  • Nếu tình trạng nghiêm trọng, bệnh nhân rất khó thở thì sẽ được thở oxy hoặc máy thở.
  • Cấy ghép tế bào gốc là hy vọng chữa khỏi bệnh COPD trong tương lại

Cách phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tuy không thể khỏi COPD hoàn toàn nhưng mọi người cần tìm hiểu và áp dụng những biện pháp để phòng tránh nguy cơ gây bệnh. Các bạn có thể tham khảo một số hướng dẫn chi tiết dưới đây:

Thường xuyên tập thể dục

Các bài tập thể dục vừa sức giúp hạn chế tắc nghẽn và tăng cường trao đổi khí trong phổi. Khuyến khích người bị COPD thực hiện các hoạt động như: Đạp xe, tập yoga, đi bộ, bơi lội...

Tập luyện thể dục đều đặn để phòng bệnhTập luyện thể dục đều đặn để phòng bệnh

Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện các bài tập điều hòa nhịp thở để phổi được hoạt động ổn định và điều độ hơn. Tuy nhiên, sức khỏe người COPD không cho phép tập với cường độ cao và kéo dài nên mỗi tuần chỉ cần tập từ 2 – 3 lần là đủ.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ

Ăn uống, sinh hoạt điều độ là giải pháp an toàn và hiệu quả không chỉ với người bị COPD mà còn giúp tránh các bệnh lý đường hô hấp khác. Các chế độ sinh hoạt dành cho người bệnh có thể áp dụng như sau:

  • Tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất, chất xơ từ nguồn thực phẩm rau xanh, thịt cá hàng ngày.
  • Nên từ bỏ thuốc lá với những người nghiện thuốc. 
  • Hạn chế sử dụng bia rượu, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas.
  • Ăn ít đồ ngọt hay thực phẩm có nhiều đường hóa học.
  • Đeo khẩu trang, bảo vệ đường hô hấp mỗi khi ra ngoài, nhất là nơi công cộng.

Những biện pháp khác

Ngoài ăn uống, sinh hoạt và tập luyện thể thao, để phòng ngừa phổi tắc nghẽn mạn tính, các bạn nên áp dụng cả những biện pháp sau:

  • Khi làm việc trong môi trường độc hại, hóa chất cần mang đồ bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan và vui vẻ.
  • Chủng ngừa cúm, viêm phổi… bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ.
  • Luôn giữ môi trường sống trong lành, sạch sẽ.

Việc thăm khám, chẩn đoán phổi tắc nghẽn mạn tính từ sớm sẽ giúp người bệnh nâng cao sức khỏe và phòng ngừa biến chứng.

Bệnh viện đa khoa Phương Đông với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại là địa chỉ thăm khám COPD và các bệnh đường hô hấp uy tín. Quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 1900 1806 hoặc để lại thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám để đặt lịch khám tại Phương Đông.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,187

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám